ĐỌC LẠI CHỬ ĐỒNG TỬ * Huỳnh Ngọc Trảng Trong Lịch sử Phật giáo Việt Ở đây, chúng tôi thử đọc lại câu chuyện dưới góc nhìn coi các thành tố quan yếu của truyện là những biểu trưng hàm chứa nghĩa riêng. Công việc đọc lại ở đây, hoặc gộp chung, hoặc tách bạch các thao tác chú, giải và luận tùy theo từng thành tố được phân tích. Để tiện cho công việc, trước hết và cần thiết là giới thiệu phần chính của truyện gốc và bổ sung những tình tiết liên quan đến các nhân vật chính theo Thần tích xã Đa Hòa – nơi thờ tự chính bộ ba Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung (vợ hai của Chữ). TRUYỆN CHỬ ĐỒNG TỬ Hùng Vương truyền tới đời thứ ba thì sinh hạ được người con gái là Tiên Dung Mỵ Nương, đến tuổi 18 dung mạo đẹp đẽ, không muốn lấy chồng, chỉ mãi vui chơi, chu du khắp tiên hạ. Vua cũng không cấm Mỗi năm vào khoản tháng Hai, tháng Ba lại sắm sửa thuyền bè chèo chơi ở ngoài bể, vui quên trở về. Hồi đó, ở làng Chử Xá, cạnh sông lớn có người đàn ông tên là Chử Vi Vân (Bản khác Chữ Cù vân / Chử Đồng) sinh hạ được Chử Đồng Tử (có nghĩa là người con trai bên sông), cha từ con hiếu, nhà gặp hỏa hoạn, của cải sạch không, còn lại một khố vải, cha con ra vào thay nhau mà mặc. Kíp tới lúc cha già ốm, bảo con rằng: “Cha chết cứ để trần mà chôn, giữ khố lại cho con”. Con không nỡ làm theo, dùng khố mà liệm bố. Đồng Tử thân thể trần truồng đói rét khổ sở, đúng ở bên sông, hễ nhìn thấy có thuyền buôn qua lại thì đứng ở dưới nước mà ăn xin, rồi lại câu cá độ thân. (Bản khác: Đứng ở ven sông, cầm cần câu cá, hễ thấy thuyền qua lại thì lội xuống nước mà xin ăn). Không ngờ thuyền Tiên Dung tới, chiêng trống đàn sáo kẻ hầu người hạ rất đông. Đồng Tử rất khinh sợ (Bản khác: … sợ hãi không biết chạy đi đâu). Trên bãi cát có đám lau sậy, lưa thưa dăm ba cây. Đồng Tử bèn nấp trong đó, bới cát thành lỗ nằm xuống mà phủ cát lên mình. Thoắt sau, Tiên Dung cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, ra lệnh vây màn trướng ở khóm lau mà tắm. Tiên Dung vào màn cởi áo dội nước, cát trôi mất thấy Chử Đồng Tử. tiên Dung kinh sợ hồi lâu, thấy là con trai bèn nói: “Ta vốn không muốn lấy chồng, nay lại gặp người này cùng ở trần với nhau trong một hố, đó chính do trời xui nên vậy. Ngươi hãy đứng dậy tắm rửa, ta ban cho quần áo mặc rồi cùng ta xuống thuyền mở tiệc ăn mừng”. Người trong thuyền cho đó là cuộc giai ngộ xưa nay chưa từng có, Đồng Tử mới nói tại sao lại nấp ở đấy, Tiên Dung ta thán rồi ép làm vợ chồng, Đồng Tử cố từ, Tiên Dung nói: “Đây là do trời chắp mối, sao cứ chối từ ?” Người theo hầu vội về tâu lại với vua, Hùng Vương nói: “Tiên Dung không thiết danh tiết, không màng của cải của ta, ngao du bên ngoài, hạ mình lấy kẻ bần dân, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa”. Tiên Dung nghe thấy sợ không dám về, bèn cùng Đồng Tử mở bến chợ, lập phố xá, cùng dân buôn bán, dần dần trở thành cái chợ lớn (nay là chợ Thám, còn gọi là chợ Hà Lương). Phú thương ngoại quốc tới buôn bán, thờ Tiên Dung, Đồng Tử làm chúa. Có người lái buôn giàu nói rằng: “Quí nhân bỏ một dật vàng ra ngoài biển mua vật quí, sang năm có thể thành mười dật”. Tiên Dung cả mừng bảo Đồng Tử: “Vợ chồng chúng ta do trời tác mà thành, đồ ăn thức mặc do trời phú cho, nay hãy đem vàng cùng phú thương ra hải ngoại buôn bán”. Có núi Quỳnh Viên (Bản khác: Quỳnh Vi), trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé thuyền ở đó lấy nước ngọt. Đồng Tử lên am chơi, có tiểu tăng tên gọi là Ngưỡng Quang (Bản khác: Phật Quang / Phật Lão) truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử lưu học ở đó, giao vàng cho lái buôn mua hàng. Sau lái buôn quay lại am chở Đồng Tử về…Sư tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng : “Linh thiêng ở những vật này đây”. Đồng Tử trở về, giảng lại đạo Phật. Tiên Dung bèn giác ngộ, bỏ phố phường, cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo. Trên đường viễn hành, trời tối mà chưa tới thôn xá, hai người tạm nghĩ ở giữa đường, cắm trượng che nón mà trú thân. Đến canh ba thấy hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện vàng, đền đài, dinh thự, phủ kho miếu xã, vàng bạc châu báu, giường chiếu chăn màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt trước mắt. Sáng hôm sau, ai cũng kính lạ, đem hương hoa, thức ăn quí tới dâng mà xin làm bề tôi. Có văn võ, bá quan chia quân túc vệ, lập thành nước riêng. Hùng Vương nghe tin, cho rằng con gái làm loạn, bèn sai quân tới đánh. Quần thần xin đem quân ra phân nhau chống giữ. Tiên Dung cười mà bảo: “Điều đó ta không muốn làm, do trời định đó thôi, sinh tử tại trời, há đâu dám chống lại cha, chỉ xin thuận theo lẽ chính, mặc cho đao kiếm chém giết”. Lúc đó, dân mới đến ở đều kinh sợ tản di, chỉ có dân cũ ở lại. Quan quân tới đóng trại ở châu Tự Nhiên, còn cách sông lớn thì trời tối không kịp tiến quân. Nửa đêm gió lớn thổi bay cát nhổ cây, quan quân hỗn loạn. Tiên Dung cùng thủ hạ, thành quách phút chốc bay tản lên trời, đất chỗ đó sụt thành một cái chằm lớn,. dân bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế, gọi chằm là chằm Nhất Dạ Trạch (nghĩa là chằm một đêm), gọi bãi là bãi Mạn Trù (bãi màn trướng), gọi chợ là chợ Thám còn gọi là chợ Hà Lương (Bản khác: Nhân dân gọi bãi cát đó là bãi Tự Nhiên, gọi chợ là chợ Hà Thám) (1) […] Thần tích xã Đa Hòa kể thêm: Hai người (Chử Đồng Tử và Tiên Dung) đi chu du. Một hôm, đến địa đầu Ông Đình, thuộc địa phận Đông An, bỗng gặp một người con gái khoảng 18, 19 tuổi, có sắc đẹp tuyệt trần. Tiên Dung bảo Chử Đồng Tử: Người đó có phải chàng định lấy làm vợ bé chăng ? Đồng Tử mỉm cười, Tiên Dung hiểu ý đến nói với con gái rằng: Nàng là tiên hay là người tục. Lang quân ta là người tài mạo tuyệt vời, nàng làm thiếp thật xứng đáng thay. Ta tuy là con gái vua nhưng không hề đố kỵ, không kiêu căng, ta với nàng làm chị em chẳng vui lắm sao ? Người con gái nói: Tôi chính là tiên nữ Tây Cung mà vợ chồng đã học thành tiên, không hẹn mà gặp, do trời chăng hay do người. Tiên Dung nói to, đó là trời thôi, rồi kết làm chị em, đến chỗ Chử Đồng Tử làm lễ giao kết, yến tiệc vui vẻ, tưng bừng. Lúc đó, ở Ông Đình có 5, 6 người chết vì bệnh dịch. Đồng tử dùng gậy chỉ vào những người chết đều sống lại, ăn nói như thường. Tây Cung lấy một tờ giấy trắng viết một chữ đỏ và đốt tàn cho những người bị dịch uống, hàng trăm người đều khỏi cả. Về sau, khi vua Hùng (Tuệ Vương) cho quân đến đánh dẹp ở bãi Tự Nhiên, cả ba (cùng với mọi thứ) đều bay lên trời, được dân chúng lập đền thờ cả ba vị: Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung (Nội Trạch Tây Cung công chúa huyền diệu tôn thần). II. ĐỌC CHẬM MỘT SỐ THÀNH TỐ CỦA Như trên đã giả thiết, truyện Chử Đồng Tử được coi là một tổng thể các biểu trưng. Nói cách khác, truyện là một tác phẩm “luận đề”, tích hợp những tình tiết-nhân vật để nói lên một nội dung tư biện. Chính vì vậy, những tình tiết trong truyện được tiếp cận như là những thực tại văn hóa hơn là các thực tại lịch sử. 1. Chử Đồng Tử là một cái tên nhân vật mà nghĩa đen của nó là “Cậu bé ở bến sông”. Chữ Đồng Tử ở làng Chử Xá “cạnh con sông lớn”, cha là Chử Cù Vân/ Chử Vi Vân. Cuộc đời của cậu bé này là chuỗi ngày đi từ khổ nạn này đến khổ nạn khác: Nhà bị hỏa hoạn, cha con chỉ còn một cái khố, cha ốm qua đời: Chữ Đồng Tử nhường nốt cái khố duy nhất cho cha để trở thành cậu bé trần truồng, suốt ngày phải dầm mình duới sông, câu cá bán và nương theo thuyền buôn để xin ăn… Điều này phải chăng biểu thị chặng khởi đầu của một người đã tự phát tâm tu hành. Ở đó, sự buông xả là chìa khóa đi vào pháp môn nhà Phật: lấy xả kỷ làm đầu – xả tất cả, đoạn trừ ngã và ngã sở, bỏ hết tri kiến, dẹp sạch mong cầu, lấy bi làm căn bản (thương cha, nhường khố cho cha), lấy tùy hỉ chúng sanh làm hành động tiếp xúc (ngâm nửa người dưới sông nước, câu cá / bán cá, nương theo thuyền buôn xin ăn) và lấy từ làm môi trường sinh hoạt. Nói chung khởi đầu của người tu hành là trở về với chính mình và buông xả… 2. Tiên Dung: Theo truyện, đây là công chúa (Mỵ Nương) của vua Hùng, song điều dễ nhận ra ở đây, tên này chỉ ra một cô gái có dung mạo đẹp như tiên mà theo cách hiểu của nhà Phật là Thiên nữ, thuộc hạng bậc thượng thủ trong tập hợp Tứ sinh lục đạo (Thiên, Nhân, Atula, Súc sanh, Ngạ quỉ, Địa ngục) hay trong Bát bộ chúng: Thiên, Long, Dạ xoa, Atula, Ca lâu la, Càn thát bà, Khẩn nala, Ma hầu la già. Về tính cách / tư chất, Tiên Dung là nhân vật tự do (tiêu dao tự tại), không dính mắc vào những triền phược nhân thế (công chúa con vua Hùng), lấy cuộc sống làm vui (an lạc với đàn sáo, ca nhạc…), sống trên con thuyền bềnh bồng xuôi ra biển Đông và tự ý kết hôn với Chử Đồng Tử, bất chấp mọi sai biệt sang-hèn, tông tích và thân phận… Đặt vào bối cảnh lịch sử – xã hội thời bấy giờ như trong bản truyện nêu ra thì đây quả là một trường hợp đặc dị. Bởi vậy, trường hợp này có thể hiểu nhân vật Tiên Dung như là một biểu tượng về một loại phẩm hạnh tôn quí mà phương tiện gọi là Tiên Dung / Thiên nữ. Cứ vào “cái nhìn” của người tu Mật tông về nhân sinh và vũ trụ thì yêu cầu chính yếu là: – Lấy vũ trụ làm nhà – Lấy thiên nhiên làm bằng hữu – Lấy chúng sinh làm quyến thuộc – Lấy vạn hữu làm nhơn tâm (3) Điều này xét về cơ bản là khá đồng nhất với tính cách nhân vật Tiên Dung. 3. Vây màn trướng để tắm: Việc tiên Dung dừng thuyền dạo chơi trên bãi cát, ra lệnh vây màn trướng ở khóm lau để tắm mở đầu cuộc kỳ ngộ với Chữ Đồng Tử để rồi sau đó, Tiên Dung bảo Chử Đồng Tử tắm rửa sạch sẽ, ban cho quần áo mới, kết làm vợ chồng, đưa xuống thuyền mở tiệc ăn mừng. Rõ ràng tình tiết này rất thô tục để đáng gọi là cuộc giai ngộ, nếu xét về cách dựng truyện trong bối cảnh lịch sử thời xa xưa đó. Song, xét về nghi thức chuyên biệt của Mật tông – gọi là nghi quĩ, khi chuẩn bị nhập thất, tức nổ lực nội công phu ở Đạo tràng / Mạn đà la thì luôn luôn đòi hỏi người tu tập phải tắm gội sạch sẽ, thay y phục mới. Chẳng hạn người tu tập Đà la ni cần thành tựu thì “trước cần tắm rửa sạch sẽ, nên mặc y thanh tịnh”. Kinh Tì tất Địa nói: “Ba thời tắm rửa đầy đủ 3 y (…) Nếu không như pháp tẩy tịnh, tức không có linh nghiệm” (4). Điều này được qui định trong nghi thức Phật giáo, đặc biệt nhấn mạnh trong các nghi quĩ Mật tông. Nói chung như trong Luật đã nói: “Tránh sự bất tịnh trong bất cứ trường hợp làm Mạn đà la”. Lại nữa, việc chọn địa điểm để thiết lập Mạn đà la / Mạn trà la cũng phải chọn những vùng đất tịnh sạch. Điều này được ghi rõ trong kinh Mật tông. Cứ theo kinh Thủ hộ quốc chủ giới chủ Đà-la-ni chẳng hạn… “Thiện nam tử, lúc muốn kiến lập mạn-trà-la, trước tiên phải chọn lựa đất đai, hoặc trên núi, hoặc nơi đồng trống, chỗ đất ấy có món món cây trái, có nhiều hoa thơm, đất bằng phẳng lập được. Hoặc ao trong sạch, đầm trong lặng, suối sông đầy tràn, nơi đó lập đạo tràng mạn trà la, chư Phật thường khen ngợi. Hoặc bên bờ sông lớn, ao rừng có hoa sen trang nghiêm, hoa ưu-bát-la, hoa câu-vật-đầu, hoa ba-đầu-ma, hoa phân-đàn-lợi, lại có le le, nhạn, uyên ương, bạch hạc, khổng tước, oanh vũ, xá lợi, cu chi la.v.v… Các loại chim vi diệu bay nhóm trang nghiêm. Hoặc là chư Phật hay Bồ tát, Độc giác, Thanh Văn thường dừng trụ khen ngợi chỗ ấy là thanh tịnh” (5) Đoạn trích dẫn trên cho thấy khá xứng hợp với tính chất “thanh tịnh” của cảnh quan cái bến sông mà Tiên Dung cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, ra lệnh vây màn trướng ở khóm lau để “tẩy tịnh” và kỳ ngộ Chử Đồng Tử: kết làm vợ chồng. 4. Tiên Dung dẫn Chử Đồng Tử xuống thuyền mở tiệc ăn mừng. Nói về việc chọn nơi thanh tịnh kiến lập đàn tràng, trong kinh Chuẩn Đề Đà la ni (hội thích) cho chúng ta biết rằng: “Nếu tại núi non, trên hang đá, hoặc tại lầu các, hoặc trên thuyền, được chỗ đạo xứ của tất cả hiền thánh thì chỉ lấy năm món tịnh thoa đắp” (5). Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng việc “mở tiệc ăn mừng” trên thuyền biểu thị nghi thức nhập đàn tu tập. 5. Đi buôn – Học đạo ở Quỳnh Viên: Chử Đồng Tử theo lời khuyên của một người lái buôn giàu, được Tiên Dung đồng thuận, ra hải ngoại buôn bán. Chử cập thuyền núi Quỳnh Viên dạo chơi và gặp được nhà sư Phật Quang / Ngưỡng Quang, Chử được nhà sư truyền dạy đạo pháp. Ở chi tiết này của truyện, ta chú ý đến pháp danh của nhà sư: Phật Quang / Ngưỡng Quang, bởi nó tuồng như một cách gọi biểu thị cho Đại Nhật Như Lai, được tôn là Tổ pháp của Mật tông (7). Như chúng ta biết, Đại Nhật Như Lai là chủ tôn của cả hai bộ Mạn đà la quan yếu của Mật tông là Kim Cương giới và Thai Tạng giới. Đại Nhật Như Lai (Tì lô giá na / Maha Vairocana) là Mặt Trời Lớn, có nghĩa là Quang Minh biến chiếu: Ánh sáng chiếu khắp nơi nơi. Đến đây, chúng ta hiểu rằng Chử Đồng Tử đã tu chứng / đắc pháp với bản tôn Đại Nhật Như Lai / Quang Minh biến chiếu mà biểu hiện cụ thể là được nhà sư Phật Quang / Ngưỡng Quang ban cho cây gậy và chiếc nón, những bảo vật được nhà sư xác định rằng: “Linh thiêng là ở những vật này đây”. Trong bản Đa Hòa xã thần tích ghi rằng: Chử được ban “nón, gậy, một đạo thần chú”. Chúng tôi lưu ý đến chi tiết đạo thần chú đã chỉ ra rằng Chử đã tu theo phái Chân ngôn tông / Mật tông. 6. Gậy và nón: Trong các truyện u linh / chích quái / truyền kỳ xứ ta, cây gậy thường hàm chứa các pháp thuật (sinh tử / Tản Viên; quyền phép vạn năng / Từ Đạo Hạnh, làm ra nước/ Man Nương…) có thể liên hệ đến các loại khí trượng phổ biến trong đồ tượng học Bà La Môn và Phật giáo (Danda của Siva; Gada: quyền trượng; Khatvanga: gậy lễ; cô lâu trượng có công năng sai khiến tất thảy quỉ thần; Minh triết trượng, Tích trượng: Trì vật của Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Bất Không Quyển Sách, Phật Dược Sư…) Về cây gậy, chúng ta sẽ trở lại trong một bài viết khác, ở đây nêu ra việc này cốt để nói sự khác biệt không chỉ là cây gậy / cây trượng mà là gậy – nón. Sự gắn kết 2 vật gậy – nón này, đến nay vẫn còn là điều cấm kỵ của nhân dân quanh khu vực thờ tự Chử Đồng Tử (Dạ Trạch hóa từ, Đa Hòa, Hải Hưng): Dân làng thường kiêng không úp nón lên gậy, lên cán cuốc, vì làm như vậy là xúc phạm đến thần (thần ở đây là bộ ba Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung) (8). Xét về hình tướng thì nón trắng úp trên cây gậy cắm xuống đất là cây dù / lọng và hẳn đó là “Bạch tản cái”; và nói nhanh đó là “Bạch tản cái Phật đỉnh” (Sitata paitra usnisa), có nghĩa là “cái lọng trắng tinh của Phật đỉnh”, biểu thị đức tính Đại bi trắng của Phật. Kinh Nhất tự đỉnh Luân vương có ghi: “Lúc bấy giờ đức Phật Thích Ca hiện thân thành Phật Đỉnh Vương (Usnisa Ragan) đứng dưới cái lọng trắng che trùm ba ngàn Đại thiên thế giới” (9). Trong Mật giáo, Phật Đỉnh Tôn (Usnisa Spaskata) là cá tôn hình, biểu hiện cho sự tối thắng của Phật Trí (Budha Jnana) thông qua hình thái Chuyển Luân vương (Cakravartin) thống lãnh bốn châu thiên hạ, do Đức Thích ca Như Lai nhập vào Chuyển Luân Vương Tam Ma Địa mà thị hiện (9). Nói tắt, Bạch Tản cái là “tam ma da hình” (các vật biểu trưng / biểu thị như khí trượng, trì vật, ấn kế…) của bản thệ chư Phật, Bồ tát. Hình tam ma da thường được dùng để biểu thị tôn hình chư Phật, Bồ tát tương ứng trong Mạn đà la (loại mạn đà la không vẽ tôn hình, hoặc không dùng chủng tử để biểu thị chư Phật, Bồ tát mà dùng các biểu trưng / tam ma da hình thì gọi là “Tam ma da mạn đà la”) (10). Đến đây, việc Chử Đồng Tử được Phật Quang ban cho gậy-nón có nghĩa là Chử đã hóa nhập chứng đắc Bạch tản cái. Nói cách khác, theo Huyền Thanh :”Bạch tản cái biểu thị cho quả đắc thành tựu do công năng tu hành, là đại bi vạn hạnh hay làm tươi tốt muôn điều lành” (11). 7. Cắm trượng – che nón: hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện vàng: Tam ma da trong Mật giáo là bản thệ (thệ nguyện ở nhân vị) của chư Phật, hoặc Bồ tát, hoặc chư tôn, có 4 nghĩa: bình đẳng, bản thệ, trừ chướng và kinh giác. Nói theo bản chất của Phật và chúng sanh thì cả hai hoàn toàn không sai khác (bình đẳng), cho nên Phật phát thệ khiến tất cả chúng sanh khai ngộ thành Phật (bản thệ), chúng sanh nhờ năng lực gia trì của Phật mới diệt trừ được phiền não (trừ chướng), tâm mê của chúng sanh cũng theo đó mà thực tỉnh (kinh giác). Trong đó, nghĩa bình đẳng là trung tâm. Cương lĩnh quan yếu hàng đầu của Mật tông là vừa tu vừa độ, tức đồng thời chủ vào cả bi lẫn trí. Mục đích tu là cứu độ chúng sanh chứ không phải để giải thoát cho riêng mình. Do đó, tất tất là nhắm vào lợi lạc chúng sanh và rốt ráo là dựa vào bi nguyện của chư Phật, Bồ tát, đem tất cả công đức của mình để chuyển hóa cho người, khiến nghiệp dữ trở thành lành, hướng về chánh pháp tu hành. Với mục đích như vậy, nên Chử Đồng Tử và Tiên Dung sau khi đắc đạo liền bỏ hết cơ nghiệp “tìm thầy học đạo”. Trên đường viễn hành, họ cắm trượng, che nón để trú thân: “Đến canh ba thấy hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện vàng, đền đài, dinh thự, phủ kho miếu xã, vàng bạc châu báu, giường chiếu chăn màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt trước mắt.” Rõ ràng, đây là sự miêu tả thế tục hóa về một đàn tràng mà Chử Đồng Tử và Tiên Dung thiết lập trên bãi Mạn Trù ở đầm Nhất Dạ. Cái tên còn lưu lại “bãi Mạn Trù” (bãi Màn Trướng) cũng gợi ra cho chúng ta hình ảnh của việc trần thiết một đàn tràng được miêu tả trong phần lớn các nghi quĩ Mật tông (hay một nghi lễ thuộc khoa nghi Phật giáo) (12). 8. Tất thảy mọi thứ phút chốc bay tản lên trời: Mục đích tối hậu của Mật tông là giải thoát cho mình và giải thoát cho người. Mục đích phải tu thành Phật bằng phương tiện trì chú / chơn ngôn ngay trong kiếp này. Ngoài tự lực, người tu còn nhờ cầu vào tha lực, sức hổ trợ vô hình từ các cõi xuất thế gian đưa đến bằng chú. Chú giúp người ta tìm các giải thoát mau chóng và giúp người khác cùng tinh tấn với ta. Còn các lợi ích khác như có thần thông, trừ tà ma, chữa bệnh chỉ là phụ. Chính vì vậy, hiệu quả thần thông của gậy-nón là biến hóa nên thành quách, lầu đài hoành tráng … như truyện kể. Song ở đây việc phút chốc mất đi tất thảy những thứ mỹ lệ đã hiện ra trước mắt đó đã hiển hiện điều cốt lõi của giáo pháp: các pháp từ nhân duyên sanh, không có tự tánh. Đối chiếu với Thập duyên sanh cú (phẩm Trụ tâm / kinh Đại Nhật I), chúng ta thấy thành quách, lầu điện biến mất trong truyện Chử Đồng Tử khá tương đồng với thành Càn thát Bà: Cung điện ngoài biển cả do khí của con trai ánh lên sáng mặt trời hiện ra, tức mắt ta có thể thấy được (truyện Chử Đồng Tử: la liệt trước mắt) nhưng không có thật (13). 9. Các tình tiết ở Đa Hòa: Khi Chử và Tiên Dung vân du đến xứ sở này, Chử được Tiên Dung “cưới” công chúa Tây Cung (cũng là một tiên nữ) làm vợ hai và cả hai (Chữ và Tây Cung) dùng gậy và bùa chú cứu dân bị dịch bệnh. Việc dùng phù chú để cứu bệnh trừ tà, tăng ích, tăng thọ mạng, bồi đức, tiêu tội là phương tiện đem lợi lại cho quần sanh và cũng là giúp cho họ chuyển nghiệp từ dữ sang lành, giải được nghiệp để sớm giải thoát. Ở đây câu chuyện kể phần nào nghiêng qua tính chất khế cơ, dĩ huyễn độ chân. Riêng việc cưới tây Cung làm vợ hai, xét về mặt tình tiết truyện là quá đơn giản và xem ra … bất thường, nhất là đối với tư cách một tu sĩ và thế giá của một bậc cao tăng như của Chử Đồng Tử lúc đó. Điều này chỉ có thể giải thích theo hướng coi tình tiết đó chỉ là phương tiện để biểu hiện khái niệm Tam thân (Trayal kayal: Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân) làm cơ sở cho việc thờ tự bộ Tam tôn Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung. Ở dị bản Thần tích xã Đa Hòa, với các chi tiết được tăng bổ này, rốt ráo, kết truyện thì cả ba cùng bay lên trời, tức đều đạt chánh quả như truyện chép trong Lĩnh nam chích quái. Qua việc đọc chậm trên đây, chúng tôi đã chọn một số tình tiết cơ bản của truyện Chử Đồng Tử để xem xét dưới cái nhìn đối chứng với pháp tu Mật tông. Rõ ràng là còn nhiều thành tố khác cần phải xem xét nữa mới có thể coi là tường tận, điều kiện thiết yếu để đạt được sự tường minh. Chẳng hạn việc Tiên Dung kết hôn với Chử để đồng tu là vì lý do gì. Trong truyện Man Nương mà chúng tôi đã một lần “đọc lại” (14), có chi tiết kể về lời đáp của Khâu Đà La với thỉnh cầu thân phụ Man Nương: “Nguyện được một câu nửa lời để làm sạch mình”. Khâu Đà La đáp: “Sảy cám lấy tấm, ngày tối bốn phương đổi ngôi vì chưng mắc lòng mê ! Lòng mê thì mắc phàm trái thánh. Nhưng còn con gái A Man (Man Nương) tuy là thân nữ, nhưng có lòng đạo, nếu gặp được một người nam thì thành pháp khí lớn”. Tại sao Man Nương phải có một người đàn ông nam giới mới tu chứng được là điều tôi đã một lần lý giải. các bạn có thể đọc lại để hiểu ý nghĩa của việc Tiên Dung kết đôi vợ chồng với Chử Đồng Tử. Chắc chắn là còn nhiều thành tố khác của truyện cần bàn và nói chung tất thảy những gì đã luận giải trên cũng cần được bàn luận thêm, bởi đây cũng chỉ là một cách đọc, một cách luận giải theo căn duyên của một người. Chú thích: (1) Vũ Quỳnh – Kiều Phú: Lĩnh (2) Thần tích xã Đa Hòa (Đa Hòa xã thần tích: Chữ Đồng Tử cập Tiên Dung Tây Cung nhị vị ngọc phả). Nguyễn Bính soạn vào thế kỷ XVI. Bản dịch của Đỗ Thị Hảo – Trong Tứ bất tử của Vũ Ngọc Khánh – Ngô Đức Thịnh. Nxb VHDT, H., 1990, tr 58; 68-72. (3) Avaram Ram Ham Kham / Mật Nghiêm: Mật tông vấn đáp, knxb,1992, tr 59 (4) Xem Kinh Chuẩn Đề Đà La Ni (hội thích) / Thích Viên Đức dịch. Chùa Dược Sư ấn tống, Ban Mê Thuột, 1973, tr 42 – 43 (5) Kinh Thủ Hộ quốc giới chủ. Bản dịch của Thích Thông Đức, knxb, tr 254-255 (6) Kinh Chuẩn Đề Đà La Ni (hội thích), sđd, tr 44-45. Ở đây, ý nói ở những nơi đặc biệt như vậy thì không cần đào đất để lọc bỏ các thứ tạp (tóc, lông, xương cốt, tro than, trùng kiến…) để lấy đất sạch đắp thành đàn / Mạn đà la, mà chỉ cần lấy 5 món tịnh (cù ma di: phân trâu ở núi Hy Mã Lạp Sơn, Ngưu thủy: nước tiểu thơm của loài trâu nói trên, sữa chưng chín, sữa tươi và bơ. Các kinh khác gọi chung là ngưu huỳnh), thoa lên đó là đúng pháp. (7) Mật tông vấn đáp, sđd, tr 29 (8) Vũ Ngọc Khánh – Ngô Đức Thịnh, sđd, tr 63 (9) Đại Phật đỉnh thủ lăng nghiêm. Bản dịch của Huyền Thanh. Nxb Tôn Giáo, 2006, tr 33 (10) Từ điển Phật học Huệ Quang. Thích Minh Cảnh chủ biên, 1994, quyển 7, tr 624 (11) Đại Phật đỉnh thủ lăng nghiêm, sđd, tr 587; xem thêm Bạch tản cái Phật đỉnh và Bạch tản cái thần chú, trong Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd, tập 1, tr 371-372 (12) Xem thêm Mật tông Phật giáo. Bản dịch Thích Quảng Trí và Huyền Thanh. Tập 1-7, knxb, PL 2544. (13) Từ điển Phật học Huệ Quang, sđd, tập 9, tr 7826; tập 2, tr 64: Càn Thát Bà thành (Phạn: Gandharvanagara, Hán dịch: Tầm Hương thành): lầu các, sông núi, đồng trống không có vật thể, chỉ là ảo ảnh xuất hiện trong không gian. Theo truyền thuyết thành Càn Thát Bà là thành quách do Càn Thát Bà hóa hiện trong hư không. Có người cho rằng mật độ không khí ở biển, sa mạc và vùng hoang dã nhiệt đới khi thay đổi đã làm cho ánh sáng bị khúc xạ mà phát sinh ra hiện tượng “lầu sò chợ bể”. Trong các sách kinh điển Phật giáo, Càn Thát Bà thành thường được sử dụng để chỉ cho các pháp không thật. Luận Đại trí độ 6 (Đại 25, 103 trung) ghi: Hiện tượng mắt có thể thấy được nhưng không có thật, gọi là thành Càn Thát Bà. Càn Thát Bà thành không chỉ thuộc Thập câu duyên sinh mà còn là một trong Thập dụ: 1/ Huyễn dụ (không thật), 2/ Diệm (sóng nắng), 3/ Thủy trung nguyệt (bóng trăng trong nước), 4/ Hư không, 5/ Hưởng (tiếng vang), 6/ Càn Thát Bà thành, 7/ Mộng (chiêm bao), 8/ Ảnh (hình bóng), 9/ Ảnh trung tượng (hình bóng trong sương); 10/ Hóa (các vật do phép thần thông biến hóa) (14) Huỳnh Ngọc Trảng: Đọc lại truyện Man Nương. Báo Văn hóa Phật giáo, số 3, 2007, tr 43-47. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com