CÁC VỊ LA HÁN CHÙA THÁNH DUYÊN
* Đặng Văn Dự
Chùa Thánh Duyên nằm trên núi Thúy Vân, nay thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là ngôi quốc tự có vị trí đẹp, nơi trời mây sông nước quyện hòa cùng phong cảnh thiền. Vì vậy không ngạc nhiên khi vua Thiệu Trị xếp thắng cảnh này ở vị trí thứ 9 trong 20 cảnh đẹp của đất thần kinh. Nơi đây, vào tháng 3 năm Đinh Dậu, 1837 vua Minh Mạng khi trùng kiến chùa đã dụ rằng: “Những danh lam thắng tích ta không có quyền để chúng tàn lụi, mất hết dấu tích, không lưu lại cho thế hệ mai sau. Huống gì những cảnh quan nơi đây đều do Hoàng tổ của ta (Minh vương Nguyễn Phúc Chu) vì triều đình, vì thần dân mà tạo dựng, nhằm mục đích khuyến khích mọi người tu tâm, tích thiện, tạo phước điền” [4: 305]. Đây cũng là một trong những ngôi quốc tự được chọn làm trai đàn cầu an cũng như những lễ trọng khác của triều đình.
Không chỉ có phong cảnh đẹp Thánh Duyên còn là ngôi chùa lưu giữ trong mình nhiều pháp khí, đặc biệt là những pho tượng bằng đồng cổ có giá trị. Tại đây còn gần 70 pho tượng, đặc biệt là bộ 18 tượng La Hán. Đây có thể xem là bộ sưu tập 18 vị La Hán bằng đồng tiêu biểu của thế kỷ 19. Mười tám vị La Hán chùa Thánh Duyên được thiết trí hai bên tường ở Đại Hùng Bửu Điện, mỗi bên 9 vị cùng án thờ với Thập Điện Minh Vương. Giới thiệu kỹ về các pho tượng này là công việc chưa từng có được để ý vì chúng được tạo tác với nét mặt khá giống nhau. Trong nhiều bài viết về chùa Thánh Duyên, 18 vị La Hán chỉ được nhắc đến một cách chung, giản lược. Đây là một khó khăn cho hậu bối khi muốn tìm hiểu về ngôi chùa, về hệ thống tượng thờ, pháp bảo, pháp khí.
La Hán (tên gọi đầy đủ là A La Hán) chỉ các Phật tử xuất gia đã tu đến mức dứt tuyệt các phiền não trong lòng, không còn lầm lỗi, được tự do tuyệt đối, tâm trí tự tại, không sinh không tử, biết hết tất cả. Trong nghệ thuật tạo hình, La Hán thường được thể hiện “mỗi người một vẻ”. Trong kinh điển Phật giáo, đặc biệt là kinh điển Phật giáo thời kỳ đầu thường nói nhiều đến các vị La Hán. Chúng ta thường nghe nhắc đến 16 vị La Hán, 18 vị La Hán và 500 vị La Hán trong các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc của Phật giáo. Nói đến 16 vị La Hán có các công trình dịch thuật của Đạo Thái sống vào thời Bắc Lương (401-439), nhà sư Huyền Trang (596-664) sống vào thời nhà Đường. Đặc biệt tác phẩm Pháp trụ ký do pháp sư Huyền Trang dịch ra chữ Hán, được xem là cơ sở để những danh họa từ đó trở về sau làm khuôn mẫu khi vẽ về các vị La Hán. Ban đầu chỉ có 16 vị La Hán nhưng về sau, với sự sáng tạo của các nghệ sĩ nên hình tượng của 18 vị La Hán bắt đầu xuất hiện. Dựa trên tinh thần 16 hình tượng có sẵn, các họa sĩ bổ sung thêm hai vị tạo thành tập hợp 18 vị La Hán. Tuy nhiên, do không căn cứ theo kinh sách nên lai lịch của hai vị này thường bất nhất. Có thuyết cho là Tân Đầu Lô và Khánh Hữu (tiếng Phạn là Nan Đề Mật Đa La, người đã thuyết minh sách Pháp trụ ký), có thuyết chỉ ra đó là Ca Diếp Quân Đồ Bát Thán, cũng có thuyết nói rằng đó là Khánh Hữu và nhà sư Huyền Trang… Sang đến thời Minh, Thanh lại xếp Bố Đại Hòa thượng và Đạt Đa La hoặc hai tôn giả Hàng Long và Phục Hổ, hoặc Ma Da phu nhân và Di Lặc vào danh sách 18 vị La Hán [3: 225]. Cũng có khi hình tượng của các vị lẫn lộn vào với nhau… Tuy hình tượng và lai lịch không đồng nhất nhưng hệ tượng 18 vị La Hán lại được phổ biến rộng rãi hơn hệ tượng 16 vị. Các vị La Hán có đặc điểm chung là tóc được cạo như tăng chúng còn hình dáng, y phục, tùy khí… không có một quy chuẩn đồng nhất mà thường phụ thuộc vào ý tưởng, sự sáng tạo của nghệ nhân.
Mười tám vị La Hán chùa Thánh Duyên cũng không phải là ngoại lệ. Nếu so sánh với cách vẽ của Tử Kim An người Giang tô (Trung Quốc) sống vào đời Tống (960-1279) [7: 400-415] hay cách vẽ của Mã Đài đời Thanh (1644-1911) [7: 416-419] thì không xác định được bởi lẽ tư thế, nét mặt, pháp khí và các con vật đi cùng đều không giống nhau. Bên cạnh đó, 18 vị La Hán chùa Thánh Duyên được thể hiện gần như thuần nhất, chỉ dựa vào kinh sách dựa vào hành trạng của các ngài thì sẽ rất khó gọi cho đúng tên các pho tượng. Ví dụ như trường hợp A La Hán thứ 7 Kalica (thường được biết đến là A La Hán Kỵ Tượng), nếu trong nhiều hệ tượng La Hán khác thì Kalica sẽ được vẽ cùng với một con voi, như thế dù không biết chính xác tên của ngài, ta cũng dễ dàng nhận ra. Trường hợp của vị A La Hán Subinda (La Hán Nâng Tháp) La Hán Ajita (La Hán Trường Mi)… cũng tương tự. Nhưng với hệ tượng La Hán tại chùa Thánh Duyên thì lại không như vậy, đa phần đều ở tư thế ngồi (kiết già, ngồi nghiêng hoặc trên ghế), rất ít pháp khí và không có con vật đi kèm. Điều có thể giúp nhận biết chỉ là nét mặt, các thủ ấn mà các vị thể hiện. Tuy vậy, do các pháp khí không được đúc kèm tượng (có lẽ được làm rời) nên tượng còn, tượng mất. Cũng có trường hợp pháp khí được đặt không đúng theo lai lịch của pho tượng. Ngoài ra, các pho tượng được thiết trí không theo một quy luật nào cả tuy vẫn được đặt uy nghi trên án thờ hai bên Đại Hùng Bửu Điện.
Vì vậy, để xác định của 18 vị La Hán tại chùa Thánh Duyên, chúng tôi căn cứ vào sự tích của các vị La Hán được ghi chép trong sách Pháp trụ ký, và đối chiếu, so sánh với bộ tranh La Hán do Thiền Nguyệt Đại sư Quán Thể vẽ từ thời Ngũ đại (907-906) in trong cuốn Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết [3]. Tuy nhiên, có một khiếm khuyết nhỏ là do các sách trên chỉ nói về 16 vị La Hán nên có hai vị không biết nghệ nhân sáng tạo ra dựa trên cơ sở nào. Ở đây chúng tôi xin không trình bày, chỉ nêu ra các trường hợp có thể gần giống mà mong được sự góp ý.
1. Pindolabhâradvâja (Tân Đầu Lô Phả La Đọa 賓頭盧頗羅墮) hay còn gọi là Tân Độ La Bạt La Độc Đô, xuất thân dòng Bà La Môn (Brahmana), là một đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền. Ngài thích xuất gia nên rời bỏ triều đình vào rừng núi nỗ lực tu tập, sau khi chứng thánh quả cởi hươu về triều khuyến hóa vua, nhân đó được tặng danh hiệu La hán Tọa Lộc.
Hình tượng của ngài được Đại sư Quán Thể vẽ ngồi trên đá, tay trái cầm gậy, tay phải chống vào bàn đá, kinh đặt trên gối, xương vai lộ ra, hai mắt nhìn về phía trước [3: 229]. Đối chiếu với hình trên ở chùa Thánh Duyên, pho tượng thứ 5 ở dãy bên phải (từ ngoài nhìn vào) chỉ không có cây gậy và tay phải đặt lên kinh sách trên gối phải (chứ không phải xuống bàn đá). Đặc biệt nếu so với hình vẽ ở sách nói trên thì pho tượng giống từng chi tiết từ nếp nhăn ở trán, ánh mắt, gò má, khóe miệng… cho đến tư thế ngồi, tà áo.
2. Kanakavatsa (Ca Nặc ca Phạt Tha 迦諾迦伐磋) còn gọi là Yết Nặc Ca Phược Sa hay Già Mặc Già Phạt Tha. Đức Phật thường khen ngài là vị La Hán phân biệt thị phi rõ ràng nhất. Khi chưa xuất gia ngài là người rất tuân thủ khuôn phép, giữ gìn từ lời nói đến hành động, một ý nghĩ xấu cũng không cho phát khởi. Sau khi xuất gia, ngài càng nỗ lực tinh tấn tu tập, nhờ thiện căn sâu dày ngài chứng quả A La Hán rất nhanh.
Ngài thường đi du hóa khắp nơi với gương mặt tươi vui và dùng biện tài thuyết pháp để thuyết phục chúng sanh. Thấy mọi người thường vô ý tạo nhiều nghiệp ác hàng ngày, tương lai bị quả khổ địa ngục nên khi thuyết pháp ngài thường xiển minh giáo lý nhân quả thiện ác, giúp chúng sanh phân biệt rõ ràng để sữa đổi. Bằng cách giảng dạy chân thật, tôn giả suốt đời như ngọn hải đăng đem ánh sáng Phật pháp soi rọi nhân sinh. Vì vậy, ngài còn được gọi là La Hán Khánh Hỷ.
Hình tượng ngài được Đại sư Quán Thể vẽ hình mặc pháp y, ngồi trên bàn đá, hai tay kết ấn, gậy tựa vào vai, trên mặt đầy nếp nhăn, đầu hơi ngửa về phía sau [3: 232]. Trong chùa Thánh Duyên, pho tượng thứ tư bên trái ứng với hình vẽ này. Chỉ có điều tượng ở chùa không có gậy, y phục mặc nửa thân và ở tư thế ngồi trên ghế. Ngoài ra, từ đầu hơi ngửa, khuôn mặt góc cạnh do nếp nhăn, thế kiết ấn của hai bàn tay đều phù hợp với hình vẽ.
3. Kanakabharadvâja (Ca Nặc Ca Bạt Ly Đọa Xà 迦諾迦跋釐墮蛇) hay còn gọi là Già mặc Già Bạt Ly Đọa Đô. Ngài là vị đại đệ tử được đức Phật giao phó giáo hóa vùng Đông Thắng Thần Châu.
Truyền thuyết Phật giáo kể lại rằng quốc vương nước Tăng Già la ở Nam Hải không tin Phật pháp, tôn giả kanakabharadvâja bèn tìm cách hóa độ. Một sớm mai, khi đang cầm gương soi mặt, quốc vương giật mình kinh sợ vì trong gương không có mặt mình mà có hình dáng vị đại sĩ Bạch Y. Đây là do phép thần biến của tôn giả. Theo lời khuyên của quần thần, nhà vua cho tạc tượng Bồ tát Quan Thế Âm và từ đó hết lòng tin Phật. Tôn giả Kanakabharadvâja thường mang một cái bát sắt bên mình khi du hành khất thực, nên còn gọi là La Hán Cử Bát.
Ngài trong hình vẽ của Đại sư Quán Thể có thân hình gầy ốm trơ xương, miệng ngậm và mắt mở, lông mày ngang như kiếm, tay phải cầm phất, tay trái để trên gối, ngồi trên bàn đá [3: 235]. Trong các pho tượng ở chùa Thánh Duyên thì chỉ có pho tượng thứ nhất bên phải có hình dung gần giống về ngài. Tượng giống ở thế ngồi, thế của hai tay. Khuôn mặt cũng như miêu tả, mắt mở và miệng ngậm. Tuy nhiên do đặc điểm của các pho tượng này thường rất mủm mỉm, ít gầy trơ xương nên không thể hiện được ý đồ như hình vẻ miêu tả. Và như đã nói trên, phất và lông mày cũng không thể hình dung được rõ bên cạnh y phục được mặc toàn thân chứ không phải nữa người như hình vẽ.
4. Subinda hay còn gọi là Tô Tần Đà (蘇 頻陀). Ngài là một trong những vị La Hán tu tập rất tinh nghiêm, giúp người nhiệt tình nhưng ít thích nói chuyện. Tôn giả Subinda ít khi đi theo đức Phật ra ngoài, ngài chỉ ở yên nơi tịnh xá đọc sách hoặc quét sân. Do dành trọn thời gian cho việc thiền định nên ngài chứng quả A La Hán rất sớm. Hình tượng ngài còn được tạo với một bảo tháp thu nhỏ trên tay. Tháp là thờ xá lợi Phật, giữ tháp bên mình là giữ mạng mạch Phật pháp, vì thế ngài còn được gọi là La Hán Nâng Tháp.
Tượng ngài được Đại sư Quán Thể vẽ ở tư thế ngồi kiết già trên đá, mặc áo qua vai, tay phải nắm thành quyền để ở ngực, tay trái duỗi ra đặt trên gối [3: 238]. Trong các pho tượng La Hán tại chùa Thánh Duyên thì tượng thứ bảy bên trái giống với hình vẽ miêu tả. Từ tư thế ngồi phu tọa tay nắm quyền, tay để trên gối đều khớp. Chỉ có một thay đổi nhỏ đó là tay nắm quyền của tượng tại chùa Thánh Duyên đưa cao hơn so với hình vẽ và bàn tay trái để trên gối bị lấp bởi ống tay áo. Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy là đa số y phục trong hình vẽ của Đại sư Quán Thể là áo choàng qua vai trong khi các pho tượng ở chùa Thánh Duyên thường là kiểu áo có ống tay. Đây là sự khác biệt dễ chấp nhận vì y phục của từng thời khác nhau.
5. Nakula còn được gọi là Nặc Củ La (諾矩羅) hay Mặc Củ La. Trên vách hang thứ 76 của động Đôn Hoàng có vẽ hình tượng ngài ngồi kiết già trên phiến đá. Theo truyền thuyết, ngài thuộc đẳng cấp võ sĩ (Kshatriya) sức mạnh vô song, đời sống chỉ biết có chiến tranh chém giết. Khi theo Phật xuất gia, ngài đạt quả A La Hán trong tư thế tỉnh tọa nên thường gọi là La Hán Tĩnh Tọa.
Theo miêu tả của Đại sư Quán Thể thì hình vẽ của ngài ngồi tréo chân trên bàn đá, hai tay cầm mộc đồng tử (một dụng cụ thời xưa dùng để gải ngứa), tựa vào vai trái [3: 241]. Với những chi tiết được miêu tả thì pho tượng thứ ba bên trái ở chùa Thánh Duyên hợp hơn cả. Tư thế tuy không tréo chân, hai tay tuy không nắm mộc đồng tử và gậy cũng có thể do hậu bối đưa vào thế nhưng tất cả các pho tượng thì đây là pho tượng đáp ứng những chi tiết miêu tả mà đại sư Quán Thể đã vẽ. Vẫn tư thế ngồi, y phục choàng qua vai, mắt luôn hướng về phía trước.
6. Bhadra (Bạt Đà La 跋陀羅) còn gọi là Hiền, vì mẹ ngài hạ sanh ngài dưới cây bạt đà, tức là cây Hiền. Theo truyền thuyết, tôn giả rất thích tắm rửa, mỗi ngày tắm từ một đến mười lần, nên rất mất thời gian đồng thời trễ nãi công việc. Biết được chuyện, Thế Tôn kêu tôn giả đến bên, chỉ dạy cách tắm rửa thiết thực, nghĩa là ngoài việc tẩy rửa thân thể còn phải tẩy rửa cấu uế trong tâm, gột sạch các tham sân phiền não để cả thân tâm đều thanh tịnh. Tiếp nhận lời Phật dạy, Bhadra hành trì theo ý nghĩa đích thực của việc tắm rửa, siêng năng gột rửa tâm nên chẳng bao lâu chứng quả A La Hán. Từ đó tắm rửa là một pháp tu hữu dụng thiết thực mà tôn giả thường khuyên dạy mọi người. Các tự viện Trung Hoa thường thờ tượng ngài trong nhà tắm để nhắc nhở ý nghĩa phản tỉnh tư duy. Tôn giả cũng thường dong thuyền đi hoằng hóa các quần đảo ở miền đông Ấn Độ như Java, Jakarta… nên ngài còn mang tên La Hán Quá Giang.
Theo hình vẽ mà Đại sư Quán Thể miêu tả thì Bhadra ngồi phu tọa trên đá, mặt hơi ngửa lên, trán cao má đầy, tay phải bỏ trong áo, tay trái cầm chuỗi hạt đặt lên trên gối [3: 244]. Đối chiếu hình vẽ với những pho tượng La Hán tại chùa thì tượng thứ chín bên trái khớp với hình vẽ đã miêu tả. Tuy không còn chuỗi hạt, hai tay được nâng cao hơn nhưng tư thế phu tọa, tay phải ẩn trong ống tay áo, khuôn mặt hơi ngửa về phía sau thể hiện đúng tâm trạng của hình vẽ.
7. Kalica (Ca Lý Ca 迦哩迦), hay còn gọi là Già Lý Già. Trước khi xuất gia ngài làm nghề huấn luyện voi, vì vậy ngài còn được gọi là A La Hán Kỵ Tượng. Khi Kalica chứng quả a La Hán, đức Phật bảo ngài nên ở tại quê hương mình (Tích Lan) để bảo hộ Phật pháp.
Ngài trong tranh vẽ của Quán Thể có đặc điểm lớn nhất là lông mày rất dài vòng qua tay buông xuống chỗ ngồi, tư thế ngồi ở trên đá, tay phải để trên gối phải, tay trái trống tự nhiên xuống bàn đá [3: 247]. Trong 48 pho tượng La Hán tại chùa Thánh Duyên thì tượng thứ năm bên trái giống những chi tiết ở trên. Chi tiết lông mày dài buông xuống bàn đá không còn có lẽ do thời gian đã làm hư hại, tay trái không tựa vào bàn đá mà chỉ giống ở gối trái, khuôn mặc không cúi xuống như hình vẽ nhưng tư thế ngồi, khóe miệng, bàn chân, y phục thì giống như những gì đã được miêu tả.
8. Vajraputra (Phạt Xà la Phất Đa La 伐 阇 羅弗多羅) hay Phạt La Phất Đa La. Tương truyền khi còn ở thế tục, ngài làm nghề thợ săn, thểh lực rất tráng kiện, một tay có thể nâng một con voi, hoặc nắm một con sư tử ném xa hơn mười mét. Mỗi khi muôn thú chạm mặt ngài, chúng đều hoảng sợ lánh xa. Sau khi xuất gia, ngài nỗ lực tu tập, chứng quả La Hán. Lại có một con sư tử thường quấn quít bên ngài, do đó ngài mang biệt hiệu là La Hán Tiếu Sư.
Theo miêu tả của Quán Thể thì ngài là một vị tăng mủi cao, mắt sâu, thân cởi trần, ngồi trên đá, hai tay bắt tréo nhau trên gối trái lòng bàn tay buông xuống, bên phải đặt kinh lá bối, ánh mắt như đang xem kinh ơ3: 250]. Pho tượng La Hán thứ tám bên phải của chùa Thánh Duyên giống như những gì mà Đại sư Quán thể đã vẽ. Giống từ tư thế ngồi, mắt sâu, y phục khoát hờ ở cánh tay áo đến hai cánh tay bắt chéo nhau ở gối chân trái. Chỉ có một điểm nhỏ là kinh văn không có ở bên phải vì vậy ánh mắt không nhìn xuống mà nhìn thẳng.
9. Jivaka còn được gọi là Thú Bát Ca (戍博迦) Tuất Bác Già. Jivaka vốn là một người Bà La môn nổi danh, nghe nói thân Phật cao một trượng sáu, ngài không tin nên chặt một cây trúc dài đúng một trượng sáu để đích thân đo Phật. Lạ thay, dù đo bất cứ cách nào, thân Phật vẫn cao hơn một chút. Jivaka tìm một cây thang dài rồi leo lên thang đo lại, kết quả cũng vậy. Đo đến mười mấy lần, không còn cây thang nào dài hơn mà thân Phật vẫn cao hơn. Lúc này ngài khâm phục và xin quy y làm đệ tử. Sau khi xuất gia, trải qua bảy năm khổ hạnh, ngài chứng quả A La Hán. Jivaka còn được thể hiện với hình tượng vạch áo bày ngực để hiện lộ tâm Phật, vì vậy còn được gọi là La Hán khai tâm.
Theo hình vẽ của Đại sư Quán Thể thì ngài ngồi nghiêng trên bàn đá, mũi cao, mắt sâu và sáng, luôn nhìn về phía trước, trán rất cao, tay trái cầm phất, tay phải co ngón, lòng bàn tay ngửa đặt trên gối [3: 253]. Đây là hình tượng khó xác định nhất trong các pho tượng tại chùa Thánh Duyên. Tuy vậy, theo phương pháp loại trừ thì pho tượng thứ ba bên phải đáp ứng nhiều chi tiết hơn cả những gì được miêu tả. Tay trái của bức tượng này không cầm phất mà ở trạng thái chống cằm, lòng bàn tay phải ở phía phải nhưng không ở trên gối. Ngoài những khác biệt đó ra thì các chi tiết khác đều đáp ứng được khi đối chiếu. Khuôn mặt hướng về phía trước, ánh mắt, tư thế ngồi, y áo thể hiện đúng như những gì miêu tả.
10. Pathaka (Bán Thác Ca 半託迦) còn gọi là Bán Thác Già hay Bạc Đà La. Panthaka lớn lên là một thanh niên trí thức, nhân mỗi khi theo ông ngoại đi nghe Phật thuyết pháp, bèn có ý định xuất gia. Được gia đình chấp thuận, ngài gia nhập tăng đoàn, trở thành một vị tỳ kheo tinh tấn dũng mãnh, chẳng bao lâu chứng quả A La hán. Ngài còn được biết đến với danh hiệu La Hán Thám Thủ. Hình tướng Pathaka theo học tượng của Đại sư Quán Thể có tư thế ngồi trên bàn đá, mình mặc cà sa qua vai, hai tay cầm cuốn kinh, vẻ như đang đọc, phía trước bàn đá có một đôi giày [3: 256]. Hình tượng vị La Hán thứ sáu bên phải tại chùa Thánh Duyên thể hiện giống với những gì được miêu tả. Ở pho tượng này, cuốn kinh cầm ở trên tay, đôi giày, tư thế ngồi, y áo đều khớp với những gì được miêu tả. Có thể nói đây là pho tượng dễ hình dung ra nhất trong tất cả các vị La Hán tại chùa Thánh Duyên.
11. Râhula còn được gọi là La Hầu La (羅喉羅), con trai của Phật Thích Ca, nhờ sự giáo dưỡng của Thế Tôn, ngài bỏ dần tập khí vương giả và thói xấu trêu gẹo người, nỗ lực tu tập để chứng thánh quả. Ngài luôn khiêm cung nhẫn nhục, không thích tranh cãi hơn thua, phòng của mình bị người chiếm ở, ngài lẳng lặng dời vào nhà xí ngủ qua đêm. Đi khất thực bị bọn côn đồ ném đá trúng đầu chảy máu, ngài lặng lẽ đến bờ suối rửa sạch rồi tự tay băng bó. Tín chủ cúng cho ngài một tịnh thất, ít lâu sau đòi lại đem cúng người khác, ngài cũng bình thản dọn ra khỏi phòng. Sau khi chứng quả A La Hán, ngài vẫn lặng lẽ tu tập, nên ngài còn gọi là A La Hán Trầm Tư. Đức Phật khen ngài là mật hạnh đệ nhất và chọn ngài vào trong số 16 vị La Hán lưu lại nhân gian. Râhula do Đại Sư Quán Thể vẽ có hai mắt trợn tròn, ngồi phu tọa trên đá, tay phải đưa lên, ngón trỏ và ngón giữa chỉ sang một bên, tay trái đặt trên gối trái [3: 259]. Tượng ngài ở chùa Thánh Duyên nằm thứ sáu bên trái. Tư thế ngồi phu tọa, y áo, tay phải, tay trái, nét mặt đều thể hiện gần đúng với những gì được miêu tả. Tuy nhiên, với những gì được vẽ và qua hình tướng của pho tượng không khớp cho lắm với hành trạng của một vị La Hán Trầm Tư.
12. Nâgasena (Na Già tê Na那迦墀那) hay còn gọi là Ma Ha Tê Na, Na Tiên. Nâgasena theo tiếng Phạn nghĩa là đội quân của rồng và tượng trưng sức mạnh siêu nhiên. Ngài sinh trưởng ở miền Bắc Ấn, là bậc A La Hán nổi tiếng về biện luận. Ngài chuyên tu về nhĩ căn, tranh tượng của ngài mô tả vị La Hán đang ngoái tai một cách thú vi. Mọi âm thanh vào tai đều giúp cho tánh nghe hiển lộ, rất thường trụ và rất lợi ích. Từ nhĩ căn viên thông phát triển thiệt căn viên thông, trở lại dùng âm thanh thuyết pháp đưa người vào đạo, đó là ý nghĩa hình tượng của tôn giả Nâgasena. Vì và ngài còn được nhắc đến với tên la hán Khoái Nhĩ.
Tượng la Hán Nâgasena do Đại sư Quán Thể vẽ ngồi nghiêng bên mõm đá, mặt mũi kỳ dị, mắt sâu và nhìn trừng trừng, phía sau đầu có khối u lồi ra như búi tóc miệng há, lưỡi đưa ra, hai tay nắm quyền đặt dưới cằm [3: 262]. Như miêu tả ở trên thì pho tượng La Hán thứ tư bên phải chùa Thánh Duyên là Ngài Nâgasena. Tượng có tư thế ngồi nghiêng, hai tay nắm lại với nhau ở trước ngực, miệng há mắt nhìn về phía xa vô định. Những biểu hiện của nét mặt rất giống với những gì Đại sư Quán Thể vẽ.
13. Angada (Nhân Yết Đà 因羯陀) hay còn gọi là Nhân Kiệt Đà. Theo truyền thuyết ngài là người thường bắt rắn độc cắn chết người. Khi bắt xong ngài bẻ những răng nanh độc rồi phóng thích lên núi. Hành động ấy phát xuất bởi lòng từ cao độ, nên ngài được xem như biểu trưng của từ bi. Sau khi đắc đạo, ngài thường mang một túi vải bên mình để đựng rắn, nên còn được gọi là La Hán Bố Đại (trùng với Hòa thượng Bố Đại ở Trung Hoa).
Angada được vẽ với tư thế ngồi trên bàn đá, tay trái đỡ kinh lá bối, tay phải lần tràng hạt, gậy lê tựa vào vai [3: 356]. Tượng La Hán thứ bảy bên phải có hình dáng gần giống như miêu tả. Tuy không có gậy, kinh sách và tràng hạt nhưng tư thế của bàn tay trái như đang cầm vật gì đó, tay phải cũng thể hiện như đang lần tràng hạt. Thế ngồi, y áo đúng với hình vẽ mà đại sư Quán Thể đã vẽ.
14. Vanavàsin hay còn gọi là Phạt Na Bà Tư 伐那婆斯. Theo truyền thuyết khi mẹ ngài vào rừng viếng cảnh, mưa to dữ dội và bà hạ sanh ngài trong lúc ấy. Sau khi xuất gia với Phật ngài thích tu tập trong núi rừng, thường đứng dưới các cây chuối nên còn được gọi là La Hán Ba Tiêu.
Vanavàsin được vẽ có tư thế ngồi phu tọa trong hang đá, mặc áo choàng qua vai, hai tay để trong ống tay áo, mắt nhắm nhập định [3: 268]. Pho tượng La Hán thứ hai bên phải tại chùa thể hiện đúng hình dung mà thiền sư Quán Thể đã vẽ. Tư thế phu tọa, hai bàn tay ẩn trong ống tay áo, y áo, khuôn mặt thiền định đều đúng như những gì được miêu tả. Pho tượng thể hiện được nội tâm.
15. Ajita hay còn gọi là A Thị Đa (阿氏多) thuộc dòng Bà La Môn nước Xá Vệ (vùng Sravasti, Ấn Độ). Theo truyền thuyết khi ngài mới sinh ra đã có lông mày dài rủ xuống, đều báo hiệu kiếp trước ngài là một nhà sư. Vì thế, ngài còn được gọi là La Hán Trường Mi. Sau khi theo Phật xuất gia, ngài phát triển thiền quán và chứng A La Hán.
Ajita có tư thế hai tay ôm gối phải ngồi trên đá, há miệng thè lưỡi, răng nhe ra hết để lộ nhiều chiếc đã bị rụng, lông mày dài rũ xuống hai bên [3: 271]. Ở chùa Thánh Duyên pho tượng La Hán thứ tám bên trái thể hiện đúng như Đại sư Quán Thể đã vẽ. Trong 18 pho tượng, tượng ở tư thế ôm gối chỉ có pho tượng này. Hơn nữa, dáng ngồi, y áo, thế nắm của bàn tay đều giống những gì Đại sư Quán Thể vẽ. Tuy vậy, nét mặt của pho tượng có vẻ rất an nhàn, tĩnh tại chứ không biểu lộ sự khắc khổ, miệng không mở hết để thấy được hàm răng và lông mày không dài.
16. Cullapatka (Chú Trà Bán Thác Ca 注茶半託迦) hay còn được gọi là Châu Lợi Bàn Đặc (周利槃特), Chú Đồ Bán Thác Già. Truyền thuyết Phật giáo nhắc đến ngài như một tấm gương cần cù nhẫn nại. Vì không thông minh nên khi xuất gia ngài không tiếp thu được Phật pháp, kể cả xếp chân ngồi thiền cũng không xong. Về sư được sự chỉ dạy tận tâm của Thế Tôn, ngài thực hành pháp môn quét rác với cây chổi trên tay. Nhờ sự kiên trì, dốc tâm thực hành lời Phật dạy của Phật, quét sạch mọi cấu uế bên trong lẫn bên ngoài, ngài đã chứng thánh quả. Ngài còn được biết đến với tên gọi La Hán Kháng Môn.
Cullapatka được vẽ với tư thế ngồi nghiêng trong hốc cây cổ thụ, tay trái đưa lên, ngón tay hơi co, tay phải cầm quạt đặt trên chân phải, xương vai nhô ra, trán rất cao [3:275]. Tượng La Hán thứ nhất bên phải ở chùa Thánh Duyên thể hiện rõ mô tả đó. Tay tái đưa lên ngang ngực, ngón út và áp út hơi co. Tay phải tuy không có quạt nhưng tư thế của bàn tay cho thấy như đang cầm một vật gì đó, có lẽ vật ở tay này đã mất (?). Y áo, nét mặt thể hiện đúng với những gì được miêu tả ở sách xưa. Tuy nhiên, dáng ngồi lại thẳng chứ không phải ngồi nghiêng.
Như vậy, còn hai pho tượng La Hán thứ nhất và thứ hai bên trái tác giả không dám xác định lai lịch. Vì nếu căn cứ vào tài liệu vừa xác định 16 vị La Hán nêu trên thì không đúng do tài liệu nêu hai vị La Hán còn lại là A Nan và Ma Ha Ca Diếp, hai đại đệ tử của Phật Thích Ca. Bên cạnh đó như chúng tôi đã trình bày ở phần đầu, hai vị La Hán còn lại trong số 18 vị là những vị được bổ sung sau này, có nhiều giai thoại, nhiều thuyết và hình tướng cũng không cụ thể. Tuy nhiên về hình dáng, hai pho tượng này có tư thế khá giống nhau. Y áo khoác qua vai, tay phải ẩn trong ống tay áo để ở trước ngực, khuôn mặt hiền hòa, tĩnh tại. Nhưng nếu vị thứ nhất có tư thế ngồi nghiêng, chân phải xếp bằng trên bàn đá, chân trái để trống và bàn tay trái mặt úp trên gối chân trái thì vị thứ hai có tư thế ngồi trên ghế, bàn tay trái không để ở trên gối mà được nâng lên, các ngón tay co lại, khóe miệng có góc cạnh hơn.
Theo như hệ tượng 18 vị La Hán mà đa số các chùa, tự viện đang thiết trí hiện nay thì danh vị A La Hán Hàng Long và La Hán Phục Hổ được sử dụng nhiều hơn cả. Với hành trạng chúng tôi sắp trình bày dưới đây không phải là gợi ý để nhắc về hai pho tượng ở chùa Thánh Duyên. Có lẽ hai pho tượng này xin được tìm hiểu cụ thể ở một bài viết khác.
17. Lahans Hàng Long được biết đến với tên Nandimitra (Nan Đề Mật Đa La 難提密多羅), Trung Hoa dịch là Khánh Hữu, ra đời sau khi Phật nhập diệt độ 800 năm, cư trú tại nước Sư Tử.
Ngài là vị Đại La Hán thần thông quảng đại, đạo hạnh trang nghiêm. Tương truyền có một lần cả đảo Sư Tử bị Long Vương dâng nước nhận chìm, tôn giả ra tây hàng phục Long Vương và được tặng hiệu La Hán Hàng Long. Khi ngài sắp thị tịch, mọi người buồn thương lo sợ vì thế gian sẽ không còn bậc La Hán. Ngài cho biết có 16 vị La hán vâng lệnh Phật lưu trụ cõi Ta Bà để bảo hộ Phật pháp. Lời dạy của ngài được ghi chép lại thành bộ Pháp trụ ký. Nói Pháp trụ ký xong, tôn giả Khánh Hữu bay lên không trung hóa hiện vô số thần biến, rồi dùng chân hỏa tam muội thiêu thân. Có lẽ do mọi người tưởng nhớ công ơn ngài nói ra Pháp trụ ký nên đã xếp ngài làm vị La Hán thứ 17.
18. La Hán Phục Hổ còn được biết đến với tên Dharmatrâta đến chùa, rất thích chiêm ngưỡng hình tượng 16 vị La Hán thờ trong điện. Sư phụ cũng hay kể cho cậu bé ngay những chuyện thần kỳ của các vị La Hán, dần dần trong tâm hồn trẻ thơ in đậm hình ảnh các ngài, thậm chí khi ngủ cũng mơ thấy.
Một hôm trong khi đang chiêm lễ, Dharmarâta bỗng thấy các hình tượng La Hán cử động, vị thì quơ tay, vị thì chớp mắt như người thật. Ngỡ mình hoa mắt Dharmatrâta định thần nhìn kỹ lại, lần này thấy rõ hơn, một số vị còn cười tươi tắn. Từ đó Dharmatrâta càng thêm siêng năng lễ bái, và ngày nào cũng được chứng kiến các kỳ tích cảm ứng. Dharmatrâta theo hỏi một vị La Hán cách tu tập để được chứng quả. Ngài chỉ dạy cậu nên siêng năng tọa thiền, xem kinh, làm các việc thiện. Dharmatrâta phát tâm tu hành, thực hiện lời dạy của bậc A La Hán nên chẳng bao lâu chứng quả.
Thành một A La Hán thần thông tự tại, ngài thường du hóa trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả ba lần thu phục một con hổ, vì thế ngài còn được gọi là A La Hán Phục Hổ.
La Hán Hàng Long và La hán Phục hổ là hai vị được đưa thêm vào danh sách 16 vị La Hán, để trở thành một truyền thuyết vĩnh viễn được tôn thờ.
Dù không góc cạnh trong các tư thế, thủ ấn, không thể hiện tâm trạng đau khổ, quằn quại, không sinh động với các con vật đi kèm như nhiều hệ tượng 18 vị la hán tại chùa Thánh Duyên vẫn mang lại cho ta nhiều điều thú vị. Đó là cảm giác bình an và tĩnh tại khi chiêm bái các pho tượng La Hán. Ánh mắt và khuôn mặt hiền hòa như nở nụ cười với người đứng đối diện khác xa sự sợ hãi mà đa số các pho tượng La Hán thể hiện. Bên cạnh đó, những pho tượng bằng chất liệu đồng luôn sáng lên dù chúng nằm trong không gian tối, như ánh nhìn từ tâm của đạo Phật. Các pho tượng tuy nhỏ những cũng đã thể hiện được sự tài hoa và kỹ nghệ đúc đồng của một thời, thời nhà Nguyễn.
Tài liệu tham khảo
1. Chân Nguyên – Nguyễn Tường Bách (1999). Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế. (Nguồn: http://www.daouyen.com).
2. Lệ Như Thích Trung Hậu (sưu tập và biên khảo) (2008). Sự tích A La Hán, Nxb văn hóa Sài Gòn, Tp. HCM.
3. Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết, Nxb TP HCM.
4. Gới Hương (Phỏng dịch) (1994). Văn bia chùa Huế (Tài liệu lưu hành nội bộ).
5. Hà Xuân Liêm (2007). Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, Nxb Văn hóa – Thông tin.
6. Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật và kiến trúc chùa, Nxb Mỹ thuật.
7. Lý Lược Tam – Huỳnh Ngọc Trảng (1997). Tượng Phật Trung Quốc , Nxb Mỹ thuật.
8. Phan Ngọc Thiện (2009). “Quốc tự thánh Duyên”, http://www.lieuquanhue.com.vn
9. Võ Văn Tường (2007). 108 danh lam cổ tự Việt Nam, Nxb Thuận Hóa..
Tóm tắt
Không chỉ có phong cảnh đẹp, chùa Thánh Duyên còn là ngôi cổ tự còn lưu giữ nhiều pháp khí có giá trị, đặc biệt là bộ tượng 18 vị La Hán bằng đồng. Đây có thể xem là bộ sưu tập 18 vị La Hán bằng đồng tiêu biểu của thế kỷ 19 ở Thừa Thiên Huế. Giới thiệu kỹ về các pho tượng này là công việc chưa từng được để ý, có lẽ vì chúng được tạo tác với các khuôn mặt khá giống nhau, rất ít các vật tùy thân và không có các con vật quen thuộc của một số vị La Hán đi kèm. Căn cứ vào những ghi chép trong sách Pháp trụ ký về hành trạng của các vị La Hán và nhất là các bức họa do Đại sư Quán Thể vẽ từ thời Ngũ đại, tác giả bài viết bước đầu xác định được danh tính của 16 vị trong bộ tượng La Hán đang được thờ tại chùa Thánh Duyên.
Cập nhật ( 02/06/2011 )