ĐOÀN CẢI LƯƠNG MIỀN NAM ĐẦU TIÊN RA DIỄN ĐẤT BẮC (SAU 30/4/1975)
* Mai Quân
Ngay sau ngày 30/4/1975, nhóm hát vở Đời cô Lựu được hình thành. Sau khi thành lập, Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 và Sài Gòn 3, nhóm Đời cô Lựu ngưng biểu diễn và làm nòng cốt cho Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 ra đời. Với lực lượng đào kép hùng hậu như chú Năm Châu, cô Bảy Phùng Há, chú Ba Vân, Thành Được, Phượng Liên, Tô Kim Hồng, Thanh Nguyệt, Trường Xuân, Nam Hùng, Hề Minh, Tư Hề… Đoàn được anh chị em trong giới phong cho danh hiệu Anh Cả Đỏ. Đoàn chuẩn bị trong mấy tháng được các vở: Đời cô Lựu, Người em ven đô, Bình Tây Đại nguyên soái. Mạnh Lệ Quân và một vài vở khác…
Một ngày kia, đồng chí Tư Trương (Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TP. HCM) nói với tôi: Do yêu cầu cần thiết, nay sở điều động Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 ra diễn phục vụ đồng hào miền Bắc. Sở phân công Năm Triều (tôi), đồng chí Huỳnh Nga theo hướng dẫn Đoàn, các đồng chí cùng ban phụ trách Đoàn là Nguyễn Đạt (Trưởng đoàn) và ngọc Đỉnh (Phó đoàn) chịu trách nhiệm về sự thành công của Đoàn trong chuyến đi lưu diễn này. Các đồng chí cố gắng!
Theo kế hoạch, Đoàn sẽ diễn tại Hà Nội trước (rạp Công Nhân) rồi đi về các tỉnh phía Nam Hà Nội. Nhưng vì rạp Công Nhân khi đó kẹt nên điểm đầu tiên của Đoàn chuyển lên Hải Dương. Đoàn đến thị xã Hải Dương vào lúc chạng vạng tối, chúng tôi chia ra ở nhà đồng bào, mỗi nhà vài ba người. Các gia đình điều tiếp chúng tôi hết sức niềm nở, ân cần. Sáng hôm sau, tôi hết sức bất ngờ, bất ngờ đến sững sờ khi nhìn lên bàn thờ, tôi thấy treo năm bằng liệt sĩ, 5 bức ảnh thanh niên son trẻ. Tôi hiểu ngay đây là những người trai đi bộ đội vào chiến đấu ở miền Nam đã anh dũng hy sinh. Là người trong cuộc, tôi biết trong cuộc chiến đấu vừa qua, miền Bắc đã cùng miền Nam chiến đấu, cùng chịu gian khổ hy sinh, nhưng tôi không thể hình dung được một gia đình có đến năm người con đóng góp máu xương cho công cuộc giải phóng miền Nam.
Bữa trưa hôm đó, có gì đó khang khát hơn mọi khi. Thường thì bữa cơm của nghệ sĩ, hàn huyên thôi đủ mọi chuyện, sao hôm nay, ai cũng trầm tư. Hỏi ra thì nhà nào cũng có bàn thờ và những tấm bằng liệt sĩ.
Anh chị em cũng bị bất ngờ và xúc động như tôi, nhất là những người như chú thím Ba Vân, Nam Hùng, Thành Được, Tô Kim Hùng, Phượng Liên, Thanh Nguyệt… là những nghệ sĩ sống cả đời cho nghệ thuật, ít quan tâm đến chuyển biến ngoài đời, không sao hình dung được bao nhiêu máu xương đã đổ ra để tạo nên ngày chiến thắng, càng không hình dung được sự đổ máu của miền Bắc cho miền Nam để Tổ quốc ta bây giờ thống nhất. Nói không quá đáng, chính hình ảnh này đã uốn nắng lại tình cảm của không ít anh chị em còn mơ hồ về tình cảm và con người miền Bắc.
Nhà hát nhân dân Hải Dương chứa 5, 6 nghìn người đêm nào cũng chật ních. Diễn đến đêm thứ 6, tôi ngạc nhiên nghe Ban tổ chức nói vẫn chưa bán vé cho các cơ quan đoàn thể, cho tổ chức), thì các bạn hình dung sự ái mộ của khán giả Hải Dương đến mức nào. Khi về đến rạp Công Nhân ( Hà Nội) thì gặp đợt gió mùa đông Bắc, Ban tổ chức rất thương nghệ sĩ, đã đem vào hậu trường một số lò sưởi, nhưng diễn viên vẫn vừa ca diễn, vừa run.
Những ngày ở Thủ đô, chúng tôi có đến thăm nhà bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; chị Hà Nhân – Cục trưởng Cục Tổ chức Biểu diễn. Đặc biệt khi đến thăm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 51 Trần Hưng Đạo, bác Lưu Trọng Lư, Tổng Thư Ký Hội nói với tôi: Dịp này, có một chuyến đi thăm Liên Xô, Ban Thư ký đã bàn rồi, muốn cử bác Ba Vân đi với đoàn thăm Liên Xô, hỏi ý bác có ưng đi không? Tôi nói lại với bác Ba, bác hỏi tôi một câu xanh dờn: Bả có đi với tôi không? (Tức thím Ba Vân). Tôi nói: Đây là phái đoàn chính thức, bác gái đâu có đi được. Bác Ba nói: vậy thì xin cậu nói dùm với anh Lư, tôi cám ơn, không đi được! Rồi bác cười hề hề: Cậu biết quá mà, không có bả thì tôi làm sao sống một mình được.
Một hôm, có một đồng chí thanh niên đến tự giới thiệu: Tôi là Mười Lâm, thư ký riêng của anh Hai Hùng (Tức đồng chí Phạm Hùng, khi đó làm Phó Thủ tướng Chính phủ)). Anh Hai nghe Đoàn ra, anh rất quan tâm, nói tôi đến đây, trước nói với anh em ra đây lạ nước lạ cái, chắc nhiều điều bỡ ngỡ, có gì thì liên lạc với tôi. Đây, số điện thoại của tôi… Sau nữa anh Hai mời một số anh chị em trong Đoàn sáng chủ nhật này đến nhà anh Hai chơi. Chúng tôi phấn khởi quá, lập danh sách đưa anh Mười, gồm Mai Quân, Huỳnh Nga, Nguyễn Đạt, Ngọc Đỉnh, chú Ba Vân cùng các đào, kép chánh của đoàn (khoảng 9, 10 giờ).
Sáng chủ nhật, anh Paul lái xe đưa chúng tôi lên tầng trên. Trước đó, anh Hai hỏi: Còn ai không? Chú Ba Vân nói: Chỉ còn tài xế là thăng Paul, nó là con anh Năm Châu. Anh Hai nói: Vậy Hả! Con anh Năm Châu hả? Mời lên luôn!… Anh Hai đích thân pha cà phê sữa đãi chúng tôi, đầu tiên anh Hai nói: Cháu là con anh Năm à? Hôm nay vắng mặt ảnh, cháu về nói lại với ba cháu, bác hơi phiền ba cháu đấy! Ba cháu với anh Tư Trang là đảng viên từ trước 1950. năm, 1945, bác có gặp ba cháu ở Cà Mau (địa điểm tập kết ở khu 9), có giao nhiệm vụ cho ba cháu. Nhưng sau này bác nghe ba cháu có gì lình xình ở trỏng, bác không được vui, nhưng rồi nghe kỷ lại, chuyện ba cháu đã được giải tỏa, bác cũng lấy làm mừng cho ba cháu. Về Sài Gòn, cho bác gởi lời thăm ba cháu!
Rồi anh Hai hỏi thăm sức khỏe chúng tôi khi ra Bắc. Anh căn dặn ráng giữ ấm, đừng để lạnh dễ bị viêm khí quản… Anh Hai Hùng có thời gian dài hoạt động cách mạng trong Năm, đặc biệt anh thích Cải lương và thương yêu nghệ sĩ, nên câu chuyện rất rôm rả. Cuối cùng, khi tiễn chúng tôi ra xe, anh còn dặn: Có gì khó khăn, nhờ anh Hai giúp đỡ thì liên lạc với đồng chí Mười Lâm báo lại cho anh biết.
Chúng tôi ra về với cõi lòng phấn khởi khi được một vị Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp chuyện với cả tấm chân tình. Về chuyện liên lạc với đồng chí Mười Lâm nhờ giúp đỡ, thì có đấy! Câu chuyện như sau:
Một bửa nọ, đồng chí Doãn Triều, người bạn mới của chúng tôi ở Hà Nội đến mách bảo với chúng tôi” Ở một kho hàng Hà Nội có nhiều vải nhưng có thể may màn cho đoàn hát. Sài Gòn không có nhung, nay đoàn làm công văn mua cỡ 100 mét nhung của kho hàng chắc được. Chúng tôi làm văn thư. Nhờ đồng chí đi giao dịch dùm. Đồng chí trở về nói: Phải lên Sở Thương nghiệp duyệt. Lên Sở Thương nghiệp, các đồng chí không dám duyệt, nói là phải lên bộ nội thương! Biết là chuyện khó khăn chứ không đơn giản, chúng tôi bèn sử dụng đến số điện thoại của đồng chí Mười Lâm. Đầu dây bên kia anh Mười nói: Sáng nay, nhân một buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng có gặp mặt anh Hai rồi. Các anh chị yên tâm!…
Thế là chiều hôm đó chúng tôi mua được 100 thước vải màn nhung mướt rượt, cả đoàn mừng rơn, có được một kỷ niệm quý giá đáng nhớ của Hà Nội. Hồi ấy, cách nay gần 30 năm.
Sau Hà Nội, chúng tôi ra diễn ở Hải Phòng, Nhà hát nhân dân ở đây rất lớn. Ban Tổ chức bố trí chúng tôi ăn, ngủ tại Đồ Sơn. Sau đó là Sơn Tây. Sau đó, có đại diện công đoàn Khu gang thép Thái Nguyên đến yêu cầu lên Thái Nguyên diễn cho công nhân Khu gang thép. Oái oăm thay, không biết ai lộ bí mật là chúng tôi có vở tuồng Mạnh Lệ Quân (tuồng Tàu), nên các anh chị yêu cầu chúng tôi diễn vở ấy Cục biểu diễn có đề nghị chúng tôi đâu dám cãi lời. Trước yêu cầu ngày càng quyết liệt của anh em, anh Huỳnh Nga bàn với tôi và Trưởng đoàn Nguyễn Đạt: Tôi đề nghị mình cứ diễn, tôi xin chịu trách nhiệm với Cục, không để các anh lâm nạn đâu! Tôi nói: Nghe chị Cục trưởng Hà Nhân nguyên tắc và khó lắm! lỡ có gì nguy lắm!… Huỳnh Nga cương quyết: Tôi bảo đảm có bùa trừ! Đêm diễn rất thành công, nhưng sáng hôm sau, Huỳnh Nga kêu tôi dậy sớm về Hà Nội, về Cục biểu diễn. Hỏi anh bùa trừ ra sao, anh nói: Thì xin chịu phạt trước Cục trưởng, kỷ luật sao cũng chịu, miễn đáp ứng được giai cấp công nhân là mình thấy vui! Cũng may, chị Hà Nhân kỳ này tỏ ra dễ dãi sau khi anh Huỳnh Nga trình bày. Sẵn trớn, anh đặt vấn đề luôn… Số là các đoàn hát ở Sài Gòn xưa nay đều có bàn thờ Tổ, các đoàn miền Bắc thì không có tục lệ đó. Đoàn hát đi, đào kép không chịu để bàn thờ Tổ lại. Chúng tôi dung hòa bằng cách mang bàn thờ Tổ theo, nhưng để phía sau xe hàng và cho bàn thờ quay lưng ra ngoài. Nhìn phớt qua, không ai biết là cái gì, cả cảnh sát cũng không biết luôn! Anh Huỳnh Nga đề nghị chị Hà Nhân chấp nhận cho phép xây bàn thờ Tổ lại… Chắc chị cũng nhứt đầu nên nói: Các anh cứ liệu mà làm, có ai hỏi, nói đoàn hát trong Nam ra, chắc không ai làm khó dễ gì đâu!
Nối gót công nhân Khu gang thép Thái Nguyên, công đoàn Mỏ Mạo Khê. Lúc này đã sang tháng 12, trời trở lạnh nhiều, nhiều ý kiến muốn đưa đoàn về Nam trốn rét. Chúng tôi bàn nhau, Mạo Khê không cách xa Vịnh Hạ Long mấy, chúng ta nên ra thăm Hạ Long viếng cảnh, ai cũng nôn nao chờ đợi. Đùng một cái, Huỳnh Nga ở Hà Nội về báo tin Hội nghị Trung ương Đảng đang họp, sắp bế mạc. Cục biểu diễn nghệ thuật có đề nghị chúng tôi về Hà Nội biểu diểu cho các đại biểu xem, nhưng cũng để ngỏ quyền quyết định do đoàn. Một phiên họp cấp tốc được triệu tập để lấy ý kiến chung. Tất cả mọi người điều xem đây là một vinh dự không dễ có, nhất trí bãi việc đi Vịnh Hạ Long để có thể về Hà Nội biểu diễn tại hội trường Ba Đình.
Sau đêm biểu diễn, đã cận đến Noel, nhiệt độ Hà Nội xuống đến 12, 13 độ. Đoàn chuẩn bị lên đường về Nam. Đêm cuối cùng trên miền Bắc, chúng tôi làm một tiệc liên hoan nhỏ. Có đồng chí nào đó đưa ý kiến: Mọi người phát biểu xem ấn tượng sâu sắc nhất của mình trong chuyến đi là gì?
– Nhân dân miền Bắc đối xử rất tốt với đoàn – có người nói.
Người khác nói:
– Lãnh đạo hết sức ưu ái, giúp đỡ đoàn.
Ai đó lên tiếng:
– Mạnh Lệ Quân, Bàn thờ Tổ và 100 thước vải nhung.
– Tách cà phê, sữa do chính tay Phó Thủ tướng pha! Một người nói.
Đào trẻ đẹp Tô Kim Hồng chậm rãi:
– Cho em nói, đó là những cái bằng liệt sĩ!
Có người vỗ tay, có người im lặng cúi đầu!…
|
Cập nhật ( 17/01/2010 ) |