KHÔNG GIAN VĂN HÓA XỨ U MINH
* Thạc sỹ Thạch Nam Phương
* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau
U Minh, ngoài tên gọi chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Cà Mau, hiện nay U Minh được hiểu như một danh từ chung chỉ cánh rừng tràm bạt ngàn ở miền Tây Nam bộ. Cánh rừng tràm bạt ngàn đó được chia thành hai vùng Thượng – Hạ. U Minh thượng phía Kiên Giang và U Minh hạ phía Cà Mau. Việc phân chia hai vùng này chỉ mang tính chất tương đối trong tiềm thức người dân, không có ranh giới cụ thể.
Việc phân định ranh giới địa lý của rừng U Minh là một việc không hề đơn giản, ngày xưa vùng đất này thường được gọi là xứ U Minh hay miệt U Minh. Yếu tố xứ/miệt trong danh từ đó đã nói lên tính không xác định được về ranh giới địa lý của vùng đất này. Dẫu như vậy, nhưng nó cũng mang trong mình một diện mạo văn hóa riêng, một không gian văn hóa riêng biệt. Ở đây, người viết xin gọi đó là Không gian Văn hóa Xứ U Minh.
Ngày xưa, cánh rừng già U Minh không chỉ bó hẹp trong phạm vi vài chục ngàn hecta như hiện nay. Từ năm 1777 đến năm 1787, Nguyễn Ánh (tên tục của vua Gia Long) cùng tùy tùng gia quyến của mình có ít nhất 4 lần đặt chân đến đạo Long Xuyên (đất Cà Mau). Trong đó không ít lần ông cùng bầu đoàn thê tử của mình chạy qua đạo Kiên Giang, hay nước Xiêm đều phải quá giang xứ U Minh. Những địa danh ở Cà Mau và các vùng lân cận thuộc tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang hiện nay vẫn còn lưu dấu như Cái Tàu, Chắc Băng, Cạnh Đền, Nền Mộ,… là những vùng đất ngập phèn đặt hữu đã từng lưu dấu của ông. Sau này, trong các phong trào đấu tranh với thực dân Pháp thế kỷ XX ở xứ Cà Mau – Bạc Liêu kể lại rằng anh em Mười Chức khai phá đất rừng U Minh thành đất thuộc, ruộng gò. Sau đó, thực dân Pháp thực hiện việc chiếm đoạt đất đai của họ nên xảy ra trận đánh “máu thấm đồng Nọc Nạng”. Đồng Nọc Nạng nay thuộc địa phận huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Phải chăng, ngày xưa, xứ U Minh bao gồm cả những vùng đất này?!
Tuy hiện nay Rừng U Minh chỉ với hơn 54.000 hecta nhưng là một vùng đất đặc thù, hiếm có trên thế giới. Đây là cánh rừng ngập úng phèn với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Ở đó có hơn 150 loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư cùng sinh sống. Đặt biệt là sự có mặt của các loài quý hiếm như hổ (nay đã không còn thấy), heo rừng, nai, tê tê, mèo cá, khỉ, cá sấu, kỳ đà, rái cá, rắn hổ mang chúa, ong mật… Bên cạnh các loài động vật thì hệ thống thực vật ở đây cũng hết sức phong phú, hiện nay có khoảng 100 loài thực vật khác nhau đã được kiểm đếm, thống kê. Trong đó, ngoài loài cây đặt hữu là tràm thì cũng có nhiều loài thực vật đặt thù khác như lan rừng U Minh, choại, mật cật, bồn bồn… mà khó có hệ sinh thái nào khác có được.
Với điều kiện tự nhiên phong phú và đa dạng như vậy nên cư dân thuộc các dân tộc sinh sống bên dưới tán rừng cũng hình thành nên không gian văn hóa đặc thù. Xứ U Minh với ba dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) cùng cộng cư sinh sống, cùng đoàn kết nhưng mỗi dân tộc đều có ý thức tự bảo tồn, thực hành những lễ tục văn hóa truyền thống của mình. Cư dân dân tộc Kinh, Hoa dù không thực hành văn hóa, lễ tục của dân tộc Khmer nhưng vẫn cùng tham gia lễ hội, cùng vui chơi trong mùa lễ hội như Chol ch’nam th’may, Oóc om-bok, Sen đol-ta… Tương tự như vậy, dân tộc Khmer vẫn tham gia các lễ hội của người Hoa, người Kinh như các lễ Tết, lễ hội Vía bà Thiên Hậu… Điều đó tạo nên mối đoàn kết, gắn bó giao thoa văn hóa một cách chặc chẽ giữa các dân tộc ở xứ U Minh. Hiện nay trong khu vực này có một ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer đã ngót nghét ba trăm năm tuổi; một Thiên Hậu Cung của người Hoa cũng không dưới hai trăm năm tuổi và rất nhiều Đình thần của người Kinh hằng trăm năm tuổi, đặt biệt là một Đền thờ Vua Hùng có lịch sử trên một trăm năm tuổi cũng đang cùng trường tồn với thời gian.
Cũng bởi đây là vùng nê địa đầm lầy, với hệ thống kênh rạch chằn chịt nên trang phục của cư dân ở đây cũng không được chú trọng lắm, miễn sao thuận tiện trong lao động, không cầu kỳ, rườm rà, tránh vướn vếu khi lên, xuống xuồng (vì đây là một phương tiện đi lại duy nhất ở vùng này) hay qua cầu khỉ. Ngày trước, cư dân ở vùng này (cả nam lẫn nữ) chỉ sử dụng áo bà ba làm trang phục chính khi đi xóm (ra ngoài, đi ra khỏi nhà) hoặc đi đám (đi dự tiệc), còn lại nếu ở nhà hoặc khi lao động thì mặt áo túi (gần giống với áo bà ba, tay ngắn, cổ rộng). Áo dài không phải là trang phục truyền thống của cư dân xứ này, đặc biệt ở xứ U Minh không tồn tại áo tứ thân, một loại áo khá cầu kỳ của cư dân bắc bộ; áo dài khăn đóng cũng rất ít được sử dụng.
Nói về cách phục sức của người dân đạo Long Xuyên xưa, trong đó không thể loại trừ người dân U Minh, Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (bản dịch của Lý Việt Dũng, Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu/NXB Tổng hợp Đồng Nai) cho biết: “Tánh người ở đây nông nổi, ưa trang sức phong nhã. Con trai hay dùng lược nhỏ chải đầu, bới cao tóc rồi dùng khăn bao lại, bên mái tóc thường giắt cái thoa cong dùng khi cần vẹt tóc và gãi đầu khi ngứa, lại dùng sáp thơm bôi râu mép vuốt thẳng ra hai bên như hình hai chữ nhất cân nhau. Con gái thì mặc áo ngắn chật tay, họ ưa dùng màu non lợt của thiên thanh ngọc lam, thúy vũ, ngư bạch, lục đậu. Bao đầu thì trước hết búi cao tóc lên, xức dầu phấn rồi lấy tay đè xuống cho tóc rũ cong xuống theo cổ như cái ức gà, còn đúm tóc thì dùng tay đè tóc xuống cho nhọn, gọi là dạng trang sức mới. Họ đeo xuyến, đeo hoa tai bằng vàng ngọc pha lẫn. Bộ đi thẳng đứng không có phong thái bay bướm uyển chuyển, ưa dùng khăn dài trùm đầu mà đi, hoặc là quàng vai, hoặc cầm ở tay, không dùng nón lá…”. Như vậy, việc xử dụng trang phục của người dân ở đây cốt ở chổ gọn ràng, thuận tiện khác xa với cách trang sức, trang phục của người dân Trung bộ, Bắc bộ, càng khác xa hơn với cách phục sức của cư dân người Hoa ở Trung Quốc, người Khmer ở Campuchia.
Cư dân xứ U Minh đa phần là những nhóm lưu dân tứ xứ cùng quần cư, dựa lưng vào rừng tràm hình thành nên làng xóm. Do không phải đối phó với bão dữ và giá rét như miền Bắc và miền Trung nên nhà ở của cư dân xứ U Minh thường không được xây dựng kiên cố, đa phần là sử dụng cây lá địa phương như tràm và lá dừa nước để làm nhà. Nhà của người dân U Minh có loại nhà hai mái, có cột được cặm thẳng xuống đất, gọi là nhà cột cặm. Những nhà bình dân thường cất nhà loại này; và nhà kê, những nhà khá giả hay làm, nhà loại này có cột được kê chân kên cao khoảng 1 – 2 tất bằng đá tảng, đá chẻ (loại đã này được các thương lái chở bằng ghe từ miệt Bảy núi xuống bán), tránh cho cột tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, mau mục, do đây là đất ngập phèn. Người thì làm nhà ba gian, ba gian một chái, ba gian hai chái hoặc cũng có người chỉ làm nhà một gian một chái miễn sao đủ chổ cho các thành viên trong gia đình sinh hoạt.
Nhưng đa phần người dân xứ này làm nhà theo hướng trước – sau. Có nghĩa là gồm một căn nhà có một hoặc ban gian phía trước dùng để tiếp khách, sinh hoạt và một căn nhà dùng làm nhà bếp, kho phía sau. Xứ U Minh cũng khá gần với biển, đặt biệt hơn, vùng này thuộc khu vực cận cực Nam, có “biển cả Minh Hải làm hào phía nam” (GĐTTC) cho cả trấn Hà Tiên, với vùng nê địa đầm lầy có hệ thống kênh rạch chằn chịt, việc thoát nước vào mùa mưa cũng dễ dàng, do đó cũng ít chịu ảnh hưởng của mùa nước nổi nên nhà ở cũng không cần phải làm kiểu nhà sàn như cư dân ở miệt Đồng Tháp Mười, Long Xuyên hay cư dân ở rừng đước, rừng ngập mặn ở phía cực Nam. Nhưng nhất thiết phải có một cái sàn lảng(một cái sàn khoảng 1 – 2m2 được bắc bên bờ ao/kênh/sông phía sau nhà hoặc bờ sông/kênh trước nhà) để thuận tiện trong việc sử dụng nước sông/kênh/ao cho việc rửa rái, giặc giũ…
Không gian văn hóa xứ U Minh cũng hình thành nên nền văn hóa ẩm thực đặc hữu. Cư dân ở xứ U Minh sử dụng những trảng đất gò đã thuộc, ít phèn để trồng lúa và các loại cây ăn trái. Thức ăn kèm theo là những loại thực vật như các loại rau đồng (rau má, rau đắng đất…), rau rừng (đọt choại, đọt/lá các loại cây mọc ở rừng); cá đồng các loại như cá lóc, cá trê, cá rô… và động vật dưới tán rừng là các loài chim, ong non, các loài thú. Đây là nguồn thực phẩm vô cùng phong phú mà thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho cư dân xứ U Minh này.
Người dân ở đây ngoài trừ gạo là phải dự trữ bởi một năm chỉ làm được một mùa vụ (nay làm được đến 3 vụ) thì hầu hết các loại thực phẩm khác đều không cần phải lo. Để bắt cá dưới kênh, người dân ở đây chỉ cần đặt vài cái trúm, nhét đại vài cái lờ dưới cỏ, cắm hoặc thả đại vài cần câu ở đâu đó bên bờ ruộng, bờ kênh. Sau khi đi một vòng, trở lại điểm ban đầu là đã có cái ăn. Hằng ngày, trước khi đi thăm rừng, thăm rộng người dân xứ này chỉ cần bắc nồi cơm. Trong khi đi thăm rừng, thăm ruộng thì quơ đại vài nắm lá, bắt đại vài con cá dưới kênh cũng được một bữa cơm thịnh soạn khi thì con rùa, khi thì cá lóc, cá trê hay đám tàn ong thơm phức. Bạn đến chơi nhà, chủ nhà sai sắp nhỏ xách chai đi tiệm mua rượu, (tiệm là nơi bán hàng xén, tạp hóa – thông thường đây là cơ sở kinh doanh của người Hoa) đứa nhỏ chưa về tới nhà mà mồi nhậu đã chuẩn bị xong, không cần phải viện cớ “ao sâu nước cả khôn chài cá/vườn rộng rào thưa khó đuổi gà” (Bác đến chơi nhà – Nguyễn khuyến).
Nói về khẩu vị thì người dân xứ U Minh “rất rõ ràng” trong việc sử dụng các vị cơ bản. Cay thì phải cay xé đầu lưỡi, cay đến lỗ tai kêu lắc rắt, cay đến chảy nước mắt mới chịu; nóng thì nóng hổi vừa thổi vừa ăn; mặn thì phải mặn đến quéo lưỡi; đắng thì phải đắng như mật; chua thì chua đến nhăn mặt, chua le chua lét. Việc phân minh rõ ràng, quyết liệt như thế đối với các vị cơ bản cũng do yếu tố văn hóa tạo nên. Đó chính là dấu ấn của lớp người khai hoang mở cỏi. Họ là những người ngang tàng trong tính cách, “bán trời không mời thiên lôi”, mới dám Nam tiến, lặn lội vào “xứ rừng thiên nước độc”, cái “xứ muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Trong hoàng cảnh sinh sống như vậy, họ đâu nghĩ đến việc cầu kỳ chế biến món ăn, món ăn chỉ cần có vị cơ bản vốn có của nó là đủ rồi. Vã lại những món ăn mang vị cơ bản đó cũng có thể giúp họ chống chọi lại những bệnh tật mà “xứ rừng thiên nước độc” gây ra.
Nhưng người dân xứ U Minh cũng rất chú trọng đến chất lượng món ăn, thức uống. Ngon – bổ – rẻ là ba tiêu chí cơ bản của một món ăn, đây là nhóm tiêu chí mà bà con người Hoa rất chú trọng. Để có được một món ăn ngon thì phương thức chế biến là hết sức quan trọng. Nhất nướng, nhì chiên, tam xào, tứ luộc là bốn phương thức chế biến món ăn vừa nhanh lại vừa ngon đối với khẩu vị của cư dân xứ U Minh. Một món ăn không chỉ có ngon, món ăn đó phải có chất lượng dinh dưỡng phù hợp với thể trạng từng người. Chính vì lẽ đó mà người dân ở đây vẫn thường dặn dò nhau hoặc khi mời nhau dùng bữa thường nói kèm theo: ăn canh rau dền cho bổ máu, ăn canh bồ ngót cho mát, chúm (móng) heo hầm với đu đủ ăn cho có nhiều sữa (đối với phụ nữ mới sinh), uống nước mã đề cho lợi gan, uống rượu này cho dễ tiêu hóa, rượu kia trị được “tê bại”, bổ thận,… một món ăn ngoài tiêu chí ngon thì tiêu chí bổ cũng là một tiêu chí hết sức quan trọng, thậm chí có thể không cần tiêu chí rẻ (bởi nguồn thực phẩm đa phần không cần phải mua), nhưng tiêu chí về chất lượng thì không thể bỏ được, khi đó tiêu chí để đánh giá món ăn sẽ là ngon – lành. Nguồn thực phẩm dồi dào do thiên nhiên ban tặng, không cần phải mua – bán như vậy thì không có lý do gì không lựa chọn món ăn cho ngon – lành?!
Ở đây cũng cần nói thêm rằng bà con người Hoa cùng cộng cư với bà con người Kinh, người Khmer nhưng người Hoa lại có phướng thức làm ăn chủ yếu là kinh doanh (mua – bán) nên tiêu chí rẻ luôn được chú trọng. Với người Kinh, người Khmer thì tiêu chí ngon và lành (hay bổ) là cần thiết và qua trọng nhất.
Nói đến các món ăn mang đậm chất U Minh trước nhất phải nói đến các món ăn từ ong. Ngoài mật ong dùng để chế biến, tẩm ướp, làm gia vị cho các món ăn, thì ong non được người dân xứ này chế biến thành một loại gỏi trộn với bắp chuối dùng với nước mắm chanh đường; rùa rang muối, cá lóc nướng trui, cá trê vàng nướng dùng với nước mắm gừng, các món ăn chế biến từ mắm; bún mắm ăn với rau rừng; bánh xèo ăn với rau rừng… đây là những món ăn khoái khẩu của dân nhậu.
Việc ăn nhậu của người dân xứ U Minh cũng là một nét văn hóa đặc hữu. Khi đi rừng, thăm ruộng, dọn rẫy về có một ít thức ăn ngon (dân nhậu thường gọi là mồi bén, mồi độc, hàng độc) thì họ cũng để dành đó cho cuộc nhậu vào cuối ngày. Đó là nét hảo khách của cư dân U Minh. Người dân U Minh cũng rất biết lễ độ trong khi ăn nhậu, “Tiên vi chủ hậu vi khách” là câu nói đầu tiên trong bàn nhậu kể từ khi bầu được chủ xị, nhưng Chủ trong câu này trước hết là chủ đất, là thổ địa, thổ công, cho nên trước khi chủ xị đưa rượu cho những người khác trong mâm thì phải rót một ly đổ xuống đất mời thổ công, thổ địa dùng trước. Sau đó mới đến gia chủ của buổi tiệc rồi lần lược đến những người khác từ lớn đến nhỏ. Từ quận (lược, vòng) thứ hai trở đi thì chủ xị rót mời theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại, gọi là lần vách tính tới, nhưng Tuy nhiên, khi cao hứng người uống rượu cũng thường bắn bổng, bắn bỏ có nghĩa là uống không cần tính quận…
Việc ăn, gắp mồi như thế nào trong mâm nhậu cũng là một vấn đề lớn. Với con cá lóc, thì bộ đồ lòng; đuôi con lương; lưng cá rô; trứng rắn… dứt khoát phải được gắp mời người lớn tuổi nhất trong mâm. Người nhỏ tuổi không tự tiện được dùng món này. Họ thường nói rằng: Ăn mười (10) đám cưới không bằng cái hàm dưới con vịt, nhất cái rún chị sui – nhì cái đuôi con lươn… Và khi người được mời dùng những món đó, người được mời cũng phải tiếp uống thêm một lu rượu gọi là theo mồi.
Cũng như nhiều vùng cư dân khác, người dân U Minh thường nhậu không có mục đích, cốt để tập họp anh em trong xóm nói chuyện cho vui. Do đó một bàn nhậu đủ kha phải có ít nhất bốn người (số chẳn – trà tam rượu tứ) để khi say bắt cặp nói chuyện cho dễ, nếu lẽ thì sẽ dư một người không có ai nói chuyện, tiệc nhậu sẽ bị chùng xuống, mất vui.
Trong mâm nhậu thường chỉ có một ly uống rượu và một chai rượu do chủ xị điều khiển. Chủ xị là người được bầu ra từ những người cùng nhậu, chủ xị có quyền thưởng – phạt những người nói sai chủ đề, nhận định sai vấn đề đang bàn trong cuộc nhậu, phạt những người đến trễ… Nhưng chủ xị cũng có thể bị cả bàn nhậu phạt khi có sai sót, thậm chí bị truất phế quyền làm chủ xị và chủ xị thường là người nhỏ tuổi nhất trong bàn nhậu. Qua đó ta cũng thấy được người dân U Minh hết sức dân chủ, không câu nệ lớn – nhỏ.
Như vậy, văn hóa ẩm thực xứ U Minh được kết hợp là sự hòa trộn giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đây cúng là một nguồn tài nguyên du lịch còn bỏ ngỏ. Chúng ta cần phải xây dựng những chương trình du lịch cộng đồng để du khách bốn phương có thể hiểu được tâm lý ứng xử cộng đồng của cư dân miệt U Minh.
Nói tới Không gian văn hóa xứ U Minh sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến Nghệ nhân dân gian Bác Ba Phi (Nguyễn Long Phi) với hàng trăm mẫu chuyện kể của ông. Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, ông sinh năm 1884 và mất năm 1964. Ông cũng là một lưu dân từ nơi khác đến sinh sống và định cư ở xứ U Minh (nay thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), sinh thời ông thường xuyên kể những mẫu chuyện vui về cuộc sống sinh hoạt thường ngày, về sản vật phong phú với lời kể hóm hỉnh, khoa trương, nói quá… như: chuyện Gác kèo ong, cọp xay bột, Nai cộ lúa… Ông là một nghệ nhân cận đại nhất trong lịch sử văn học chuyện trạng Việt Nam. Hiện nay bên cạnh kho tàng các câu chuyện kể của ông thì “con cháu Bác Ba Phi” còn sáng tác thêm hàng trăm câu chuyện khác bổ sung vào kho tàng vô cùng quý giá đó.
Không chỉ có vậy, văn hóa xứ U Minh còn ghi dấu cho mình sau khi bài ca Dạ cổ hoài lang của cố nghệ sỹ, nghệ nhân Cao Văn Lầu sáng tác. Các ban tài tử khắp miệt U Minh ra đời, mang lời ca, tiếng hát, ngón đờn của mình làm cho mảng rừng xưa nay vẫn u u minh minh sáng bừng, rộn rã. Những ban tài tử đua nhau khoe tài giúp vui cho gia chủ trong các buổi tiệc cưới hỏi; hoặc gợi nhớ những kỷ niệm đến người đã khuất trong ngày giỗ chạp hay cùng chia buồn với gia chủ trong ngày tang ma…
Nhưng đến năm 1946, cho rằng thể loại Vọng cổ (phát triển từ bài Dạ cổ hoài lang) mang không khí u buồn, không vực dậy được các phong trào cách mạng nên có một bộ phận lãnh đạo phong trào cách mạng chủ trương cấm thể loại này. Các tầng lớp dân cư vùng Cà Mau – Bạc Liêu nghiêm túc chấp hành lệnh cấm trên. Nhưng bài vọng cổ đã đi sâu vào tâm thức, vào máu thịt người dân nên nỗi nhớ bào vọng cổ còn da diết hơn, đau đáu hơn. Là một người dân xứ U Minh, ông Thái Đắc Hàng hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân mình. Dù đang công tác tại Đội tuyên truyền huyện Ngọc Hiển, bên ngoài thì chấp hành và tuyên truyền lệnh cấm trên nhưng trong lòng ông vẫn thường “lén” ca những bài ca vọng cổ đến nổi phải bị kỷ luật. Về sau ông sáng tạo nên thể loại Nói thơ Bạc Liêu để giúp bà con ngâm nga thay cho sáu câu vọng cổ. Thể loại này được đông đảo người dân U Minh đón nhận và nó có sức sống riêng, kể cả khi vọng cổ được cho phép sử dụng trở lại. Như vậy, bên cạnh Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu, hệ thống chuyện kể của Bác Ba Phi thì thể loại Nói thơ Bạc Liêu cũng có một vai trò không nhỏ trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Không gian văn hóa xứ U Minh sẽ là đối tượng, là một thành phần trong hệ thống di sản văn hóa dân tộc cần phải được kiểm kê ghi nhận. Bên cạnh đó, thiên nhiên đã ban tặng quá nhiều sản vật cộng với con người U Minh trong quá trình khai hoang lập ấp cũng đã sản sinh nhiều món ăn đặc hữu hình thành nên văn hóa ẩm thực xứ U Minh. Nhận diện được những sắc màu văn hóa đó của cư dân xứ U Minh, chúng ta sẽ tự hào hơn nữa về nền văn hóa đa dạng, đa sắc tộc và có kế hoạch cụ thể kiểm kê, bảo vệ vốn di sản quý giá đó. Nên chăng các nhà quản lý, các nhà văn hóa cần tạo một đặc sản văn hóa mang thương hiệu riêng cho Cà Mau, Festival Không gian Văn hóa xứ U Minh. Đây sẽ là một sản phẩm thú vị cho rất nhiều du khách.
Cập nhật ( 07/09/2015 )