MỘT ĐỘI NGŨ THANH THIẾU NIÊN PHỤNG SỰ XÃ HỘI PHẬT PHÁP
* Thích Thiện Thông
Tuổi trẻ là một nguồn lực mạnh mẽ và dồi dào cho sự phát triển của đất nước và Phật giáo. Một khi tuổi trẻ được định hướng và có đủ nhân cách thì tương lai của đất nước ngày một phồn vinh và sáng lạn. Bằng ngược lại nếu tuổi trẻ phóng túng sa đoạ, ăn chơi lêu lỏng, cờ bạc rượu chè hút chích, không hề đoái hoài tới tương lai của mình và vận mệnh của đất nước thì con em của chúng ta sẽ đi về đâu? Phật pháp luôn gắn liền cùng sự thịnh suy của đất nước, đồng hành cùng dân tộc để sinh tồn, có thể nói vận mệnh của dân tộc cũng chính là vận mệnh của Phật giáo. Vì vậy tình trạng thế hệ trẻ ngày một xuống cấp, suy thoái đạo đức, lệch lạc hướng đi, cũng là một trong những thao thức hàng đầu của Phật giáo chúng ta. Làm thế nào để có thể giúp các em có một tầm nhìn và hướng đi đúng đắn, xây dựng một tương lai vững bền tốt đẹp là trọng tâm của bài viết này.
I. Thực trạng xã hội:
Điều này có lẽ ai cũng có thể nhìn thấy, một xã hội ngày càng văn minh nhưng đạo đức ngày càng sa sút. Sự văn minh vật chất làm cho con người lao đầu vào công việc và danh lợi mà quên đi những yếu tố quan trọng khác, mà đó lại là những điều căn bản để xây dựng đạo đức và hạnh phúc bất chợt nhìn lại thì mọi việc đã quá muộn màng. Tuổi trẻ ngày nay vào đời rất sớm, nên sự tư duy có vẻ già dặn hơn, nhưng những điều đó chỉ nhầm vào mục đích làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền. Bởi vì có những người suy nghĩ nông cạn rằng có tiền sẽ có tất cả, những rồi họ vẫn sống trong đau khổ và trống vắng.
Chúng ta có thể chia tuổi trẻ làm 3 nhóm:
Nhóm 1: Không thích học hành, ham chơi quậy phá, hư hỏng không có nhân cách.
Nhóm 2: Học hành chăm chỉ, không màng các cuộc vui, tối ngày lao đầu vào sách vở để mong muốn thành đạt trong ngày mai.
Nhóm 3: Có học mà cũng có chơi, cân đối cuộc sống, không thiên lệch về bên nào, có tư duy, có cảm xúc với cuộc sống hiện tại.
Ba nhóm như vậy, 2 nhóm sau chúng ta có thể đưa vào khuôn khổ, còn nhóm thứ nhất thì rất khó uốn nắn dạy dỗ, phải có biện pháp vừa cứng rắn vừa mềm dẻo mới có thể xoay chuyển được đối tượng này. Trong tình hình hiện nay thì tuổi trẻ đa phần khó dạy, rất ương ngạnh và bướng bỉnh, các em sống với một phong cách rất riêng, rất khó thâm nhập nội tâm của chúng, đời sống gia đình thì ít gắn bó, mỗi người mỗi công việc, không thể và cũng không có thời gian để quan tâm dến chúng một cách chu đáo được. Bên ngoài thì có biết bao trò quyến rũ, có biết bao cạm bẫy giăng mắc. Nếu Phật giáo chúng ta không nhiệt tình với việc xây dựng tuổi trẻ thì theo đà này tuổi trẻ sẽ rất dễ đi vào những con đường sa đoạ, đánh mất tương lai tươi sáng của mình.
II. Làm thế nào để gần gủi với tuổi trẻ:
Muốn gần gủi được chúng, chúng ta phải hiểu được chúng muốn gì. Tâm lý của tuổi trẻ là muốn vươn lên và khẳng định mình. Đó chính là những tố chất giúp cho tuổi trẻ mạnh mẽ và quyết liệt. Nếu được khai hoá đúng chỗ, chúng sẽ trở thành một nguồn lực vô cùng mạnh để giúp cho xã hội và cuộc đời. Ngược lại, tuổi trẻ cũng dễ nông nổi và chán nản, một khi không đạt được mục đích. Điều đó rất dễ đưa chúng vào cạm bẩy của cuộc đời.
Muốn đến với tuổi trẻ chúng ta thật sinh động và tâm lý, tạo cho chúng một sân chơi lành mạnh, vừa phát triển cơ năng vừa vận động cơ trí, giúp chúng thấy được giá trị của cuộc sống, thông cảm với nỗi khổ của nhân sinh, nhận ra con đường phía trước của mình, thì có khó khăn, cực khổ đến đâu chúng cũng dấn thân.
Hiện nay trong tổ chức của Phật giáo đã có một số mô hình gắn kết với thanh thiếu niên, như tổ chức gia đình Phật tử, Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử, nhưng nhìn chung thật sự chưa thật sự tạo tâm điểm cho giới trẻ và lôi cuốn chúng vào cuộc chơi. Dẫu rằng, thỉnh thoảng Giáo hội và các chùa có tổ chức các khoá tu mùa hè cho tuổi trẻ nhưng kết quả vẫn còn quá khiêm tốn.
Chúng tôi xin mạo muội đưa ra một mô hình tổ chức cho thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt Phật giáo. Đó là tổ chức một đội ngũ thanh thiếu niên phụng sự xã hội Phật pháp, kết hợp đời và đạo, vừa xây dựng thế gian vừa trang nghiêm giáo hội.
III. Mô hình tổ chức:
Đội ngũ thanh thiếu niên phụng sự xã hội Phật pháp này phải do đích thân vị trụ trì hướng dẫn, có thể thành lập ở mỗi chùa hoặc vài chùa hợp lại thành lập một đội. Đội này trên có đội trưởng 2 đội phó và dưới có các đội viên. Số lượng của đội không hạn chế. Có thể chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có một nhóm trưởng phụ trách. Công việc chính của đội là giúp những người nghèo khổ neo đơn, những gia đình khó khăn, những hoàn cảnh bất hạnh, những con người đau khổ. Chia thành những lãnh vực khác nhau. Có nhóm chuyên về lao động, có nhóm chuyên về tâm lý, có nhóm chuyên về kinh tế, có nhóm thông tin, có nhóm chuyên về tu học, có nhóm tuyên truyền vận động.
Đội ngũ này phải có nguồn quỹ căn bản để hoạt động, quỹ này có thể vận động từ các mạnh thường quân, các Phật tử hảo tâm và các tự viện. Sinh hoạt đều đặn, một tuần hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Tất cả mọi việc đều do vị trụ trì chỉ đạo và sắp đặt. Mỗi nhóm có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của mình được giao. Tuy mỗi nhóm một lãnh vực nhưng khi cần thì các nhóm có thể cùng nhau hỗ trợ.
Đội ngũ này hoạt động có cương lĩnh và chương trình và mục đích rõ ràng, có kỷ luật có khen thưởng, có huy hiệu, có đồng phục, luôn chủ động và linh hoạt tìm công việc cho mình. Một thanh niên nào đó tham gia, sẽ phải trãi qua một thời gian thử thách sau mới làm lễ kết nạp. Xã hội đang rất cần những đội ngũ như vậy.
IV. Mục đích, cương lĩnh và phương hướng hoạt động:
1. Mục đích phụng sự xã hội – Phật pháp
2. Cương lĩnh hoạt động: Đi đúng theo tinh thần Phật dạy, đem đạo vào đời, làm lợi ích cho tha nhân cách đạo đức của người Phật tử
3. Phương hướng hoạt động:
– Gây quỹ cho đội.
– Xây dựng đội ngũ vững mạnh.
– Hình thành các nhóm theo từng lãnh vực và khả năng của đội viên.
– Tìm đội viên mới
– Hành động theo mục đích và cương lĩnh của Đội.
– Luôn có kế hoạch thiết thực với lợi ích tha nhân,
– Đem hạnh phúc cho mọi người.
4. Hình thức gia nhập Đội:
Một thanh niên khi muốn gia nhập đội, phải trải qua một thời gian thực tập sau đó mới được tham gia chính thức và trở thành một đội viên qua một buổi lễ phát nguyện trước Tam bảo và các đội viên. Người đó phải phát nguyện rằng:
– Con nguyện quy y Tam bảo
. – Con nguyện đi đúng theo mục đích của đội
– Con nguyện luôn nỗ lực phấn đấu để trở thành một đội viên xuất sắc
– Con nguyện luôn hoà kính với mọi người.
– Con nguyện trung thành với tổ chức
Khi thấy tuỳ theo khả năng của người đó mà đội trưởng phân công vào các nhóm để phù hợp với công việc.
5. Hình thức kỷ luật – khen thưởng:
Chỉ có vị trụ trì mới đủ tư cách kỷ luật và khen thưởng các đội viên. Hình thức kỷ luật cao nhất là thu hồi thẻ đội viên và không cho sinh hoạt với đội.
6. Độ tuổi và điều kiện tham gia sinh hoạt:
– Từ 15 tuổi đến 45 tuổi, nam nữ đều được (dưới 18 tuổi phải có sự cho phép của cha mẹ).
– Không bệnh truyền nhiễm, không vi phạm pháp luật.
7. Tuyên truyền vận động:
– Giới thiệu chương trình sinh hoạt của đội với mọi người (trường học, công sở, các sân chơi… )
– In ấn một số tư liệu hoạt động để minh chứng.
– Lưu hình ảnh và tư liệu để quảng bá.
Có chương trình giao lưu các nơi để giới thiệu hoạt động.
Thết nghĩ, Phật giáo chúng ta ngày càng phổ biến trong nhân gian nhưng thật sự chưa cuốn hút được giới trẻ và đưa cúng vào quy trình trong đó có cả con em của những Phật tử thuần thành. Nếu không có giới trẻ tham gia, chúng ta sẽ không có lớp kế thừa hoằng dương chánh pháp và đạo tràng tu học của chúng ta sẽ rất dễ nhàm chán . Vì vậy cho nên, bản thân mỗi hoằng pháp viên chúng ta phải luôn thao thức vấn đề này, để tạo một môi trường thích ứng cho tuổi trẻ tu học, phụng sự và phát huy tài năng của mình một ccáh đúng đắn.
Nếu mô hình này được thành công và nhân rộng, chúng tôi tin tưởng rằng Phật pháp sẽ sống động mãi trong lòng mọi người, những gì tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, những gì tốt đẹp sẽ thăng hoa. Những người từng ngộ nhận về Phật giáo sẽ thay đổi cách nhìn. Tuổi trẻ sẽ có môt tương lai sáng lạn với một tâm hồn lành mạnh và vị tha.
Cập nhật ( 03/05/2011 )