GIAO HƯỞNG MỘT ĐỜI NGƯỜI * GSTS Trần Văn Khê Tôi đã đọc giao hưởng một đời người từ đầu đến cuối ba lần. Khi còn là một sinh viên Viện Âm nhạc Paris, tôi đã học những cuốn sách về tiểu sử của các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, như Beethoven, Mozart, Debussy… nhưng chưa bao giờ đọc liền một mạch, và đọc rồi còn muốn đọc lại để thưởng thức những đoạn, những câu mình thích như cuốn sách này. Tôi tự hỏi vì đâu? Có phải vì đây tôi được khám phá những tác phẩm giao hưởng của một nhạc sĩ Việt Có phải vì nội dung hấp dẫn như tiểu thuyết với đủ các tình tiết hỉ – nộ – ái – ố, dù hoàn toàn không phải do tá giả hư cấu, mà là một chuyện đời có thật phần trăm? Và nhờ hiểu biết về đời và nhạc mà tôi càng thương hơn một Nguyễn Văn Nam bẩm sinh yếu ớt, gặp nhiều bạo bệnh và những cảnh ngang trái vẫn vượt qua để làm tròn phận sự của một người nghệ sĩ đối với đất nước quê hương, càng thấm thía vai trò của những người phụ nữ trong cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của nhạc sĩ. Ngoài người mẹ đã nuôi dưỡng con không chỉ bằng dòng sữa nóng mà còn bằng tình thương đất nước quê hương ngang qua những câu hát ru, những câu chuyện cổ tích và kinh nghiệm cuộc đời, còn có một người bạn đường đã góp phần tạo cho Nguyễn Văn Nam một chỗ đứng xứng đáng trong giới nhạc sĩ Nga và trước thành niềm hãnh diện cho giới nhạc Việt Nam. Tôi đã ghi bên lề bản thảo: Hay! Đúng! Tuyệt vời! và cả loạt dấu thang (!!!) Hay ngôi sao đánh dấu những đoạn văn mà tôi muốn đọc lại mà tôi muốn ghi vào cuốn sổ “lời hay ý đẹp” của riêng tôi. Chỉ cần nhìn lại những ghi chú đó cũng đủ thấy tôi say mê quyển sách này, vì ngoài nội dung nói trên còn vì những lẽ khác. Không đem giao hưởng vào phòng thí nghiệm rồi dùng những thiết bị chuyên môn mà phân tích trên khía cạnh hoàn toàn nhạc học, tác giả cuốn sách luôn đặc nhạc phẩm trên bối cảnh xã hội văn hóa và tìm hiểu tâm trạng của nhạc sĩ để khám phá ra cái hồn của bản giao hưởng. Đó là phong cách của một nhà dân tộc nhạc học. Đặc biệt thú vị trong phân tích tác phẩm, tác giả không chỉ ghi lại thang âm, điệu thức bằng những nốt đô rê mi, mà còn cảm nhận từ đó tiếng hát ru của mẹ, tiếng tụng kinh trên chùa… có gì đó rất Việt Nam trong cách dẫn giải này, và rất hợp với phương pháp tôi đã giảng cho học trò các lớp âm nhạc học châu Á: phải nhận thức thang âm điệu thức một cách khách quan như phương Tây, đồng thời hiểu nội dung tinh thần của bản nhạc theo phương Đông. Cách hành văn độc đáo đầy thú vị khiến tôi phải ghi bên lề: “Hay!” là những đoạn như thế này: “… Lắng nghe gió gọi lá xào xạc trên cao, nghe bầy chim lúc hàn huyên tâm sự, lúc cãi vả loạn xạ. Tiếng đất hót tán tỉnh nhau của lũ sáo đung đưa tít trên ngọn cây chen lẫn giọng rù rì tỏ tình của mấy anh, mấy ả chim cu đất sướng nhất là được nằm dài dưới gốc cây ngửa mặt nhìn trời, những đốm nắng con con chui qua kẽ lá nhảy nhót chờn vờn chỉ chực xà xuống bất ngờ ú òa một cú chói lòa con mắt. Những đám mây trắng kéo nhau lang thang trên trời xanh, chơi trò xếp hình đổi dạng đang giống hình người trong bỗng chốc lại chuyển sang dạng thú”. Tôi đã đọc nhiều bài của Nguyễn Thị Minh Châu về các nhạc sĩ Việt Có thể bạn đọc cũng có cảm nghĩ như tôi khi đến với cuốn sách có cách diễn giải dí dỏm, nhẹ nhàng, lôi cuốn cả những người “ngoại đạo” chưa từng biết nhạc giao hưởng đi tới tìm hiểu thưởng thức loại nhạc bác học thế giới. |
Cập nhật ( 04/04/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com