NHỮNG VIỆC ĐÃ LÀM ĐƯỢC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LÀM TRONG THỜI GIAN TỚI
* Hòa thượng Đào Như
Đoàn Đại biểu Phật giáo Nam tông Khmer Thành phố Cần Thơ
Chúng tôi hết sức vui mừng, phấn khởi, được Ban Tôn giáo Chính phủ và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại Sóc Trăng vào cuối năm 2004, tại Cần Thơ vào tháng 6 năm 2006 và năm 2008 tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu.
Chúng tôi nhận thấy từ khi có Hội nghị chuyên đề đi sâu vào lĩnh vực hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer, phải nói rằng những vấn đề được quý Hòa thượng, Thượng tọa, quý Đại biểu tham dự Hội nghị tại tỉnh Sóc Trăng lần thứ nhất và Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ lần thứ hai đặt ra đến nay đều được thực hiện khá tốt. Sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, sự nỗ lực của quý vị đặc trách Phật giáo Nam tông Khmer trong các Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo. Đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của quý Hòa thượng, Thượng tọa trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, cụ thể như tạo điều kiện cho các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức là thành viên trong Hội đồng Trị sự luôn gặp nhau tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội, hoặc tại chùa Cantaransi – Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tôn giáo Chính phủ, Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ để trao đổi dân chủ, tìm những giải pháp thích hợp để hoạt động trong giới Sư sãi mang tính đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Do điều kiện thuận lợi nêu trên, tại Hội nghị này, chúng toi xin nêu lên những việc đã làm được và chưa làm được cũng như những vấn đề trong thời gian tới như sau:
Dân tộc Khmer từ xưa đến nay 90% theo Đạo Phật, tu học theo hệ phái Phật giáo Nam tông. Do đó, một số thanh niên là con em của đồng bào dân tộc Khmer được cho vào chùa làm chú tiểu, để học chữ Khmer, học bài kinh tiếng kệ, tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình; một số em đủ duyên lành thì xin phép cha mẹ, ông bà, để được xuất gia và tu học nơi bổn tự gần nhất tại địa phương, trở thành vị Sa di, Tỳ khưu trong Phật giáo. Việc xuất gia tu tập này, mục đích chính là muốn được học, nghiên cứu giáo lý, giáo luật của Phật giáo, đồng thời cũng còn dành thời gian học thêm chương trình phổ thông, học thêm tiếng nước ngoài, vi tính hoặc chọn nghề mà giáo luật Phật giáo cho phép như: nghề mộc, nghề hồ, nghề chạm trổ, điêu khắc v.v… Một số vị do hoàn cảnh, đã xin phép thầy Bổn sư hoàn tục trở về đời thường, nhưng họ vẫn còn mang đậm dấu ấn của giáo lý Phật giáo, nề nếp, tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt đẹp. Những nghề mà họ từng tập luyện được, sau đó trở thành nghề nghiệp áp dụng vào cuộc sống đời thường, một số người trở thành cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước. Cụ thể là cán bộ làm công tác Tôn giáo, Dân tộc các cấp v.v…
Do tính đặc thù ấy, hầu hết các chùa Khmer khi quy hoạch, xây dựng trùng tu ngôi Chánh điện, Trai đường đều phải có trường giáo lý để giảng dạy giáo luật, giáo lý cho chư Tăng, dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc xung quanh chùa. Ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer thường xây dựng ở nông thôn, nơi tập trung đông đồng bào Dân tộc Khmer để dễ bề trong việc sinh hoạt. Đồng bào dân tộc Khmer và Sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer luôn có sự đoàn kết gắn bó, hỗ trợ qua lại, nếu như Phật tử cúng dường chư Tăng tứ vật dụng, trong đó có những vật thực hàng ngày, thì quý Sư có trách nhiệm truyền đạt những giáo lý, giáo luật, có lồng ghép vào Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông qua các buổi thuyết pháp, để hướng dẫn Phật tử của mình thực hiện giáo luật đúng, chánh pháp và có hiệu quả.
Chúng tôi nhận thấy, từ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ V tại Thủ đô Hà Nội năm 2002, đã cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành Trung ương, của Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ và của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cụ thể là nâng số lượng quý chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer từ lúc chưa được 10 vị, tăng lên 22 vị và 42 vị trong nhiệm kỳ VI (2007 – 2012), trong đó có 02 vị Hòa thượng Phó Pháp chủ và 01 vị Hòa thượng Phó Pháp chủ kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 01 vị Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, 01 vị Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự đặc trách Phật giáo Nam tông Khmer và những vị Ủy viên Hội đồng Trị sự còn lại đều được phân bổ giữ chức vụ trong các Ban ngành, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong Nghị quyết của Đại hội có nêu là “Giúp đỡ và tạo điều kiện cho chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động có hiệu quả”, do đó, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có rất nhiều cuộc họp với các cấp, các ngành, để tìm kiếm nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ cho hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer. Cụ thể nhất là Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại tỉnh Sóc Trăng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2004, tại Tp. Cần Thơ vào tháng 6 năm 2006 đã đúc kết lại 07 vấn đề lớn như quý Đại biểu đã rõ và có bản ghi nhớ các cuộc họp tại chùa Candarasi.
Trải qua 04 năm, đến hôm nay được sự trợ giúp của Ban Tôn giáo Chính phủ, sự ủng hộ tạo điều kiện của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã đạt được những kết quả như sau:
1. Trợ giúp về pháp lý và công trợ kinh phí cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ khắc được con dấu tròn, thống nhất về mẫu mã, mẫu con dấu được khắc cả hai thứ tiếng Việt – Khmer.
2. Tạo điều kiện cho sự duy trì và phát triển những lớp Pali, giáo lý Vini, lớp dạy chữ Khmer từ cơ sở, sơ cấp, tiến tới một số lớp trung cấp Phật học, như năm 2005, Ban Tôn giáo Chính phủ và Giáo hội đã công trợ cho 50 lớp Pali, giáo lý mỗi nơi là 5 triệu đồng; mở cuộc họp nội bộ chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer, có sự chủ trì của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự – Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam để trao đổi dân chủ về chương trình, nội dung dạy và học cho chư Tăng. Quý Ngài Phật giáo Nam tông Khmer tập trung bàn bạc, làm thế nào để đi đến thống nhất về chương trình, nội dung. Đã thành lập và ra mắt Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ vào tháng 12/2006; khai giảng Khóa I năm học thứ nhất vào ngày 11/7/2007; hiện nay đang giảng dạy chương trình học năm thứ hai, khóa I có 68 vị Sư của 09 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long theo học, lớp học được đặt tạm tại chùa Pôthisomrôn, quận Ô Môn.
3. Được sự cho phép của Nhà Xuất bản Tôn giáo và công trợ kinh phí của Ban Tôn giáo Chính phủ, sự giúp đỡ tạo điều kiện của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự nhiệt tình của xí nghiệp in Tổng hợp Cần Thơ, Giáo hội đã in được đợt 1 – 06 đầu sách, gồm 25.000quyển; đợt 2 – 11 đầu sách gồm: Kinh Pháp Cú từ quyển 1 đến quyển 8, Lịch sử Đức Phật, Luật Tỳ kheo, Sa di. Tổng cộng 55.000 quyển. Tất cả các số sách đã in đều được Trung ương Giáo hội trao tặng cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
4. Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội đã in xong thẻ Chứng nhận Tu sĩ là Tỳ Khưu, Sa di. Đến nay các tỉnh đã làm hồ sở gửi lên Văn phòng Trung ương Giáo hội để tiếp tục cấp thẻ.
5. Giáo hội luôn quan tâm đến quý Hòa thượng đã có nhiều công lao, thành tích trong hai cuộc kháng chiến. Cụ thể như: Tổ chức trang nghiêm và trọng thể Lễ tang cố Hòa thượng Thạch Xom ở Trà Vinh – nguyên là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Cố Hòa thượng Thạch Chương ở Tp. Cần Thơ – nguyên là Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, cũng như sự quan tâm đến những ngôi chùa đã có công với cách mạng, bị chiến tranh tàn phá, đều có ý kiến nhờ chính quyền các cấp xem xét, giúp đỡ trong việc công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành như chùa Pôthisomrôn tại quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ.
6. Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đoàn đại biểu cao cấp Phật giáo Việt Nam đi thăm và làm việc chính thức tại Vương quốc Campuchia và Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hòa thượng Dương Nhơn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương là vị giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao đổi với Phật giáo nước bạn những nội dung bằng tinh thần đoàn kết, hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau. Sau đó, Hòa thượng Trưởng đoàn đã mời đoàn Phật giáo nước bạn đến thăm Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 2006.
7. Việc hợp thức hóa, bổ nhiệm Trụ trì đối với quý Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer, việc công nhận Ban Quản trị chùa các Tỉnh, Thành đều được thực hiện nhanh chóng và được thực hiện theo Nội quy hoạt động của Ban Trụ trì và Ban Quản trị chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
8. Việc thực hiện các Lễ hội theo phong tục tập quán của giới chư Tăng và đồng bào Dân tộc Khmer đều được thực hiện tốt đúng theo mục đích, ý nghĩa của cuộc Lễ. Thực hiện theo Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, đăng ký các ngày lễ trong năm đối với địa phương, phường, xã, không có mê tín dị đoan và luôn tiết kiệm. Đặc biệt, hòa chung không khí cả nước, những người theo Phật giáo và thực hiện Thông bạch của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550 là Phật lịch năm chẳn, được UNESSCO công nhận và Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc PL. 2552 – DL. 2008 tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tại địa phương; Tổ chức Hội thảo, tọa đàm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2006), tại những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện cũng khá tốt… dấy lên tinh thần đoàn kết trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tóm lại, các Lễ hội theo phong tục, tập quán của Dân tộc cũng như của Phật giáo, chúng tôi đều được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp Chính quyền và Giáo hội, đồng thời được các đoàn đại biểu địa phương đến thăm, chúc mừng, tặng quà, cũng như chia sẻ niềm vui với nhà chùa, luôn giữ được trật tự trị an.
Trên đây là những việc thực hiện bước đầu, do vậy nhân Hội nghị kỳ này, nhằm giúp đỡ cho hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer có hiệu quả, khả quan hơn, chúng tôi kiến nghị như sau:
1. Chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer vừa là người Phật giáo, cũng vừa là Dân tộc Khmer (đây là nét đặc thù), mong Quý Ngài làm công tác Tôn giáo – Dân tộc luôn có sự thống nhất, có kế hoạch cụ thể, giúp cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer phát triển được kinh tế nhà chùa, giáo dục, đào tạo Tăng tài, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, đảm bảo lâu dài là hạt nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; khảo sát và giúp đỡ những chùa có công trong kháng chiến, bằng những công việc thiết thực như công trình trùng tu lại nơi thờ tự, có văn bản hướng dẫn cụ thể để công nhận là di tích cấp Quốc gia, hay cấp Tỉnh, Thành. Đối với những vị Hòa thượng có công trước đây đều là những vị đã già yếu, cần được sự trợ giúp về vật chất và tinh thần.
2. Việc mở lớp Pali, Vini ở các tỉnh, thành có nhiều tiến bộ đáng hoan hỷ, nhưng thật sự chưa có tính thống nhất về chương trình giảng dạy, giáo viên giảng dạy, một số lớp còn thiếu việc bồi dưỡng giáo viên. Về sách để giảng dạy, sách dạy về các môn Pali tương đối tạm ổn, sách dạy các lớp Vini hiện nay còn thiếu rất nhiều, do vậy đề nghị in thêm 13 đầu sách mới cho việc giảng dạy môn Vini. Việc dạy và học của quý Sư sãi tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer – Tp. Cần Thơ được đi vào hoạt động ổn định, đây là đầu mối tạo nguồn nhân lực kế thừa trong việc mở và dạy các lớp giáo lý Phật học cho Phật giáo Nam tông Khmer tại các Tỉnh, Thành.
3. Đề nghị Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo có chùa Phật giáo Nam tông Khmer, tiếp tục quan tâm đến việc duyệt cấp giấy Chứng nhận Tu sĩ (theo Hội nghị ở Sóc Trăng đã thống nhất), xem xét hợp thức hóa, bổ nhiệm Trụ trì đối với chùa Phật giáo Nam tông Khmer, công nhận Ban Quản trị chùa để giúp cho vị Trụ trì chùa.
Đây là những thành quả và những kiến nghị của Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ, chúng tôi tin tưởng rằng sau Hội nghị này Phật giáo Nam tông Khmer sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các công tác Phật sự và đạt được kết quả mỹ mãn, đồng thời tiếp thu những gì còn khiếm khuyết để phát triển công tác Phật sự mạnh mẽ hơn, để xứng đáng là những viên gạch đoàn kết trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Cần Thơ nói riêng.
Kính chúc Chư Tôn đức Giáo phẩm vô lượng an lạc, vô lượng kiết tường.
Kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cập nhật ( 15/10/2008 )