Phật Giáo Bạc Liêu
Thứ Ba, Tháng Ba 28, 2023
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học
No Result
View All Result
Phật Giáo Bạc Liêu
No Result
View All Result

Giếng làng một môi trường văn hóa (PGS Ninh Viết Cao)

Phạm Hảo Đăng bởi Phạm Hảo
5 năm trước
in Lịch sử - văn hóa
A A
0

GIẾNG LÀNG – MỘT MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA

* PGS. Ninh Viết Cao

Chủ tịch Hội nghị Văn nghệ dân gian Nghệ An

Đi đến vùng quê nào chúng ta cũng thường nghe câu ca dao nói về giếng làng, đường làng, gái làng:

Giếng làng Cờn vừa trong vừa mát,

       Đường làng Cờn lắm cát dễ đi.

       Con giái làng Cờn đẹp như hoa thiên lý,

       Con trai thiên hạ có ý thì theo

       Làng Cờn tức làng Hương Cần hay Phương Cần, nay là xã Quỳnh Phương, huyện Huỳnh Lưu. Chỉ cần thay địa danh “Cờn” thì nói về làng nào cũng được như Si, Hàu, Mơ, Bèo,… Đó là việc tự hào chính đáng. Riêng cái giếng, ca dao vùng Quỳnh Đôi, quỳnh Hậu ( Quỳnh Lưu) có câu:

       Ta về ta uống giếng ta,

       Giếng nuôi những kẻ đào hoa anh tài.

       I. Cái gọi là giếng làng

       1. Giếng làng: các loại giếng

       Đi vào nông thôn xứ Nghệ, cái gọi là giếng làng có giếng đất, giếng đá, giếng gạch, giếng thùng, giếng vuông, giếng bán nguyệt, giếng giữa đồng, giếng trong làng, rồi giếng trên đỉnh núi như Thạch Tỉnh ở núi Đại Huệ (Nam Đàn), giếng chùa Hang ở ngọn Sư Tử trong dãy Hồng Lĩnh (Nghi Xuân), giếng ở lưng chừng núi như giếng đền Công (Diễn Châu), giếng trong hang đá như giếng hang Trả, giếng hang Chùa ở làng Dị Nậu (Quỳnh Lưu),… nhiều nhất vẫn là giếng đất.

       2. Giếng làng: đâu phải mỗi làng chỉ có một giếng

       Làng nhỏ mới có một cái giếng. Những làng lớn thường có hai đến ba cái giếng. Làng Đức Hậu ở Hậu Thành có tới sáu cái giếng:

       Giếng xóm Nam

       Giếng xóm Chợ

       Giếng xóm Ngoài.

       Giếng xóm Gạch

Giếng Thùng của các xóm Đông Phú, Thượng Thọ,…

       Giếng Rú Tháp

       Trong sáu cái giếng ấy, giếng Thùng to nhất. Cả vùng phía Bắc Nghệ An, ít thấy cái giếng nào to bằng cái giếng Thùng ở làng Đức Hậu. Giếng nằm trước đình Mõ. Vốn là giếng đất, năm 1949, giếng mới được xây bằng đá, đường kính khoảng 8m.

       Làng Phương cần ở xã Quỳnh Phương cũng có tới chín cái giếng, phần lớn đều là giếng cổ. Đó là các giếng:

Giếng Chùa ở vùng cùa Càn Long

          Giếng Trên ở xóm Tiên Phong

          Giếng Ông ở xóm Quang Trung

          Giếng Chợ ở xóm Hồng Phong

          Giếng Thánh ở xóm Quang Trung

          Giếng Bà ở xóm Ái Quốc

          Giếng Cóc ở xóm Hồng Phong

          Giếng Ới ở xóm Quang Trung

          Giếng Đò ở bến đò Càn, cạnh đền Cờn

          Chín giếng ấy phần lớn đều tròn, đường kính từ 2m đến 4m. Có giếng xây bằng đá đã được đẽo gọt theo hình vuông, có giếng xây bằng đá quả, đá chai. Do lâu năm, một số giếng dân làng đã sữa chữa lại, nên hình thù không còn như xưa. Hiện tại có giếng còn dùng được, có giếng đã trở thành phế tích.

          Đặc biệt ở hai làng Phú Mỹ và Hữu Vĩnh xã Phù Hoa cũ, nay là xã Quỳnh Hoa có đến hơn 100 giếng cổ. Giếng được đào theo một hệ thống, một ý thức, kế hoạch hẳn hoi: có khoảng 20 hàng giếng nằm cắt ngang làng Phù Hoa, mỗi hàng có năm giếng kia khoảng 200m, hàng nọ cách hàng kia khoảng 150. Thành giếng xây đá xanh, cao khoảng 1m. Đáy giếng có gỗ lội, gỗ này chịu nước hàng trăm năm nếu không nói là hàng nghìn năm. Nước trong không bao giờ cạn. Có lẽ mạch nước phát sinh từ núi Gan, một ngọn núi nhỏ nằm ở xã Quỳnh Hoa.

          3. Giếng làng và huyền thoại về giếng làng

          Giếng ở xã Quỳnh Giao ( Quỳnh Hoa) rõ ràng như vậy, nhưng nhân dân địa phương cho rằng có 99 cái giếng. Huyền thoại này gắn liền với 99 cây thị, 99 ngọn núi, 99 cây cồng. Xưa kia đã bốn lần một đoàn chim phượng hoàng (có người nói là đại bàng) gồm đúng 100 con bay về Quỳnh Lưu. Lần đầu bay tới Quỳnh Mai, chúng muốn hạ cánh trên những ngọn núi, nhưng khốn nỗi Hoàng Mai chỉ có 99 ngọn. Lần khác chúng muốn đậu trên những cây thị ở Quỳnh Hoa, song cây thị ở Quỳnh Hoa lúc đó chỉ có 99 cây. Chúng bay tới làng Yên Đình (thuộc xã Quỳnh Hưng) để đậu trên những cây cồng ở Yên Đình cũng chỉ có 99 cây. Rồi lần khác nữa, mỗi con muốn tắm trong một cái giếng của Quỳnh Hoa, song Quỳnh Hoa như đã nói trên chỉ có 99 cái giếng. Bốn lần như vậy, con chim đầu đàn đều không có ngọn núi để đậu, cây thị, cây cồng để hạ cánh và cái giếng để tắm, nên cả đàn bay đi. Có đủ 100 ngọn núi trong một dãy, cây thị, cây cồng, giếng trong một vùng, theo lối các cụ xưa truyền lại, Quỳnh Lưu đã là đất phát vương rồi.

          Có thể kể nhiều huyền thoại về các giếng khác nữa như giếng ở Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), giếng ở lèn Kim Nhan (Anh Sơn), giếng ở Nam Sơn (Anh Sơn), giếng ở dãy Giăng Màn (miền Tây Hà Tĩnh),  giếng ở động Mồng gà (Yên Thành), ở núi Hồng Lĩnh (Xuân Nghi ), với nhiều huyền thoại về giếng cổ.

          4. Giếng cổ

          Trở lại vấn đề cái giếng, đâu phải chỉ ở Phương Cần có nhiều giếng cổ, mà tại một số làng khác ở quỳnh Lưu và Diễn Châu, Yên Thành,… cũng có nhiều giếng cổ. Chẳng hạn như Quỳnh Lưu:

          – Tại làng Thiện Kỵ có giếng Kỵ, giếng Học, giếng Đất,…

          – Tại làng Kim Lung có giếng Học, giếng Mãn, giếng Sơn, giếng Sanh, giếng Dung.

          – Tại làng Lam Cầu (Quỳnh Thạch) có giếng Đông, giếng Thú, giếng Vòng.

          – Tại làng Tam Khôi ( Quỳnh Diễn) có giếng Nghè và giếng Cựu,…

          – Tại làng Nhân Huông có giếng Thè ở chân núi Thè.

          – Tại làng Cao Hậu Đông có năm cái giếng: giếng Dù, giếng Cỏ, giếng Thu Thục, giếng Nhà Dài và giếng Cào.

          Làng Dị Nậu cũng có năm giếng, hai làng Hữu Lập và Đông Hồi thuộc xã Quỳnh Lập có tới 12 giếng cổ như: giếng Mè, giếng Uống, giếng Cây Vông,… Các làng khác như Lễ Nghi, tân Long, Thái Phúc, Nhạc Sơn, Nhị Yên, Trang Họ,… cũng có giếng cổ.

          Các giếng cổ thường gắn với một ngôi cổ miếu, chùa cổ; như giếng Vòng (Lan Cầu) gắn với chùa Vòng; giếng Cào (Cao Hậu Đông), gắn với chùa Cào; giếng Kỵ (Thiện Kỵ), gắng với chùa Báo Ninh; Giếng nghè (Tam Khôi), gắn với miếu Nghè,… hay một hang đá, động đá như giếng Trả, giếng Chùa ở Dị Nậu gắn với hang Trả, hang Chùa; giếng Sanh ở Kim Lung gắn với Động Kiêu,…

          Gắn đậm nét hơn là những huyền thoại về người tàu giấu của vào thời Bắc thuộc. Như huyền thoại về những người tàu, trước đây, ban ngày đi hết làng nọ qua làng kia rao “thuoôc”, “thuoôc” để bán thuốc Bắc và chữa bệnh xong kỳ thực là dò xem xó giếng làng đó mà cha ông họ đã ghi trong một cái cảo. Khi đã dò đúng rồi, thì một đêm mưa gió tối trời, người Tàu ấy ra giếng “lấy của”. Cả những người địa lý người Tàu trước kia cũng vậy. Nghiên cứu cái cảo tổ tiên từ thời xa xưa để lại, sang Việt Nam thầy mượn tiếng làm thầy địa lý, song mục đích chính là tìm nơi cha ông giấu của theo như cảo nói. Tìm được thầy trọ tại một gia đình nào đó trong cái làng có cái giếng với những vết tích như cảo mô tả xem xét thật kỷ càng, chắc chắn rồi bằng cách nọ cách kia vào thời gian thích hợp ra giếng lấy của. Bao cách thức bí hiểm, bao mẹo mực quỷ quyệt mà những ai thường đọc những sách có nói về huyền thoại người Tàu giấu của từ thời bắc thuộc hay đời Tống (1), đời Minh chắc đã biết.

          5. Giếng trên đỉnh núi

          Như đã nói trên, núi Mồng Gà (Kê Quan Sơn) ở địa phận xã Quỳ Lăng (Yên Thành) tổ của các núi ở ùng này, phía Tây là núi Động Đình, phía Nam là núi Yên Ngựa. Núi Mồng Gà đứng giữa, cao lớn um tùm. Tục truyền trên đỉnh núi có cái giếng trời, rộng độ vài trượng vuông, chứa nước xanh biếc. Xưa có một người ở vùng này lên núi chơi, thấy trên núi có một tảng đá bằng phẳng như chiếc ấn, bên kia lại có giếng nước trong tỏa mùi thơm, cạnh đó cam quýt mọc xum xuê, quả rất ngọt, tuyệt nhiên chưa có dấu chân người. Người ấy bèn về nói với những người trong làng, khi quay trở lại thì không thấy gì thêm nữa. Tương truyền trên núi có một cái hang sâu, tục gọi là hang Sài Giới, các vị thần tiên mỗi khi về chơi thường lấy nước trong thơm ở giếng nói trên để pha trà. Phạm Viên người làng An Bài ( Diễn Châu) gặp tiên ở hang ấy, cho nên còn gọi là hang Tiên Sư. Nay trông trên núi chỉ có cây cối xanh tốt mà thôi.

          Tương tự như ở núi Mồng Gà. Ở núi Đại Huệ có giếng Thạch Tĩnh, giếng Thạch Tĩnh ở gần chùa Hương Lâm, chùa Đại Tuệ. Rồi ở đền Công ở núi Mộ Dạ, trong điện thờ Cao Lỗ, ở gian chính giữa cũng có cái giếng sâu. Nhiều nơi trên núi cũng có giếng như ở dãy Thiên nhẫn ( Nam Đàn), như ở lèn Hoành Sơn, lèn Rỏi ( Tân Kỳ).

          Như vậy, nói giếng làng đâu phải đơn giản, mỗi làng chỉ có một hay vài cái giếng mà mở rộng ra một chút ở xứ Nghệ tại một làng có nhiều giếng và trong một vùng nhỏ đã có bao loại giếng. Trong các loại giếng ấy, không có ít giếng gắn với ít nhiều huyền thoại. Nói cách khác, giếng làng rất đa dạng. Giếng làng mang đậm ý nghĩa văn học, ý nghĩa nhân văn, ngoài ý nghĩa xã hội.

II. Tên giếng

Tên giếng thì nhiều, điều chung nhất là làng nào có một giếng thường mang tên làng ấy như: giếng Trung Phường (xã Diễn Minh), giếng Hậu Luật (xã Diễn Bình),… Làng nào có nhiều giếng thì ví như làng Đức Hậu (ở Yên Thành),  ngoài giếng thường của ba, bốn xóm, có giếng xóm Gạch, giếng xóm Ngoài, giếng xóm Chợ, giếng xóm Nam. Làng Phương Cần và các làng lớn ở Quỳnh Lưu như: Phú Nghĩa, Quỳnh Đôi, Nhân Sơn,… ở Diễn Châu như: Nho Lâm, Yên Lý, Lý Trai,… cũng vậy. Ngoài ra, cũng có một số nhà phú hữu trong làng có lòng từ tâm cúng cho làng một cái giếng như giếng Bà Cả ở Quỳnh Đội, giếng Học ở Kim Khuê (Nghi Lộc),…

          Rồi giếng Chùa, giếng Đền, giếng Đình là giếng ở trong khuôn viên chùa hoặc đền đình (cạnh đó cũng gọi như vậy); giếng Mài ở xã Ngọc Trừng (Nam Đàn) là nơi nghĩa quân Mai Hắc Đế thường ra lấy nước để mài kiếm, mài gươm; giếng Cốc ở Kim Liên (Nam Đàn) là nơi nghĩa sĩ Cần Vương của Vương Thúc Mậu đã từng dấu vũ khí và lúc nhỏ Bác Hồ thường ra chơi cùng bạn bè.

          Như vậy, nói tên giếng cũng là nói vấn đề văn hóa, có điều cần phải tìm hiểu thêm.

          III. Vị trí cái giếng đối với cộng đồng dân cư “ lang”

          1. Giếng làng – nguồn sống của cả làng

          Mục đích chủ yếu, tối hậu của giếng là để có nước trong, sạch dùng trong việc sinh, tử hàng ngày của mọi người, mọi gia đình trong một cộng đồng làng. Nhân dân chỉ dùng nước giếng trong những việc cần thiết như: nấu nước uống, nấu cơm, nấu canh ăn, rửa mặt,… ít khi dùng nước giếng để tắm giặt và những việc khác. Vì khi chưa có nước máy, mỗi làng hoặc mỗi xóm, mỗi khu phố,… thường có một cái giếng, bà con gánh được một vài gánh nước về dùng hay đổ vào thùng, vào chum để trữ dùng dần trong một số ngày, đâu phải dễ dàng. Nhất là khi hạn hán, một người đi gánh nước, chạy hết giếng làng mình đến giếng làng khác, có khi lên suối lên khe nửa ngày trời chưa gánh được gánh nước. Như hai năm Canh Ngọ, Tân Vị (1930, 1931), ở xứ Nghệ nắng ròng rả mấy tháng trời liền, đất đai khô nẻ, đồng điền trắng tinh, cây cối héo khô, dân Quỳnh Lưu đã khổ vì không có cái ăn lại khổ vì không có cái uống, giếng làng nào cũng cạn khô.

          Ngồi buồn kể sự lo thay

          Năm Ngọ (1930) vừa mới, Vị (1931) này rồi cũng chẳng rồi ra sao.

          Hạn ba bốn tháng xôn xao

          Kẻ lên giếng Bái, người vào giếng Hung

          Giếng Thông là giếng uống chung (2)

Huyện Quỳnh chẳng có mấy để dùng lúc gian nguy (3).

Giếng là nhu cầu quan trọng vào loại bậc nhất, nhu cầu sống còn, thiêng liêng của mỗi cộng đồng làng, nên làng nào không ở gần sông nước ngọt hay có giếng thiên nhiên tạo thì phải đào một cái giếng.

Đào giếng: Đào một cái giếng tốt, mọi người trong làng toại ý, toại nguyện có dễ đâu. Trước khi đào giếng, dân làng phải mời thầy địa lý về xem phong thủy, để xem chỗ định đào có chạm long mạch, địa mạch hay không? Xem  phong thủy biết chắc chắn vị trí đó là nơi cát địa, không phạm đến vấn đề an sinh của xóm làng, còn phải bằng cách nọ cách kia, theo kinh nghiệm của người xưa mà cũng rất  khoa học, xem chỗ định đào giếng ấy có mạch nước không? Mà mạch nước phải lưu liên, tuôn chảy dồi dào quanh năm suốt tháng từ đời nọ qua đời kia, đủ cho trăm người dùng vào việc ăn uống. Đã thế mạch giếng ấy, nước phải trong, mát, ngọt ngào, thơm nữa càng tốt; không đục, không chua, không mặn, không có mùi hôi.

Giếng làng là nguồn sống của cả làng. Giếng làng là tài sản vô cùng quý giá của cả cộng đồng làng. Giếng làng đứt mạch cạn nước dăm ba hôm là cả dân làng lao đao, hốt hoảng rồi. Nên trước ngày đào giếng dân làng phải biện lễ vật cúng ông thổ địa, ông thần linh cai quản vùng đất ấy. Đào xong cái giếng tốt, dân làng phải biện lễ vật cúng tạ các ông.

Không phải ngẫu nhiên mà các dân tộc thiểu số trong Nam ngoài Bắc, đầu xuân hay trước ngày mở lễ hội Xăng Khan, bà con phải biện lễ vật mang vào trong khe cúng nguồn nước xuối, cúng thần nước. Một số làng ở miền xuôi, đầu xuân trong ngày lễ Kỳ Phúc cũng ra giếng cúng thần nước, nguồn nước.

Cần có nước mạch chảy lưu liên, trong, sạch, ngọt, mát, nên ít làng, nhân dân đào giếng giữa xóm, giữa làng, nơi Trung Bộ, để bà con đi gánh nước cho gần mà lại đào giếng ở giữa đồng hoặc bìa làng, xa bãi tha ma.

2. Giếng làng: nguồn nước dùng vào việc thờ cúng

Có thể dùng nước mưa, nước giữa dòng sông để thờ cúng các vị thần thánh trong làng. Nhưng đâu phải làng nào cũng có sông chảy qua, mà nước sông không phải khi nào, đoạn nào cũng trong mát, cũng ngọt lành và khi nào trời cũng mưa, nên nước giếng vẫn là chủ yếu. Do đó, ở xứ Nghệ, nhiều làng bên sông Lam, sông La,… vẫn có giếng đào.

Dân làng thường lấy nước giếng để cúng thần, tắm cho thần vào những ngày cuối năm hay những ngày rước lễ hội. Đến ngày đó, dân làng thường đem cái chóe to bằng sứ để rửa sạch, có thể đựng được vài chục lít nước, đặt trong một cổ kiệu rồi cùng với các nghi trượng và chiêng trống đi đến giếng làng, làm lễ tế thổ địa và thần Giếng, tại bờ giếng. Cúng lễ xong, trai tân cùng với ông tiên chỉ đã tắm rửa sạch sẽ đem chiếc chóe xuống giếng. Chóe được đặt lên tấm ván sơn có hai đòn khiêng. Ông tiên chỉ vái thần rồi lội xuống giếng từ từ múc nước đổ vào chóe. Khi chóe đã gần đầy nước, bốn trai tân cẩn thận khiêng lên rồi cũng cẩn thận đưa vào trong kiệu.

Lễ rước này rất quan trọng. Trước ngày rước nước, làng phải cấm giếng để giếng được trong sạch. Cấm giếng có nghĩa là không ai được bước chân xuống giếng để lấy nước về dùng hay lấy hai bàn tay khum lại để vốc nước uống. Khi dân làng đã rước nước về thờ, lúc đó thời hạn cấm giếng mới hết.

3  .Giếng làng: nơi đảo vũ, cầu mưa

Những khi hạn hán dài ngày, một số làng tại xứ Nghệ như ở: Diễn Châu, Yên Thành,… coi giếng có thần thường là nơi đảo vũ, cầu mưa.

Nghi thức tuy đơn giản, như có biện lễ vật hương đăng đặc lên bờ giếng để cúng tế các thiên thần như: Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu cùng Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ và các quỷ thần như Long Vương, Hà Bá, Đức Ông sông nước,… nhất là ông thần giếng ấy. Sau đó, mới nhẹ nhàng thả những chiếc thuyền con con làm bằng giấy có hình nhân xuống mặt giếng. Thuyền được đặt lên những cái bè làm bằng sống tàu lá chuối hay những đoạn hóp nhỏ trong có khói hương nghi ngút để tự nó trôi theo làng sóng nhẹ mà lượn lờ trên mặt nước. Thần Giếng thấy nhân dân thả thuyền cầu mưa, cầu có nước sẽ tâu với Thiên đình làm mưa hay tâu với Thủy thần cho nước mạch bùng mạnh để nhân dân có nước dùng.

Coi giếng có thần, nên không ít trai gái trong làng thương yêu nhau tha thiết đã ra giếng làng thề thốt với nhau giữ trọn lòng chung thủy. Ca dao có câu:

          Nguyện cùng trước giếng sau chùa

          Trăm năm giữ trọn, chát chua chẳng nề.

          Nguyện cùng trời thẳm đất dày,

          Giếng trong soi tỏ hai lòng sắt son.

Cũng coi giếng có thần, nên trong lòng ai bực bội điều gì cũng ra nguyền với giếng, mong thần Giếng trị tội những kẻ ăn ở bất nhân. Tại làng Kẻ Mõ ở Nam Đàn có người ngụ cư đã lâu năm. Gặp một khoa thi, ông ta nộp quyển ứng thí. Đỗ cử nhân, dân làng không rước, bực quá ông bỏ làng Kẻ Mõ ra đi. Trước khi đi, ông viết một lá sớ buộc chặt vào hòn gạch ném xuống giếng và nguyền:

          Ba năm thì một khoa thi

          Học trò làng Mõ có đi tốn tiền.

4. GIếng Yểm

Cũng vì cho giếng có long mạch, địa mạch nên dân làng hay họ nào đó đào giếng yểm để chặn long mạch. Họ Nguyễn Cảnh làng Tràng Thịnh, huyện Đô Lương rất nổi tiếng về mặt phát đạt các quan chức, có đến 18 quận công còn hầu tước, bá tước, tử tước, nam tước thì không kể. Một năm nào đó một thầy địa lý người Lộc Tục ( Trung Hoa) sang Việt Nam tìm các huyệt đất tốt để bỏ mả cho những gia đình hiền hậu có vượng phúc. Làm đầy tớ cho thầy địa lý ấy là một anh họ Thái Bá ở làng Yên Tứ, sát làng Trường Thịnh. Biết được thầy địa lý ấy sắp về Tàu, anh đầy tớ ấy xin thầy tìm cho một cái huyệt chỉ đủ cơm ăn áo mặt, sống đầy đủ sung túc thôi. Thương tình, thầy đã để cho một ngôi mả. Bỏ xong, nhìn lại, nghĩ rằng tưởng bỏ cho nó cái đấu đong thóc, ai ngờ là huyệt phát công hầu. Quả nhiên họ Thái Bá phát đạt rất nhanh. Đang thời buổi buổi Lê Mạc phân tranh, họ Thái Bá cũng có nhiều công hầu, vượt cả họ Nguyễn Cảnh. Tìm hiểu , họ Nguyễn Cảnh mới nhờ một thầy địa lý khác tìm long mạch đào giếng yểm. Giếng yểm ấy ở làng Yên Tứ nay vẫn còn. Họ Thái Bá sa sút, sau nhờ có một người họ Ngô, lấy chồng họ Thái Bá cứu vớt cho. Nhớ ơn, họ Thái Bá đổi là Thái Ngô.

Giếng yểm với mẫu chuyện tương tự như vậy ở xứ Nghệ khá nhiều. Đó là một truyện huyền hoặc mang tính chất dân gian.

5 .Giếng có ma

Cũng là những chuyện huyền hoặc, có nơi kể nhiều đêm khuya thanh vắng, dưới ánh trăng suông, dân làng thường thấy đêm thì một, đêm thì hai bóng ma trang phục toàn đồ trắng đi lượn lờ quanh bờ giếng, nếu là một thì lượn lờ một lúc rồi biến mất, nếu là hai khi đi sóng đôi lượn lờ một lúc rồi cũng ngồi tự tình với nhau bên bờ giếng, khi thì khóc lóc nỉ non, khi thì cười đùa khúc khích vui vẻ. Đó là ma giếng ở làng Niệu Ninh, Võ Liệt, Thanh Chương.

Có nơi kể cũng là những đêm trăng sáng, khi bốn bề đã lặng như tờ, chỉ có tiếng ếch nhái kêu khuya và tiếng côn trùng rên rỉ, nhân dân thường thấy từng đoàn xe ngựa với nhiều quân quan đến bên giếng, dừng lại một chút múc vài gàu nước mát rồi lại kéo đi như bà con cẩm Thái ở xã Thanh Hưng, Thanh Chương hay bà con ven đường Thiên Lý cũ, ở các xã Xuân Quỳnh, Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), Diễn Trường, Diễn Yên, Diễn Hồng (Diễn Châu)… tại giếng làng của mình.

Ma đấy, bà con đều nói như vậy. Những truyện huyền hoặc ấy chỉ kể sơ qua thôi.

Cho là giếng có ma, có thần nên giếng làng Vang ở xã Đông Vĩnh, thành phố Vinh, ai chân sạch bước xuống giếng gánh nước về nấu nước uống, nấu cơm, nấu thức ăn,… thì không sao, nhưng xuống giếng rửa chân hoặc gánh nước thì về ốm chết. Giếng Mỏ Phượng ở làng Khánh Duệ, xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc cũng vậy. Giếng làng Phù Việt ở xã Thạch Việt, Thạch Hà, đàn ông uống thì không sao, gái chưa chồng xuống giếng, khum hai bàn tay múc nước uống mà trong tâm tính có tì vết thường hay chửa hoang. Làng Câu Đồng ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có giếng Kỳ, dân làng dùng nước ấy để nấu cơm, cơm cứ nhớt nhát, nhã nha. Giếng làng Khả Phong ở Anh Sơn, xưa kia có người bước xuống giếng thì nước giếng trong, có người bước xuống giếng thì nước giếng đục…

Kể ra giếng có hiện tượng lạ như vậy còn nhiều. Nhân dân đều cho giếng có thần, có ma. Duy giếng Ngọc ở xã Hoàng Lao, nay là Nghi Thiết, Nghi Lộc có thể cắt nghĩa được. Tại đó có núi Đầu Rồng. Mạch núi từ núi Đại hoạch dẫn đến xã Hoàng Lao thì nổi vọt lên trông như hình đầu rồng, chân núi có giếng, chỉ cách chỗ nước mặn chừng một thước mà nước vẫn ngọt, tục gọi là giếng Ngọc.

6. Giếng: nơi trai gái gặp gỡ nhau trao tình

Trong tâm thức của người dân xứ Nghệ, mà có lẽ người dân của cả đất nước Việt Nam, giếng làng là trái tim của làng, là linh hồn của thôn xóm. Nhất là giếng làng nào cạnh đó có cây đa cổ thụ tỏa bóng mát hay có một ngôi đền, ngôi chùa,… Đó là một không gian văn hóa mà chiều chiều khi hoàng hôn buông xuống các cụ già thường ra ngồi hóng mát, trò chuyện với nhau về chuyện làng, chuyện nước, chuyện mùa màng, chuyện thế thái nhân tình, chuyện ai ốm đau, chuyện trên trời, dưới biển,… sau một ngày lao động; còn trẻ nhỏ thường ra chơi đùa chạy nhảy, đánh khăng, đánh đáo,… và trai gái thường ra giếng lấy nước về sinh hoạt. Gặp nhau, họ thường đùa cợt, chọc gẹo,… Rồi khi trăng lên, trăng đổ xuống bóng đáy giếng, hứng ánh răng vàng, giếng làng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc tỏ tình và những lời nhớ nhung, trách móc,… của bao thế hệ. Giếng làng nơi trai gái thường hát ví giao duyên, trao gởi tình ý qua con mắt, qua những bức thư nặng nghĩa ái ân. Ví dụ những câu:

          – Nhớ hôm bên giếng chàng ơi,

          Chàng đưa mắt liếc khiến em rơi cái gàu.

          – Nhớ chàng ra đứng gốc si,

          Nhớ ăn cùng giếng, nhớ đi cùng đường.

          – Ta về ta uống giếng ta,

          Soi gương thấy mặt cô gái nhà thậm sinh.

          – Nguyền cùng trước giếng sau chùa,

          Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu.

Hình ảnh giếng làng được mô tả một cách hấp dẫn, trữ tình, thơ mộng qua bài ca dao:

          Tròn tròn cái giếng cạnh góc cây đa,

          Đi gần nhớ ít, đi xa nhớ nhiều.

          Tròn tròn cái giếng soi mặt người yêu,

          Nhớ em gánh nước chiều chiều trên vai

          Nước trên vai vai kìa ai chân bước

          Ta đứng trông nàng trăm ước ngàn mơ

          Đêm khuya trăng tắt sao mờ,

          Ra ngồi bên giếng đợi chờ người thương.

Giếng làng mát ngọt trong làng. Soi mặt xuống giếng làng, bao cô gái thấy nhan sắc mình xinh xắn, dịu hiền và nếu có làng sóng nhẹ, gương mặt các cô bỗng trở nên huyền ảo, lung linh, sóng sánh, diệu kỳ. Gội nước giếng làng với trái bồ kết, thêm ít lá bưởi, lá chanh, mái tóc các cô sẽ mượt mà, mềm mại, thoang thoảng hương thơm, nhất là sẽ hấp dẫn bao trai làng “Đi gần nhớ ít đi xa nhớ nhiều” hơn nữa.

 

IV. Vấn đề bảo vệ giếng

Giếng nước quan hệ đến việc ăn uống thờ cúng tức quan hệ đến vận mệnh cả cộng đồng làng, nên hương ước làng nào dù là văn bản thành văn hay không thành văn đều đặt vấn đề rất quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh cho giếng nước.

– Khoán lệ làng Quỳnh Đôi, điều 76 ghi: “Giếng Bà Cả là giếng từ xưa, nước vẫn trong và thơm, cả làng đều ăn uống, nên người làng ăn uống giếng ấy phải nên dè dặt, đề phòng khi gặp đại hạn có đủ nước mà dùng. Hễ ai múc nước ra ngoài giếng để rửa rau, vo gạo, cho trâu bò uống và tắm giặt thì không được. Ai trái lệnh này thì phải phạt”(4).

– Hương ước làng Thanh sơn, điều 13 cũng viết tương tự: “Nước giếng trong làng cần phải trong sạch để hợp vệ sinh; Cấm rửa giặt tắm gội xung quanh giếng. Nếu ai không tuân bắt được, phạt 1,2 quan, trẻ con thời trách cứ phụ huynh” (5).

Có thể dẫn nhiều hương ước khác, song vấn đề giữ gìn nguồn nước giếng luôn sạch và trong mát đã đi vào tâm thức của mọi người dân trong cộng đồng. Đẻ ra đã biết điều đó. Là quyền lợi thiết thân nên ai cũng có ý thức giữ gìn và nhắc nhủ người khác giữ gìn, đâu cần đến hương ước, khoán ước. Một người nào đó chân bẩn lội xuống giếng, tuần phu bắt được hoặc ai đó trong làng trông thấy về báo cáo với lý hương là lôi thôi rồi, nặng thì phạt vạ, phạt tiền; nặng vừa thì bắt thau giếng hoặc truất ngôi thứ; nặng nữa thì đuổi ra khỏi làng.

Huống chi làng có thần. Đó là nơi dân làng không chỉ ăn uống mà còn lấy nước về thờ cúng, nơi đảo vũ cầu mưa, nơi trao gởi bùa yểm và những lời thề thốt, nơi có ma quỷ hiện hình, nơi trai gái gặp gỡ trao tình,…

Dân làng từ trẻ chí già ai cũng có ý thức bảo vệ giếng làng. Bảo vệ giếng làng là bảo vệ lẽ sống, nguồn sống hằng ngày của mọi thành viên trong cộng đồng làng như bảo vệ con ngươi của mắt mình.

 

V. Kết luận

Qua những nét đã đề cập trên, chúng ta thấy rõ giếng làng là một môi trường văn hóa, nếu không nói là một môi trường văn hóa đặc biệt . Giếng làng không chỉ quan hệ hữu cơ với nguồn sống của toàn thể dân làng mà còn quan hệ đến sự phát triển của cộng đồng làng, đến mọi thành đạt của mọi cá thể trong tập hợp làng. Nếu giếng đó lại nằm ở vị trí có cây đa, bến nước, có cái đền,  cái đình, hoặc cái miếu, cái chùa, tức là nằm trong một quần thể kiến trúc văn hóa, không gian văn hóa của làng thì lại càng có ý nghĩa đối với toàn thể thành viên. Đọc Truyện Thánh địa lý Tả Ao chúng ta đã rõ điều đó. Nó là nơi gởi gắm tâm hồn, tình cảm của dân làng, nên ca dao xứ Nghệ có câu:

          Ta về uống nước giếng ta

          Vừa trong vừa mát vừa đậm đà tình quê.

Và câu:

          Giếng ta giếng nghĩa giếng nhân

          Giếng sinh nghĩa sỹ, giếng vần khôi khoa (6).

Lòng yêu nước của người dân Việt Nam thường bắt nguồn từ cái nôi văn hóa, cái môi trường văn hóa ở làng quê với cái giếng cụ thể như vậy.

Đất nước phát triển, trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước máy sẽ dần dần thay thế nước giếng làng, song thay thế bao giờ cho hết. Mà dù có thay thế hết tất cả đi nữa thì giếng làng vẫn là một hiện tượng văn hóa đặc sắc nằm trong bản sắc văn hóa của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tổ quốc Việt Nam.

 

Chú thích

(1) Năm 1279, nhà Nam Tống bị quân Nguyên Mông đánh cho tan tác. Không khuất phục quân Nguyên Mông, nhiều quan lại nhà Nam Tống chạy sang Việt Nam xin cư trú về mặt chính trị. Có lẽ ở Quỳnh Lưu đám di thần này khá đông nên mới có đền Cờn và nhiều chùa cổ, giếng cổ, miếu cổ,…

(2) Giếng Bái: giếng ở làng Đồng Bái (xã Quỳnh Hưng), giếng Hung ở làng Nhân Phúc (xã quỳnh Thọ), giếng Thống ở làng Nhân Huống (xã quỳnh Diễn) mạch nước từ rú Thé chảy ra nên có nhiều nước.

(3) Ninh Viết Giao chủ biên, Kho tàng vè xứ Nghệ, tập I, Nxb. Nghệ An, 2000, tr. 531.

(4) Ninh Viết Giao chủ biên (1998),  Hương ước Nghệ An,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 109.

(5) Hương Ước Nghệ An, Sđd, tr. 153.

(6) Nấu cơm khi đã xôi, ghế đều rồi bắt nồi cơm xuống đặt cạnh bếp, dưới đít nồi cơm đã khều một ít than hồng, thỉnh thoảng xoay 1/3 hay nữa vòng cho nồi cơm chín đều gọi là “vần”. Chữ  vần trong văn bản câu ca dao này có nghĩa gần như đào tạo – bồi dưỡng.

          Một số câu ca dao trong bài viết này đều rút trong Kho tàng ca dao xứ Nghệ, Ninh Viết Giao chủ biên, Nxb. Nghệ An, 1995.

Cập nhật ( 04/04/2010 )

Related Posts

Hành trình đưa Khóa tụng thống nhất đến với Phật tử

2 tuần trước
0

Pháp phục Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ

2 tuần trước
0

ĐẨY MẠNH ĐỀ ÁN PHÁP PHỤC, NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

2 tuần trước
0

Bạc Liêu: Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

3 tuần trước
0

Tham luận 40 năm thành lập GHPGVN: Đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt nam (HT. Thích Thọ Lạc)

1 tháng trước
0
Thiện nam tín nữ, Phật tử gần xa thành tâm lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài

Bạc Liêu: Tết Nguyên tiêu nơi mái chùa dân tộc

2 tháng trước
0
Next Post

Giá trị tinh thần truyền thống trong thờ mẫu ở Nam bộ (TS Trần Hồng Liên)

Cổ thư bằng đồng thời Nguyễn (Nguyễn Thị Hồng Dung)

Bài viết xem nhiều

  • Quang cảnh buổi trao quà

    Bạc Liêu: Chùa Giác Viên trao 200 phần quà cho bà con nghèo và người già neo đơn

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Trang nghiêm Lễ An vị tôn tượng Đức Phật Dược Sư tại chùa Giác Hoa

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Khóa tu thanh thiếu nhi chủ đề “Quá trình tu học” tại chùa Hải Triều Âm

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh trao 100 phần quà tại thị xã Giá Rai

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Nguyên nhân suy tàn của Phật giáo Ấn Độ (Thích Trí Hải)

    0 shares
    Share 0 Tweet 0

Thông báo

Lưu trữ

Bạc Liêu: THÔNG BẠCH ĐẠI TRÙNG TU KHU QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI (MẸ NAM HẢI BẠC LIÊU)

2 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thư mời Quý Phật tử tham dự Lễ đặt đá xây dựng khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài.

4 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch: Tổ chức an cư kết hạ – Phật lịch 2567

4 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc trao tặng quà Xuân 2023 cho người có hoàn cảnh khó khăn

3 tháng trước
0

Ban trị sự

Tự viện

Từ thiện

Lịch vạn niên

03/2023
CNT2T3T4T5T6T7
 
 
 
 
 
 
1
10/2
2
11
3
12
4
13
5
14
6
15
7
16
8
17
9
18
10
19
11
20
12
21
13
22
14
23
15
24
16
25
17
26
18
27
19
28
20
29
21
30
22
1/2
23
2
24
3
25
4
26
5
27
6
28
7
29
8
30
9
31
10
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Liên kết website

  • Phật Giáo Việt Nam
  • Phật Giáo Org
  • Thư Viện Hoa Sen
  • Báo Bạc Liêu

Thống kê truy cập

  • 2
  • 1.720
  • 2.190
  • 199.690

GHPGVN TỈNH BẠC LIÊU

  • Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
  • Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Điện thoại: 0949 111 848
  • Email: giacnghithich@gmail.com

VĂN PHÒNG & LIÊN LẠC

  • Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Trụ sở: Chùa Long Phước 2/234 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Tp.Bạc Liêu
  • Điện Thoại: 0291.3696968
  • Email: phatgiaobl@gmail.com

THÔNG TIN TÀI KHOẢN:

  • Tên tài khoản: Quán Âm Phật Đài
    - Ngân hàng ACB: 949111888
    - Ngân hàng BIDV: 78510000999899
    - Chi nhánh Bạc Liêu.
  • Tên tài khoản: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
    - Ngân hàng BIDV: 78510000556869
    - Chi nhánh Bạc Liêu

© 2022 Phật Giáo Bạc Liêu - Trang Tin Điện Tử Phật Giáo Bạc Liêu

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học