THƠ LÝ TRẦN NGUỒN TƯ DUY MINH TRIẾT
* Hoàng Quốc Hải
Thân như bóng chớp chiều tà
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
Chấm dứt đêm trường ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài, công ấy do Ngô Vương Quyền, Nhưng chỉ ít năm sau, lại cát cứ, xâu xé, tranh giành. Dẹp xong loạn 12 xứ quân, lên ngôi hoàng đế, đến lượt cha con Đinh Tiên Hoàng bị ám hại. Cái chết của cha con ông đến nay vẫn còn là một nghi án.
Được ngôi nước, Lê Hoàn trong lòng vẫn chưa hết lo sợ. Đem nỗi lo ấy hỏi một bậc thiền sư lỗi lạc. Hẳn Lê Hoàn chỉ mong Đỗ Pháp Thuận chỉ cho ông giải pháp đối phó với các phe đối lập, đối phó với các sách động người Mường ở Thanh Hóa, người Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn thường nổi dậy cướp phá, chống lại quan quân, và cả sự đe dọa của nhà Tống.
Thay vì “Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn”, (tức là trả lời điều vua hỏi về “ngôi nước”; ngôi nước ở đây chính là vị trí của nhà vua); Thiền sư đọc luôn cho vua nghe một bài kệ, nhằm vào chủ đề vua hỏi:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô tri cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Nghĩa là:
Ngôi nước như dây leo quấn quít
Ở góc trời Nam (mở ra) cảnh thái bình
(Dùng đường lối) vô vi nơi cung điện
Thì khắp mọi nơi điều tắt hết đao binh.
Nhà thiền học khuyên vua, muốn giữ được ngôi nước thì phải đoàn kết, như loài dây leo xoắn xuýt vào nhau thì mới có sức mạnh. Và đường lối hành xử của nhà vua nơi triều chính, phải là “đường lối vô vi”. Vô vi mà Đỗ Pháp Thuận nói ở nơi đây không có nghĩa là không hành động; nhà thiền nói “vô vi”. Như vậy, Đỗ Pháp Thuận đã khuyên hoàng đế Lê Hoàn: tinh thần đoàn kết và sự trong sạch của triều đình đó sẽ là nguồn gốc của thái bình an lạc của đất nước.
Có lẽ thiền sư Pháp Thuận, là một trong những nhà Phật học đầu tiên ở nước ta, tạo tiền đề cho đạo gắn với đời, tham gia tích cực vào mọi mặt trong đời sống xã hội, cả về văn hóa và chính trị theo hướng tiến bộ. Ta biết các thiền sư cuối Tiền Lê đầu Lý, đã có tác dụng tích cực thế nào vào việc làm nảy sinh một triều đại mới. Đó là vai trò của các thiền sư Đa Bảo, Khánh Văn, đặc biệt là sư Vạn Hạnh. Đó cũng là sự vạn bất đắc dĩ các thiền sư buộc phải tham gia vào việc diệt trừ cái ác, tôn vinh cái thiện, tựa như sau này, Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung hai lần thân làm tướng trực tiếp cầm quân đánh giặc Nguyên Mông hồi cuối thế kỷ 13. Khi thế nước bình ổn, các vị thiền sư lại chuyên tâm tu đạo.
Vạn Hạnh, cha đẻ của vương triều Lý, khi Lý Công Uẩn đã điều khiển triều chính vững vàng rồi dường như ông không quan tâm đến các vấn đề chính trị nữa. Thiền sư Vạn Hạnh khi sắp viên tịch, các đệ tử hỏi về Đạo, ông nói lời “kệ”.
Thị đệ tử
Thân như điện ảnh hữu hàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhâm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Bảo các học trò
Thân như bóng chớp, có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
(Ngô Tất Tố dịch)
Vạn Hạnh chỉ cho đệ tử thấu hiểu quan niệm của nhà Phật là không chấp hữu, chẳng chấp vô. Ngay cái thân ta tưởng như là có, bỗng chốc đã là không, từ có đến không chỉ như một ánh chớp. Cả sự vận hành của thế giới sắc tướng kia, thịnh suy dời đổi có khác chi giọt sương trên đầu ngọn cỏ. Do vậy, việc sống chết, thịnh suy là lẽ thường hằng.
Có một điều thú vị là trong các thời Lý – Trần, rất nhiều các anh minh vua thiền sư. Trường hợp Lý Phật Mã (Lý Thái Tông 1000 – 1054) không là một biệt lệ. Quan niệm của ông về thời gian và không gian, là một thứ không gian rất gần gủi với thuyết tương đối ngày nay. Trong bài kệ truy tán vị tổ của dòng thiền Tì ni đa lưu chi, đã mất hơn 400 năm trước khi ông được sinh ra. Vậy mà ông viết cứ như một nhà vật lý học ngày nay:
Hạo hạo Lăng Già nguyệt
Phân phân Bát Nhã liên
Hà thì lân diện kiến
Tương dữ thoại trùng huyền
Dịch thơ:
Lăng già ngời bóng nguyệt
Bát Nhã nức mùi sen
Họp mặc từng bao tá
Cùng nhau bàn lẽ huyền.
(Ngô Tất tố dịch)
Triết lý đời Lý qua thơ thiền, khẳng định cái khả biến và cái bất biến trong thế giới vi mô và vĩ mô.
Cái khả biến là thế giới hình tướng, sắc tướng; cái bất biến là đạo, là qui luật của tự nhiên.
Trong bài “Thị đệ tử Bản Tịch”, tức là bảo cho học trò là Bản Tịch, Thiền sư Đào Thuận Châu viết:
Chân tính thường vô tính
Hà tằng hữu sinh diệt
Thân thị sinh diệt pháp
Pháp tính vị tằng diệt
Dịch nghĩa:
Chân tính luôn luôn không có tính
Nó chưa từng có sinh diệt
Thân người là hiện tượng sinh diệt
Những pháp tính thì chưa từng sinh diệt.
Do nhận thức về qui luật sinh tử cũng như các qui luật khác của tự nhiên có tính bản thể luận như vậy, nên con người thời đó có lối sống rất hồn nhiên, và hòa đồng và thái độ sống rất chủ động, tích cực. Bài “Cáo tật thị chúng” của thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096) ra đời gần ngàn năm, mà sao ta có cảm giác như nó được viết vào thời nay.
Bốn câu đầu:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân lai bách hoa khai
Sự thực nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Nhằm nói về bốn núi, tức là bốn nỗi khổ của con người: sinh – lão – bịnh – tử thì ai cũng biết rồi. Bởi trong cuộc đời không ai mà không trải qua bốn cảnh bất hạnh đó. Về bốn câu này thì nhiều thi nhân có thể viết được.
Nhưng hai câu cuối:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc da nhất chi mai
Nhất định là một nhà thiền học uyên bác mới lập nỗi tứ này, để bài thơ đạt tới giá trị vĩnh hằng, song không phải là tài năng trác việt của một bật thi thánh, thì không thể gói nổi cái tứ lớn lao kia trong 14 chữ, mà mỗi chữ như một viên kim cương lấp lánh.
Việc tu đạo của Trần Nhân Tông không hề có mảy may thoát ly thế gian, cầu tìm sự yên nhàn cho thân tâm. Nhà vua đi tìm chân lý; khác với các triết gia cùng thời ở phương Tây, họ tìm chân lý qua thế giới hiện tượng, tức là tìm trong cái động; trái lại Trần Nhân Tông tìm chân lý trong cái tĩnh, tìm chính trong bản thân mình.
Nhà vua khuyên mọi người phải trong lặng soi tìm vào chính mình, lôi cho bằng được ông Phật (tức chân lý) ở trong tâm mình ra, chớ có vọng động mà cầu tìm tha lực. Đó chính là giáo lý hướng nội.
Trong “Cư trần lạc đạo” đệ ngũ hội, Ngài viết:
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuy bản (quên bản gốc)
Nên ta tìm Bụt
Chỉn mới hay
Chính Bụt là ta
Chính ông là một thiền sư, lại tuyên cáo không cần thiền:
“Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
(Trong nhà sẳn ngọc thôi tìm kiếm
Lặng lòng đối cảnh hỏi chi thiền)
Và việc tu đạo chẳng có gì là khó, cứ sống ở đời một cách vui vẻ, tùy cái duyên nó đến, tu được thì tu. Và việc tu này cũng tự nhiên như người đói thì ăn, mệt thì ngủ, có chi phải nhiêu khê, phiền toái.
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc thực hề, khốn tắc miên”
Và Tuệ Trung thượng sĩ, bậc thầy của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cũng chỉ cho người học đạo một quan điểm tu tập rất thoáng đãng.
Thị học
(Gợi bảo người học đạo)
Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương linh đích khổ tương ma
Báo quân hữu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa
Dịch thơ:
Học đạo mênh mang ai có hay
Gạch đem mài gạch cực lắm thay
Cửa đạo mênh mang ai có hay
Cửa người anh hãy thôi nương dựa
Một áng xuân về hoa đó đây
(Đỗ Văn Hỷ dịch)
Rõ ràng là thơ thiền cũng như thiền học các đời Lý – Trần là một minh chứng cho thấy con người thời đó sống tự tin, tự cường, sống hòa hợp với thiên nhiên, vua sống gần dân, vua với dân cùng chung sức chung lòng, chung lo việc xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước.
Vì sao Đại Việt thời đó có được các thành tựu ấy? Trước hết phải tự hào mà nói rằng, Đại Việt vào thời điểm lịch sử đó, xuất hiện nhiều bậc trí thức Phật giáo vừa là các nhà thiền học lỗi lạc, vừa là các bậc vua chúa anh minh. Những vị vua kim triết gia ấy cùng với các bậc trí tuệ đã xây dựng được một nền Việt Phật, một dòng thiền hướng nội, đã khai phóng được sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người, kết thành nội lực vô song của toàn dân tộc.
Chính vì tính hướng nội của thiền học được coi như một hệ tư tưởng chính thống của thời đại, nên các đời Lý – Trần đã triệt để khai thác được sức mạnh nội lực, tuyệt nhiên không dựa vào tha lực, vì vậy sức tự cường của dân tộc rất lớn. Và cũng vì vậy mà các đế quốc xâm lược hung hãn như Tống, như Nguyên – Mông đều lần lượt bị đánh bại.
Ở đây phải thừa nhận Phật giáo đã dựa vào sức mạnh của dân tộc để phát triển Đạo và xây dựng đất nước, dân tộc cũng dựa vào trí tuệ sáng suốt của học thuyết “tam giáo đồng nguyên” để vượt thoát. Như vậy, tất cả đều phục vụ cho một mục tiêu tối thượng là sự trường tồn của dân tộc. Nếu không, thì không thể lý giải được một xã hội ốm yếu, rệu rã, chia ly, nghèo đói vật vã thời Lê Long Đĩnh (hôn quân ngọa triều), bỗng thành một nhà nước cường thịnh thời Lý – Trần./.
Cập nhật ( 22/06/2009 )