PHÁT HUY VÀ BẢO TỒN VĂN HOÁ DÂN TỘC KHMER Ở BẠC LIÊU
* Thượng tọa Tăng Sa Vong
Người Khmer ở Việt Nam hiện nay có trên một triệu người, nhưng phần lớn tập trung ở Nam bộ, nhiều nhất là ở các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc trăng và Bạc Liêu; đây là một tộc người có dân số cao nhất trong nhóm Môn Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á. Người Khmer vốn có một đời sống tinh thần phong phú, với sức lao động cần cù và một truyền thống văn hóa tốt đẹp, từ nhiều thế kỷ trước đã cùng với người Kinh người Hoa thắt chặc tình đoàn kết trong việc khai mở đất đai xây dựng làng xã ở phía Nam và đã tích cực góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn hóa của mỗi dân tộc đều có những đặc trưng nhất định và có những phong cách riêng để thể hiện đời sống xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn học nghệ thuật… Những yếu tố đó đều là những sản phẩm trí tuệ rất quí báu của tập thể con người đã sáng tạo và bổ sung qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Ở nước ta hiện nay có tất cả 54 dân tộc với 54 loại hình văn hóa đặc thù, nhưn g tất cả đã cùng hòa quyện với nhau để kết tinh thành một nền văn hóa chung, đó là nền văn hóa của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Người Khmer Nam bộ, đặc biệt là người Khmer ở Bạc Liêu trong thời gian qua đã thực sự có những thành tích nổi bật trong việc phát triển văn hóa phục vụ con người và xã hội, đồng thời cũng đã có những dấu hiệu tốt trong xu hướng phát triển văn hóa phù hợp với các điều kiện về kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Để tạo điều kiện cho việc phát huy và bảo tồn văn hoá dân tộc, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đúng đắn và phù hợp cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, ngay từ nhiều năm trước chính quyền các địa phương đã áp dụng và đã tạo được nhiều thành tích lớn, đã nâng cao đời sống văn hoá của các dân tộc ở nhiều nơi. Riêng ở tỉnh ta, từ nhiều năm trước Nhà nước đã có sự quan tâm, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các dân tộc ở đây, nhất là đối với người Khmer, đã có những ưu đãi rất đặc biệt.
Nhận thấy chùa là chổ dựa tinh thần của người Khmer, là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất, cũng vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng – là trung tâm văn hóa của địa phương; rất cần những tổ chức, những trang thiết bị để phục vụ văn học nghệ thuật và thể thao thể dục; cho nên các ngành chức năng ở đây đã giúp nhiều chùa thành lập đội văn nghệ, đội bóng đá, đội ghe ngo… đồng thời cung cấp nhiều phương tiện vật chất như : Sách vở, dụng cụ thể thao thể dục, dàn nhạc ngũ âm… hơn 50% ngôi chùa Nam tông ở tỉnh Bạc Liêu đã được trang bị dàn nhạc ngũ âm và nhiều loại nhạc cụ khác. Sau ngày chia tỉnh, Nhà nước đã chú ý ngay đến việc phát huy và bảo tồn văn hoá truyền thống của người Khmer, nên đã có kế hoạch xây dựng một đoàn hát với quy mô lớn – mang tên Đội thông tin văn nghệ Khmer tỉnh Bạc Liêu có cơ sở hậu cứ trên một hécta, nơi tập luyện rộng rãi thoáng mát, có nhà ở cho các gia đình diễn viên và cán bộ, đoàn được cấp xe ô tô để lưu diễn và các trang thiết bị phục vụ nghệ thuật như : Tranh cảnh, trang phục, nhạc cụ … với tổng trị giá gần hai tỷ đồng (2.000.000.000đ).
Hằng năm vào dịp lễ Óc om bóc, người Khmer còn được các ngành chức năng tạo điều kiện trợ giúp tổ chức đua ghe ngo để giữ gìn một tập tục tốt đẹp đã có từ lâu đời. Các đội ghe ngo đã đươc hướng dẫn kỹ thuật và tập luyện thuần thục, nên đã tạo được nhiều thành tích từ trong đến ngoài tỉnh. Một số ghe ngo đã được Nhà nước cấp mới hoặc trợ cấp đại tu những ghe ngo cũ, tổng số tiền cũng đã lên đến vài trăm triệu đồng.
Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bạc Liêu, mỗi ngày đều có phát sóng chương trình tiếng Khmer 30 phút để phục vụ giải trí và để phổ biến những thông tin về Khoa học Kỹ thuật, Văn học Nghệ thuật, Văn hóa Xã hội cần thiết cho đồng bào Khmer, nhất là đồng bào ở vùng sâu vùng xa. Trong những dịp lễ tết như : Chuôl chnam thmay, Đôl ta, Dâng y casa, Ok om bok… đều có chương trình văn hoá đặc biệt.
Ngoài ra, trong mỗi dịp lễ tết của người Khmer, UBMTTQ và Chính quyền địa phương đều có kế hoạch vận động, hỗ trợ, giúp các phương tiện từ vật chất đến tinh thần để cùng góp phần cùng bà con người Khmer phát huy và bảo tồn văn hoá dân tộc.
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện trong Báo cáo của BCH Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu trước Đại hội Đại biểu Hội ĐKSSYN nhiệm kỳ IV (2003 – 2007) : “Với tinh thần gìn giữ bản sắc, phong tục tập quán, ngôn ngữ chữ viết của các dân tộc, Đảng và Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ cho một số chùa và trang bị những nhạc cụ ngũ âm làm nhạc nghi lễ, cấp kinh phí để đóng sửa ghe ngo và tổ chức đua ghe ngo theo truyền thống của đồng bào dân tộc. Ngoài ra các cấp Uỷ Đảng, chính quyền và Mặt trận tổ quốc đều tổ chức đoàn đến thăm viếng các chùa và gia đình Phật tử nhân ngày lễ hội nói trên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chư tăng và Phật tử phát huy được tập quán tốt đẹp của dân tộc”.
Do có những điều kiện thuận lợi và tốt đẹp như thế, nên từ nhiều năm nay người Khmer ở tỉnh Bạc Liêu đã cùng người Hoa , người Kinh cùng nhau đẩy mạnh phong trào giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ các di sản văn hoá truyền thống bao gồm các loại hình văn hoá nghệ thuật như : Hội hoạ, Kiến trúc, Sân khấu, Thơ ca, Âm nhạc cổ truyền, Truyện kể dân gian, Hoạt động lễ hội … cho phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện nay và để xây dựng nếp sống văn minh phù hợp với nền văn hoá cộng đồng của đại gia đình Việt Nam.
Cập nhật ( 16/12/2011 )