VÃNG SANH TU DỄ – KHÓ VỀ
* Thích Giác Tạng
Hơn 10 thập niên qua, Pháp môn Tịnh độ được phổ biến rộng rãi khắp thế giới, hiện nay khuynh hướng ngày càng phát triển gần như đã trở thành cao trào. Người tham gia niệm Phật ngày càng đông, mỗi khóa tu Phật thất ở Việt Nam điển hình như Chùa Hoằng Pháp – Hóc Môn, số lượng người về dự tu lên đến mấy ngàn; ngoài ra các tự viện, tịnh xá, tịnh thất ở các tỉnh thành, Đạo tràng niệm Phật tổ chức luân phiên mỗi khóa tu số lượng người tham dự có dư trăm.
Phương pháp niệm Phật rất phong phú, hoặc ngồi niệm hoặc đi kinh hành, hoặc cao thinh, hoặc niệm thầm có Đạo tràng hướng dẫn niệm 4 từ, có nơi hướng dẫn niệm 6 chữ, nhưng tất cả đều lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm tôn chỉ, ba yếu tố then chốt để thành tựu mục đích tu tập của liên hữu (vãng sanh Cực Lạc).
Pháp môn niệm Phật còn gọi là Tịnh Độ phù hợp với tất cả căn cơ, hạng người nào tu cũng được bởi chỉ có 1 câu lục tự Di Đà; đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm được, giàu sang hay nghèo hèn; thông minh hay ngu khờ; khỏe mạnh hay bệnh tật; nam, nữ, già, trẻ hoặc ở thành thị chợ búa hoặc chốn hoang dã; lúc buôn bán, làm việc tay chân, bửa củi, hái rau, quét nhà, tắm rửa, …v..v… thảy đều niệm Phật được, cho nên nói rất dễ tu. Nhưng còn vãng sanh thì sao? Điều này khó hay dễ?
Căn cứ bản kinh “Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Trang Nghiêm Bình Đẳng Giác”, Phật thuyết: Ngài Pháp Tạng tỳ kheo đối trước Đức Phật Thế Tự Tại Vương phát ra 48 đại thệ nguyện, trong đó nguyện thứ 18 – 19 – 20 – 21 thì điều kiện được vãng sanh là sự phát tâm tin ưa vào Đức Phật Di Đà và thế giới Cực Lạc, giữ tâm kiên cố nguyện được sinh về dù chỉ 10 niệm (nguyện 18) hoặc niệm đến chỗ nhất tâm (nguyện 19-20) hoặc tu các công đức đem hồi hướng nguyện sinh về nước Cực Lạc thảy đều toại nguyện. Như các đời trước tạo nhiều nghiệp ác, mà biết sám hối ăn năn, thọ trì kinh, giới vì đạo làm lành thì lâm chung cũng được vãng sanh (nguyện thứ 21) chỉ trừ người phạm tội ngũ nghịch hủy báng Chánh pháp.
Kinh A Di Đà, Phật thuyết: Như có ai tin lời Phật tâm thành phát nguyện cũng được vãng sanh (thị cố Xá lợi phất ! Chư thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nhược hữu tín giả, ưng đương phát nguyện sanh bỉ quốc độ).
Ngài Ngẩu Ích Đại Sư từng nói: “ Quyết định vãng sanh là do nơi tín nguyện, phẩm sen cao thấp tùy ở chỗ trì danh”.
Như thế điều kiện vãng sanh về thế giới Cực Lạc không khó, có thể nói rất dễ bởi chúng sanh trong giờ phút lâm chung nếu ai có cận tử nghiệp tốt (chánh niệm) kèm theo tâm nguyện hướng về Cực Lạc khẩn thiết thì vãng sanh là một quyết định chắc chắn không thể phủ nhận vì cận tử nghiệp có năng lực dẫn tái sanh.
Nhưng, xét lại trong số người tu niệm Phật hiện nay thì những vị vãng sanh có thoại tướng, biết trước ngày giờ đếm được rất ít, tỉ lệ còn rất thấp so với số người niệm Phật. Đây là điều đáng quan tâm, nguyên nhân tại sao? Qua tham khảo nhiều nơi, chúng tôi đã tìm được căn do như sau:
A. NGHI VẤN
Kinh Hoa nghiêm nói “Tín vi công đức mẫu”, đức tin là mẹ sanh ra các công đức; tôn chỉ của tịnh độ là Tín. Nguyện, Hạnh, nếu đức tin không vững chắc thì đâu thể phát nguyện cầu vãng sanh. Đa số người tu niệm Phật hiện nay đều không đủ niềm tin đối với cảnh giới Cực lạc (đức tin yếu), sở dĩ vì sao?
1. Đối với cõi Cực Lạc do Phật Thích Ca nói ra thì tin nhưng mà không nhìn thấy; 05 từ “nhưng mà không nhìn thấy” là ngầm phủ nhận hiện thực, không mang tính khoa học đảm bảo, là thật hay hư chưa xác định vì không rõ ràng, chẳng những một người không thấy mà luôn cả nhiều người cũng không nhìn thấy, thì thử hỏi làm sao tin, hoặc nếu có tin cũng khó mà tin sâu được! Đức tin đã không sâu thì phát nguyện sẽ không tha thiết, hai yếu tố này không mạnh mẽ, vững chắc thì dù có niệm Phật, hay trồng các cội lành cũng khó được vãng sanh, bởi lực lâm chung cận tử nghiệp không xả bỏ những vương vấn ngũ dục, luyến ái thế gian.
2. Nếu cõi Cực Lạc hiện hữu bằng hình tướng thì có phải đồng nghĩa với vô thường ? Đã là vô thường thì cầu về để làm gì, vì có khác hơn ở Ta Bà đâu?
3. Từ Diêm Phù Đề đi về phương Tây cách 10 muôn ức Phật độ (cõi Phật) vậy mười muôn ức cõi Phật đó là cõi Phật nào? Mười muôn ức cõi Phật một con số mơ hồ để không có cảm giác định vị.
B. QUYẾT NGHI
Như chúng ta đã biết sau khi chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng giác. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có đủ Tam minh, Lục thông, Ngũ nhãn, Tứ trí. Ngài đã dùng Phật nhãn thấy suốt các pháp hữu, vô từ vô thỉ đến vô chung của tất cả chúng sinh, vạn vật, con đường sanh tử luân hồi, nhân duyên nghiệp quả của mỗi chúng sanh rất rõ như nhìn thấy chỉ trong bàn tay. Phật đã từng nói trong vũ trụ này có vô số thế giới, hằng hà sa số thế giới, cũng như Ngài đã từng dạy các đệ tử khi uống nước phải niệm chú vì trong bát nước có 8 muôn 4 ngàn vi trùng. Những gì lúc ấy Đức Phật nói thì chỉ có Phật nhãn nhìn thấy, chứ chưa có người nào thấy biết, mặc dù bên cạnh Phật có nhiều vị Thánh tăng chứng đủ phép lục thông.
Hơn 2500 năm sau, khi khoa học tiến bộ, các nhà Bác học đã chứng minh được những gì Đức Phật nói là sự thật. Điều này cho thấy Thế trí biện thông của khoa học vẫn còn đi sau Nhất thiết trí của đức Phật nhiều thế kỷ, nay ta dùng phàm nhãn mà muốn nhìn thấy thì có phải là trẻ con không ?
–Khi mới đản sinh Đức Phật nói “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” nghĩa là tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, đã có sẵn tánh Phật (nhân) thì chúng sanh có khả năng thành Phật (quả) như vậy chúng sanh nhiều hằng hà sa số vậy có phải tương xứng với hằng hà sa số chư Phật ? Đã chấp nhận hằng hà sa số chư Phật, mỗi Vị Phật có riêng một cõi nước, thì 10 muôn ức cõi Phật là khoảng cách giữa thế giới Ta Bà và thế giới Cực Lạc thì đâu có xa bao nhiêu! Còn gì để hoài nghi đó là cõi Phật nào!
– Lại nữa thế giới Ta Bà sở dĩ có ra là do vô minh, vọng tưởng của chúng sanh thiết lập nên Ta Bà là cõi ngũ trượt, ác thế vô thường sanh diệt. nhưng diệt rồi trở lại sanh, theo quy luật tuần hoàn Thành, Trụ, Hoại, Không. Sở dĩ như thế là bởi ứng với vọng nghiệp của chúng sanh nên dẫu nói vô thường như thật ra vẫn không mất (y báo sanh chánh báo).
– Cũng như thế, cõi Cực Lạc thành tựu là do công đức tu hành lủy kiếp về quá khứ của tiền thân đức Phật A Di Đà và 48 đại nguyện trang nghiêm, do tâm viên giác đầy đủ bốn đức chơn thường, lạc, ngã tịnh (y báo) khiến cõi nước có đủ những thứ quý báo giàu an vui vi diệu thù thắng, từ nhân duyên, quả, cảnh giới, tất cả đều thù thắng. Do tâm Phật chơn như không sanh diệt nên thế giới Cực Lạc của Phật cũng không vô thường sanh diệt, chúng sanh ở cõi đó nương vào đại nguyện lực của Phật cũng không khởi nghiệp xấu ác, luôn an trú trong chánh niệm Phật, Pháp Tăng, cũng không có tham ái (bởi không có nữ nhơn). Vì thế cõi Cực Lạc không có ngũ trượt ác thế, mãi mãi không hư hoại.
–Lại nữa lý nhân quả là nguyên lý vốn sẵn có bao gồm cả khoa học không thể phủ nhận, vậy người niệm Phật tức là đang gieo chánh nhân thì tương lai sẽ đạt được chánh quả là lý đương nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa.
Thế mới biết đức tin vững chắc về thế giới Cực lạc là động cơ giúp cho nguyện lực mạnh mẽ khẩn thiết để thành tựu con đường vãng sanh.
Kệ rằng:
Thích ca Phật đã chỉ rành
Di Đà bốn tám nguyện dành cho ta
Tin sâu, nguyện thiết phát ra,
Viên dung sự lý đều là tại tâm
Dù cho nhật biến thành băng
Niềm tin son sắc thường hằng không phai
Nguyện sinh chín phẩm sen đài
Xả thân huyễn chứng ngay thân chơn thường.