ĐỨC PHẬT LÀ MỘT NGƯỜI PHI THƯỜNG * Thích Phước Mỹ Ngày Phật Đản lại về, chúng ta đang tưởng nhớ về hình ảnh thiêng liêng cao quý của 2500 năm trước, dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, tại nuớc Ấn Độ. Đó là đấng đạo sư của trời người xuất hiện ra nơi đời, phước lợi của nhơn thiên, là ngày vui mừng trọng đại của nhân loại. Sau đây,chúng ta luận đàm chuyện phi thường trong cuộc đời của Đức Phật, qua 4 giai đoạn như sau: 1- VƯƠNG VỊ THÁI TỬ: Ngài sinh trưởng trong một gia đình vương giả, cha là Tịnh Phạn Vương, mẹ là Hoàng Hậu Ma Da, sống trong vương thành Ca Tỳ La Vệ, phía đông bắc Ấn Độ. Ngài là con một trong gia đình và được vua cha thương yêu chiều chuộng đặt tên là Tất Đạt Đa (Siddhattha) vương vị Thái Tử. Mẹ Ngài sau 7 ngày sanh trưởng thì băng hà. Dì mẫu chăm sóc Thái Tử thật chu đáo. Thái Tử lớn lên trong cung vàng điện ngọc, ít khi có dịp tiếp xúc thế giới bên ngoài cung thành, duy chỉ có hai lần và hai lần được nở hoa từ tấm lòng cao cả của Ngài. Nay trở thành trang sử phi phàm của bậc thánh.
Lần thứ nhứt: Lúc Thái Tử còn nhỏ theo phụ vương cùng quần thần dự lễ Hạ Điền, ai ai cũng vui mừng cho ngày lễ cùng xem người cày có ruộng, cày lên những mãnh đất màu mỡ, phì nhiêu. Riêng Thái Tử tuổi tuy còn nhỏ nhưng có cái nhìn khác thường với tất cả mọi nguời, chứa đầy lòng từ tính, nhìn rõ thực chất vào cuộc đời: mạnh hơn yếu thua, giết hại lẫn nhau mưu tìm sự sống. Trước cảnh Hạ Điền đang diễn ra trong đôi mắt từ ái của Ngài, Ngài đã nhìn thấy: mỗi đường cày đều lật ngược mãnh đất phía dưới lên trên, những sinh vật sống trong lòng đất bị phơi mình ra ánh sáng, như: con trùng, con dế… bị đe chết, con nào còn sống sót cố tìm đường chạy trốn. Trên bầu trời cao, những con chim kêu rân trời, đấu đá lẫn nhau, tranh giành miếng mồi từ đường cày, thật khủng khiếp giữa cảnh tử biệt sanh ly, cướp giựt lẫn nhau trong cuộc sống. Những con trâu hục hặc cố sức kéo cày, thế nhưng trên lưng phải chịu những đòn roi, thành những dấu lằn trông đau đớn. Bác nông phu tay lấm chân bùn, quần áo tả tơi, mồ hôi dầm dề, trông mặt mỏi mệt. Tất cả đều vì sự sống và có sự sống sống trên sự chết; và có những niềm vui vui trên sự đau khổ của kẻ khác. Lần thứ nhì: Lúc trưởng thành, Thái Tử xin phép vua cha được dạo chơi bên ngoài 4 cửa thành hoàng cung và được tiếp xúc trực tiếp thực tế trong cuộc sống nhân sinh. Như chúng ta được một dịp tự do đi chơi là để thưởng ngoạn cái đẹp thơ mộng của sông núi hay vui thú với những trò chơi cùng mọi người… Hoặc giả là người từng sống trong sự sạch sẽ, sang trọng sẽ nhìn thấy chán chường cái dơ nhớp, hổn độn, bụi bặm… ở thế giới bên ngoài Hoàng Cung. Còn Ngài thì sao! Đây là dịp ra đi đầy ý nghĩa, Ngài đã nhìn thấy rõ mặt thực đầy phủ phàng của thế giới nhân sinh và vũ trụ. Còn chúng ta chỉ nhìn thấy cái vui, cái buồn hay mặt trái, mặt phải của thế giới, mà không thấy được mặt thực của nó là gì. Lần ra đi này của Ngài đã nhìn thấy rõ 4 tướng: sanh, lão, bệnh, tử. Do Ngài đặt vấn đề và người đánh xe ngựa giải thích. Ngài đột nhiên thấu rõ kiếp sống nhân sinh quá phủ phàng và vũ trụ càng hoang mang bởi nó cũng nằm trong vòng 4 tướng: sanh, lão, bệnh, tử (được gọi là thành, trụ, hoại, không). Thế thì thế giới đang nằm trong biển lửa, sự sống như bọt bóng của nước sôi. Cái gì là vui! Cái gì là buồn! Cái gì là hơn! Cái gì là thua! Hởi nhân loại và thế giới. Một ánh sáng giải thoát đang bừng sáng nơi Ngài cùng với lòng từ bi bao la sẳn có, nên Ngài loé lên con đường tìm giải thoát cho bản thân, cho vua cha và cho kiếp sống nhân sinh vũ trụ. Đây là nền trí tuệ phi phàm của bậc thánh. 2- XUẤT GIA: Sự đầy ấp của lòng từ bi và trí tuệ phi phàm ấy, mãi đến ngày Ngài quyết chí xuất gia tìm đường giải thoát. Một đem khuya vắng lặng, không khí trong lành, mọi người đều an giấc. Ngài lặng lẽ nhìn vợ con lần cuối để từ giả ra đi. Ngài cùng với Sa Nặc phi ngựa Kiền Trắc đi vào bóng tối đem khuya hướng về dãy núi Hy Ma Lạp để thực hiện hoài bảo Đạo Vàng. Lúc Ngài còn vương vị Thái Tử, mọi nguời đều mến mộ và kính lạy Ngài, chính là lạy gia tài, sư nghiệp, hoàng thân và vương vị Thái Tử. Bây giờ, hàng triệu triệu người mãi mãi về sau đều kính lạy sự thoát tục siêu phàm của Ngài. Đây là hình ảnh xuất gia phi phàm thứ 2 của bậc thánh. Trước đến giờ, khi đến giờ ăn Thái Tử đều có kẻ dâng mâm cơm cao lương mỹ vị, quỳ kính mời (theo cung cách vương triều) chén ngọc, đủa ngà, kẻ hầu người quạt… giám sát từng miếng ăn, hầu hạ chăm sóc sức khoẻ của Ngài mỗi ngày chu đáo hơn. Rồi đột nhiên, Ngài từ giả tất cả thành một lữ hành hướng vào trong rừng sâu tuyệt thực, ngồi dưới cây Bồ Đề tham thiền nhập định. Sau khi thành tựu đạo quả, Ngài trở thành nguời xin ăn (hành khất) trên vỉa hè của từng nhà, Ngài cũng hoan hỷ đón nhận thức ăn từ những đứa trẻ cúng dường. Cũng có lúc Ngài ăn thức ăn của ngựa. Đây là hình ảnh xuất gia phi phàm thứ 3 của bậc thánh. Trên tiến trình tu tâp, lần đầu Ngài nhận thấy cuộc sung sướng của vương triều không đem lại sự giải thoát nên từ khước. Lần thứ 2 Ngài dấn thân vào con đường khổ hạnh tận cùng cũng không tìm thấy ánh sáng giải thoát nên lại từ khước. Truớc 2 con đường hưởng thụ và khổ hạnh nơi thân không đem lại kết quả. Tưởng chừng như bế tắt sau cơn kiệt quệ sức khỏe, nào ngờ nàng mục nữ thấy vậy nên cúng dường chút sữa, Ngài tỉnh dậy và bừng sáng một con đường Trung Đạo đưa vào ánh sáng giải thoát giác ngộ. Cuối cùng Ngài đã khai mở ra con đường Trung Đạo và thành tựu đạo quả. Đây là hình ảnh xuất gia phi phàm thứ 4 của bậc thánh. 3- THÀNH ĐẠO: Trên con đường tìm đạo, Ngài có theo học các bậc tôn sư, nhưng không bao lâu rồi Ngài cũng vượt qua mức thâm sâu tự chứng của các bậc ấy. Cuối cùng, Ngài quyết định tự tìm nơi chính mình vốn có một thế giới đầy mầu nhiệm bên trong hợp thể ngủ uẩn này. Phương pháp tu tập của Ngài là: muốn tìm về cội nguồn phải đi ngược dòng sông; cũng vậy, muốn tìm đạo cả phải đi ngược dòng đời. Quả thật, sau 49 ngày quyết tâm tu tập chiến đấu bằng nội lực chiến thắng nội ma, ngoại ma và thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề. Đây là điểm vàng son sáng chói nhất mà Ngài tự tìm thấy nơi chính mình có. Đó là chân lý mãi mãi vẫn là chân lý. Đến nay chân lý ấy vẫn không phai mầu, vững như thạch trụ đứng giữa thời gian và không gian vô tận. 4- NIẾT BÀN: Đức Phật dạy: "Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi, vô sanh vô tử vô khứ lai." Nghĩa là: có sanh có tử tất có luân hồi, không sanh không tử thì không đến đi. Có đến tất có đi, đây là lần ra đi cuối cùng nên gọi là Niết Bàn. Lúc này, Ngài thọ 80 tuổi, thân thể ngủ uẩn quá già yếu, đến lúc phải ra đi. Ngài chọn nơi rừng Sa La Song Thọ làm nơi nhập Niết Bàn. Trước khi vào Niết Bàn, Ngài căn dặn các đệ tử siêng năng hành trì theo lời dạy của Ngài. Lời dạy của Ngài suốt thời gian dài 49 năm thuyết pháp độ sanh. Về sau các đệ tử kết tập thành 3 tạng gồm Kinh, Luật, Luận. Đây đuợc gọi là Pháp Bảo Xá Lợi. Đồng thời, Ngài còn dặn Anan nhiều điều trong đó có điều: hãy hỏa táng kim thân và phân chia Xá Lợi đồng đều đến các nuớc lân bang lập tháp tôn thờ, chớ có để gây ra cuộc chiến tranh giành. Đây được gọi là Ngọc Bảo Xá Lợi. Sau khi Phật nhập Niết Bàn đã lưu lại 2 phần Xá Lợi cho đến ngày nay và đem lại giá trị gì? Tóm lại, Người bậc thánh luôn biểu lộ sự phi phàm từ khi ra đời cho đến hết cả cuộc đời, bởi sự ra đời của các Ngài là cứu độ chúng sanh, an lạc sự sống. Sự phi phàm bậc thánh của Đức Phật còn rất nhiều vô hạn. Chúng ta chỉ luận đàm về mặt luận lý thực tế qua 4 hình thức trong cuộc của Ngài và theo sự hiểu biết thiển kiến có giới hạn của riêng tôi; còn chưa nói về mặt thần thông diệu dụng (Ngài chứng 6 phép thần thông), ứng độ 6 loài chúng sanh, ứng biến với các bậc vua chúa cùng dị đạo thời bấy giờ .v.v… Tôi muốn nói sự phi phàm bậc thánh của Đức Phật để chúng ta cùng nhau hiểu biết thêm về Ngài, mong quý vị chớ mở lời xúc phạm. Tất cả chúng ta chẳng xứng đáng chút nào mà dám mở lời phạm thượng dù là Đức Phật hay Đức Chúa hay những bậc thánh nhân nào cũng vậy. Điểm quan trọng, chúng ta có tìm được giá trị những lời dạy vàng ngọc từ các bậc thánh để ứng dụng cho cuộc sống bản thân mình, mọi người và quốc gia xã hội được lợi ích, an lạc và hạnh phúc. |
Cập nhật ( 18/05/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com