CHÙA ĐÌA CHUỐI-MỘT TRONG NHỮNG NGÔI CHÙA KHMER CÓ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
* Tăng Minh Khánh
Chùa Đìa Chuối có tên gọi chính là: Sê Rây Vong Sa Chêk Meas; Anh Đôn Chek và Đìa Chuối là tên gọi trong dân gian. Bà con người Khmer thường gọi là “Watt Anh Đôn Chêk” có nghĩa là “Chùa Đìa Chuối”.
Chùa tọa lạc tại ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Cách UBND xã Vĩnh Bình khoảng 3km về hướng Đông. Phương tiện đi đến chùa thuận tiện nhất là bằng xe mô tô hoặc tàu, đò.
Chùa Đìa Chuối không chỉ có giá trị về mặt văn hóa tinh thần mà còn có giá trị lịch sử cách mạng. Từ năm 1945 đến năm 1975, các vị Hòa thượng, đại đức trụ trì ở chùa luôn theo Đảng, Bác Hồ, ủng hộ cho cách mạng bằng vật chất và tinh thần. Tiêu biểu là Hòa thượng Tăng Neang (trụ trì từ 1916-1976) là một vị tu sĩ trí thức tiến bộ. Ngày đã tuyên truyền, giáo dục, vận động nhiều sư sãi và đồng bào Khmer trong vùng theo cách mạng.
Từ 1945-1954, chiến tranh ác liệt, giặc Pháp điên cuồng, chúng giết người, cướp của, phao tin đồn thất thiệt gây hoang mang cho quần chúng, chúng dồn dân từ nông thôn lên thành thị. Chúng đến chùa Đìa Chuối nạt nộ bắt buộc Hòa thượng Tăng Neang phải theo chúng, chúng nói rằng: “Nếu Hòa thượng không đi thì Việt Minh cũng giết ông và thiêu hủy chùa này”. Hòa thượng trả lời: “Nếu muốn giết tôi để tôi lên chánh điện lạy Phật rồi mấy ông cứ giết, còn tôi dứt khoác không đi, cùng ngôi chùa một tấc không đi một ly không rời”. Cuối cùng, thực dân Pháp chịu thua trước lập trường kiên định của Ngài (Lúc đó Hòa thượng chỉ ở một mình trong chùa).
Năm 1948, Hòa thượng Tăng Neang củng bổn đạo chùa hiến cho Mặt trận Việt Minh 5 cây gỗ xúc (đường kính 01m, dài 12m) để đóng ghe vận tải và làm bá súng. Ông Thạch Mun đại diên chủ chùa hiến 500 giạ lúa và nhiều phật tử trong bổn chùa cùng đóng góp sức người, của cải cho Mặt trận Việt Minh đánh đuổi thực dân Pháp.
Từ năm 1954 – 1960, chùa Đìa Chuối là cơ sở cách mạng vững chắc, xây hầm bí mật (ở dưới bệ tượng Phật và trên gác trong chánh điện) nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng như: ông Tư Nhẫn – Công an huyện Vĩnh Lợi, Tư Non, Mười Cóc, Tạ Ngọc Sơn, Sơn Khải, Thạch Bạc…Những cán bộ này được sự che chở đùm bọc của Hòa thượng Tăng Neang đến ngày đồng khởi.
Đầu năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: “Toàn quốc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, không phận biệt tôn giáo, đảng phái, hãy đoàn kết đấu tranh bằng ba mũi giáp công đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Hòa tượng Tăng Neang đã hiến cho cách mạng 120 cây chàm để đắp cản Vĩnh Hưng nhằm ngăn chặn đường tiến quân của địch bằng đường thủy.
Vào năm 1963, lính Ngụy dùng pháo binh, máy nay đầm già bắn phá khu vực chùa, dùng bộ binh lục soát vào trong chùa lúc đó đồng bào Phật tử đang ẩn náo lánh nạn, thì chúng bắt được một du kích tên Danh Quen bắn tại trước chùa và bắt nhiều thanh niên lấy cớ là lục soát được truyền đơn và băng cờ Việt Cộng. Cùng lúc đó, Hòa thượng Tăng Neang và các vị sư sãi đứng lên đấu tranh quyết liệt với chúng. Tên quận trưởng phải nhượng bộ và hứa thả toàn bộ người bị bắt.
Vào năm 1967, chúng mở cuộc hành quân càn quét bắt bớ giết người, cướp của bằng bộ binh có xe tăng và xe bọc thép cùng không quân yểm trợ. Chúng bắn xối xả vào ngôi chùa trong khi Phật tử đang chạy vào lánh nạn. Hòa thượng Tăng Neang can thiêp thì bọn chúng bắn bị thương, nhưng ngài cảm thấy mình không hề đau đớn và chỉ vào mặt chúng mắng. “Đồ súc sanh ỷ thế lực giết người, cướp của sát hại dân lành”. Lúc đó quân lính lục soát trong chùa lấy đi nhiều tài sản của chùa và bổn đạo giở.
Từ năm1969-1975, Hòa thượng va sư sãi chùa Đìa Chuối bất chấp sự đàn áp của địch không ngừng nâng cao sức đấu tranh mãnh liệt. Đầu năm 1970 Hòa thượng và các sư sãi trong chùa như: sư Ty – đảng viên, sư Kiêm, sư Dươi và nhiều vị sư khác xuống đường cùng các vị sư sãi Phật giáo đấu tranh giáp mặt với tỉnh trưởng bạc Liêu đòi chúng giải quyết các yêu sách: chống bắn pháo giết hại dân lành, chống hành quân giết người cướp của, chống bắt thanh niên đi quân dịch, đòi dân sinh, dân chủ cho nhân dân. Sức mạnh của sư sãi yêu nước và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đã buộc giặc Mỹ và ngụy quân không dám vào chùa lục soát như tước nữa.
Từ giữa năm 1970 đến 1975, chùa Đìa Chuối nuôi dấu đùm bọc hàng trăm thanh niên trốn quân dịch và hàng chục cán bộ các cấp như: ông Huỳnh Cương-Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu tây Nam Bộ; ông Ma Ha Sơn Thông-Khu ủy viên, Trưởng ban Khmer vận khu Tây Nam Bộ; ông Trịnh Thới Cang-Thường trực ban Khmer vận khu 9; ông Nguyễn Thuận Triều-Chủ tịch Ủy ban quân quản Bạc Liêu; ông Cao Anh Lộc, Bác sĩ Mưới Lớn, bác sĩ Hai Bách, bác sĩ Sáu Lượng, y sĩ Chín Mé, bác sĩ Út Hiền.
Trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đồng bào và sư sãi chùa Đìa Chuối dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ đã đóng góp cho cách mạng cả người và của cho tiền tuyến, là cơ sở cách mạng vững chắc gốp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Với truyền thống đoàn kết đấu tranh, các vị sư sãi và đồng bào Phật tử chùa Đìa Chuối sau khi được độc lập thống nhất nước nhà, luôn thực hiện tốt nhửng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước./.