THIỀN TRÚC LÂM QUA VĂN THƠ CHỮ HÁN
* Thanh Từ
Trúc Lâm Đầu Đà là một Thiền Sư uyên bác, lại sẵn có tính nghệ sĩ nên thơ văn chứa đụng màu sắc linh động, hình ảnh hiện thực, lại bàn bạc đạo lý thiền. Người đọc dễ hình dung rõ cảnh trí được diễn tả và cảm nhận lý thiền một cách thâm trầm. Chúng ta đọc qua một số bài thơ chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt của Ngài sẽ chứng thực điều này:
I
XUÂN CẢNH
Dương liễ hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoa đường thiêm ảnh mộ vân phi,
Khách lai bất vấn nhân gian tự,
Chỉ bạng lan can khán thúy vi.
Dịch:
CẢNH XUÂN
Bờ liễu hoa dày, chim hót chậm,
Bóng thềm, nhà vẽ, cụm mây trôi
Khách sang chẳng hỏi điều nhân thế,
Chỉ tựa lan can ngắm núi trời.
Trúc Lâm nhìn cảnh xuân thấy hoa liễu nở rộ, nghe tiếng chim kêu từng chập; lại thấy nhà vẽ, bóng thềm, mây chiều bay. Bên cái nhìn thông thường của người đời, Ngài lại có cái nhìn bằng trí tuệ Bát nhã. Vì đây là nhà vẽ, đây là bóng trúc quét thềm, đây là mây chiều bay tản mạn. Những hình ảnh như có mà không, thực thể không lại thấy có. Quả là “sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Vạn vật không có thực thể cố định, đủ duyên tạm có thiếu duyên liền không. Trên giả tướng hư dối ấy có gì để nói co không tốt xấu, còn gì để bàn phải quấy hơn thua? Cho nên khách đến không nhọc gì hỏi việc nhân gian. Chủ khách im lặng nhìn trời mây sông núi, trong cái im lặng này đã thấy đầy đủ chơn lý của cuộc đời. Chính cảnh trời mây sông núi, nếu tâm ta lặng yên thì chơn thể hiện tiền. Thiền Sư Thiền Lão nói:
“Trúc biết hoa vàng đâu cảnh khác,
Trăng trong mây bạt hiện toàn chơn”.
“Thúy Trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh,
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chơn”.
Chỉ có 4 câu thơ, Trúc Lâm đã khéo sử dụng cảnh xuân đưa vào đạo thiền một cách nhuần nhuyễn. Vì cửa thiền là “cửa không” muốn vào cửa thiền phải thông suốt lý Bát nhã. Trước thấy cái pháp duyên hợp hư dối, mới bước sáng chơn thể bất sanh bất diệt của đạo thiền. Thế nên nhà thiền nói không, là không cái giả tướng duyên hợp, chớ chẳng không cái thực thể bất sanh bất diệt. Chổ đặc tài của Trúc Lâm là, nói thiền nói đạo mà không dùng một danh từ thiền đạo nào cả. lại một bài thơ của Trúc Lâm:
XUÂN VÃN
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung,
Như kim kham phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
DỊCH:
CUỐI XUÂN
Lúc trẻ chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng,
Chúa xuân nay bị ta hay biết,
Nệm cỏ ngồi thiền, ngắm rụng hồng.
Lúc còn niên thiếu ở trong ngôi vị sang cả của một ông hoàng chưa thấm nhuần mùi đạo lý, mỗi lần xuân về trăm hoa đua nở trong vườn ngự, làm sao Ngài không lòa mắt trước những màu sắc lung linh không bâng khuâng qua những làn hương ngào ngạt. Sắc hương hương sắc quyện cả tâm hồn ông hoàng trẻ tuổi. Thế rồi bao nhiêu tâm sự đều gởi gấm vào trăm hoa. Nhưng khi lớn khôn tìm thấy được đạo, rồi cởi bỏ mọi danh vọng tài sắc ở thế gian, cạo tóc mặc áo nhuộm. Ngài bước chân cửa thiền, gia công tu tập Ngài đã khám phá được chân lý của vũ trụ, thấy được mặt thật xưa nay của chính mình. Đến đây Ngài không còn sắc hương lôi cuốn, tâm hồn lóng trong tự tại, ngồi lặng lẽ trên bồ đoàn nhìn hoa nở tàn một cách an nhiên. Từ nay hoa nở hoa tàn không còn là hình ảnh quan trọng thu hút tâm hồn Tăng sĩ phải vui buồn theo nó. Dòng thời gian cuồn cuộn trôi, hiện tượng không gian luôn luôn chuyển mình sinh diệt, dưới con mắt Thiền Sư đạt đạo vẫn thấy có cái gì hiện hữu, thoát ngoài luật sinh diệt của thời gian không gian. Bước sang lĩnh vực ở núi, Trúc Lâm Đầu Đà có những khi lòng tràn đầy cảm hứng về lý đạo, về sự tu hành, diễn tả tâm hồn mình bằng hai bài kệ:
I
SƠN PHÒNG MẠN HỨNG
Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mịch thần tiên,
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.
DỊCH:
Ai trói lại mong cầu giải thoát?
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa mệt, người cũng lão,
Như trước vân trang một chõng thiền.
Khi Đạo Tín còn là ông Sadi 14 tuổi, gặp Tổ Tăng Xán liền lễ bái thưa: “Xin Hòa thượng dạy con pháp giải thoát?” Tổ Tăng Xán hỏi: “ai trói buộc ông?” Đạo thính thưa: “không ai trói buộc” Tổ bảo: “cầu giải thoát làm gì?” Đạo Tín liền lãnh hội yếu chỉ. Chúng ta cứ nghĩ tu cầu giải thoát mà không xem coi cái gì trói buộc mình. Nếu thật bị trói buộc mới cầu cởi mở, bằng không thấy bị trói buộc mà kêu người cởi mở cho, là một việc khờ khạo vô lý. Hơn nữa, giải thoát là cái quả an lạc, mở trói là cái nhân, chúng ta ước mong được quả mà không biết rõ nguyên nhân là một sai lầm. Những điều chúng ta cho là trói buộc toàn là ảo tưởng vì thật sự không có cái gì trói buộc chúng ta cả. Tài sắc danh lợi… có phải là điều trói buộc không? Hẳn là không. Chẳng qua chúng ta mê lầm chạy theo chúng rồi la hoảng lên chúng trói buộc ta. Cần can đảm nhìn thẳng mặt chúng thì mọi ảo tưởng tan hoang, giải thoát nằm sẵn ở đó, nên nói: “ai trói buộc lại mong cầu giải thoát”. Người tu hay mong chiến thắng, cầu thành Thánh , mà không biết thánh đã sẵn nơi mình. Chỉ vì những thói phàm trần ngập tâm ta, nên bản tính thánh bị khuất lấp. Chúng ta chỉ cần bỏ hết thói phàm thì tính thánh tự hiện. Như chúng ta không mong thành người hiền người tốt, mà cốt bỏ hết thói dữ thói xấu nơi mình là thành hiền thánh tốt ngay. Mong thành hiền thánh, chỉ là phí công vô ích, thật sự cần ném phắt hết mọi thói xấu dở nơi mình. Đây là lẽ thật mà người đời cũng như trong đạo ít ai nhận biết, nên nói: “chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên”. Hai câu sau là hình ảnh vô thường của cuộc đời, bên cạnh cái vô thường vẫn có cái thường hằng. Vượn nhàn, ngựa mệt, người già, nói lên luật vô thường chi phối tất cả. tuy nhiên chiếc chõng ngồi thiền ở Vân trang vẫn như xưa không thay đổi. Đây là ngầm nói thế chẳng sanh chẳng diệt nằm sẵn trong hình tướng sanh diệt vô thường. con người mãi đuổi theo tướng bình sinh diệt, vô thường rồi than thở khổ đau với cái sinh diệt. đâu ngờ bên cái sinh diệt vẫn có cái trường tồn vĩnh cữu là chiếc chõng ngồi thiền ở Vân trang. Người ta cứ chạy theo cảnh sôi sục, nóng bỏng của ngọn lửa vô thường đang thiêu đốt vạn vật, mà không chịu thức tỉnh quay lại mình, nhìn ông chủ đang thong dong dạo chơi mãnh vườn an lạc bất diệt bất sinh.
II
Thị phi niệm trực triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn,
Hoa tận vũ tinh sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
DỊCH:
Phải trái rụng theo hoa buổi sáng,
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm,
Hoa tàn, mưa lạnh, non im lắng,
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim…
(Đỗ Văn Hỷ)
Tâm thị phi là bệnh trầm kha khó có phương thuốc chữa trị được lành, người xưa nói: “chỉ sắt biến thành vàng ngọc dễ, khuyên người dẹp bỏ thị phi khó”. (điểm thiết hóa thành kim ngọc dị, khuyến nhơn trừ khước thị phi nan). Với Trúc Lâm nhìn lại mình thấy niệm thị phi đã theo hoa sáng rụng hết. danh lợi là miếng mồi ngon dụ dỗ lôi cuốn người vào vọng kiềm tỏa, như ánh sáng quyến rũ con thiêu thân lao mình vào lửa. Trúc Lâm thấy tâm danh lợi của mình đã theo trận mưa đêm mà giá lạnh. Hết niệm thị phi, sạch tâm danh lợi tánh giác bao lâu trong sạch hiện liền. Như hoa tàn, mưa tạnh, chỉ còn ngọn núi trơ trơ im lặng. trong chốn tịch mịch ấy, bỗng một tiếng chim hót lên làm tan hết mùa xuân. Người tu đến khi tâm hồn cô liêu tịch tĩnh, bỗng nhiên tâm giác ngộ bừng sáng, quét sạch màng đêm vô minh muôn đời chạy theo niệm sanh diệt của thời gian. Đây là chỗ “tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch” của người đắc đạo. sau cùng là bài kệ Hán kết thúc bài phú cư trần lạc đạo bằng văn nôm:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
DỊCH:
Ở trần vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền,
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
Người tu Phật đa số mong cầu thoát khỏi cuộc đời mong làm sao đem mạng sống này ra khỏi cuộc đời được? vì còn sống là còn ăn, còn mặc và bao nhiêu nhu cầu khác nữa. Giữa mình và mọi người liên hệ chằng chịt không thể tách rời được. Dù xuất gia ở cũng chưa hẳn tách rời quần chúng. Mong thoát khỏi cuộc đời là mơ ước viễn vông, chỉ chuốc chán nản khổ đau, chớ không thể thực hiện được. Chi bằng cứ sống ngay trong lòng đời mà sống vui với đạo, cuộc sống đạm bạc tùy duyên chẳng thích thú sao? Đói thì ăn, mệt thì ngủ, không hối tiếc quá khứ, chẳng trông mong vị lai, biết sống ngay trong phút giây hiện tại thì hạnh phúc biết chừng nào. Trong nhà mình có báu sẵn cần nhận biết và gìn giữ, không phải chạy kiếm lăng xăng bên ngoài. Muốn kho báu nhà mình hiện ra đầy đủ, không gì hơn “đối cảnh vô tâm”. Tâm niệm dông rủi theo 6 trần là vọng tưởng điên đảo, buông xả chúng được sạch trong yên lặng dù đối cảnh tâm vẫn lặng yên, đó là thiền. Thiền không nhiệm mầu huyền bí, chủ yếu sống hẳn tâm chơn thật sẵn có từ muôn đời của mình. Tâm ấy đang bị đám mây vọng tưởng điên đảo phủ che. Lắng sạch đám mây vọng tưởng, kho báu nhà mình hiện bày, đây là tu thiền. Chỉ dẫn bao nhiêu bài trên, chúng ta cũng thấy Trúc Lâm Đầu Đà hồn thơ bát ngát, ý thơ thâm trầm, tâm thiền bàng bạc, khiến người đọc vừa hứng thú vừa thấy tâm hồn rộng mở thênh thang. Trúc Lâm Đầu Đà đã nói lên tâm trạng mình khi đối cảnh sanh tình, mà tỉnh dậy là tình đạo. Ngài thổ lộ sự tu hành của mình, mà đủ sức đánh thức kẻ khác tỉnh giác. Quả là đặc tài siêu tuyệt của Trúc Lâm Đầu Đà.
===================================================
THUẬT KINH DOANH CỦA NGƯỜI HOA NAM BỘ.
* Trần Phước Thuận
Nhà Minh đã có sớm kế hoạch di dân và mở rộng thế lực ra nước ngoài nên vào năm 1405, Minh Thạnh Tổ đã xuống lệnh cho Trịnh Hoàng thống 62 chiếc thuyền với 27.000 binh sĩ tiến vào phía Nam. Họ đã đổ bộ lên hầu hết các vùng Đông Nam Á, Nam Á và cả Châu Phi. Riêng Việt Nam là một nước láng giềng gần nhất lại có một mối quan hệ mật thiết, nên người Hoa đã có mặt ở đây và làm ăn sinh sống từ lâu đời; sau chiến dịch của Trịnh Hoàng người Hoa đến đây càng đông thêm, đông nhất là sau biến động năm 1628, nhà Mãn Thanh đã lật đổ Minh Triều làm chủ đất nước, một số tôi thần nhà Minh bất phục triều đình mới nên họ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đưa nhau đến định cư ở các nước lân cận. Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho nhóm Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho và nhóm Trần Thượng Xuyên ở Đồng Nai, tổng cộng trên 3.000 người. Đến năm 1708, chúa Nguyễn lại hợp thức hóa toàn bộ số “khách trú” của Mạc Cửu ở vùng Hà Tiên và các vùng lân cận. Vì vậy, số lượng người Hoa ở đây càng lúc càng đông đến nay có khoảng 1 triệu người, nhưng phần lớn tập trung ở Nam Bộ.
Xét qua lịch thì người Hoa đến đây nếu không phải là những quân nhân hay những người tị nạn chính trị, cũng là những ngu dân nghèo nàn rời bỏ quê hương tìm nơi đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Dĩ nhiên phương tiện sinh nhai lúc đầu cũng rất đơn giản và thiếu thốn, gia sản lúc đầu đôi khi chỉ là một chiếc “hui ná”, một đôi giống, một chiếc đòn gánh cây… thế mà chỉ một thời gian sau họ đã trở thành những người khá giả, thậm chí có những người trở thành thương gia lớn. Đáng lẽ ra ngoài bản địa có nhiều điều kiện hơn về môi trường sinh sống nhưng vẫn khó đuổi kịp người Hoa trong việc mua bán kinh doanh.
Thực ra không phải người Hoa nào cũng có bản lĩnh và kinh nghiệm thương trường hơn người bản địa, nhưng đa số lưu dân người Hoa đến đây sinh sống đều có những mối quan hệ từ các ban hội của họ. Các đoàn thể dòng tộc thường là các hội thương tế đã tạo sự gắn bó và giúp đỡ những người cùng họ với nhau, không những chỉ giúp đỡ các thành viên trong hội khi hữu sự như: quan, hôn, tang, tế, tai nạn, bệnh tật…mà họ còn giúp vốn-tạo điều kiện lẫn nhau để đầu tư vào việc mua bán bằng nhiều hình thức: cho vay ít lãi, không lãi, giúp vốn không hoàn lại, hoặc hoàn lại định kỳ… Người Hoa buôn bán thường tập hợp lại với nhau từng nhóm tự gọi là “bổn phố”-phố ở đây không phải là một dãy nhà hay một dãy phố mà chính là một tổ chức quần cư của những người có những mối liên hệ riêng như cùng họ, cùng quê cùng nghề, cùng chí hướng, cùng hoàn cảnh… các mối quan hệ này thường rất chặt chẽ, mọi người ở đều xem nhau như người của mình (“người Triều Châu” gọi là “ca kỳ nán”). Khi đã xem như là người của mình thì họ luôn nghĩ cách tạo điều kiện thuận lơi cho nhau rất là kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm giao tế, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm học hành… người Hoa thường chú trọng những điều thực dụng hơn là lý luận dông dài, họ chỉ học những gì đáng học- những gì đang được sử dụng trong thực tế. Để tăng thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm ăn, người Hoa thường cho con cái đi làm công cho bè bạn ngay từ thuở nhỏ, cũng nhờ vậy khi đứa bé trưởng thành kể như đã qua một thời gian trui rèn bản lĩnh và kinh nghiệm, nên khi thừa kế gia sản và tiếp nhận vai trò chủ nhân sẽ ít bị vấp ngã, nhất là lúc nhỏ cực khổ nên biết quý trọng tài sản của ông cha. Đối với người Hoa, thì ông chủ cũng là người làm công giỏi nhất và được việc nhất, đôi khi họ làm rất nhiều việc trong cửa hàng; một ông chủ tiệm cà phê hay hủ tiếu cũng là người đứng bếp hay đứng quầy, có lúc lại kiêm thêm việc bưng dọn, mời khách hầu bàn… cũng vừa là tài phú để sắp xếp, giao dịch tính toán trong ngoài. Tôi có thấy một ông chủ bán tạp hóa đứng ở giữa quầy, tay đang kéo bàn toán lóc cóc, miệng vừa trả lời với khách hàng bên này, nói vói sang để chào khách bên nọ, đôi mắt từng lúc liếc sang bên ngoài để kiểm soát hàng hóa của mình hoặc đại lý của khách hàng “lỡ cầm nhầm” hàng hóa của họ. Với sức lao động như thế nên các cửa hàng nọ thường rất ít tốn nhân công, thường là chỉ 2-3 người hoặc 3-4 người trong gia đình hoặc con em của bè bạn gởi đến tập sự. những người Hoa làm nghề mua bán dù lơn hay nhỏ cũng luôn luôn trao dồi khả năng tiếp thị, họ luôn theo dõi và nắm bắt yêu cầu của mọi người, nên hàng hóa của họ thường đáp ứng đúng theo yêu cầu, theo thị yếu của cách mua hàng. Trong nhiều trường hợp người Hoa còn kinh doanh cả những đồ đạc hư hỏng người ta vứt bỏ- từ đó đã sinh ra cái nghề thu mua phế liệu, từ nồi niêu hư bể đến lông vịt, ve chai… một cái nghề làm giàu không ai để ý và cũng chẳng mích lòng ai. Số lượng người Hoa ở Nam Bộ dĩ nhiên cũng kém hơn người Kinh rất nhiều mà còn ít hơn người Khmer, nhưng mạng lưới tiệm tạp hóa của họ cũng đã giăng đầy khắp nơi, nhất là những nơi xa chợ, các nghề khác như mua bán thuốc bắc, làm chành lúa cũng được rãi rất đều trên mỗi địa bàn. Trong thực tế có nhiều trường hợp buôn lớn, người Hoa đã chiếm nhiều lợi thế hơn người bản địa, chẳng hạn một người Triều Châu ở đây lại rất dễ xâm nhập thị trường ở một nước nào đó nếu ở đó đã có hội Triều Châu đang hoạt động, hoặc giả họ cũng dễ dàng liên hệ với các hội Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến… ở các nơi để nhờ giúp đỡ và tiêu thụ hàng hóa một vài trường hợp họ lại nhờ vào mối quan hệ “ca kỳ nán”, (thường là mối quan hệ dòng họ) để đạt mục đích yếu tố này rất quan trọng và thuuwòng được sử dụng trong thương nghiệp của người Hoa. Nhưng vấn đề quan trọng nhất trong việc mua bán của họ vẫn là chữ “tín” bất cứ mua bán nhỏ hay lớn hoặc tiêu thụ hàng hóa ít nhiều đều phải nhờ vào yếu tố này, có uy tín hay không cũng đều nhờ vào đó, cũng vì vậy có một số người ở bản địa hoặc là người nước ngoài đôi khi cũng được xem như một htành viên chính thức trong dây truyền làm ăn của người Hoa, nếu những người này đã tuân thủ được cái việc thực hiện chữ “tín” trong quá trình làm ăn với nhau. Có rất nhiều trường hợp chỉ mọt cú điện thoại hay một lá thư nho nhỏ gọi là “toa” của một người ở cách xa hàng mấy trăm cây số, người bán hàng đã tức tốc gởi đến người đó một số hàng hóa trị giá vài mươi triệu bạc (hoặc nhiều hơn); người nhận hàng sau khi tiêu thụ mới gởi tiền thanh toán, hóa đơn của họ thường là những tờ “giấy tay” hoặc những chiếc phong bì đơn giản đã được gởi đi gởi lại từ những chiếc xe đò (hoặc xe hàng) lâu lâu giưuã người bán và người tiêu thụ hàng hóa mới gặp nhau một lần, vậy mà việc mua bán của họ vẫn diễn ra đều đặn và tốt đẹp. Nói tóm lại, việc mua bán của người Hoa luôn có sự liên kết rất chặt chẽ trong một hệ thống, tạm gọi là guồng máy kinh doanh mạng của người Hoa (Chinese business nepwork); hệ thống này chính là một tài sản sở hữu được hình thành bởi sự liên kết của các hội, đoàn thể, nhà doanh nghiệp cho đến các cơ sở kinh doanh, các điểm mua bán lẻ và công nhân. Sự liên kết này lại phụ thuộc với nhau trong một giây chuyền khép kín, nhưng trong đó luôn diễn ra mọi hình thức mua bán, trao đổi tiêu thụ hàng hóa sao cho đồng vốn được vay nhanh. Vì vậy những người nằm trong guồng máy kinh doanh mạng của người Hoa không chỉ đơn thuần là người có bản lĩnh, có kinh nghiệm về mua bán và còn phải có đạo đức và lòng trung tín ở thương trường. cũng bởi có những điều kiện thuận lợi và những đặc điểm nghề nghiệp như thế nên người Hoa rất dễ thành công trong kinh doanh.
Cập nhật ( 01/09/2010 )