VỀ MÔ HÌNH, TỔ CHỨC CỦA GHPGVN
Tổ chức GHPGVN vừa là một đoàn thể Tăng già (sangha) với truyền thống Tăng bảo, vừa là tổ chức hiệp hội hòa hợp của các tổ chức hệ phái, sơn môn Phật giáo ở Việt Nam. Từ ngày 4-7/11/1981 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), 9 tổ chức hệ phái trong cả nước gồm: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, GHPGVN thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam bộ, Hội Phật học Nam Việt, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo, thành lập nên GHPGVN. Mô hình tổ chức GHPGVN nổi bật biểu tượng thống nhất trong sự đa dạng. Đó là tinh thần thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống, hệ phái, sơn môn, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành theo chính pháp. GHPGVN đang ngày càng được Phật giáo các nước trên thế giới đánh giá cao trong mô hình sinh hoạt Giáo hội và thành tựu Phật sự. Nhiều vị lãnh đạo các giáo hội Phật giáo thế giới đã xem mô hình GHPGVN có thể được Giáo hội Phật giáo các nước trên thế giới hướng tới trong xu thế tương lai của thời kỳ hội nhập quốc tế.
Mang đậm tinh thần nhập thế và truyền thống văn hóa dân tộc, GHPGVN là tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động Phật sự theo phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Qua đó, phát triển và hội nhập cùng đất nước trong hành trình đổi mới, đóng góp vào công cuộc xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Nhiệm kỳ thứ I (1981-1987) được xác định là giai đoạn xây dựng tổ chức Giáo hội. GHPGVN có 2 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh 50 thành viên, Hội đồng Trị sự 49 thành viên, có 6 ban, ngành Trung ương và 28 Ban Trị sự tỉnh/thành hội Phật giáo, 2 trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Giai đoạn từ nhiệm kỳ thứ II đến nhiệm kỳ thứ V là thời kỳ hoàn thiện cơ cấu và phát triển tổ chức Giáo hội. Trải qua 40 năm, nhiệm kỳ VIII là giai đoạn phát triển, kiện toàn và đổi mới tổ chức, khẳng định vị thế của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập, phát triển ở cả trong và ngoài nước. Giáo hội đã hoàn thành việc kiện toàn hệ thống tổ chức Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh/thành. Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý hành chính Phật giáo cấp quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản trị công tác Phật sự. Giáo hội có 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 225 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên Dự khuyết. Tổng số có gần 55.000 Tăng Ni, hơn 18.000 cơ sở tự viện, hơn 50 triệu tín đồ và những người yêu mến đạo Phật. Giáo hội đã thành lập 10 Hội Phật tử Việt Nam trực thuộc Giáo hội và thiết lập mối liên lạc thường xuyên với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
(Trích từ bài viết “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Từ mô hình đến xu thế thời đại”, đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo Số 402).
Tác giả: TT.TS Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
(Còn tiếp)