ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO Nguyên tác ‘The Buddhist Approach to Education’ của Đoàn Viết Hoạt – Trần Chung Ngọc dịch Tình cờ tôi thấy trong thư viện đại học Wisconsin-Madison bài "The Buddhist Approach to Education", đăng trong tờ Vạn Hạnh cách đây hơn hai mươi năm của Giáo Sư Đoàn Viét Hoạt. Nhận thấy đây là một bài viết đặc sắc nói lên trung thực phần nào thực chất Phật Giáo và quan niệm giáo dục của Phật Giáo cho nên tôi dịch ra tiếng Việt để cống hién quý độc giả; và cũng để ghi nhận sự đóng góp cho Phật Giáo của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt trong vấn đề giải hoặc một số ngộ nhận về Phật Giáo mà vì lẽ nào đó đã kéo dài trong tâm cảnh ngay cả những lãnh tụ "tôn giáo bạn" cho tới tận ngày nay. Một điểm đặc biệt tôi nhận ra khi đọc bài này là nội dung của bài khá mâu thuẩn đối với một số bài thơ trong cuốn "Tâm tình của Đoàn Viết Hoạt" do Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1995: những bài "Bánh Thánh", "Giáng Sinh 1997", và "Chúa Sẽ Đến Với Ai" trong đó có vẻ như tác giả đề cao vai trò "cứu rỗi" của Chúa Giê-su. Trái lại, trong bài "Đường Hướng Giáo Dục Phật Giáo" này, Đoàn Viết Hoạt đã dứt khoát không chấp nhận quyền lực của Thượng Đế hay một Thần Quyền nào đối với con người. Thực ra thì sau khi đọc và phân tích bài "Phúc Trình" của Đoàn Viết Hoạt về vấn đề nhân quyền và chứng minh rằng bản "Phúc Trình" đó không thể nào là của Đoàn Viết Hoạt (đã dăng trên Thế Kỷ 21 và đưa lên Vietnet), trong những bài thoo trong cuốn "Tâm tình.." tôi thực sự không biết bài nào của Đoàn Viết Hoạt và bài nào không phải của Đoàn Viết Hoạt. Những phần để trong dấu ngoặc đơn là của người dịch, hoặc để bày tỏ vài ý kiến riêng, hoặc để làm rõ nghĩa hơn một vấn đề trong bài. TCN Trước khi chúng ta thảo luận về đường hướng giáo dục Phật giáo, tôi nghĩ chúng ta cần bác bỏ hai điều mà người ta thường hay trách cứ Phật Giáo. Điều trách cứ thứ nhất là: Phật giáo có một quan điểm bi quan về đời sống. Điều này không đúng ngay với cả một sự hiểu biết ít ỏi về căn bản Phật Giáo. Làm sao người ta có thể trách cứ Phật giáo là có một quan điểm bi quan khi mà tất cả những điều Đức Phật làm là can đảm nhìn vào bản chất không sự thực của hiện hữu và đề nghị một lối thoát ra ngoài cái ảo tưởng này, giải thoát ra khỏi Tham, Sân, Si? Làm sao chúng ta có thể cho ràng Phật giáo có một quan điểm bi quan khi Đức Phật đã bác bỏ sự thống trị của những lực ngoài thế gian trên số phận con người, và đã dạy chúng ta phải tự do tìm hiểu và độc lập đối với mọi tín điều, đặt căn bản giáo lý của Người trên một niềm tin sâu xa và mãnh liệt vào khả năng của con người? (hãy tự mình tinh tiến tới giải thoát)? Thật vậy, con người có quyền suy tư về giáo lý nào ít bi quan hơn, giáo lý dạy con người có thể chấm sự khổ bằng chính những nỗ lực của mình, hay là giáo lý dạy ràng sự giải thoát của con người tùy thuộc vào một vị Thần, rằng chỉ có một số nhỏ được Thần "chọn", đa số còn lại bị đày vĩnh viễn nơi hỏa ngục? Điểm trách cứ thứ hai là: Phật Giáo là một giáo lý ích kỷ, làm tê liệt năng lực con người. Chỉ cần vài câu cũng đủ bác bỏ điều trách cứ này. Chính Đức Phật, sau khi Giác Ngộ, đã thuyết giảng giáo lý của Người cho mọi người trong suốt 45 năm. Một trong những giáo lý căn bản của Phật Giáo là từ bỏ sự hiện hữu của một cái Ta hay Ngã (thuyết Vô Ngã): mọi vật đều không có tự tính. Niết bàn, cứu cánh tột đỉnh của Phật Giáo, là trạng thái vô ngã, vô chấp, không thể đạt tới bằng sự ích kỷ. Còn như làm tê liệt năng lực, Đức Phật đã dạy những điều nên làm và không nên làm: làm những việc thiện, tốt, và không làm những việc xấu. Người nói: "Có một đức tính ảnh hưởng đến hạnh phúc lớn lao của con người. Đó là nhiệt tâm làm những việc tốt lành một cách không mệt mỏi". Nếu người ta có thể trách cứ Phật Giáo là làm tê liệt năng lực thúc đẩy con người tạo nghiệp xấu. Tôi không thấy ở nơi nào khác một sự đòi hỏi một năng lực trường kỳ và nỗ lực như trong sự thực hành Bát Chánh Đạo. Sự giải hoặc dài dòng ở trên là điều cần thiết vì nếu Phật Giáo thật sự bi quan, ích kỷ và làm tê liệt năng lực thì đâu cần phải nói đến đường hướng giáo dục Phật Giáo làm chi, vì giáo dục là một qúa trình tích cực xã hội. Vậy thì mục đích của giáo dục, theo quan điểm của những nhà giáo dục Phật Giáo là gì ? Mục đích này phù hợp với chính mục đích của Phật Giáo. "Mục đích là dẫn học trò đến tự giác, tự mình làn chủ chính mình". Đối với những nhà giáo dục Phật Giáo, giáo dục không có mục đích xã hội hoá đứa trẻ điều chỉnh đứa trẻ một sự hiều biết dần dần về bản chất thực của sự hiện hữu, bản chất thực sự của con người và của chính mình, qua sự phân tích và thực hành. Mục đích chung cùng của giáo dục là hướng nội chứ không hướng ngoại, giáo dục tâm lý chứ không giáo dục xã hội. "Hãy nhìn vào chính mình; ngươi chính là Phật". Mục đích là giải phóng con người khỏi bị lôi cuốn bởi tham, sân, si để cho con người có thể thấy được thực tại và chân lý nó là như vậy. Con người có thể trở thành một người Giác Ngộ.(*) Để đạt mục đích tối hậu này, có hai mục đích phụ cần đạt tới. Đó là sự phát triển suy lý phê bình và sự tin cậy vào chính mình. Đức Phật cực lực phản đối một niềm tin mù quáng. Người nói với các đệ tử: "Thật là chính đáng và tự nhiên khi những nghi kiến khởi dậy nơi các Thầy. Các Thầy phải từ bỏ niềm tin mù quáng. Đừng có xét đoán dựa theo tin đồn, theo truyền thống, theo những lời đoan chắc vô căn cứ, theo thẩm quyền của những cái gọi là Thánh thư; đừng có xét đoán theo bề ngoài, hoặc tin vào bất cứ gì mà một bậc tu hành hay một sư phụ đã nói như vậy". Cho nên người Phật tử không tin vào bất cứ điều gì cho tới khi tự mình nhận thức được rằng điều đo là đúng. Trên con đường tiến tới Giác Ngộ, người Phật tử tin cậy ở chính mình. Một bậc thầy chỉ là người hướng dẫn, một người đã ngộ đạo nhưng không thể đi thay đệ tử trên con đường này. Những lời cuối cùng của Đức Phật nói với đệ tử là: "Các Thầy hãy tự mình tinh tiến tới giải thoát". Trong một trường hợp khác, Người nói: "Các Thầy phải tự mình cố gắng lên, Chư Phật chỉ chỉ đường". Do đó, giáo dục phải được quan niệm như là một phương tiện để phát triển lòng tự tin, sự tin cậy vào chính mình, vào óc suy lý, những điều cần thiết trong nỗ lực tiến tới Giải Thoát. Để phù hợp với những mục đích này, phương pháp giáo dục phải dạy cả hai phần suy tư và từ bi, trí thức và luân lý. Để gợi ra sự suy tư trong con người của học viên, nhà giáo dục Phật Giáo nên tiến hành từ chỗ biết đến chỗ chưa biết vì chỉ có từ chỗ biết học viên mới có thể phát triển dần dần khả năng suy lý, sự tin cậy vào chính mình và lòng tự tin. Người ta không thể đạt được một kiến thức chân thật bằng cách cầu nguyện vào nơi mình chưa biết rõ hoặc bằng những giả định hay suy đoán có tính cách giáo điều. Chỉ bằng cách tìm hiểu và phân tích những sự kiện cụ thể, khảo sát đời sống hiện tượng một cách khách quan, tìm về nguyên nhân của chúng, người ta mới biết được chân lý. Đây là "phương pháp giải quyết vấn đề". Những trẻ em "phải được dạy suy nghĩ như thế nào hơn là suy nghĩ cái gì". Tự do tư tưởng thật cần thiết trong nền giáo dục hiện đại. Những suy tư và phân tích luận lý không đủ. Cần phải kèm theo lòng từ bi. Không có lòng từ bi, sự dạy dỗ cũng như học hỏi đều vô ích vì người ta chỉ có thể thấy được nguyên nhân của những sai lầm, ảo tưởng và hành nghiệp xấu khi người ta nhìn sâu vào tâm của chính mình và của những người khác. Nếu người ta muốn thoát khỏi ảo tưởng thì ham muốn chính là cái người ta phải dứt bỏ. Sự ham muốn có thể hiểu được qua suy tư và phân tích nhưng chỉ có thể đoạn diệt bởi tính hoàn toàn vô vị kỷ, hoàn toàn vô chấp, hoàn toàn từ bi đối với mọi người cùng đang khổ. "Chân lý đạt được không chỉ bằng luận lý, mà bởi sự tan biến của ham muốn qua sự hiểu biết ". Phật Giáo nhấn mạnh đến vấn đề thực hành và áp dụng những điều học hỏi được. Sự giảng dạy thật là vô nghĩa trừ khi bậc thầy làm theo lời mình dạy. "Một trí giả hãy tự mình đi trên chánh đạo rồi mới giảng dạy cho người khác". Không có sự tương phản giưã lý thuyết và thực hành. Chánh Tư Duy và Chánh Mạng thì tương quan với nhau nơi thiện trí thức. Nguyên tắc này được áp dụng cho cả thầy lẫn trò. Đức Phật nói: "Người nào biết Giáo Pháp mà không tự mình thực hành thì cũng như một người chăn bò đếm bò của người khác: không có phần gì trong cộng đồng những người tu hành. Do đó, sự học hỏi phải liên quan tới đời sống thực sự. Nhà giáo dục Phật Giáo gạt bỏ quan niệm giáo dục tháp ngà, chỉ quan tâm tới tư tưởng thuần túy và lý thuyết. Như Humphreys đã viết: "Không ở trong tôn giáo nào khác mà người ta thấy sự áp dụng những điều học hỏi như ở trong Phật Giáo. Phật giáo không chỉ là một hệ thống giáo lý; đó là một Lối Sống." Theo quan điểm của nhà giáo dục Phật Giáo, nếu mục đích của giáo dục không phải là điều chỉnh con người cho phù hợp với những điều kiện ngoại vi trong xã hội, vậy thì chương trình học không nên đặt trước và cố định. Học hỏi là học viên có thể học được cái gì chứ không phải cái mà ông Thầy muốn dạy mà không để ý đến nhu cầu thật sự và khả năng của đứa trẻ. "Nhà giáo dục Phật giáo phân biệt một học trình đã được vạch sẵn và những cái mà học viên lãnh hội được trong quá trình học hỏi. Nhà giáo dục chỉ cung cấp những phương tiện cần thiết để cho sự học hỏi có thể thực hiện được. Khi hoạch định một học trình như vậy, nhà giáo dục nên coi Tam Học (Giới, Định, Huệ, TCN) như là một tiêu chuẩn cần thiết và hữu ích. Tam Học gồm có: (a) đạo đức cao hay là tu tập đức tính; (b) suy tư sâu xa hay là tu tập thiền định; và (c) nội quán hay tu tập trong sự hiểu biết để tiến tới giác ngộ. Sự tu tập Giới gồm có lòng quảng đại, đạo đức, tác phong và kiên nhẫn; sự tu tập về Định liên hệ đến Thiền quán; và sự tu tập về Huệ là sự tỉnh thức bắt nguồn từ trí tuệ thấy được chân lý chung cùng. Sáu độ (Ba La Mật) trên là những tiêu chỉ của nhà giáo dục Phật giáo khi hoạch định một học trình. (*) Khi viết đoạn trên, có thể Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt chỉ nhìn giáo dục trên một góc cạnh hướng về mục đích tu tập trong Phật Giáo chứ không phải là toàn bộ giáo dục trong Phật Giáo. Phật Giáo không quên những thực tế trong xã hội. Thật vậy, trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật đã vạch rõ cho chúng ta thấy sự nghèo khổ là nguồn gốc của vô luân và tội ác như trộm cướp, gian lận, bạo hành, sân hận, độc ác v.v… Đức Phật đề nghị rằng muốn giải quyết vấn đề tội ác, điều kiện kinh tế của dân chúng phải được tăng tiến. Người đã chỉ rõ cho Phật tử tầm quan trọng của sự cải tiến tình trạng kinh tế của con người. Nhưng điều này không có nghĩa là Đức Phật khuyên mọi người đi tích lũy của cải bằng bất cứ phương tiện nào để thỏa lòng tham và chấp vào vật chất vì đây là điều trái ngược với giáo lý căn bản của Người. Đức Phật đã dạy một người dân thường tên là Dighajanu là có bốn điều kiện đưa hạnh phúc đến cho con người ở trên cõi đời -Thứ nhất: chăm chỉ, cố gắng đạt tới "nhất nghệ ting,nhất thân vinh"; Thứ nhì: phải bảo vệ tài sản kiếm được một cách chính đáng bằng mồ hôi, nước mắt; Thứ ba: kết bạn với các thiện tri thức nghĩa lá những ngưới đạo đức. Học rộng, biết nhiều, phóng khoáng và thông minh, để giúp mình tiến bộ trên Chánh Đạo, xa lánh ác nghiệp; Thứ tư: tiêu pha trong khả năng và dành một phần cho những việc thiện, không bần tiện mà cũng không hoang phí. Sau đó Đức Phật nêu ra bốn đức tính đưa đến hạnh phúc trong tương lai của con người, và đây mới là những mối "phúc thật" chính tông: (1) Phải có lòng tin vào những giá trị đạo đức, tinh thần và trí thức (Sanddha); (2) Phải giữ năm giới căn bản của Phật tử (Sila); (3) Thực hành hạnh bố thí, lòng quảng đại, không bám chặc vào của cải (Caga); (4) Phát triển trí tuệ trên con đường diệt khổ, nhằm cứu cánh Niết Bàn (Panna). Như vậy chúng ta thấy rằng giáo lý của Đức Phật nhằm tạo ra sự ổn định kinh tế gia đình và từ đó đưa đến sự ổn định và phát triển kinh tế quốc gia, mang lại hạnh phúc cho dân chúng. Và những giáo lý này nhằm giáo dục con người đối diện với những thực tế trong xã hội. TCN |
Cập nhật ( 19/11/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com