Nguyên nhân suy tàn Phật Giáo Ấn Độ
* Thích Trí Hải
A. DẪN NHẬP
Sau khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn, giáo pháp của Ngài luôn là ngọn đuốc soi đường cho chúng sanh muôn loài tìm về ánh sáng giác ngộ, chư vị đệ tử của Ngài mang trong lòng chí nguyện “hoằng pháp vi gia dụ, lợi sanh chi bổn hoài” như lời đức Thế Tôn dạy trước khi Ngài nhập niết bàn “ hãy ra đi, rày đây mai đó, vì sự an lành và hạnh phúc của nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian. Mỗi người hãy đi một ngã. Hai người không cùng đi về một hướng. hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở phần khai triển, và toàn hảo ở đoàn cuối, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự”. Chính vì thế giáo pháp rộng truyền cho đến tận bây giờ, giáo pháp vẫn là kim chỉ nam và chư tăng vẫn là những vị thầy phạm hạnh dẫn đường cho chúng sanh quay về con đường hạnh phúc tối thượng. Thời gian trôi đi, Phật Giáo ban đầu chỉ phổ biến được ở Ấn Độ nhưng dần về sau trở thành tôn giáo thế giới như hiện nay, sự kính ngưỡng của đàn na tín thí thật vô cùng chu đáo, vì thế mỗi thời đại đi qua xuất hiện không ít tăng tài mang đến thịnh vượng trong tăng đoàn đem đến sự lợi ích cho muôn người.
Bên cạnh đó những hữu lậu phát sinh không ít. Hôm nay chúng ta có cơ hội “ôn cố tri tân” nhìn lại sự thịnh suy của Phật giáo, với đề tài “Những nguyên nhân suy tàn của Phật giáo Ấn Độ”, cho chúng ta thấy và nhận định rõ hơn những hạn chế từ đường tu tập và hoằng pháp của lớp người đi trước làm bài học kinh nghiệm cho chính mình, nhận định rõ giá trị cần thiết của Phật giáo và đời sống, và biết cách làm như thế nào để tốt đời đẹp đạo. Bài viết cũng mong góp một viên gạch cho ngôi nhà chánh pháp được cữu trụ trên thế gian để mọi người có nơi tu học và làm lợi ích thiết thực cho mình làm lợi lạc cho người.
B. NỘI DUNG
I. Tổng quan về quá trình phát triển của Phật giáo Ấn Độ
1. Niên đại lịch sử:
Hầu hết các sử liệu ghi chép lại như sau: Sau khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn (năm 544 TCN), diễn ra kỳ kết tập kinh điển đầu tiên vào mùa hạ năm đó tại hang Thất Diệp, do Ngài Maha Ca-diếp làm chủ tọa, sau buổi kết tập đó kết quả là kinh và luật được thống nhất trong tăng đoàn nhưng chỉ dưới hình thức khẩu truyền. Một trăm năm sau, số lượng Tăng đoàn rất đông nên không thể tránh khỏi sự bất hòa, tại xứ Bạt-kỳ (Vajji) đã xảy ra việc tranh chấp về giới luật giữa nhóm tỳ kheo Bạt-kỳ và Ngài Da-xá, là nguyên nhân tổ chức kì kết tập kinh điển lần thứ hai, kết quả là công nhận 10 điều tăng chúng ở xứ Bạt-kỳ đang thi hành là phi pháp, Tăng đoàn hình thành hai bộ phái rõ ràng là Thượng Tọa Bộ (Theravada) và Đại Chúng Bộ (Mahasanghika), theo các nhà học sử hiện nay vẫn đang tranh cải về con số niên đại và vẫn chưa đưa ra một con số nào khả quan để có thể xác định tính chính xác của lịch sử, nhưng ta có thể chấp nhận con số niên đại và sự kiện từ hội Phật giáo thế giới và sử liệu của Tích Lan. Tại Ấn Độ thời bấy giờ có sáu bộ phái chánh thống và 4 hệ phái phi chánh thống nên sự bất đồng về tư tưởng, về học thuyết và về giáo pháp tu tập diễn ra khắp nơi, tạo nên một làng sóng tư tưởng vô cùng mạnh mẽ, nhất là học thuyết Bà-la-môn luôn phát triển song hành với Phật giáo.
Sử liệu Tích Lan ghi lại vào thời vua Asoka 225 TCN, sau khi vua lên ngôi hầu như tất cả mọi công việc của vua đều hướng về Phật pháp, ủng hộ kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba, đưa các đoàn truyền giáo sang các nước Phật giáo từ đó trở thành một tôn giáo của thế giới, vua còn cho khắc những lời Phật dạy lên những trụ đá và cho phổ biến ở khắp Ấn Độ giúp người dân có thêm cơ hội hiểu biết về Phật pháp, ngài cũng cho xây các trụ đá lớn để kỷ niệm bốn nơi quan trọng nói về cuộc đời đức Phật là đản sanh, thành đạo, thuyết pháp lần đầu tiên và nhập niết bàn. Sau thời vua Asoka cũng có vua Kanishka cũng tôn kính và ủng hộ Phật giáo, vua là người ủng hộ cho việc kết tập kinh điển lần thứ tư, vua cho xây những di tích như tháp và tượng được xem là kỳ quan thế giới thời bấy giờ, đồng tiền lưu hành trong nước vua cho đúc cũng mang màu sắc của Phật giáo. Nhưng sau này các vị vua sau không ủng hộ Phật giáo, sự thay đổi liên tục ở các triều đại tạo nên một bức tranh kinh hoàng cho xã hội Ấn Độ cùng với những lủng củng trong Tăng đoàn và rồi từ đó về sau hai tông phái Thượng Tọa và Đại Chúng Bộ tiếp tục phân chia thành các tông phái nhỏ lẻ, Đại Chúng Bộ chia ra 18 tông và Thượng Tọa Bộ chia thành 12 tông, trong 34 tông phái nhỏ lẻ này thì có một số tông phái vừa ra đời đã rụi tàn hoặc hợp vào tông phái khác. Dù rằng có sự phân phái rất rõ ràng nhưng vẫn thể hiện rõ nét chỉ có hai trường phái chính của Phật giáo là Theravada và Mahasanghika.
2. Tư tưởng học thuyết
Với tinh thần thanh tịnh và hòa hợp của Tăng đoàn là phương thức tu tập chung trên giáo lý và đời sống của Tăng đoàn, làm nên một mô hình cho xã hội về một môi trường sống yêu thương, hòa hợp, bình đẳng cho nhân loại, làm cho sự phát triển của con người thăng hoa trí tuệ và từ bi. Tư tưởng và học thuyết của hai hệ phái tuy có sự khác biệt nhưng đều dựa trên hình thức căn bản từ lời Phật dạy từ các bản kinh và giáo lý như Tứ đế, Ngũ uẩn, Duyên khởi, Bát chánh đạo, Tam pháp ấn… những giáo pháp ấy chính là những giềng mối quan trọng khiến tăng sĩ tu tập có kết quả và cũng là những phương tiện rất hiệu quả giúp cho Phật giáo hòa vào sức sống của mọi thời đại.
II. Sự suy tàn của Phật giáo
Qua thời gian hình thành và phát triển, những sự lợi ích của Tăng đoàn khiến Tam Bảo thật sự là chỗ nương tựa của người dân trên khắp thế giới quy hướng tu tập, Phật giáo trở thành một tôn giáo của thế giới, giáo lý của nhà Phật trở thành triết học thật tu thật chứng mang lại lợi ích thiết thực cho những ai tìm đến tu tập hành trì. Bên cạnh đó cũng tồn tại những bất cập làm cho Phật giáo tại Ấn Độ phải rụi tàn một thời gian khá dài. Nguyên nhân là do:
1. Sự phân phái trong Phật giáo
Như trên đã đề cập, sau khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, không có vị lãnh đạo tối cao nên tất cả hoạt động của Tăng ni và Phật tử đều lấy giới luật làm thầy, nhưng những giới nhỏ không biết làm thế nào để có thể áp dụng vào đời sống thực tế mang lại hạnh phúc trong tu tập, sự tranh luận về giới luật phát sinh và vì thế hình thành hai bộ phái lớn đó là Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ về sau chia thành 18 phái sau chia ra 34 phái và sau nữa chỉ còn 28 phái trong đó có một số phái vừa ra đời liền chết luôn. Theo Luận Tỳ Bà Xa thì các giáo phái Phật giáo chia chẻ nhỏ lẻ như thế tồn tại những mâu thuẫn làm mất sự thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng đoàn, các bên lại tìm mọi cách nâng cao mình và hạ bệ giáo pháp của mình. Trong A Tỳ Đàm Luận có ghi về sự phân tách những luận thư luận tạng là thiết học của các giáo phái để từ đó nâng cao các vị luận sư và luận thuyết của mình. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên trong lịch sử nói về sự suy tàn của Phật giáo, nó cũng chính là nguyên nhân nội tại căn bản cho các nguyên nhân sau hình thành.
2. Chấp nhận tiếng Sanskrit là ngôn ngữ chánh thống
Đất nước Ấn Độ là một nước đa tôn giáo, đa ngôn ngữ, vì thế mà khi đức Thế Tôn còn tại thế Ngài từng dạy chúng Tỳ kheo đem giáo pháp đi khắp nơi và Ngài đã không chủ trương sử dụng một ngôn ngữ duy nhất nào cả, Ngài dạy chư tăng đến đâu thì sử dụng tiếng địa phương của họ mà truyền bá giáo pháp của Ngài, làm lợi ích thiết thực cho người dân. Nhưng chư vị đệ tử từng là dòng dõi của Bà-la-môn giáo nên đề cập với Thế Tôn về việc phổ biến lời dạy của Ngài theo tiếng Sankrit, đức Thế Tôn bảo rằng làm như thế sẽ hạn chế giáo lý của Ngài. Tiếng Sanskrit được dịch là phạm âm, là loại ngôn ngữ xuất phát từ kinh Veda, ngôn ngữ này ít được phổ biến vì nó mang tính địa phương và văn phạm của nó khó nhớ, chư Tăng cũng gặp khó khăn trong việc truyền thụ giáo pháp tại Ấn Độ mà phổ biến chủ yếu là văn ngữ Pali và 16 thể loại ngôn ngữ khác. Chính vì thế giáo pháp của đức Thế Tôn hình thành đầu tiên dựa vào ngôn ngữ Pali, sau đó là ngôn ngữ Sanskrit.
Theo sự nghiên cứu của M. Winternitz hệ thống văn điển Phật giáo được biên tập bằng tiếng Sanskrit đầu tiên là tam tạng của Nhứt Thế Hữu Bộ (Sarvastivada). Mặc dù hiện nay không có đủ trọn vẹn hệ thống kinh văn này bằng văn tự Sanskrit, chúng ta có thể biết được từ nhiều bản mẫu, những văn tự viết tay được phát hiện ở các vùng Trung Á, và các dịch bản của Trung Hoa và Tây Tạng.
Ngôn ngữ Sanskrit được chính thức biên tập kinh điển vào thế kỷ thứ I TL dưới sự bảo trợ của vua Kanishka.
3. Không có tầng lớp kế thừa sự nghiệp của Tổ sư
Bắt đầu từ vương triều của vua Asoka đã có sự phân hóa tăng đoàn rõ nét, từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V Phật giáo xuất hiện rất nhiều luận sư nổi tiếng, những bộ phái Phật giáo trước tác nhiều bộ luận thư đạt đến đĩnh cao về học thuật, tạo thành một nền văn học Phật giáo đồ sộ, các đoàn dịch thuật không hạn cuộc trong phạm vi Ấn Độ nữa mà bắt đầu truyền sang Tích Lan, Miến Điện, Trung Quốc…với các nhà dịch thuật nổi tiếng như: Phật Đà Da Xá (Buddhayasa), Phật Đà Bạt Đà La (Buddha bhadra), Cưu Ma La Thập (Kumarajira), Chơn Đế (Paramatha)…
Vào những niên kỷ này Phật giáo Đại Thừa phát triển đến đỉnh cao, trong mỗi trường phái Phật giáo lại xuất hiện nhiều tư tưởng và bản kinh mang màu sắc mới về sự tu tập và chứng đắc của các trường phái. Trong đó Mật tông phát triển, giáo pháp của Mật tông mang tính triết lý cao siêu, chỉ có người thật tu thật chứng và có căn cơ thích hợp mới có thể hiểu được giáo lý thâm diệu này, vì thế các kinh điển thời này xuất hiện rất nhiều những bản kinh mật chú mang đầy tính huyền bí khó hiểu.
Thời đại Gupta trước tác nhiều bộ luận thư nhưng sau đó không còn nữa do không có người kế tục, trước tác hay giảng giải kinh điển, hàng hậu học thì kém quá so với trình độ của chư vị tổ sư của mình nên không thể tiếp nối làm rạng danh tông môn. Đến với đạo Phật sự nhận hiểu của mỗi người hoàn toàn khác nhau, vì thế mà các vị tổ sư của các tông phái nhận được yếu chỉ tu tập từ một gốc nhìn về giáo pháp của Đức Thế Tôn các vị tinh tấn tu tập và đã có phần chứng đắc nhưng khi đem truyền dạy lại cho hậu nhân thì căn cơ của các vị đệ tử không theo ý muốn của tổ sư, chư vị tổ sư đi qua lớp kế thừa nối hậu không nhận được đường hướng tu tập của tổ truyền trao lại ôm giữ những cái xác giáo lý khô cứng, lệ thuộc vào phép tư duy cá nhân của tổ sư rồi tranh cải với các tông phái khác, họ cho rằng tổ sư mình tu đúng còn các giáo pháp khác phải nên nghi ngờ, họ ra sức bảo thủ ý kiến và đề cao giáo lý của tông phái mình. Tạo thành cuộc nổi loạn về tư tưởng Phật giáo, làm mất sự thanh tịnh và hòa hợp của Phật giáo.
Chư vị tổ sư thật sự quá tài giỏi mà hàng hậu học thì không thể kế thừa được sự nghiệp tu tập cũng như kiến thức của thầy mình và vì thế không còn tồn tại các vị luận sư nổi tiếng nên Phật giáo suy vi.
4. Sự phục hưng của Bà-la-môn giáo
Vào vương triều Cấp Đa, đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo, Bà-la-môn giáo thay đổi chủ trương và chỉnh sửa học thuyết của mình cho phù hợp với trào lưu phát triển của xã hội. Trong khi đó nội tại Phật giáo thì các vị xuất gia ở trường phái phát triển lo tranh luận với nhau về vấn đề siêu nhiên, các vị trong trường phái nguyên thủy thì co mình trong giới luật mang tính hình thức, chấp thủ, chỉ mong giải thoát cho riêng mình, họ tu tập theo truyền thống cũ, ngày đi kinh hành, đêm ngủ gốc cây, miếu hoang đồng trống, nhưng không mang lại kết quả tu tập khả quan, chỉ mong sống khuôn ép mình theo khuôn khổ cổ hủ, làm cho triều đình, nhân dân, tầng lớp tri thức cũng như Phật tử không thấy có gì mới lạ và thu hút họ, họ nhận thấy không đem lại lợi ích trong đời sống, họ chán ngán và xa rời Phật giáo.
Chư Tăng nhìn chung có đời sống xa rời Phật tử, lãnh đạm với việc phát triển tuệ giác của chính mình, hình thức hóa giới luật làm khô cạn nhựa sống Tăng đoàn, làm rạn nứt thêm tình anh em Thích tử, khiến cho đàn việt bất mãn, Phật tử bị bỏ rơi, họ hoang mang về con đường tu tập, vì thế họ chuyển hướng qua theo đạo Bà-la-môn. Bà-la-môn lại được sự ủng hộ của triều đình, các vị vua vương triều Cấp Đa như Sa Mổ Đà La Cấp Đa, Ca Ma La Cấp Đa Nhất Thế hai vị vua này cử hành khóa lễ theo nghi thức Bà-la-môn và ủng hộ cho Bà-la-môn phục hưng lại hệ thống giáo lý cũng như công tác phiên dịch, nhưng đối với Phật giáo thì có phần lãnh đạm.
5. Mất sự ủng hộ của giới cầm quyền và thương gia giàu có
Sau thời đại vua Asoka thì giáo lý của các tông phái Phật giáo chia chẻ quá nhiều học thuyết khác nhau, trong số đó trình độ các vị tổ sư của các tông phái lại giảng giải quá cao siêu làm cho hàng hậu học không thể bắt nhịp được với tư tưởng của quý ngài, giáo lý Phật giáo của các tông phái không còn mang tính phổ cập dễ hiểu và vì thế không còn tiếp cận với mọi người cũng như các vị vua quan và thương gia. Dưới thời đại vua Kanishka, được sự bảo trợ của nhà vua, Phật giáo nhanh chóng bành trướng khắp toàn thể vương quốc Scythians, nhiều sự kiện quan trọng nhất nối kết Phật giáo và triều đình là kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư. Nhưng từ khi vương triều Cấp Đa trở về sau, do thiếu sự truyền thừa nên học trò trở nên ngu dốt, thế hệ sau không nối thạnh được dòng Phật pháp, làm nói bậy bạ…thiếu mặt những nhân tài làm những việc trọng đại khiến triều đình và nhân dân kính phục như các thế hệ tiền nhân nên không được sự ủng hộ của vua chúa và quần chúng, nhân dân. Các vị vua không còn ủng hộ Phật pháp mà trái lại còn hủy hoại Phật giáo như nạn giáo tại Bắc Ấn Độ, theo quyển Lược sử Phật Giáo Ấn Độ của Hòa thượng Thánh Nghiêm kể về vị vua Ma Hê La Cự La từ phương Bắc xâm lược vào Ấn, ông nhìn Phật giáo bằng con mắt ác cảm, khi thế lực đủ mạnh ông ra sức hủy diệt chùa, tháp đạt đến con số 1600 ngôi.
6. Các vị lãnh chúa tranh nhau mở rộng bờ cõi
Thế kỷ thứ V TL, tộc người Bạch Hung Nô (tức tộc người Ephihal) luôn thực hiện chính sách tàm thực về phía tây bắc Ấn Độ, đầu tiên họ đánh chiếm nước Kiều Đà La, thừa lúc triều đại Cấp Đa bị nội loạn bèn đánh chiếm vùng trung Ấn Độ, tiếp đó là sự thay đổi liên tục của các triều đại. Ở mạn nam Ấn Độ, sau khi vương triều Án Đạt La bị diệt vong, lại có tộc người Ba La Kỳ chiếm vùng Kiến Chi Bổ La và lập nên vương triều Ba La Kỳ, vào năm 225 -900 TL.
Khoảng thế kỷ X, người Turk (hồi giáo) và Afghan (A Phú Hãn) đánh chiếm bắc Ấn Độ rồi tràn vào chiếm toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ. Đến TK XIII thì tàn phá Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo từ đó hoàn toàn biến mất, Hồi giáo tấn công và trở thành tôn giáo bản địa.
Sự thay đổi trên ảnh hưởng không nhỏ đến sự suy vong của Tăng đoàn Phật giáo.
III. Những đề xuất khả thi về vấn đề củng cố, phục hồi và phát triển Phật giáo
Đứng trên bình diện của lớp người hậu học, với tâm huyết làm sáng đạo đẹp đời, người viết tự nghĩ sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ không phải là một chuyện riêng cho Phật giáo tại Ấn Độ thôi mà nó còn là một thực tế của sự suy đồi chung cho Phật giáo thế giới. Trước tình hình Phật giáo phát triển trên thế giới như hiện nay, sau thời chỉnh đốn và có những bước tiến quan trọng làm thay đổi cái nhìn của người dân trên khắp thế giới về đạo Phật. Thời đại hiện nay với nền khoa học tiến bộ mọi người có xu hướng thiên về vật chất và dễ bị vật chất chi phối, trong tăng đoàn cũng tồn tại những vấn nạn tương tự như thế. Muốn cải đổi các tệ nạn trong tăng đoàn người viết xin góp một vài ý kiến của mình như sau:
1. Bảo tồn và phát huy giá trị đời sống thanh tịnh và hòa hợp trong tăng đoàn
2. Duy trì và phát huy các phương thức như An cư, Tự tứ, Bố tát…
3. Thống nhất các nguyên tắc cơ bản về hình thức nghi lễ và phương thức tu tập.
4. Làm trong sạch đoàn thể tăng già thẳng tay cương quyết sa thải “những con sâu Phật pháp”, dù đang ở vị trí nào trong giáo hội.
5. Sử dụng biện pháp bình chọn theo quy tắc dân chủ để đề đạt chức vụ cho chư tăng làm việc trong giáo hội, sử dụng chư vị tài đức không phân biệt tuổi tác, giới tính… chỉ cần biết có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, và xứng đáng làm người gương mẫu trong cộng đồng tăng chúng.
6. Phương thức tùy duyên thực hành nghiêm túc giới luật nhưng không theo khuôn mẫu khô cứng mà chuyển đổi để phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội, để tăng sĩ có thể hòa nhập với cộng đồng xã hội nhưng hòa nhập mà không bị hòa tan.
7. Phương pháp giáo dục hiện đại. Tăng sĩ trẻ có những suy nghĩ đột phá, rất muốn cống hiến hết mình trong việc hoằng pháp. Với trào lưu phát triển kinh tế theo xu hướng quốc tế hóa như hiện nay chắc rằng dễ sa vào tình trạng “ngựa non háu đá”, vì thế nền giáo dục Phật giáo tổ chức kết hợp với phương thức giáo dục tư duy làm tăng khả năng hiểu biết của tăng sĩ trẻ, tạo điều kiện cho tăng sĩ trẻ tiếp thu được tinh hoa của tiền nhân nhưng vẫn có thể bắt nhịp với thời đại. Cần tổ chức các cuộc hội họp mang tính nhóm viên trong trường cho phép tăng sinh tham gia làm việc ở các thí điểm trong giáo hội, những việc làm xã hội như từ thiện, thuyết giảng, dạy học cho trẻ vùng sâu vùng xa… và được sự giám sát chặt chẽ của giáo hội để tạo cho tăng sĩ trẻ một lối đi vững chắc trong những vị trí tương lai. Vì thế cách giáo dục hiện nay cũng nên thay đổi sự lệ thuộc khuôn khổ một chiều nghĩa là thầy dạy trò học thuộc rồi tư duy theo hướng thầy truyền thụ mà phải mang tính dân chủ để mỗi tăng sĩ tự tìm ra lĩnh vực nghiên cứu của mình, làm như thế cũng tốt cho những người chưa đủ khả năng tư duy mang tính tự giác, nhưng lại làm hạng chế cho sự sáng tạo và phát triển về tư duy của học Tăng.
Không phân biệt tăng ni trong các trường đào tạo, thể hiện sự tôn trọng bình đẳng giới tính trong đạo Phật.
8. Lưu giữ và bảo tồn những cống hiến và thành tích của tiền nhân trong sự nghiệp tu tập và hoằng pháp.
Hiện nay trên thế giới những bản kinh xưa được tìm thấy và đang được lưu trữ dưới dạng văn bản cổ vật, hàng học giả thời này nên có người tài có thể chuyển ngữ tất cả những văn bản trên để không phí công hiền nhân đã để lại.
9. Phải chu toàn về giới hạnh oan đức của người xuất gia vì điều đó ảnh hưởng trược tiếp đối với việc tu tập và ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống xã hội, lại còn ảnh hưởng trực tiếp đến Phật pháp, nên dù ở phương vị nào người xuất gia phải thể hiện rõ vai trò và bổn phận của mình.
10. Hổ trợ cho tăng ni trẻ đủ điều kiện tham giam các môn chuyên ngành như dịch thuật, nghiên cứu, luận giảng…
C. KẾT LUẬN
Qua đề tài về sự suy tàn của Phật giáo Ấn Độ, nhận rõ từng nguyên nhân gây ra sự tàn phá nặng nề của Phật giáo tại thời điểm này. Những khuyết điểm về phương thức giáo dục, những sự chia rẽ từ các tông phái, sự buông lung của lớp người nối hậu, sự cố chấp khuôn phép nặng nề về giới luật mà không đem đến cho hành giả một cuộc sống an lạc trong nội tại, những sai lầm về những điều phạm giới mà tự cho mình là đúng, và những bất cập khác như đã trình bày. Giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại giá trị về đời sống tu tập của chính mình, nhận hiểu được nhiệm vụ và hành động của mình trong tiêu chí hoằng pháp lợi sanh. Nhận được cái tinh hoa và đóng góp của tiền nhân. Ta hiểu và tìm ra con đường để làm thịnh vượng hơn cho Phật pháp tại thế gian, cần bảo tồn và phát huy giá trị cần thiết của Phật giáo giúp trong sạch thân tâm lành mạnh đời sống tu tập của mình để trở thành một trong những thành viên tăng đoàn tiếp nối nhau, sẽ là những con người mẫu mực, là những vị thầy cần thiết cho xã hội. Mô hình Tăng đoàn với hai đức tính thanh tịnh và hòa hợp, đời sống tăng đoàn giản dị và thanh cao, việc làm của Tăng đoàn thể hiện từ bi và bình đẳng, nội tâm hành sử với phương thức vô ngã vị tha, mục tiêu hướng đến là trí tuệ giải thoát, xứng đáng là những tấm gương sáng mang đạo vào đời làm việc lợi sanh, giúp mọi người trên thế gian có được đời sống an lạc trong ánh hào quang của Phật pháp.
Lịch sử đi qua là những kinh nghiệm thực tế giúp hàng hậu học nhận rõ giá trị và hướng đi của mình như thế nào để làm lợi ích cho mình cho tất cả mọi người, đồng hướng về chân thiện mỹ./.
Thư mục tham khảo
1/ HT. Thích Thiện Hoa, Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ (TP Hồ Chí Minh: Nxb Tôn Giáo),1966.
2/ HT Thích Thanh Kiểm. Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ (TP Hồ Chí Minh:Nxb TP Hồ Chí Minh), 1993.
3/Pháp Sư Thánh Nghiêm,Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, dịch. Thích Tâm Hải (TP Hồ Chí Minh: Nxb Phương Đông), 1997.
4/ Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận (TP Hồ Chí Minh: Nxb Phương Đông), 2005.
5/ Trần Trúc Lâm, Những hộ pháp vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn độ (TP Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông), 2007.
Thích Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo sử luận, Nxb Phương Đông, tp. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 229.
Cập nhật ( 01/06/2012 )