ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII
* Tắc Hành tổng hợp
Cứ mỗi năm năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại tổ chức Đại hội đại biểu để bầu Hội đồng Trị sự mới. Năm 2017 là năm cuối của nhiệm kỳ 2012 – 2017, Thường trực Hội đồng Trị sự đã triệu tập hội nghị, hội ý nhiều lần để chuẩn bị các bước để tiến tới Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Địa điểm tổ chức lần này là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Chiều ngày mùng 3 tháng 10 năm Đinh Dậu (20/11/2017), GHPGVN đã tiến hành Đại hội trù bị để chuẩn bị hoàn tất cho Đại hội chính thức ngày hôm sau.
Vào lúc 7h sáng ngày 04/10/Đinh Dậu (21/11/2017), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS.GHPGVN cùng Chư tôn đức Giáo phẩm Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự đã trang nghiêm cử hành lễ cầu nguyện tại chính điện chùa Quán Sứ – trụ sở TƯ.GHPGVN.
Đến 8h30 cùng ngày, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ 2017 – 2022 chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, với sự tham dự của hơn 1.250 Đại biểu chính thức trong và ngoài nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng đại diện các bộ, ban, ngành TƯ đã tới dự và chúc mừng Đại hội.
Đại hội diễn ra dưới sự chứng minh của Đức Pháp chủ Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cùng Chư tôn đức của Hội đồng Chứng minh và dưới sự điều hành của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS.GHPGVN, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS.GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch TT HĐTS.GHPGVN, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN cùng với Chư tôn đức HĐTS.GHPGVN.
Đại hội còn hân hạnh đón tiếp lãnh đạo Phật giáo các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đại diện các ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc HĐTS.GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN của 63 tỉnh thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, thể hiện quyết tâm của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, bản lĩnh nhập thế, hội nhập của Phật giáo Việt Nam để xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, kiên định theo lý tưởng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Trình bày báo cáo công tác phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017) và chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nêu lên nhiều thành tựu và nhiệm vụ Phật sự quan trọng, trong đó có những thành quả nổi bật, như:
– GHPGVN có khoảng 53.941 Tăng ni, gồm: 38.629 Bắc tông; 8.574 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh; 4.984 Khất sĩ.
– Cả nước có 4 Học viện; 7 trường Cao đẳng Phật học; 32 trường Trung cấp Phật học và hàng trăm cơ sở giáo dục sơ cấp Phật học do các Tỉnh hội, Thành hội Phật giáo quản lý.
– Nhiệm kỳ qua đã đào tạo 2460 tăng, ni sinh tốt nghiệp Cử nhân Phật học hệ chính quy; 1.089 tăng, ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học; 2.771 tăng, ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học; 2.000 tăng, ni sinh tốt nghiệp Sơ cấp Phật học.
– Tổng kết công tác từ thiện trong nhiệm kỳ qua với con số tài chính rất ấn tượng: 6.838.199.841.000đ (Sáu ngàn tám trăm ba mươi tám tỷ một trăm chín mươi chín triệu tám trăm bốn mươi mốt ngàn đồng).
– Thành lập ban trị sự GHPGVN tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, hoàn thành việc thành lập tổ chức Giáo hội hoạt động tại 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước.
– Kể từ ngày 02/12/2008, sau Hội nghị hợp nhất Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây và Thành hội Phật giáo Hà Nội, tính đến nay GHPGVN thành phố Hà Nội có số lượng nhân sự đông nhất cả nước: 750 vị. Số lượng quận, huyện cũng nhiều nhất cả nước với 30 đơn vị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Độc lập các hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba tặng 14 tập thể, cá nhân và Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và bằng khen của MTTQ tặng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ qua của GHPG Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng Chính phủ tặng bức trướng “Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” và tặng hoa chúc mừng đại hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại đại hội, ông đã khẳng định, trong gần 2.000 năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Phật giáo luôn lấy đức từ bi, hỷ xả, lấy chân – thiện – mỹ để giáo hóa chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và phương châm hành đạo. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận, thời nào Phật giáo cũng có những người đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, gắn bó với dân tộc để “Hộ quốc an dân”. Phó Thủ tướng mong muốn quý vị chức sắc và toàn thể đồng bào Phật tử tiếp tục khẳng định những giá trị tốt đẹp của Phật giáo và bày tỏ niềm tin sâu sắc vào những đóng góp xứng đáng mà Phật giáo đã, đang và sẽ đem lại cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân, không ngừng chăm lo phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc. Phó Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để Tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về quan điểm tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Đại hội đã suy tôn Hội đồng Chứng minh gồm 96 vị Hòa thượng, vị trí cao nhất là Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được suy tôn, Đệ nhất Phó Pháp chủ là Hòa thượng Thích Trí Quảng. Đại hội đã bầu ra Hội đồng trị sự: 270 vị, trong đó có 61 thường trực và 45 dự khuyết, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn được bầu làm Chủ tịch, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT phụ trách Phật giáo các tỉnh phía Bắc, Hòa thượng Thích Thiện pháp – Phó Chủ tịch TT phụ trách Phật giáo các tỉnh phía Nam.
Đoàn Phật giáo tỉnh Bạc Liêu tham dự Đại hội lần này gồm 15 đại biểu, ba vị được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh, đó là: Hòa thượng Lý Sa Muoth, Hòa thượng Thích Hoằng Quang, Hòa thượng Hữu Hinh. Bốn vị được cơ cấu vào Hội đồng Trị sự GHPGVN là: Hòa thượng Thích Huệ Trí, Thượng tọa Tăng Sa Vông, Thượng tọa Thích Phước Chí và Đại đức Thích Giác Nghi (dự khuyết). Ba Đại đức được tấn phong Thượng tọa: Đại đức Thích Giác Hi, Đại đức Thích Phước Châu, Đại đức Thích Phước Chí. Sáu Sư cô được tấn phong Ni sư: Sư cô Thích Nữ Huệ Thường, Sư cô Thích Nữ Huệ Lạc, Sư cô Thích Nữ Diệu Thiền, Sư cô Thích Nữ Nghiêm Liên, Sư cô Thích Nữ Hòa Liên, Sư cô Thích Nữ Diệu Phước.
Chiều 23/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt với đoàn đại biểu Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa được Đại hội suy tôn, suy cử đến thăm và báo cáo kết quả Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 -2022). Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII; gửi lời chúc mừng, tình cảm sâu sắc tới Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng toàn thể Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa được Đại hội suy tôn, suy cử.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh thành công của Đại hội thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, cùng với sự ủng hộ của tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước; khẳng định sự phát triển lớn mạnh, sự đoàn kết thống nhất của Phật giáo Việt Nam, tiếp thêm làn gió mới vào đời sống sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, đồng bào phật tử, tạo không khí vui tươi, hoan hỉ trong các tầng lớp nhân dân có tình cảm, tín ngưỡng Phật giáo. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao, trân trọng biểu dương và chúc mừng những kết quả, đóng góp thiết thực, đầy ý nghĩa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể Tăng ni, Phật tử đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua.
Thông báo với các đại biểu một số kết quả nổi bật của Năm APEC Việt Nam 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng, đã thành công toàn diện, trên mọi mặt về cả đa phương và song phương. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, sự kiện đối ngoại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong suốt cả nhiệm kỳ, có sự đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có các Tăngg ni, Cư sĩ, Phật tử Phật giáo Việt Nam.
Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm đánh giá kết quả công tác Phật sự Nhiệm kỳ VII (2012-2017), tổng kết các phong trào yêu nước phụng sự đạo pháp của Tăng ni, Phật tử trong suốt 36 năm thống nhất Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Đại hội đã kiện toàn nhân sự, sửa đổi Hiến chương và hoạch định chương trình hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Cập nhật ( 27/11/2017 )