BÍ SẤM TRUYỀN KỲ ĐỜI LÝ
* Trần Ninh Hồ
Song song với chính sử, ở bất cứ triều đại nào cũng có những chuyện dã sử, huyền sử, truyền kỳ, bí sấm… trong dân gian. Tương truyền giữa những ngày đen tối cuối triều Đinh, quốc sư Vạn Hạnh một quân sư trung tín đương triều thường bị những gian thần đe dọa mưu sát. Để trực tiếp cảnh báo cho những kẻ chủ mưu ấy, Vạn Hạnh có gởi cho Đỗ Ngân một bài thơ mà nhà sư mộng thấy rồi chép lại:
“Thổ mọc tương sinh ngân bạn kim
Vi hà mưu ngã uẩn linh khâm
Đương thời ngũ khẩu thu tâm tuyệt
Chân chí vị lai bất hận tâm”
Phỏng dịch:
“Đất, cây tươi tốt, bạc phản vàng
Áo quý xin đừng che mưu gian
Đương thời bao nỗi buồn vô hạn
Biết hướng mai ngay thanh thản tâm”
Ngoài việc quốc sư Vạn Hạnh dùng cách chiết tự của chữ Hán chỉ rõ tên kẻ gian, ông còn ngụ một ý lớn gửi tới những bậc thức giả, nghĩa khí và dân chúng đương thời một niềm tin vào ngày mai tốt đẹp khi con người có can đảm vượt qua đen tối, bạo tàn: “Đương thời ngủ khẩu thu tâm tuyệt/Chân chí vị lai bất tận tâm”.
Mùa đông, tháng 10, Kỷ Dậu (1009) bạo chúa Lê Long Đĩnh bị bạo bệnh chết khi mới 24 tuổi, thì trước đó không lâu có cây gạo đầu làng Cổ Pháp (nay thuộc Tiên Sơn, Bắc Ninh, quê hương Lý Công Uẩn) tương truyền bị sét đánh chẻ ra. Trên vân gỗ, dân chúng đọc được một bài thơ theo dấu sét đánh thể hiện lòng trời (thiên đinh) đại ý: “Vua thì non yếu, bè tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương đông mọc ra thì thứ nhân ở phương tây lặn mất, trải qua sáu, bảy năm thì thiên hạ thái bình”. Vạn Hạnh mới bảo Lý Công Uẩn (khi đó làm thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ nắm giữ binh quyền, 35 tuổi): “…Người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân Vệ là người khoan thứ nhân từ, được lòng dân… Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để đem đức hóa của on như thế nào, thực là cái may nghìn năm có một cho thiên hạ…” . Một trọng thần tài trí thời ấy là Đào Cam Mộc cũng nói: “Trăm họ đã kiệt quệ, mỏi mệt, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược (Lê Long Đĩnh), Thân vệ nên lấy nhân đức mà vỗ về… chuyển họa thành phúc…” (Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lê).
Thời ấu thơ côi cút của Lý Công Uẩn cũng được truyền thuyết dân gian dệt nên những chuyện kể thật đẹp qua giấc mộng của thiền sư Lý Khánh Văn trụ trì chùa Vân Tiêu (Bắc Ninh) gần làng Lý Công Uẩn. Thiền sư mơ thấy có sứ thần báo tin: “Thánh thượng sẽ đến vãn cảnh chùa”. Ấy là việc một buổi sớm thiền sư và các tiểu thấy một vầng sáng tỏa ra nơi cổng chùa, nơi chú bé Lý Công Uẩn đang ngủ rất ngon giấc trong nôi ai đã đem đến gởi nhà chùa. Và sau đó, qua nhiều lần đến chơi thăm Lý Khánh Văn, thiền sư Vạn Hạnh cũng tỏ lời khăn chú tiểu Lý Công Uẩn” Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”. Vạn Hạnh cho theo học. Rồi tới khi hoàng đế Lê Đại Hành vời vào giúp việc nước. Vạn Hạnh đã đưa Lý Công Uẩn cùng tới Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình). Chàng trai Kinh Bắc “dung mạo khôi ngô, tuấn tú”, “Văn võ song toàn” đã lọt vào cái nhìn mẫn tuệ của Lê Đại Hành để trở thành quan Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ vào tuổi 30!…
Cố nhiên những truyền thuyết, sấm ký này, nếu tìm hiểu bằng khoa học đơn thuần ta không khỏi hồ nghi. Nhưng lại là ước vọng, là tình dân trước những con người xuất chúng, tài đức vẹn toàn, thì lại khiến ta xúc động. Con người ấy được dân yêu đến nổi nảy sinh cả những chuyện truyền kỳ mà thoạt nghe ta có cảm tưởng là một sự… phạm thượng không thể tha thứ. Ấy là việc chuyện đế vương mà lại được báo ứng qua một con… chó con “Châu cổ pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đám lông đen thành hình hai chữ thiên tử! Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử. Đến nay Vua ( Lý Công Uẩn) sinh năm giáp Tuất (974) lên làm thiên tử, quả là ứng nghiệm” (ĐVSK toàn thư, Kỷ nhà Lý). Đền Cẩu Nhi ra đời ngay giữa kinh đô Thăng Long! Với dân gian, biểu tượng của sự kính yêu không phải khi nào cũng chỉ là tứ Linh, Lân, Qui, Phụng. Và cũng kỳ lạ thay, vị hoàng đế trẻ xuất thân bình dân này, đã chấp nhận thấm tình ấy bằng cách để dân lập cả đền thờ.. chú chó con (cẩu nhi)!
Ta không lấy gì làm lạ, cùng với những việc kỳ vĩ như lập ra một vương triều cường thịnh trên cả “võ công, văn trị”, thảo “Chiếu dời đô” cho Thăng Long… Lý Công Uẩn cũng là một nhà thơ rất mộng mơ, cao nhã, nhiều khát vọng khi ông viết:
Yếu thành khắc thành
Chư phương giai thuận phục
Tứ quốc hưởng thanh bình
Ngũ chung lạc sự
Thất miếu tự thùy linh
Thử thời quan bỉ lý
Thiên tế vọng hạc trình”
Phỏng dịch:
“Muốn thành tự khắc thành
Muôn phương về thần phục
Bốn cõi hưởng thái bình
Năm năm việc vui đến
Bảy miếu rủ móc mưa
Người nay ngẫm việc người xưa
Chân trời lại thấy hạc vừa bay lên”
Và cũng thật vui, thơ ấy đúng là vua làm, có thể đã đọc cho quần thần, bầu bạn nghe. Vậy mà trong dân gian lại “tương truyền là được thần tặng” khi ngài lên ngôi.
Tình dân yêu là thế.
Cập nhật ( 16/08/2009 )