LỄ TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG PHẬT HỌC KHÓA I
VÀ KHAI GIẢNG CAO ĐẲNG PHẬT HỌC KHÓA II
* Tĩnh Toàn
Sáng ngày 23 tháng 9 tại Hội trường chùa Long Phước, phường 5, Thị xã Bạc Liêu. Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu và Ban giám hiệu trường Phật học đã long trọng tổ chức lễ tốt nghiệp lớp Cao đẳng Phật học khóa I (2005 – 2008).
Dự lễ có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự kiêm Phó Ban Giáo Dục Tăng Ni trung ương; Thượng tọa Thích Thiện Thống, Ủy viên Thư ký kiêm Phó Văn Phòng II, cùng Chư tôn đức lãnh đạo các ban ngành viện thuộc Văn phòng II; Hòa thượng Thích Huệ Hà, Trưởng Ban Trị Sự kiêm Hiệu Trưởng Trường Phật học Bạc Liêu; Hòa thượng Lý SaMouth, Phó Ban Trị Sự Kiêm Phó Hiệu trưởng trường Phật học Bạc Liêu; Hòa thượng Thích Giác Định, Phó Ban Trị Sự; Hòa thượng Thích Đắc Pháp, Hòa thượng Thích Nhật Huệ, Hòa thượng Thích Phước Tú cùng Chư tôn đức thuộc các Ban Trị Sự tỉnh, thành hội Phật giáo; Đại đức Thích Minh Lành, Phó Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu; Đại đức Thích Quãng Thới, Phó Ban Trị Sự; Đại đức Tiến sĩ Thích Phước Chí, Phó Hiệu trưởng trường Phật học Bạc Liêu. Đại đức Tiến sĩ Thích Nguyên Sĩ, Đại đức Tiến sĩ Thích Thanh Chương, Đại đức Tiến sĩ Thích Phước Đạt; Cư sĩ Trần Phước Thuận, Phó Hiệu trưởng trường Phật gọc Bạc Liêu; các vị giáo thọ sư, chư tôn đức tăng ni các ban ngành trực thuộc và Ban đại diện Phật giáo các huyện thị, tăng ni sinh trường Phật học và quí Cư sĩ Phật tử. Chính quyền có các ông Thạch Thành, Vụ phó vụ Tôn giáo thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ; ông Tạ Hoàng Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ; ông Châu Phát, Phó chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo Sở Giáo Dục, công đoàn và một số ban ngành cấp tỉnh.
Hòa thượng Thích Huệ Hà đã đọc diễn văn khai mạc lễ trao bằng tốt nghiệp cho các vị tân khoa. Ngài bày tỏ lòng biết ơn Hội đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu và các cơ quan chức năng đã cho phép Bạc Liêu mở Cao đẳng Phật học. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Bạc Liêu có trường giảng dạy chương trình Phật học cao nhất từ xưa cho tới nay và hiện nay trường Phật học Bạc Liêu có tên trong danh sách trường Phật học Quốc tế vừa qua được tham dự hội nghị thành lập hiệp hội trường Phật học Phật giáo thế giới tại Thái Lan. Hòa thượng cũng ân cần nhắc nhở các tân khoa hãy lĩnh hội tiếp thu trong tinh thần VĂN TƯ TU của một môn sinh cao đẳng mới ra trường, ba năm qua đã được các bậc giáo họ truyền trao kiến thức Phật pháp làm nền tảng trên bước đường hành đạo phụng sự giáo hội; chừng ấy kiến thức vẫn chưa đủ mà cần phải tinh tấn tu học thêm ở thầy, ở bạn, ở sách vở, học trực tiếp ở cuộc đời, qua kinh nghiệm bản thân để có năng lực làm Phật sự công tác Giáo hội, phụng sự đạo pháp dân tộc.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Huệ Hà cũng đã tuyên bố khai giảng khóa II Cao Đẳng Phật Học Bạc Liêu, ngài động viên sách tấn tăng ni sinh hãy nổ lực phát huy truyền thống đạo đức, tu hành không mệt mỏi và cần nêu cao phẩm hạnh của người xuất gia, kiên trì tu tập tam vô lậu học GIỚI ĐỊNH TUỆ để thành tựu phẩm hạnh về trí đức, tâm đức, hạnh đức, hiếu đức ngõ hầu đền đáp tứ trọng ân để mai sau góp đức tài phụng đạo giúp đời.
Theo báo cáo tổng kết của Ban Giám Hiệu, Trường Phật học Bạc Liêu với Ban giám hiệu gồm 10 vị, có 16 vị trong Ban Giảng huấn và có thành lập ban Bảo trợ. Tăng ni sinh theo chế độ nội trú, chổ ăn nghỉ tăng ni sinh được bố trí riêng biệt và có sự giám sát thường xuyên của Ban giám hiệu, có hoa viên rộng, nơi thể dục vui chơi giải trí, có phòng y tế chăm sóc sức khỏe, mỗi tháng đều có bố tát tụng giới, họp chúng theo định kỳ; mỗi năm đều được tham dự khóa An cư kiết hạ, cơ sở trường lớp khang trang, chư vị giáo thọ sư và giảng viên dạy đúng theo chương trình của Ban giáo dục tăng ni trung ương bao gồm các môn học nội điển và ngoại điện rất phong phú. Khóa I có 22 tăng ni sinh tốt nghiệp và được cấp phát văn bằng do HT Thích Huệ Hà trao tận tay cho từng vị trong buổi lễ hôm nay.
Đại diện cho các tân khoa có trú xứ từ 10 đơn vị tỉnh thành đã đọc lời tạ ơn quí ân sư rất xúc động, trước tiên xin thành tâm sám hối những thiếu sót đã làm phiền lòng Ban giám hiệu và quí vị giáo thọ.
“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”
Để bày tỏ lòng biết ơn, các vị hứa sẽ tiếp tục trau giồi trí tuệ, tu dưỡng đạo đức, nguyện suốt đời thắp sáng tuệ đăng và đem hết sức mình phục vụ Phật pháp và quần sanh.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, đại diện chính quyền có bài phát biểu chứng tỏ có sự quan tâm của ông đối với sinh hoạt tu học của trường trong mấy năm qua. Ông thừa nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy sinh hoạt học tập còn nhiều hạn chế nhưng Tỉnh Hội Phật Giáo, Ban Giám Hiệu và thầy trò đã vượt khó, bám chặt chương trình để dạy và học đến nơi đến chốn. Thắm nhuần kinh điển giáo luật của Phật những cũng phải có kiến thức ngoại điển phong phú và ứng dụng các bộ môn khoa học thực dụng để chuyển tải giáo pháp Như Lai vào đời thường, đặc biệt phải quán triệt đường lối chủ trương pháp luật của Nhà nước về sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư; đường lối của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thông qua Hiến chương Giáo hội để từ đó vận dụng sáng tạo phục vụ cống hiến đóng góp làm tốt đạo đẹp đời.
Hòa Thượng Thích Giác Toàn ban đạo từ cho buổi lễ, Ngài tán dương công đức của Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Bạc Liêu. Phật Giáo tỉnh nhà mới được thành lập trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã tập trung nỗ lực cố gắng đạt nhiều thành quả trong hoạt động Phật sự, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục tăng ni. Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu là một trong 28 trường Trung cấp Phật học trong cả nước, lớp Cao Đẳng Phật học Bạc Liêu là một trong 8 cơ sở Cao Đẳng Phật học trong toàn quốc, mặc dù số lượng tốt nghiệp chỉ có 22 vị nhưng đây là tiền đề giúp ngành giáo dục tăng ni của Phật giáo Bạc Liêu phát triển vững chắc trong tương lai. Ngài cũng đã truyền đạt một số kinh nghiệm quí báu cho các tân khoa trên bước đường phụng sự đạo pháp và dân tộc trên nhiều lĩnh vực, thể hiện và phát huy cho được vai trò sứ giả Như Lai với nhiệm vụ tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự; phải biết vận dụng tính khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ, thích nghi với điều kiện hoàn cảnh mà thượng hoằng hạ hóa, với tâm đức sẳn có của một cán bộ Phật giáo đầy nhiệt tâm nhiệt huyết.
Trang nghiêm và thanh tịnh, không gian buổi lễ thắm đẳm những tình cảm cao duyệt tuyệt vời của nghĩa ân sư, tình pháp lữ và đầy ắp những luyến lưu của những người bạn đồng môn, chân dung các vị tỏa sáng trên lộ trình có nhiều kỳ hoa dị thảo mà các vị đang đi và đời sống phạm hạnh như lời dẫn của Đại Đức Tiến Sĩ Thích Phước Chí : “ . . . Giới thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được kiến thanh tịnh, kiến thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được đoạn nghi thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích đạt cho được tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích thực nghiệm vô thủ trước Niết Bàn”.
Cập nhật ( 27/09/2008 )