Tiếng Hú của Thiền Sư Không Lộ
* Huỳnh Kim Quang
Chắc bạn đã từng nghe nói đến tiếng “quát” kinh thiên động địa của thiền sư Vân Môn Văn Uyển, tiếng “hét” dựng tóc gáy của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, hay cây gậy “đánh” người túi bụi của thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám trong thiền sử Trung Hoa. Nhưng bạn đã có bao giờ nghe tiếng “hú” lạnh buốt cả bầu trời của thiền sư Không Lộ trong thiền sử Việt Nam?
Bài viết này xin giới thiệu tiếng “hú” đặc biệt hy hữu đó.
Thiền sư Không Lộ, thế danh là Dương Minh Nghiêm, sinh ngày 14 tháng 9 năm Bình Thìn (1016) đời Vua Lý Thái Tổ tại làng Giao Thủy, huyện Hải Thanh, Tỉnh Nam Định, và viên tịch vào năm Giáp Tuất 1094 đời Vua Lý Nhân Tông, thọ 79 tuổi. Như thế, năm nay, Nhâm Thìn, 2012, là 996 năm sinh của thiền sư Không Lộ. Ông sinh 6 năm sau khi nhà Lý dựng đế nghiệp. Thiền sư Không Lộ là người khai sơn Chùa Keo, tức Chùa Nghiêm Quang, sau đổi tên là Chùa Thần Quang ở Huyện Vũ Thư, Tỉnh Thái Bình. Chùa nguyên ở hữu ngạn Sông Hồng, vì bị lụt làm hư hại, đến đầu thế kỷ 17 đã dời sang tả ngạn sông Hồng và tồn tại đến ngày nay.
Thiền sư Không Lộ làm nhiều bài thơ, trong số đó nổi tiếng nhất là 2 bài: Ngôn Hoài và Ngư Nhàn. Bài viết này xin nói đến bài Ngôn Hoài vì trong bài thơ này xuất hiện tiếng “hú” kỳ bí của thiền sư Không Lộ.
言 懷
宅 得 龍 蛇 地 可 居
野 情 終 日 樂 無 餘
有 時 直 上 孤 峰 頂
長 叫 一 聲 寒 態 虛
Ngôn Hoài (âm Hán Việt)
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đảnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
Dịch nghĩa:
Chọn được đất rồng rắn có thể ở
Tình quê mộc mạc suốt ngày an lạc trọn vẹn
Có lúc leo thẳng lên đỉnh núi cô quạnh
Hú một tiếng dài làm lạnh cả bầu trời.
Bài thơ này đã được nhiều người dịch. Nay xin trích một vài bản dịch tiêu biểu để độc giả thưởng lãm. Trước hết là bản dịch Việt của Ngô Tất Tố:
Lựa nơi rồng rắn đất ưa người,
Cả buổi tình quê những mảng vui.
Có lúc thẳng lên đầu núi thẳm,
Một hơi sáo miệng, lạnh bầu trời.
Sử gia Lê Mạnh Thát dịch Việt như sau:
Chọn chỗ thâm u, đất rắn rồng
Tình quê suốt buổi mãi vui rong
Có khi lên thẳng đầu non quạnh
Huýt một hơi dài lạnh cõi không.
Người viết xin dịch như sau:
Chọn đất rắn rồng để ẩn cư
Suốt ngày an lạc với tình quê
Có khi lên tận trên đầu núi
Hú một tiếng dài lạnh bầu trời.
Trong bài thơ trên có mấy chỗ cần ghi chú trước khi đi vào nội dung tổng quát. Mấy chữ “long xà địa” ở câu đầu, theo Ngô Tất Tố và một số nhà bình giải khác là “đất rồng rắn,” thuộc khoa phong thủy, nhưng sử gia Lê Mạnh Thát thì cho là “chỗ thâm u.” Cùng quan điểm với sử gia Lê Mạnh Thát có nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh trong bài “Tiếng Hú Trên Đỉnh Cô Phong.” Trong bài viết này, nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh trích dẫn nhận định của nhà nghiên cứu An Chi cho rằng, “Nhà nghiên cứu An Chi có nói về sự hiểu sai đáng tiếc này: Tiếc rằng, thuật phong thủy và các thầy địa lý lại không bao giờ nói đến “những rặng núi hình rồng, hình rắn” hoặc “kiểu đất có hình thể của rồng, rắn”, chỉ đơn giản vì “long xà địa” là một lối nói không hề tồn tại trong thuật phong thủy. Rồi ông còn chịu khó lục tìm trong sách “Bí ẩn của phong thủy”, trong đó nêu ra 21 khái niệm thường dùng và 92 thuật ngữ cơ bản của thuật phong thủy nhưng chẳng có khái niệm hoặc thuật ngữ nào là “long xà địa.” Cuối cùng, An Chi nói, “Long xà địa” là đất ẩn dật, bắt nguồn từ một lời “Hệ từ” trong Kinh Dịch: “Long xà chi trập, dĩ tồn thân dã”, nghĩa là “rồng rắn mà ẩn nấp là để giữ mình vậy”.” Có lẽ cách giải thích “long xà địa” như là “chỗ thâm u” hay là “đất ẩn dật” là phù hợp nhất, bởi vì nhờ ở “chỗ thâm u” hay “đất ẩn dật” nên thiền sư có thêm thuận duyên cho đời sống “dã tình,” tức tình quê mộc mạc, chất phác, đơn sơ, giản dị, thong dong tự tại không bị ngoại cảnh quấy rầy, phiền lụy. Và vì vậy, suốt ngày thiền sư mới an trú trong cảnh giới “lạc vô dư.” “Lạc vô dư” là sự an lạc trọn vẹn không còn một chút phiền não nào chen vào, trạng thái tâm thức hết vô minh và phiền não một cách rốt ráo. “Vô dư” là không còn lưu lại, không còn rơi rớt lại, là một trong 2 đặc tính của niết bàn: hữu dư và vô dư. Niết bàn thường được dịch sang Hán văn là tịch diệt, tức là sự vắng lặng do hết các lậu hoặc, phiền não. Vô dư niết bàn là niết bàn lúc đức Phật và các vị A La Hán viên tịch.
Chữ “khiếu” trong Hán văn, có nghĩa là kêu, tiếng kêu. Nhưng khi chữ “khiếu” đi với chữ “trường” thành “trường khiếu” thì ý nghĩa ắt có thay đổi. “Trường khiếu” là tiếng kêu dài, mà khi phát ra tiếng kêu dài thì người kêu phải vận dụng đến hơi thở và sức lực, tức là sức thì phải mạnh và hơi thì phải dài. Điều đặc biệt là trong câu thơ cuối này còn có thêm hai chữ “nhất thanh,” tức là một tiếng, một âm thanh, nghĩa là tiếng kêu chỉ phát ra và kéo dài thành một âm thanh chứ không phải phát ra đứt đoạn, hết hơi này tới hơi khác. Hành động phát ra tiếng kêu với sức mạnh và hơi dài thành một tiếng mà không bị đứt đoạn tất nhiên phải tạo ra âm thanh của tiếng hú. “Trường khiếu” vì vậy là tiếng hú dài.
Điều cần đặc biệt lưu ý ở đây là trạng thái tâm thức của một người khi phát ra tiếng hú và khung cảnh lúc người đó cất lên tiếng hú dài. Tiếng hú không phải là động thái được làm bình thường trong đời sống thường nhật của một người, nhất là người đó không những là một tăng sĩ mà còn là một vị thiền sư có uy tín đương thời. Tiếng hú chỉ được kêu lên trong hoàn cảnh và trạng thái tâm lý đặc biệt, chẳng hạn, khi hú một người nào đó thì nhất định là người hú muốn cho người nghe biết rằng ông hay bà ta đang nhắn gửi một thông điệp khẩn cấp chứ không phải bình thường, như vì sợ người kia đang ở xa, đang bị chi phối bởi ngoại cảnh nào đó nên người hú phải cất lên tiếng hú để tạo chú ý cho người nghe. Đôi khi tiếng hú cũng là động thái biểu lộ trạng thái tâm thức nào đó mà người hú không thể hay không muốn bày tỏ qua tiếng nói bình thường. Tiếng hú càng dài, càng lớn thì tính cách đặc biệt của nó càng được thấy rõ.
Trong tiếng hú của bài thơ Ngôn Hoài của thiền sư Không Lộ, có hai sự kiện mà chúng ta cần quán sát, đó là khung cảnh mà tiếng hú xảy ra và trạng thái tâm thức của thiền sư Không Lộ khi phát ra tiếng hú.
Trước hết, xin nói về khung cảnh. Bài thơ Ngôn Hoài mô tả khung cảnh lúc thiền sư Không Lộ cất tiếng hú dài rất đáng chú ý. Tiếng hú dài đó không xảy ra nơi sân chùa, nơi góc núi, nơi bờ rừng hay cạnh một con suối, mà diễn ra trên đỉnh một ngọn núi cô quạnh. Hãy hình dung rằng một thiền sư với dáng người mảnh khảnh đi băng băng lên đỉnh núi cô quạnh, nơi đó không một bóng người, không một bóng thú vật, chung quanh toàn là rừng núi bạt ngàn với khói sương và mây trắng lãng đãng, đỉnh núi đó sừng sững giữa bầu trời mênh mông bát ngát, rồi thiền sư ngước cổ lên trời mà hú một tiếng dài, âm ba xé nát không gian, kinh động khắp mười phương khiến bầu trời cũng phải lạnh buốt. Mấy chữ “lạnh cả bầu trời” trong bài Ngôn Hoài mang đầy tính hình tượng, gợi lên trong tâm trí người đọc một khung cảnh không gian sâu hun hút bị choáng ngợp, hay bị chìm ngập trong tiếng hú kỳ bí của thiền sư. Hãy để ý đến hình tượng một ngọn núi cô quạnh, một thiền sư cô độc, một tiếng hú dài lảnh lót.
Bây giờ xin nói về trạng thái tâm thức. Thiền sư một hôm đi phăng phăng lên đỉnh núi rồi cất tiếng hú dài không phải là chuyện làm để giỡn chơi. Tất yếu đó là hành động biểu lộ cho trạng thái tâm thức đặc biệt nào đó. Tâm thức đó là gì? Lẽ dĩ nhiên, chỉ có thiền sư Không Lộ mới thực sự cảm nhận được một cách đúng thực trạng thái tâm thức lúc đó của ngài. Nhưng, qua khung cảnh của bài thơ, qua hình ảnh đời sống thiền của các thiền sư, chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào trạng thái tâm thức lúc ngài cất tiếng hú dài. Đối với một thiền sư như thiền sư Không Lộ thì có lẽ chỉ có một cách lý giải mà hầu hết các nhà bình giải bài thơ Ngôn Hoài xưa nay đều giống nhau, đó là biểu lộ giây phút cực kỳ trọng đại xảy ra với người tu thiền: kiến tánh, giác ngộ, hay chứng đạo. Vì chỉ có trạng thái tâm thức bùng vỡ tận cùng sâu thẳm của nội tâm lúc chứng ngộ mới có đủ sức mạnh phi thường để khiến cho thiền sư phải đi phăng phăng lên đỉnh núi cô quạnh mà hú một tiếng dài bất tận làm lạnh cả bầu trời. Ở đây, người đọc còn cảm nhận thêm một điểm lý thú nữa. Đó là trạng thái tâm thức bùng vỡ của thiền sư khi chứng ngộ đã mở tung cảnh giới bí ẩn sâu nhiệm của tâm để nó nhập thể hay trở về nguồn cội uyên nguyên của nó, và lúc đó tâm là pháp giới, tâm là vũ trụ, tâm là cõi không gian vô cùng, mà thật ra tâm cũng không là gì cả, vì tâm vô tướng, và pháp giới cũng vô biên tế. Chính vì thế, tiếng vọng của tâm qua tiếng hú dài mới có thể làm lạnh cả bầu trời, làm không gian vô biên đặc quánh thành một, rồi tan đi trong tiếng hú vô hình vô tướng.
Cho nên, tiếng hú dài của thiền sư Không Lộ là tiếng hú độc nhất vô nhị trong rừng thiền từ xưa tới nay.