NHỮNG NGƯỜI CON GÁI LÀNH CỦA ĐỨC THẾ TÔN
– Ni sư là người nữ đầu tiên được xuất gia thọ giới ở Hoa Kỳ, như vậy thì không có các Tỳ kheo ni nào ở xứ này vào thời đó sao?
– Có rất ít các Tỳ kheo ni vào thời đó. Mà thật ra thì không có Tỳ kheo ni nào cả vào thời xuất gia thọ giới của tôi. Tôi không chỉ là phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên được xuất gia thọ Đại giới trên đất nước Hoa Kỳ, mà còn là người nữ đầu tiên trở thành Tỳ kheo ni ở xứ này. Trước thời điểm đó, bạn phải đi sang Đài Loan, Hương Cảng, hay là một nơi nào khác để được thọ Đại giới.
– Ni sư có thấy được đây là một sự kiện vô cùng quan trọng đối với nữ giới trong Phật giáo không?
– Hình như sự kiện này không quan trọng lắm đối với tôi vào thời đó. Tôi cũng không nghĩ rằng đây là một cái gì đổi mới to lớn. Dường như tôi chỉ biết mình phải là Tỳ kheo ni. Tôi không thể nào giải thích được điều này. Có gì đó trong tôi cứ thôi thúc mình phải là vậy mà thôi.
– Từ dạo đó Ni sư dấn thân sắp đặt các chương trình Đại giới đàn cho nữ giới. Làm sao mà các kỳ lễ này đã được hình thành?
– Vào năm 1994, tôi biết được một số nam thiền sinh sẵn sàng trở thành Tỳ kheo. Lúc đó, Hòa thượng Tiến sĩ Havanpola Ratanasara có mặt trong văn phòng phân khoa đại học nghiên cứu Phật giáo. Tôi đi xuống gặp sư và nói, “Thưa sư, con có một vài thiền sinh và nhận thây cũng tới lúc các thiền sinh này nên trở thành Tỳ kheo. Sư có hoan hỷ là Upajjhaya của chúng con không?”. Upajjhaya có nghĩa là vị sư truyền giới chánh (chứng minh sư). Và sư đáp lại, “Ni sư Karuna, tôi lấy làm vinh hạnh được lam chứng minh sư!”.
Với một chút lo lắng trong lòng, tôi trình bày với sư, “Thưa sư, có một trở ngại nhỏ. Các thiền sinh nghĩ rằng bởi vì con là thầy của họ, con nên truyền giới cho họ, nhưng mà con biết là con không thể nào ban giới cho nam giới được”. Sư đáp lại, “Để tôi suy nghĩ thêm điều này”. Vài phút sau đó, sư đi đến quyết định, “Công việc của tôi như là một vị chứng minh sư thì phải chắc chắn là vị nào dẫn đầu buổi lễ truyền giới thì phải hội đủ giới đức. Và tôi muốn Ni sư chủ trì buổi lễ”. Đêm đó tôi về suy ngẫm lại và sáng hôm sau trở xuống thỉnh ý thêm, “Thưa Suto, con cảm thấy thật vinh hạnh được sư chỉ định con làm vị thầy truyền giới, chỉ là con không nên lam một mình, mà nhận thấy là sư và con nên san sẻ công việc đó”. Và sư nhận lời, “Thật là một ý tưởng kỳ diệu”. Vì thế cho nên chúng tôi đã ngồi lại với nhau cùng sắp đặt chương trình cho buổi lễ truyền giới, và chúng tôi đã phân buổi lễ ra làm hai. Thay vì có ba vị thầy truyền giới chánh, chúng tôi có tới sáu: ba Tăng và ba Ni. Chúng tôi có thêm 20 vị thầy ngồi trên giới đàì – 10 Tăng và 10 Ni – và chúng tôi cũng có trên dưới 20 Tăng Ni đến tham dự để chứng minh cho buổi lễ.
– Ni sư đã kể cho con biết Tiến sĩ Hòa thượng Thiên Ân khởi xướng truyền thống, đó là mời tất cả các truyền thống thực tập khác nhau đến tham dự các buổi lễ truyền giới, và lý do tại sao Hòa thượng quyết định đặt tên cho thiền viện mà Hòa thượng sáng lập là Thiền viện Phật giáo Quốc tế?
– Tiến sĩ Thiên Ân nói, “Cô là người Hoa Kỳ, và đây là nền Phật giáo tại Hoa Kỳ. Chúng ta không nên chỉ dành riêng buổi lê truyền giới cho một trường phái nào đó mà thôi”. Trên thực tế, dù sao chăng nữa cũng không có nhiều người Việt lắm ở gần đó vào thời ấy. Tiến sĩ nói, “Tôi sẽ mời quý thầy cô với các truyền thống Phật giáo khác nhau”. Tiến sĩ đã làm như thế, và tất cả quý thầy cô đã về tham dự buổi lễ truyền giới. Và tôi tiếp tục gìn giữ truyền thống này bởi tôi nghĩ nó là một phương hướng thật tốt đẹp. Như Suto khẳng định, “Chúng ta không truyền giới cho các giới tử để tuân thủ theo một Vinaya nào đó (bộ Luật tạng gồm các giới luật và thanh quy dành cho đời sống Tăng Ni chúng). Chúng ta cũng không truyền giới cho các giới tử để thuộc về một trường phái Phật giáo nào đó. Mà chúng ta chỉ truyền giới cho các giới tử để trở thành nam tu sĩ và nữ tu sĩ thế thôi, chấm hết”.
– Có phải bởi vì đây là nền Phật giáo tại Hoa Kỳ, nơi mà mọi truyền thống đều có mặt, không giống như các quốc gia A châu, trong đó mỗi nơi theo một truyền thống riêng biệt nào đó?
– Không hẳn chỉ vậy thôi, mà còn tại vì đó là phương thức đã có mặt ngay từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thực ra đã không có sự phân chia như thế, chẳng hạn như các tông phái, vào thời Đức Phật còn tại thế.
– Vậy thì phương thức này tiến triển chi tiết ra làm sao? Bởi vì dù là có nhiều truyền thống hiện diện trên giới đài, Ni sư là thầy của con, và Ni sư xuất thân từ dòng truyền thừa Việt Nam, và khi có ai hỏi con, con nói đó là dòng truyền thừa của con.
– Khi tôi truyền giới thì các giới tử đắp y áo của tông phái mình. Thế nên, nếu bạn là người Tây Tạng thì đắp y áo Tây Tạng, nếu bạn là người Việt thì đắp y áo đó, và nếu bạn thuộc Nguyên thủy thì đắp y áo Nguyên thủy. Đó là vì sao lễ thọ giới của chúng ta trông thật khác với các nơi khác. Trước kỳ lễ thọ giới trong năm 2004, tôi gửi cho mỗi vị xin thọ giới một chương trình, bao gồm thông báo và tờ thỏa thuận. Để được tham dự buổi lễ thọ giới thì một vị Ni phải viết thư và xin thầy mình ký tên vào tờ thỏa thuận rằng mình sẵn sàng thọ giới cũng như vị thầy sẽ chỉ dạy cho mình ít nhất là 5 năm sau đó. Do bởi trong 5 năm đầu, bạn không được tự ý đi đâu hay làm gì. Theo như bộ Luật tạng, bạn phải chịu dưới sự giám sát của thầy mình. Tất cả các vị thầy phải ký tờ thỏa thuận đó. Chúng ta tuân giữ theo tờ thỏa thuận một cách nghiêm chỉnh, dễ làm, dễ hiểu. Sau khi có được tờ thỏa thuận với chữ ký và đi sang Los Angeles, tất cả nữ tu sĩ phải lưu lại ở IBMC ít nhất là hai tuần trước thời hạn thọ giới để tham dự khóa đào luyện thọ giới theo truyền thống. Chúng ta đã tiếp đón các nữ tu sĩ đến từ Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Tây Ban Nha, Úc, và cả hai miền duyên hải Canada. Nhiều vị Ni đã đến và đa số, không phải tất cả, là người Tây Tạng. Có một vai vị Ni theo truyền thống Nguyên thủy đã thọ giới. Chúng ta đã truyền giới cho tổng cộng là hai mươi vị Ni (trong kỳ Đại giới đàn 2004).
– Tại sao cần phải có những vị Tỳ kheo ni, và đó là việc quan trọng?
– Cũng cùng một lý do thôi, vì để có những Tỳ kheo cũng là việc quan trọng. Giáo đoàn gìn giữ Phật pháp và tiếp nối các truyền thống thực tập. Nếu không có vị nào thọ Đại giới thì ai sẽ giảng dạy và thực hành các truyền thống? Bạn không bao giờ thọ giới để có thêm sự giác ngộ – mà bạn phải thực tập để được giác ngộ. Một vị cư sĩ có thể giác ngộ chẳng khác gì một vị thầy tu.
– Bên cạnh thọ giới Tỳ kheo ni theo truyền thống, mà nó đòi hỏi một sự thưc tập về 348 lời thệ nguyện, Ni sư còn truyền giới giáo thọ (dharma teacher ordination), cần phải thực tập chỉ 25 lời phát nguyện, cho cả Tăng sinh và Ni sinh. Con được biết là Tiến sĩ Thiên Ân đã khởi xướng sự thực tập cải cách này. Kính xin Ni sư nói một chút về điều ấy.
– Đúng là một sự thay đổi triệt để. Tiến sĩ Thiên Ân sống ở Nhật Bổn trong bảy năm, và Tiến sĩ yêu thích nền văn hóa Nhật. Hầu hết Tăng sĩ ở Nhật lập gia thất. Họ không thọ Cụ túc giới của một vị Tỳ kheo, mà chỉ thọ nhận 25 giới đặc biệt của các vị giáo thọ hướng dẫn Thiền tông (Zen priests). Đó là những gì mà cô và các sư anh của cô đã thọ nhận thay vì 250 giới cho các vị Tỳ kheo và 348 giơi cho các vị Tỳ kheo ni. Vị giáo thọ (dharma teacher) đối với tôi thì tương đương với “Tỳ kheo” hay “Tỳ kheo ni”. Những vị giáo thọ không chỉ là cư sĩ bởi vì các vị này đã được đào luyện giống như là các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni.
– Có sao không? Có một sự thiệt thòi nào cho chúng con trong việc không thọ 348 giới?
– Nó còn tùy thuộc vào chủ đích của bạn là gì trong việc trở thành một vị tu sĩ. Nếu bạn muốn làm một vị tu sĩ chân chánh, thì có lẽ bạn nên thọ nhận đầy đủ 348 giới. Nhưng nếu bạn muốn theo kiểu một nhà truyền giáo nhiều hơn, ra ngoài tiếp xúc với quần chúng, thì tốt nhất là bạn thọ nhận 25 giới.
v Những vị giáo thọ có được công nhận trong các cộng đồng Phật tử khắp thế giới?
– Tôi không hình dung được là những vị giáo thọ có được công nhận ở khắp nơi chăng. Một vài người bạn Tích Lan của tôi nói là chúng ta đã thêm vào một cấp bậc thọ giới. Nhưng họ nhìn nhận khi tôi nói cho họ biết là tôi xem những vị giáo thọ ngang hàng với các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Đó là cách nhìn của tôi mà cũng là cách nhìn của Tiến sĩ Thiên Ân. Tôi thật không biết những người khác có lối nhìn thế nào. Nói chung là Ni sư có nghĩ giới Tăng lữ ở các quốc gia Phật giáo xem trọng đạo Phật Hoa Kỳ không?
– Tôi nghĩ là có. Nhiều người Á châu, khi mới lần đầu gặp gỡ những người Hoa Kỳ, không mường tượng được đạo Phật ở Hoa Kỳ. Họ cũng không có ý niệm nào về tác phẩm Phật pháp kỳ diệu được viết bằng Anh ngữ. Trong một chừng mực nào đó, họ nghĩ là chúng ta không hiểu biết đạo Phật theo cách thức mà họ hiểu biết, nhưng khi họ bắt đầu biết được là chúng ta thực sự hiểu biết như họ, thì họ thay đổi thái độ. Xin kể cho con biết về hội nghị Phật giáo mà Ni sư mới vừa tham dự. Mục tiêu của hội nghị là gì?
Tôi đã tham dự Hội nghị Quốc tế Sakyadhita về Nữ giới theo Phật giáo (Sakyadhita International Conference on Buddhist Women) ở thành phố Kuala Lumpur, Malaysia. Khoảng một ngàn người tham dự, gồm chừng ba trăm Tỳ kheo ni từ vòng quanh địa cầu, và phần còn lại là các nữ Phật tử. Hội nghị được tô chức hai năm một lần. Nó bao gồm bất cứ điều gì cần làm cho và ủng hộ giới nữ tu, nhưng tất nhiên một trong những điều chánh yếu được nêu lên trong mỗi kỳ hội nghị là Ni đoàn Tỳ kheo ni, bởi vì nó không hiện có trong mỗi quốc gia.
– Ni sư có liên quan trong việc thành lập hội nghị này phải không?
– Đúng vậy. Tôi đã tham dự lần đầu vào năm 1987, được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Khi tôi nhận được thông báo về hội nghị, tôi nghĩ tham dư hội nghị quan trọng hơn là tham dự Hội Ái hữu Phật tử Thế giới (World Fellowship of Buddhists) bởi vì chưa từng có một hội nghị nào cho nữ giới theo Phật giáo trước đó. Vào ngay ngày cuối của hội nghị, chúng tôi nghĩ cách lam sao cho hội nghị được tổ chức thường xuyên và có mặt lâu dài. Chúng tôi đã biểu quyết lấy tên Sakyadhita vì nó có nghĩa là “những người con gái lành của Đức Thế Tôn” (daughters of the Buddha). Nữ tu sĩ Tây Tạng, Karma Lekshe Tsomo, và tôi được chọn cùng làm hội trưởng (copresidents) vào thời gian đó. Còn việc tạo cơ hội cho nữ giới theo Phật giáo ngồi lại với nhau có tầm mức quan trọng ra sao?
– Trước hết, hội nghị đã mở rộng tầm mắt của phu nữ Tây Tạng vì trước đó họ không hình dung nổi là phụ nữ Tây phương được truyền thụ Cụ túc giới cũng như có quá nhiều người Tây phương chúng tôi tại hội nghị đó. Họ cũng trở nên hân hoan mừng rỡ khi nhìn thấy các Tỳ kheo ni người Hoa Kỳ làm chủ được đời mình vì họ chưa từng thấy sự việc như thế bao giờ. Vẫn còn chưa có các Tỳ kheo ni trong Tăng đoàn Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma có đến tham dự và diễn thuyết. Ngài rất ủng hộ nữ giới, và co nhiều nữ tu sĩ cùng đi tham dự hội nghị với Ngài. Năm đó hội nghị được tổ chức bằng hai thứ tiếng, Anh ngữ và Tạng ngữ.
– Những đề tài nào nằm trong chương trình hội thảo tại kỳ hội nghị lần đầu?
– Lần đầu đó, chúng tôi không mấy chú ý đến Ni đoàn Tỳ kheo ni cho lắm, mà đúng hơn là làm thế nào để nữ giới có thể tự nâng cao mình lên, tại vì ở nhiều quốc gia, họ chỉ có vai trò thứ yếu. Kỳ hội nghị thứ nhất đó cũng chính là lần đầu tiên các Tỳ kheo ni hiện diện có thể tụng đọc Pratimoksha (Tỳ kheo ni giới). Mỗi vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni phải thực thi nghi lễ tụng giới hai lần trong tháng vào những ngày trăng tròn (ngày rằm) và bán nguyệt (mùng một). Theo như Luật tạng, thì phải có mặt ít nhất là bốn vị thì mới được tụng giới, thế nên đây đúng là lần đầu mà tôi được tụng đọc Đại giới. Vị chủ lễ phải là người trọng tuổi nhất, vì vậy mà tôi được cử ra để hướng dẫn nghi lê tụng giới.
-Vai trò của nữ giới trong nền Phật giáo thay đổi ra sao kể từ kỳ hội nghị thứ nhất hay là ngay tại thời điểm Ni sư thọ giới? Hiện thời Ni sư đã ở trong giáo đoàn được 35 năm, không có gì thay đổi cả sao?
– Ơ Hoa Kỳ, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni hoàn toàn đồng đẳng như nhau. Tại tu viện Thiền Tào Động (Soto Zen Monastery) tọa lạc trên trái núi Shasta, hai phần ba là Ni, và một phần là Tăng. Họ gọi vị nào cũng là Tăng (monk), bất kể họ thuộc giới tính nào. Họ cũng đắp y áo như nhau, và làm công việc như nhau nếu có đủ khả năng.
Thích nữ Ân Từ là pháp tự (transmission name) của tôi, và Tiến sĩ Thiên Ân luôn muốn tôi xưng hô Thích nữ bởi vì chữ “nữ” theo sau chư “Thích” ngụ ý cho biết đây là pháp tự của một vị Ni. Tôi thưa, “Tiến sĩ Thiên Ân, tại sao thầy làm như vậy?”. Tiến sĩ giải đáp, “Tại vì nếu như tôi không gọi như vậy, rồi thì đâu ai biết cô là người nữ!”. Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu thấu ý của Tiến sĩ muốn nói gì. Nhưng bây giờ tôi mới nhận ra rằng Tiến sĩ thật lấy làm hãnh diện về các nữ đệ tử, và Tiến sĩ muốn cho người ta biết đây là các Tỳ kheo ni, chứ không phải Tỳ kheo. Đây là các Tỳ kheo ni!
Xin cảm ơn Ni sư.
(Trích dịch từ Tricycle, Issue Winter 2006)