GIÁ TRỊ CỦA CÂY HẸ * PTS Lê Kim Biên Cây hẹ (Allium tuberosum) rất quen thuộc với người dân Nam Bộ, nấu canh, xào thường thêm hẹ để tăng sự kích thích của món ăn. Đặc biệt dưa giá phải có hẹ, hoặc hoa hẹ xào thịt bò được nhiều người ưa thích. Ở Nam Bộ, hẹ trồng và sử dụng phổ biến hơn các tỉnh miền bắc. Cây hẹ gặp mọc hoang dại ở miền trung và bắc châu Á. Ngay từ 200 năm trước công nguyên, người Trung Quốc đã biết thu hái hẹ để ăn và làm thuốc. Các tài liệu cho biết dân nước này trồng hẹ từ thế kỷ thứ 10, do đó người ta tin rằng hẹ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay hẹ đang được trồng phổ biến ở nhiều nước châu Á : Trung Quốc, Nhật Bản Triều Tiên, Là cây cỏ cao 20-40cm, thân hành mọc thành nhóm có 1-3 củ chụm vào nhau, nhiều rễ phụ, lá mùi hôi đặc biệt mãnh liệt. Lá 4-9 hình sợi, phẳng dẹt, dài 10-30cm, rộng 2-9cm. Cụm hoa tán, đường kính 3-5cm, gồm nhiều hoa màu trắng. Quả hình bầu dục dài 5-6mm, hạt màu nhiều gần hình cầu, màu đen. Cây trồng lấy lá làm rau ăn và gia vị, hoa cũng ăn được. Lá, thân rễ, hạt đều dùng làm thuốc. Thành phần hoá học : Lá chiếm 70% khối lượng của cây, trong lá chứa sunphuric và glucosid. Cứ 100g thành phần ăn được của lá có : nước 93g; protein 2,1g ;chất béo 0,1g; đường tổng số 2,8g ; xơ 0,9g ; tro 1g ; caroten 4mg ; vitamin C 25mg. Dược lý : Dịch tiết của lá hẹ có tác dụng gây nóng trong người, nó phát điên cuồng, co giật. Nếu tiêm dịch vào tĩnh mạch sẽ làm cho người ngủ liên miên và tím ngắt có thể gây tử vong. Vì vậy cấm dùng dịch chiết tiêm vào tĩnh mạch. Vị tính: cay, hơi chua, ôn, không độc. Theo lương y, thầy thuốc ưu tú Lê Trần Đức (Viện đông y trung ương) trong sách “Trồng hái và sử dụng cây thuốc” (1996): Cây hẹ dùng sống thì tác dụng vào tim, yên 5 tạng, thông khí ở phổi, hạ khí đầy ở bụng, điều hoà tạng phủ, khỏi đau bụng lạnh. Nấu ăn thì bổ, ích thận, mạnh dương, khỏi tiết tinh và ấm khoẻ lưng gối. Luộc, xào với giấm, muối ăn vào sáng sớm thì khỏi chứng ợ chua. Theo “ 1-Chữa lên cơn hen suyễn cấp : lá hẹ 1 nắm sắc lên uống thì hạ cơn. 2-Chữa phụ nữ đến kỳ kinh mà không hành kinh, khí nghịch đưa máu ngược lên sinh thổ huyết hoặc đái ra máu, chảy máu mũi thì dùng lá hẹ cả thân củ 100g giã vắt lấy nước cốt uống. 3-Chữa bụng dưới đau nhói hoặc ngộ độc thức ăn: giã hẹ vắt lấy nước cốt uống thật nhiều. Theo “Dược liệu Trung Quốc” (1997): Hẹ làm cho khí huyết được vận chuyển lưu thông, giải độc, trị tức ngực, trị ung thư thực quản, buồn nôn, thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu, té ngã bị tổn thương, bị côn trùng độc, bộ cạp cắn. Theo “Ban thảo cương mục” : Uống nước hẹ sống có thể cắt cơn suyễn, giải độc. Nước hẹ nấu chín có tác dụng trị tiêu khát (tiểu đường), đổ mồ hôi trộm, với phụ nữ sau khi sinh thì máu huyết vận hành lưu thông. Một số cách chữa trị có hiệu quả từ hẹ đã được tổng kết trong sách “Dược liệu Trung Quốc”. 1.Trị tức ngực, bệnh ở tim như có kim châm gây cho tim đau, đau toát mồ hôi hoặc là đau thấu sau lưng, nếu không điều trị có thể dẫn đến chết : Hẹ sống hoặc rễ 2kg rửa sạch giã lấy nước cốt cho uống. 2.trị chứng dương suy, thận lạnh làm cho đau ngang thắt lưng và lạnh, hoặc chứng di tinh : Lá hẹ 150g, thịt trái hồ đào 30g (bỏ vỏ), cùng với dầu mè xào chín, mỗi ngày ăn một lần, ăn trong 1 tháng. 3.Trị chứng cồn cào buồn nôn : lấy hẹ 70g vắt lấy nước, 1 chén sữa bò tươi và 20g gừng sống vắt lấy nước hoà vào với nhau, hâm nóng uống. 4.Trị thổ huyết hoặc nôn ra máu, đổ máu cam máu chảy đầm đề hoặc đái ra máu, tất cả các chứng chảy máu : Hẹ 1kg, giã vắt lấy nước, sinh địa 0,5kg thái nát nhỏ ngâm vào trong nước hẹ, sau đó phơi khô lúc nắng to. Khi sinh địa có màu đen và nước hẹ đã khô thì cho vào cối giã nát thành cao rồi viên to bằng hạt ngô, uống mỗi ngày 4 viên vào sáng và tối với canh củ cải trắng. 5.Trị bị lỵ nhưng chỉ đi ra nước :lấy hẹ nấu cháo ăn. Nhớ là trước khi cho vào nấu cháo phải xào qua. 6.Trị chứng tiêu khát : cả cây còn non, ngày 100-200g có thể xào hoặc nấu canh, nhưng không được cho muối vào vì kỵ muối. Chỉ ăn đến 10kg là đủ. 7.Trị chứng lòi đom không co lại được : Dùng 300-350g hẹ sống thái nhỏ, cho giấm vào xào nóng lên, chia làm 2 phần dùng 12 bọc vào vải hoặc khăn lăn lên chỗ lòi đom cho đến nguôi thì thôi. 8.Trị côn trùng chui vào lỗ tai không ra được : Vắt lấy nước hẹ rỏ vào tai. 9.Trị té ngã bị tổn thương : Hẹ tươi 3 phần, bột mì 1 phần, cho vào quấy như dạng hồ, đắp vào chỗ đau ngày 2 lần. 10.Trị chứng dị ứng nổi mề đay : Dùng hẹ, cam thảo mỗi thứ 20g nấu lấy nước uống hoặc dùng hẹ xào ăn. 11.Trị chứng say nắng bị choáng váng bất tỉnh : Giã hẹ vắt lấy nước rỏ vào mũi. 12.Trị dị ứng sơn ta làm mẩn ngứa : Dùng lá hẹ giã đắp vào nơi bị dị ứng sơn. Rễ hẹ : Thành phần hoá học có sunphuric, glucositd. Vị tính ngọt, đắng, chua, nhiệt. Công dụng chữa trị chính: ôn trung, hành khí, tiêu tan những nơi bầm tím tụ máu, trị tức ngực, trị ăn không tiêu gây chướng bụng, ra khí hư có vết máu hồng, thổ huyết, chảy máu cam, phong nhiệt, bổ chống di tinh. Cách dùng và lượng dùng : Nấu nước uống, tươi ngày 40-80g hoặc giã nát vắt lấy nước uống. Dùng ngoài : Giã nát đắp vào chỗ đau. Hạt hẹ Thu hoạch vào mùa thu thì khi trái chín, người ta hái, phơi khô rồi vò cho hạt rơi ra. Bào chế : Hạt hẹ rửa sạch, phơi khô, dùng sống hoặc sao lên dùng. Thành phần hoá học của hạt có alkaloid và saponin. Vị cay, ngọt, tính ấm. Công dụng chữa trị chính: Theo sách “Dược liệu Trung Quốc”: bổ gan thận, làm cho thắt lưng không đau, cường dương, cố tinh, trị chứng teo dương vật, di mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần hay đái dầm, thắt lưng bị lạnh gây đau, ra khí hư và bệnh lậu. Cách dùng và liều lượng : Nấu nước uống, ngày 4-10g hoặc tán bột làm thuốc viên uống. Cấm dùng cho những người bị âm suy, bốc hoả. Một số cách chữa trị hiệu quả: 1. Trị suy lao hay tiểu ra tinh trùng( niệu tinh) : Hạt hẹ 200g, gạo 1kg, hai vị trên nấu với 10 lít nước, nấu như cháo rồi gạn lấy nước 5 lít, chia uống 3 lần. 2. Trị phụ nữ ra khí hư, nam giới suy thận di mộng tinh : Hạt hẹ 700g, cho giấm vào, nấu sôi đến khi giấm bốc hơi hết còn lại hạt hẹ thì nghiền thành bột, viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên khi bụng đói cùng với rượu ấm. 3. Trị chứng bệnh ngọc hành cứng trơ mà tinh trùng tự chảy ra không ngừng, thỉnh thoảng dương vật có cảm giác đau nhói như kim châm : Hạt hẹ, phá cố chỉ, mỗi thứ 35g, nghiền thành bột, mỗi lần dùng 4g cho vào 1 chén nước sắc lên uống ngày 2 lần. Trồng trọt: Hẹ rất dễ trồng, ở nước ta từ bắc tới nam tỉnh nào cũng trồng được. Tai Indônêxia trồng tới độ cao 2.200m cách mặt biển. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Malayxia, trên luống rau cải và cải bắp trồng xen ở bìa luống là hẹ. Trồng bằng hạt gieo ở vườn ươm, khi cây có 2-3 lá thì bứng ra trồng haoc85 gieo trực tiếp trên luống rồi tỉa để cây sinh trưởng, phát triển. Cây được 3 tháng thì thu hoạch lá hoặc 3,5-4,0 tháng thì thu cả cây gồm củ và lá.Tại Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long,An Giang, hiệu quả kinh tế từ trồng hẹ so với hoa màu phụ khác thu nhập cao gấp 2,5-3,0 lần trồng lúa. |
Cập nhật ( 22/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com