Giáo dục thế hệ trẻ Khmer bằng truyền thống văn hóa dân tộc* Kim Trúc Đất nước đang trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, những luồng văn hóa mới theo đó cũng ồ ạt tràn vào nước ta gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận giới trẻ. Bằng truyền thống văn hóa của mình, bà con đồng bào dân tộc đã chung tay cùng toàn xã hội đẩy lùi những thói hư tật xấu, định hướng thế hệ trẻ đến lối sống tốt đẹp, ý nghĩa.
Dù đã sống cộng cư, “nhập gia tùy tục” với đồng bào người Kinh, người Hoa, song bà con đồng bào Khmer ở Bạc Liêu vẫn giữ gìn những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống. Có thể nói, nơi nào có đồng bào Khmer sống quần tụ là nơi ấy luôn tràn ngập không khí hội hè. Mỗi năm, đồng bào dân tộc có rất nhiều ngày lễ lớn, trong đó có ba ngày lễ đã trở thành ngày vui chung của cả cộng đồng là Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn-ta và Oóc-om-bóc. Mỗi lễ hội ẩn chứa một nét đẹp văn hóa và ý nghĩa riêng.
Cũng như Tết Nguyên đán của người Kinh, người Hoa, Tết Chôl-chnăm-thmây chính là lễ hội mừng năm mới của bà con đồng bào Khmer. Vào ngày này, những cụ già trong các phum sóc kể cho thế hệ trẻ nghe những câu chuyện cổ tích, thần thoại, chuyện về dòng họ, gia đình giàu tính truyền thống, nhân văn. Qua đó giáo dục con cháu tình yêu quê hương, phum sóc và lòng tự hào dân tộc, quyết tâm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cũng như lễ Vu lan của người Kinh, đồng bào Khmer có lễ Sen Đôn-ta để tưởng nhớ và tri ân công đức sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vào các ngày này, bà con thường tập trung vào chùa để nghe kinh Phật và khấn nguyện cho vong linh của thân nhân. Bà con còn kết bè bằng chuối, bày lễ vật lên bè thả ra sông, biển để cúng tế người thân đã khuất. Oóc-om-bóc chính là lễ hội nhằm tri ân thần Mặt trăng trong năm đã làm cho thời tiết thuận hòa, mùa màng tươi tốt, xóm làng yên vui, người dân no ấm. Đây cũng là ngày mà trẻ con bày tỏ những mơ ước về tương lai. Có thể thấy, mỗi lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Đó không chỉ đơn thuần là ngày vui để bà con quần tụ, nhảy múa, ca hát, mà còn là ngày để bà con thành kính tưởng niệm những người quá cố. Đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ về việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua những câu chuyện kể, những bài học về đạo lý làm người, những điệu múa mềm mại, những giai điệu ngũ âm réo rắt, những món ăn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc… Các ngôi chùa Khmer từ lâu đã trở thành thiết chế văn hóa đặc biệt trong lòng đồng bào dân tộc. Bởi, đây chính là nơi góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa cho cả một cộng đồng. Chùa Khmer giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc, vì ở đó bà con có thể tìm thấy chính mình qua những lời giáo huấn của Đức Phật. Đó còn là môi trường để thế hệ trẻ vào tu báo hiếu cha mẹ, học chữ Khmer, trau dồi kiến thức, phẩm hạnh để trở thành những con người hữu dụng. Dù thời cuộc có nhiều đổi thay, nhưng khi nào những chàng trai, cô gái Khmer vẫn còn khoác trên người bộ trang phục truyền thống độc đáo của dân tộc mình, thì khi ấy, bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com