TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA KHUÔNG VIỆT ĐẠI SƯ
* TS. Trần Thuận
Trường ĐHKHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh
1. Phác thảo chân dung Ngô Chân Lưu – Khuông Việt Đại sư
Khuông Việt Đại sư tục danh là Ngô Chân Lưu, còn có tên là Xương Tỷ, con của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, anh cùng cha khác mẹ với sứ quân Ngô Xương Xí (1). Ông sinh năm Quý Tỵ – 933, nguyên quán ở hương Đường Lâm (Hà Nội). Ông là người có trạng mạo khôi vĩ, chí thượng thích thảng (mặt mũi khôi ngô, dáng vóc cao lớn, chí chuộng hào sảng), tinh thông tam giáo. Trụ trì chùa Phật Đà (làng Cát Lợi, Thường Lạc) (2). Khi xuất gia đến tu học tại chùa Khai Quốc, thành Đại La (Hà Nội), thọ giới Cụ túc và được sư Vân Phong (đời thứ ba dòng thiền Vô Ngôn Thông) truyền tâm ấn cho. Ông trở thành vị Thiền sư đời thứ tư dòng Vô Ngôn Thông.
Năm 938, khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Chân Lưu mới lên năm. Ông lớn lên trong không khí hào sảng của dân tộc với chiến thắng Bạch Đằng kết thúc thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Theo Thiền uyển tập anh thì ông lúc nhỏ học Nho (“thiếu nghiệp Nho”), đến năm 11 tuổi (944), xuất gia tu Phật và trở thành người “tòng Nho quy Thích”.
Có thể nói năm 944 là một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Năm ấy những biến cố ập xuống cuộc đời ông: ông nội Ngô Quyền băng hà, quyền lực rơi vào tay Dương Tam Kha (3). Tam Kha phế Xương Ngập rồi tự nhiếp chính, nhận Xương Văn làm con nuôi. Xương Ngập phải chạy trốn về Hương Trà (Nam Sách giang, Hải Dương) để tránh sự truy nã ráo riết của Tam Kha. Bấy giờ trong cảnh người cha nay đây mai đó, sống chết không biết ra sao, bản thân Ngô Chân Lưu không nơi nương tựa nên đến nhờ cửa Phật và có lẽ sự tráo trở của Dương Tam Kha cũng đã khiến ông chán ngán sự đời mà từ bỏ nghiệp Nho để đến với Phật chăng.
Năm 950, Ngô Xương Văn phụng mệnh dẫn quân đi dẹp loạn rồi quay lại đánh úp và lật đổ Dương Tam Kha, cho người đón Ngô Xương Ngập về làm Thiên Sách Vương còn mình tự xưng Nam Tấn Vương (năm 951). Lúc này, Ngô Chân Lưu đã 18 tuổi. Năm 954, Thiên Sách Vương lâm bệnh mất. Năm 965, Nam Tấn Vương đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình bị phục binh bắn chết, Ngô Xương Xí lên nối ngôi nhưng tình thế đã thay đổi, các quan lại, tướng lĩnh đã nổi dậy cát cứ khắp nơi. Năm 967, Xương Xí quy về làm thuộc tướng của Đinh Bộ Lĩnh. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh chấm dứt tình trạng cát cứ của 12 sứ quân. Lúc này Ngô Chân Lưu đã 35 tuổi.
Năm 40 tuổi, Ngô Chân Lưu đã tiếng tăm vang đến triều đình. Đinh Tiên Hoàng cho mời ông vào cung. Ông đối đáp hợp với ý chỉ nhà vua, nên được vua “bái vi Tăng thống”. Năm sau được phong Khuông Việt Đại sư. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 (971), (Tống Khai Bảo năm thứ tư): Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Đinh quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban tên Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ní làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi” (4). Đạo sư và Tăng lục trong triều được ban áo mũ cân đai trong hàng phẩm trật cao giữa cung đình như cố vấn của nhà vua, quyền to như tể tướng. Một số sư được mời làm quan trong cung đình gọi là Tăng quan, đứng đầu là Đại sư.
Đại sư Khuông Việt là vị Thiền sư được phong chức Tăng thống (5) đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đại sư (hay Thái sư) là một trong những chức quan đầu triều, được xem như Tể tướng, cai quản hệ thống sư tăng trong cả nước, và là cố vấn cho nhà vua. Ngoài việc ban hiệu và phong chức cho Ngô Chân Lưu, Đinh Tiên Hoàng còn đặt phẩm cấp cho một số tăng nhân và đạo sĩ khác như Trương Ma Ní, Đặng Huyền Quang,… điều đó có nghĩa buổi đầu xây dựng nhà nước quân chủ ở nước ta, Nho giáo chưa phải là hệ tư tưởng chính thống, Phật giáo và Đạo giáo còn đóng vai trò quan trọng, nhất là khi các nhà sư và đạo sĩ là những bậc thức giả đạo cao đức trọng, có thể giúp nhà vua giải quyết những vấn đề đại sự quốc gia.
Đời Tiền Lê, Khuông Việt Đại sư tiếp tục được nhà vua trọng vọng và được tham dự triều chính. Mọi việc binh, việc nước vua đều cho mời Đại sư vào để bàn bạc. Năm 986, nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang nước ta (6), vua Lê Đại Hành đã sắc cho sư Đỗ Pháp Thuận (thuộc hệ thứ 10 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi) và Khuông Việt Đại sư cùng đứng ra đón tiếp. Pháp Thuận đã đón Lý Giác từ chùa Sông Sách (nay thuộc tỉnh Hải Dương) để đưa về kinh ấp Hoa Lư. Khuông Việt tiếp Lý Giác ở ngay tại kinh đô Hoa Lư.
Trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành yêu cầu Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa phái bộ. Vâng lệnh vua, sư đã viết khúc từ mang tên Vương lang quy, một loại từ khúc lưu hành khá phổ biến thời bấy giờ, có thể dùng như lời của một bản nhạc để hát với việc sử dụng các nhạc khí để tấu kèm theo.
Vương lang quy
Tường quang, phong hảo, cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương
Thiên trùng vạn lý thiệp thương lương
Cửu thiên qui lộ trường
Nhân tình thảm thiết đối ly thương
Phan luyến sứ tình lang
Nguyện tương thâm ý vị Nam cương
Phân minh tấu ngã hoàng.
Dịch:
Gió hòa phấp phới chiếc buồm hoa
Thần tiên trở lại nhà.
Đường muôn nghìn dặm trải phong ba
Cửa trời nhắm đường xa.
Một chén quan hà dạ thiết tha
Thương nhớ biết bao là
Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà
Bày tỏ với vua ta.
(TT. Thích Mật Thể) (7)
Khi đã lớn tuổi, thấy mình không còn đủ sức để gánh vác việc nước, sư xin từ quan, về quê dựng một ngôi chùa lấy hiệu tự là Phật Đà trên núi Du Hý thuộc làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, rồi trụ trì ở đó. Học giả bốn phương tụ hội về đây học đạo, tham Thiền rất đông. Sư cũng thường lui tới giảng dạy ở chùa Khai Quốc, ngôi chùa lịch sử của thầy mình trước đây. Người học trò xuất sắc của Khuông Việt Đại sư là Thiền sư Đa Bảo, người có ảnh hưởng lớn đến việc lên ngôi của Lý Công Uẩn, lập nên vương triều Lý và là người có công trong việc xiển dương đạo Phật ở thời kỳ này.
Năm 1009, nhà Tiền Lê kết thúc với sự ra đi của vua “Ngọa triều” Long Đĩnh, cũng là sự kết thúc một chặng đường quá độ trong công cuộc xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền ở nước ta và việc Lý Công Uẩn khai mở vương triều Lý đã đưa dân tộc bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên văn minh Đại Việt với nền quốc học xán lạn. Thời Lý là thời kỳ Phật giáo thăng hoa và trở thành quốc giáo, các vua Lý là đệ tử thuần thành của nhà Phật và các nhà sư rất được kính trọng. Bấy giờ Đại sư đã già yếu không thể tham gia triều chính như trước. Sách Thiền uyển tập anh cho biết, ngày mười lăm tháng hai năm Tân Hợi, niên hiệu Thuận Thiên thứ hai (22.3.1011, đời Lý Thái Tổ), sư viên tịch. Trước lúc quy tịch, sư gọi Đa Bảo đến đọc lời kệ rằng:
Mộc trung nguyên hữu hỏa
Hữu hỏa, hỏa hoàn sinh
Nhược vị mộc vô hỏa
Toản toại hà do manh?
Nghĩa là:
Trong cây sẵn có lửa,
Có lửa, lửa lại sanh
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát làm gì sanh? (8)
Dạy kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 79 tuổi, để lại cho đời những tác phẩm có giá trị cả về lịch sử, văn chương cũng như tư tưởng: Thiền uyển tập anh ngữ lục, Truyền đăng lục, Thơ tiễn sứ Tống và khúc ca Vương lang quy.
2. Tinh thần nhập thế của Khuông Việt Đại sư
Từ những thế kỷ đầu công nguyên, người Việt Nam đã tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào, sau đó tiếp thu một số ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa và phát triển trên nền văn hóa bản địa. Phật giáo Việt Nam mang trong mình nó những yếu tố Việt – Ấn – Trung, do đó ít nhiều khác với Phật giáo các nơi khác trên thế giới, kể cả Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Một trong những nét khác biệt đó chính là tinh thần nhập thế sâu sắc của Phật giáo Việt Nam.
Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng phát triển và hình thành nên một trung tâm lớn: Trung tâm Dâu (sau này gọi là trung tâm Luy Lâu). Trung tâm Phật giáo này đã gắn liền với tên tuổi của hai vị đại sư Mâu Tử (tức Mâu Bác với tác phẩm Lý Hoặc Luận) đến từ Trung Hoa và Khương Tăng Hội (với tác phẩm Lục Độ Tập) đến từ Ấn Độ. Sự phát triển của trung tâm Dâu đã có ảnh hưởng không nhỏ đến Phật giáo Trung Hoa (9). Từ trung tâm Dâu, Phật giáo phát triển rộng khắp và có vai trò hết sức to lớn trong đời sống xã hội nước ta thời Bắc thuộc. Nó góp phần đưa dân tộc vượt qua những thử thách nghiệt ngã. Thế kỷ IX – X sơn môn Dâu nhập thế tham gia vào việc giải phóng dân tộc một cách tích cực. Tuy nhiên, trong không khí sôi động của cuộc vận động độc lập dân tộc, các nhà sư là những trí thức tinh thông tam giáo đã trở thành những người yêu nước, cho nên họ đã dùng hình thức sấm vĩ để cứu nước theo khả năng của họ…. Chính vì vậy mà người đời nhớ đến nhà sấm vĩ hơn nhà sư trong những người trí thức yêu nước này (10) ở sơn môn Dâu. Đây là nét nổi bật của Phật giáo Việt Nam trong các thế kỷ X – XI, bởi lịch sử Phật giáo Việt Nam cơ bản là lịch sử các phái Thiền, còn Tịnh Độ và Mật giáo chỉ là các yếu tố được Thiền tông tiếp nhận (11). Nếu như Tịnh Độ vẽ ra một thiên đường – cõi Tây phương cực lạc mà quần chúng khát vọng thì các yếu tố Mật giáo đáp ứng được những đòi hỏi của họ trong đời sống hàng ngày với những hiệu ứng ma thuật.
Khoảng đầu thế kỷ IX, sơn môn Kiến Sơ ra đời với sự xuất hiện của Lập Đức (12), một nhà sư đã tu ở núi Tiên Du, được họ Nguyễn mời về trụ trì chùa Kiến Sơ, ngôi chùa mà họ Nguyễn đã “cải gia vi tự”. Vô Ngôn Thông đến Kiến Sơ từ tháng 9 năm 820, trụ trì được 6 năm thì mất (năm 826), truyền lại cho Cảm Thành. Với sự có mặt của Vô Ngôn Thông và Cảm Thành, tư tưởng Tâm Tông tức Thiền Tông Trung Hoa thực sự được truyền bá ở nước ta và Thiền tông Việt Nam thực sự bắt đầu từ đây (13). Từ Cảm Thành đến Thiện Hội (? – 900) qua Vân Phong (? – 956) rồi đến Khuông Việt (933 – 1011) là cả một quá trình phát triển của Thiền tông và tư tưởng Tâm tông được đề cao.
Vô Ngôn Thông truyền cho Cảm Thành tinh thần Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh, Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ, nghĩa là tất cả các pháp (sự vật hiện tượng) đều từ tâm sinh ra. Tâm không sinh ra từ đâu cả, pháp cũng chẳng dựa vào đâu cả (chư pháp vô thường). Tư tưởng Tâm vô sinh vô trụ được phổ biến ở Kiến Sơ và trở thành tư tưởng chủ đạo. Cảm Thành truyền cho Thiện Hội rồi Vân Phong cũng với tinh thần không đâu không là tâm Phật, nghĩa là Phật tính tồn tại khắp nơi và mọi chúng sinh đều có Phật tính. Tuy nhiên với Thiện Hội và Vân Phong, tư tưởng Tâm tông có vẻ như chững lại và mang tính giáo điều, chưa có gì mới mẻ.
Khuông Việt đã thoát ra khỏi sự giới hạn của các bậc tiền bối. Tư tưởng của ông không còn bó hẹp trong phạm vi luận bàn về khái niệm, một thứ lý luận kinh viện mà nhiều người đã mắc phải (để Thiền tông phải chủ trương bất lập văn tự như ta đã thấy) mà thực sự gắn kết giáo lý với thực tiễn cuộc sống. Với ông Đạo gắn chặt với Đời, thậm chí Đời còn hơn Đạo (14). Bản thân ông là một nhà sư nhưng không còn ở chốn thâm u tĩnh mịch, lại càng không theo phương pháp Quán bích để giữ tâm vững vàng như tường vách không dao động hoặc không để cảnh bên ngoài tác động vào tâm như một số người đã làm, mà đã bước ra ngoài cuộc sống trần tục một cách tự tin với sự đĩnh ngộ của một bậc thiền sư cao minh đắc đạo. Ông tham gia triều chính và đem cái sở đắc của mình góp phần củng cố nhà nước Đại Cồ Việt non trẻ mà không hề có sự câu nệ, bởi theo ông, trong cây vốn có lửa (Mộc trung nguyên hữu hỏa), lửa vốn có đó lại sinh ra lửa (Hữu hỏa, hỏa hoàn sanh) và khi khoan vào cây thì lửa sẽ bùng lên. Điều đó có nghĩa, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, như Đức Phật đã từng tuyên bố. Phật tính vốn dĩ đã tồn tại trong mỗi chúng sinh và khi tác động đến thì Phật tính sẽ bùng lên để thành Phật (Kiến tính thành Phật). Nói cách khác, Phật là Phật đã thành và chúng sinh là Phật đang thành.
Lối diễn đạt của Khuông Việt Đại sư trong bài kệ của mình Trong cây có lửa, cho thấy ông đã đưa tư tưởng Thiền vào trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng và tự tin, một lối giải thích mà ai cũng dễ dàng thấu hiểu, không cao siêu huyền bí, không nhất thiết phải là kẻ tu hành mới có thể nhận ra. Đọc bài kệ ta biết rằng, Khuông Việt muốn dùng hình ảnh khoan cây lấy lửa để nói đến một cái gì đó vô hình tiềm ẩn trong con người mà có cơ hội sẽ phát huy lên. Trong Phật giáo Đại Thừa chỉ có thể hiểu đó là Phật tính (15). Một hiện tượng đặc biệt (dùng loại hình tượng cụ thể trong đời sống để diễn đạt Phật tính) mà ngay cả ở Trung Hoa, các Thiền sư cũng chưa từng áp dụng.
Các Thiền sư Việt Nam đầu tiên như Pháp Hiền, Thanh Biện, Cảm Thành, Thiện Hội,… có khuynh hướng dung hòa Đốn, Tiệm, Hợp nhất Tri, Hành, tâm linh hiện thực của con đường Nhân bản toàn diện sinh động (16), để đi đến nhận thức Thiền là thái độ biện chứng của sự sống thực nghiệm tại bản thân vận động của thực tại sống động toàn diện (17) và đã mở ra khuynh hướng nhập thế cho Phật giáo Việt Nam mà Thiền sư Khuông Việt là một trong những tấm gương tiêu biểu ở thời Đinh – Tiền Lê.
Thời gian tu học tại chùa Khai Quốc, Thiền sư Ngô Chân Lưu đã được sư phụ Vân Phong dạy cho quan điểm Phật ở khắp mọi nơi, là tư tưởng trong kinh Kim Cang mà Thanh Biện đã chỉ rõ: tất cả pháp đều là Phật pháp (Tâm vạn pháp = Tâm Phật = Tâm ta). Tư tưởng đó có khả năng dẫn dắt, định hướng, giúp người ta dễ dàng và ung dung tham dự vào mọi sinh hoạt của cuộc đời cũng như ý thức được mối quan hệ tốt đời mới đẹp đạo, coi sự thành công trong việc thực hiện nghĩa vụ với đời cũng là sự chứng đắc Phật pháp. Có như vậy mới có thể tìm thấy được sự giải thoát ngay trong chính cuộc đời này. Nói một cách hình ảnh như Khuông Việt Đại sư thì lửa có sẵn trong cây, vấn đề là làm sao cho cây bật ra lửa. Triết lý hành động đó dựa trên một nhận thức luận cho rằng, cuộc đời này chính là nơi con người có thể giải thoát được bằng chính nhận thức của mình. Điều đó có nghĩa, thế giới giác ngộ cũng như hành động của Phật giáo không thể là nơi nào khác ngoài cuộc đời, và con người không cần tìm kiếm ở bất cứ một thế giới nào khác. Triết lý đó về sau đã được Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm Yên Tử Trần Nhân Tông diễn đạt trong Cư trần lạc đạo:
“Phật ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuẩy bổn nên ta tìm Phật
Đến mới hay chính Phật là ta”.
Tức hãy quay đầu lại, hướng vào nội tâm, trở về với cái trí tuệ sáng suốt của mình, tức quay về biện tâm. Hãy tìm Phật ở trong nhà chứ đừng cầu tìm Thích Ca ngoài đường, đừng bỏ bột mà đi tìm bánh, đừng tìm bóng mà quên gương! Các Thiền gia đời Trần từ vị vua đầu tiên Trần Thái Tông đến Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa,… đều hành Thiền từ lúc còn ít tuổi, ngay trong hoàn cảnh sống của mình. Trong cuộc sống đầy phức tạp, sôi động của xã hội Việt Nam thế kỷ XIII, XIV, các vị đã ngộ đạo, xuất thế ngay trong sự nhập thế tích cực. Điều này giải thích cho ta hiểu tại sao Khuông Việt đã ung dung tích cực tham gia vào việc nước việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc. Với ông, đời sống chính là đạo tràng, là môi trường triển khai và hiện hành của Giới, Định, Tuệ,…
Tinh thần nhập thế của Khuông Việt Đại sư rõ ràng là thể hiện ở cả tư tưởng lẫn hành trạng. Ông thực sự trở thành một biểu tượng sinh động, mở đầu cho một xu thế Phật giáo hướng nội, biện tâm phát triển mạnh mẽ vào thời đại Lý Trần, để các Thiền sư không chỉ góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước mà còn góp phần to lớn trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc. Các Thiền sư như Vạn Hạnh dung tam tế (hợp nhất được ba cõi quá khứ, hiện tại, vị lai), Thiền sư đã đem gậy nhà Phật, hay đem Phật giáo, để bảo vệ, hộ trì quốc gia (Dựng gậy vững kinh vua), dựng nên vương triều Lý, “đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta”, thời của các Thiền sư “biết đem đạo vào đời để phụng sự quốc gia dân tộc một cách vô tư hay là lấy hành động vô cầu phụng sự quốc gia dân tộc làm phương tiện giải thoát” (18); Tuệ Trung Thượng Sĩ đã xuất thế trong sự nhập thế tích cực, và ông là một trong những người tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách sống Việt Nam thế kỷ XIII. Xã hội Đại Việt bấy giờ có tới hơn 90 phần trăm dân số theo đạo Phật mà chủ trương tu Phật không cần trì giới và nhẫn nhục, khi cần thì cứ sát sinh, cứ giết giặc, cứu nước, thật là xa lạ với giáo điển nhà Phật. Nhưng chính tư tưởng độc đáo đó của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã góp phần cứu rỗi dân tộc Việt Nam ra khỏi cơn hiểm nghèo mà các dân tộc khác phải gánh chịu. Rồi một vị Vua – Phật lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Mông – Nguyên và xây dựng “non sông nghìn thuở vững âu vàng”… Khuông Việt là vị Tăng quan đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ông đã tạo nên một hình ảnh đẹp đẽ của các vị sư tăng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng mô hình Đạo – Đời nhất thể, đưa Phật giáo gần gũi hơn với đời sống con người, tạo điều kiện cho Phật giáo đồng hành cùng dân tộc.
Trên 30 năm đại sư Khuông Việt đã phục vụ trong các chính quyền của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Phật giáo Việt Nam lúc ấy đã thực hiện tốt chức năng đào tạo những người trí thức có khả năng gánh vác không chỉ việc đạo mà cả việc nước việc dân, và đã thể hiện được tài năng nhiều mặt của mình. Không chỉ trong lĩnh vực sinh hoạt Phật giáo mà cả trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao (19). Đức độ và tài năng của các vị sư tăng bấy giờ đã góp phần giúp cho các vương triều thể hiện được tính tự chủ dân tộc, các nhà vua tự tin hơn trước những áp lực từ phía Trung Hoa. Còn nhớ Lý Giác trong lần đi sứ nước ta năm 986, đã lấy làm cảm phục tài năng của hai nhà sư ngoại giao tài giỏi Đỗ Pháp Thuận và Khuông Việt Đại sư. Lý Giác xúc động đến nỗi phải thốt lên rằng Thiên ngoại hữu Thiên ưng viễn chiếu (Ngoài trời lại có trời soi sáng). Quả là hết sức đặc biệt! Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong lịch sử bang giao Việt – Trung, sứ giả của Thiên triều “phải công nhận Việt Nam ở ngoài vòm trời văn hóa – chính trị Trung Hoa và Việt Nam có trời riêng của mình, cũng rực rỡ không kém gì Trung Hoa” (20).
Bài thơ Lý Giác lưu lại sau chuyến đi sứ nước Nam là cảm xúc mạnh mẽ không phải bắt đầu từ sự uy nghi của triều đình nước Nam, hay từ sự rực rỡ tráng lệ của kinh đô Hoa Lư (bởi Kinh đô Hoa Lư bấy giờ còn nghèo nàn và đơn giản),… mà bằng sự uyên thâm trong học vấn, sự tài hoa về văn chương và ứng đối, sự chứng đắc tâm linh siêu việt của các nhà sư,… tỏa sáng trên bầu trời, một bầu trời riêng ngoài Trời phương Bắc.
Hạnh ngộ minh thời tán thạnh du,
Nhứt thân lưỡng độ sứ Giao Châu,
Đông đô tái biệt tâm lưu luyến,
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu,
Mã đẹp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu,
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
Dịch:
May gặp minh quân giúp việc làm,
Một mình hai lượt sứ miền Nam,
Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ,
Muôn dặm non sông mắt chữa nhàm,
Ngựa đạp mây bay qua suối đá,
Xe vòng núi chạy tới giồng lam.
Ngoài trời lại có trời soi sáng,
Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm.
(TT. Thích Mật Thể) (21)
Khi được hỏi, Đại sư tâu với vua Đại Hành rằng, câu thứ 7 trong bài thơ, Lý Giác có ý tôn bệ hạ ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa. Vua lấy làm sảng khoái, bởi không có lời tán dương nào cao hơn nữa. Nước Việt ta vừa trải qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, vừa khôi phục lại độc lập chưa lâu, vậy mà một vương triều Trung Hoa như Đại Tống lại công nhận Đại Cồ Việt “ngang hàng” với họ, một “bầu trời riêng” bên cạnh Trung Hoa cho thấy thế nước ta bấy giờ thăng hoa rực rỡ.
Tinh thần nhập thế của Khuông Việt Đại sư một phần xuất phát từ quan điểm của đạo Thiền: Phật tức Tâm, Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ như ta đã thấy. Song có thể nhận ra rằng sự tòng Nho quy Phật cũng đã chi phối phần nào tư tưởng và hành trạng của nhà sư. Là Thiền sư nhưng lại là một Tăng quan. Nhà sư tham gia chính trị nghĩa là không còn xa lánh cõi phàm trần nữa. Và một khi đã tham gia chính sự thì phải hòa nhập với thực tiễn cuộc sống, phải vì sự an vui của nhân quần xã hội. Trong trường hợp này, những sở đắc Nho học của nhà sư chắc chắn sẽ có cơ hội để thi thố, vận dụng. Có ý kiến cho rằng, nhìn trên tiễn hình thì các hoạt động chính trị của ông là một phức thể của Nho và Phật, quả không sai. Khi phong Khuông Việt Đại sư, hẳn vua Đinh đã đặt sự kỳ vọng vào Ngô Chân Lưu là người có khả năng khuông phò đất Việt, làm mẫu mực cho nước Việt. Khuông Việt không phải là một tự hiệu mang tính danh dự, mà là sự thể hiện liên tài giữa vua Đinh và Thiền sư. Chữ khuông vốn viết tắt từ khuông cứu hay khuông phù, là các từ chỉ tinh thần nhập thế của cả Phật lẫn Nho (22). Và, nhìn một cách tổng quát ta thấy tính nhập thế của Phật giáo đầu giai đoạn tự chủ (thời Ngô – Đinh – Tiền Lê) phần nào chịu ảnh hưởng của Nho giáo.
Trước yêu cầu khách quan của việc xây dựng thiết chế quân chủ trung ương tập quyền, chủ trương tu, tề, trị, bình của đạo Nho trở nên thích hợp. Khuông Việt Đại sư vốn là người theo nghiệp Nho từ nhỏ ắt thông hiểu những ý chỉ Thánh nhân. Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương từ góc nhìn của loại hình học nhân vật lịch sử đã viết, Khuông Việt Đại sư “Vốn là người nằm trong cuộc thế, ông đã “sớm chín” để tự “siêu vượt” khỏi cõi thế đầy nước mắt. Đứng ngoài khổ đau cá nhân, ông có lẽ là người tĩnh lặng nhất để chứng nghiệm về cuộc đời và ngầm vạch ra đường đi nước bước cho các triều đại sơ khởi đang còn lúng túng với các thao tác kiến tạo thể chế độc lập sơ khai. Đứng ra ngoài, với Khuông Việt, thực chất là để nhìn rõ hơn cuộc đời, rồi sau đó lại xông pha vào đời với nhiệt huyết của một nhà Nho (Dụng chi tắc hành, xử chi tắc tàng) (23). Hành sự như một nhà Nho, tế thế như một Thích Ca ấy chính là đặc điểm tiễn hình quan trọng nhất của thiền sư Khuông Việt” (24).
Nguyễn Đăng Thục nhà nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam cũng đã nói rõ về sự dung hội Phật – Nho của Khuông Việt. “Thuở còn nhỏ vốn theo nghiệp Nho, rồi sau mới đi sang Phật. Bởi thế mà Phật học của Khuông Việt có khuynh hướng thực tiễn dân tộc chứ không còn lạnh lùng với nhân sinh. Như thế thì sơ bỏ Nho đi sang Phật là vì một mình Nho giáo không thỏa mãn cho sự đòi hỏi tín ngưỡng của dân tộc. Vì Khuông Việt đã giải đáp Đa Bảo hỏi về lý thủy chung bằng sự phủ nhận để đi vào cái thực tại đồng nhất thể, tức là cái tâm linh vũ trụ bất biến, chân như, hợp nhất cả bản thể và tác dụng, đạo và đời (Etre et Devenir). Đấy là tư tưởng tổng hợp Nho Phật của Khuông Việt, lập cước trên cơ bản tính vừa nội tại vừa siêu nhiên như lời kệ cuối cùng đã tỏ rõ” (25). Chính vì vậy cho nên Khuông Việt đã không ngần ngại tham dự vào chính sự vì dân tộc một cách vô tư, không ham danh lợi, quyền thế. Và khi tuổi già sức yếu, về quê dựng chùa dạy học, vui với cỏ cây.
Sự tham chính của Khuông Việt cho thấy, ông trở lại với Nho sau khi đã chứng đắc Phật Pháp. Dưới thời Tiền Lê, với chức năng là một nhà cố vấn về chính sách và quân sự cho nhà vua, ông đã thực hành Nho học rõ nét hơn, nhất là trong sáng tác văn chương và ứng đối với sứ thần Trung Hoa, những nội dung chính trị mang màu sắc Nho giáo đã bộc lộ ra từ một nhà học vấn, một chính khách (Nho sĩ) thực thụ mà Vương lang quy là một điển hình. Ngay cả trong bài kệ thị tịch, yếu tố Nho – Phật đã đan vào nhau một cách khéo léo. Trần Trọng Dương có lý khi nhận xét rằng, “về mặt ngôn ngữ bài thơ là một sự cộng hưởng, đa trùng của ngôn ngữ Nho giáo và Phật giáo (có thể cả Đạo giáo nữa)”(26). Nó “là một kiểu diễn ngôn khác về quan niệm ngũ hành của Hán Nho. Những tưởng, ông sẽ tiếp tục thuật theo tinh thần “thuật nhi bất tác”của Khổng Tử, nhưng ông đã có tư duy khác về kinh điển. Chỉ là tạm thời mượn cái vỏ ngữ ngôn của Nho gia, Khuông Việt đã tiến hành đặt lại câu hỏi bản thể luận vũ trụ mà Nho học đời Hán chưa giải quyết được theo đòi hỏi trí tuệ của ông” (27).
Hiện tượng này khiến chúng ta liên tưởng đến một bậc đại danh Nho cuối thế kỷ XVIII, tác giả của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh – Ngô Thì Nhậm. Ông đã đến với Thiền bằng những sở đắc Nho học và trở thành một nhà Thiền học, một vị Thiền sư và ông đã tự xưng là người tiếp nối phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Những đồng chí của Ngô Thì Nhậm đã tôn xưng ông là Đệ Tứ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tiếp nối Thiền tông Việt Nam thời Trần. Ngô Thì Nhậm cho rằng Nho và Thiền là hai đạo không thể thiếu được của một con người, xem chúng giống nhau về cách ứng phó, như có thể tuỳ trường hợp mà vận dụng, nhập thì dùng Nho, xuất thì dùng Thiền (!). Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được ông viết trong khoảng thời gian từ 1796 đến 1802 như một thứ kinh thuyết pháp về Thiền. Tuy nhiên, giữa Ngô Thì Nhậm và Khuông Việt có nhiều điểm khác nhau. Ngô Thì Nhậm chỉ nắm bắt Thiền ở mặt hình thức, còn những yếu chỉ của Thiền ông chưa hiểu sâu xa như các Thiền sư thời Lý Trần. Vốn là một bậc đại Nho đến với Thiền, do đó trong tư tưởng ít nhiều ông đã đồng nhất giữa Thiền và Nho. Nhiều người cho rằng hiện tượng giải thích Phật ra Nho của Ngô Thì Nhậm và các đồng chí của ông là do kiến thức về Phật có phần nhầm lẫn, quả là không sai. Và tất nhiên, với Khuông Việt Đại sư, Thiền không chỉ để “xuất” mà còn để “xử”, phải hành Thiền ngay trong cuộc sống.
Chính sự dung hội Phật – Nho đã giúp cho Khuông Việt Đại sư có cái nhìn thực tế hơn để rồi dấn thân vì đại nghiệp, góp phần giải thoát chúng sinh, mà trước hết góp phần giải phóng nước nhà khỏi cơn nguy biến.
3. Thay lời kết
Trong vòng 70 năm, từ khi Ngô Quyền khôi phục nền tự chủ cho dân tộc Việt Nam đến lúc triều Lý khởi dựng, đất nước ta đã trải qua nhiều biến động, có lúc yên bình, có buổi can qua, thống nhất rồi phân liệt,… thịnh suy liên tục. Tuy ngắn ngủi nhưng là chặng đường quá độ để định hình một thiết chế chính trị quốc gia sau hơn ngàn năm Bắc thuộc. Để có một triều đại Lý – Trần thăng hoa rực rỡ với nền quân chủ trung ương tập quyền phát triển, các triều vua Ngô – Đinh – Tiền Lê đã tạo dựng những tiền đề hết sức quan trọng.
Ở buổi đầu xây dựng nền quân chủ tập quyền trung ương, các vị Tăng quan góp phần đáng kể, trong đó nổi lên vai trò của các vị Thiền sư như Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh,… Họ không chỉ là những nhà tu hành mà còn là những nhà chính trị, những nhà ngoại giao tài ba của nước Việt. Họ là những tấm gương sáng về tinh thần đạo pháp dấn thân cùng dân tộc. Với Khuông Việt Đại sư, danh tiếng cũng như huyền thoại về ông mãi mãi được lưu truyền trong lịch sử dân tộc và trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Không nghi ngờ gì nữa, ông đã xuất thế trong sự nhập thế vì đạo pháp và dân tộc ở nước ta vào thế kỷ X.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Tài Cẩn (2001), “Vấn đề lập trường đối với nhà Tống trong bài ‘Vương lang quy’ của Ngô Chân Lưu”, trong Một số chứng tích về ngôn ngữ văn tự và văn hóa, Nxb. ĐHQG Hà Nội.
- Minh Chi (1995), Các vấn đề Phật học, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.
- Lê Cung (1997), Phật giáo Việt Nam với cộng đồng dân tộc, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh.
- Trần Văn Giàu (1983), Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam – Tư tưởng yêu nước, Nxb. Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.
- Trần văn Giàu (1988), Triết học và tư tưởng, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, Nxb Giáo dục.
- Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội nhà văn.
9. Lê Mạnh Thát (2001), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập II – Từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thái Tông (1054), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (1995), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa.
- HT. Thích Giác Toàn, PGS.TS. Trần Hữu Tá (2010), Văn học Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Văn hóa Thông tin.
- Thiền uyển Tập anh (1993), Nxb. Văn học, Hà Nội.
- Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa.
- Thích Minh Tuệ (1993), Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh.
- Thích Thanh Từ (1995), Phật giáo với dân tộc, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh.
- Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
- Khôi Việt (1996), Phật giáo và quốc đạo Việt Nam, Viện Tư tưởng Việt Phật.
- Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (Dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Tập I, Nxb. Khoa học xã hội.
19. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
Chú Thích:
(1) Theo Thiền uyển tập anh, ông là hậu duệ của Ngô Thuận Đế, tức Tiền Ngô vương (Ngô Quyền), con Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, cháu của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, anh cùng cha khác mẹ của sứ quân Ngô Xương Xí, anh họ của Ngô Nhật Khánh – một sứ quân khác ở đất Đường Lâm. Trong thời gian lánh nạn, Xương Ngập nương nhờ Phạm Lệnh Công và lấy con gái Lệnh Công, sinh ra Xương Xí.
(2) Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, chú thích Ngô Khuông Việt (933 – 1011) tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Lỵ; huyện Thường Lạc; trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Bản dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 225.
(3) Dương Tam Kha là em vợ Ngô Quyền (có sách ghi là anh), người làng Dương Xa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con của Dương Đình Nghệ. Ông là đại tướng chém chết Hoằng Thao trên chiến tuyến Bạch Đằng năm 938. Trước khi nhắm mắt, Ngô Quyền gửi gắm Ngô Xương Ngập cho ông. Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha phế Xương Ngập, tự nhiếp chính xưng là Bình Vương, nhận Xương Văn làm con nuôi. Xương Ngập và Xương Văn là anh em cùng cha khác mẹ. Tam Kha là cậu ruột của Xương Văn.
(4) Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (Dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Tập I, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 212. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi “Khuông Việt Thái sư” (Tập 1, tr. 239).
(5) Đây là lần đầu tiên chức Tăng thống được nói đến trong lịch sử Việt Nam. Sau này cho đến thời nhà Trần và nhà Lê vẫn còn sử dụng. Nhiệm vụ của người giữ chức này, tuy sử sách không ghi lại rõ ràng, song vẫn có thể hiểu như một chức để nắm các sư sãi ở trong nước.
(6) Lý Giác là người đã từng đi trong phái bộ Lý Nhược Chuyết trong năm trước để sang phong cho vua Lê Đại Hành làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân tiết độ sứ và đòi vua Lê Đại Hành trao trả hai tên tướng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt trong cuộc chiến năm 981. Phái bộ của Lý Giác đến nước ta lần thứ hai vào năm Thiên Phúc thứ 7 (986).
(7) Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr.47
(8) Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr.48
(9) Cụ thể là năm 247, Khương Tăng Hội từ trung tâm Dâu sang Kiến Nghiệp (vùng Nam Kinh ngày nay) và được vua Ngô là Ngô Tôn Quyền dựng chùa cho ông truyền đạo, lấy tên là chùa Kiến Sơ. Khương Tăng Hội trở thành người đầu tiên truyền bá Phật giáo ở Kiến Nghiệp.
(10) Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.294.
(11) Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Hội nhà văn, tr.283.
(12) Có thể Lập Đức vốn thuộc sơn môn Dâu là người sáng lập sơn môn Kiến Sơ.
(13) Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.300.
(14) Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.301.
(15) Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr.301.
(16) Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, tr. 98.
(17) Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, tr. 101.
(18) Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập III, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 86.
(19) Khuông Việt, Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
(20) Lý Khôi Việt (1996), Phật giáo và quốc đạo Việt Nam, Viện Tư tưởng Việt Phật, 274.
(21) Thích Minh Tuệ (1993), Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành, tr.149-150.
(22) Khuông Việt, Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.
(23) Nghĩa là: Dùng thì ra làm (ý nói ra làm quan), không dùng thì ẩn kín (ý nói đi ở ẩn) [Luận ngữ]. Cách xuất xử của ông khiến người ta nghĩ đến câu “Thánh chi thời” vốn đã dành để trỏ một bậc Thánh của Nho gia.
(24) Trần Trọng Dương (2010), “Khuông Việt Thiền sư hay phức thể dung hội Nho – Phật”, Văn học Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Văn hóa – Thông tin, tr.102-103.
(25) Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập II, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr.365-366.
(26) Trần Trọng Dương, Sđd, tr.106.
(47) Trần Trọng Dương, Sđd, tr. 107.
Cập nhật ( 03/05/2011 )