KINH KIM CƯƠNG ỨNG DỤNG
* Chân Thường
Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là một phần của bộ Đại Tạng Kinh Bát Nhã, trong đó thâu tóm mọi tinh yếu của kinh Bát Nhã. Nói đến Kim Cương là nói đến một loại đá quý giá và kiên cố nhất, có thể phá vỡ bất cứ một vật gì mà không có gì phá vỡ nó được. Cho nên tên gọi Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là ý muốn nói đến trí tuệ Bát Nhã kiên cố, sáng ngời như kim cương bất hoại, phá tan mọi chấp trước, mọi tà kiếnđể đưa người từ bờ mê qua bến giác.
Kinh Kim Cương được xem như bộ kinh chỉ nam của Thiền tông, trước hết vì nhân duyên khiến Phật nói kinh này là do ngài Tu Bồ Đề đưa ra hai câu hỏi về cách hàng phục tâm và an trụtâm, tức là hai vấn đề mấu chốt mà một hành giả tu thiền phải đương đầu. Và nhân đó, Phật đã khai thị cho thấy thế nào là chánh kiến, chánh giác của người phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, để chúng ta nương vào đó mà hành trì, không bị lạc vào đường tà đạo. Kinh Kim Cương là một bản kinh chứa đựng tinh túy của đạo Phật, nhưng cũng là một bản kinh thực dụng nhất , những câu kệtrong kinh là những mũi tên chỉ đường cho ta biết thế nào là đúng hướng để đi theo.
Ngay phần mở đầu của kinh cũng nói lên điều này – kinh không bắt đầu bằng những hiện tượng siêu nhiên như việc phóng hào quang, thị hiện thần thông v.v.., mà bằng hoạt động bình thường của Đức Phật hàng ngày, đi khất thực, về ăn cơm rồi cất bát, rửa chân, trải tòa ngồi v.v… Có nghĩa Pháp Phật là ở ngay trong những hoạt động đời thường, không phải chỉ ở nơi lý thuyết cao siêu. Đây cũng là tôn chỉ của Thiền tông.
Ngài Tu Bồ Đề là một vị ở trong hàng Thanh Văn, muốn tiến lên quả vị cứu cánh của Bồ Tát, nên đãđặt câu hỏi với Đức Phật như sau: “Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải trụ tâm như thế nào? Phải hàng phục tâm như thế nào? “
Phật đã trả lời như sau:
– Bồ Tát phải hàng phục tâm bằng cách diệt độ hết tất cả chúng sanh muôn loài cho vào vô dư niết bàn, và tuy diệt độ vô biên, vô lượng như thế mà không thấy có chúng sanh nào là kẻ được diệt độ cả. Tại sao vậy? Vì Bồ Tát không thấy có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Ngài Tu Bồ Đề hỏi về cách hàng phục tâm, tại sao Đức Phật lại nói đến Bồ Tát diệt độ chúng sanh muôn loài cho vào vô dư Niết Bàn?
Khi nói về tâm, có thể nói tâm là cả một thế giới trong đó sinh ra đủ các loại niệm, nhưniệm ác, niệm thiện, niệm cao thượng, niệm thấp hèn v.v.. tương tự như trong pháp giới có những chúng sanh đủ loại như những loài noãn sanh, thấp sanh, hóa sanh, có hình sắc hoặc không hình sắc v.v… Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Tổ Huệ Năng đã nói như sau: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, chúng sinh đó là những chúng sinh trong tâm, như tâm tà mê, tâm giả dối, tâm bất thiện, tâm ghen ghét, tâm ác độc v.v… Nghĩa là đem ngay cái chánh kiến mà độ cho những chúng sinh tà kiến, phiền não, ngu si trong tự tâm.”
Vô Dư Niết Bàn là tâm không lặng thanh tịnh. Lúc chưa có niệm khởi, tâm là một nền tảng không lặng và thanh tịnh. Nhưng rồi từ nền tảng không lặng ấy, các niệm khởi lên trùng trùng điệp điệp, lúc ấy dùng chánh niệm hay sự tỉnh giác mà nhận diện các vọng niệm mà buông chúng đi, chúng sẽ tự tan trong nền tảng không lặng của tâm, đó là diệt độ chúng sinh cho vào cõi vô dư niết bàn.
Về cách an trụ tâm, Đức Phật nói như sau:
– Bồ Tát bố thí không nên trụ trước vào đâu cả,có nghĩa không trụ nơi sắc tướng, không trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí.
Phải sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc mà sanh tâm, không trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Phải nên sanh tâm không trụ vào đâu cả. Nếu như tâm còn có chỗ trụ, tức chẳng phải là tâm an trụ.
Có thể nói, tâm vô trụ chính là điểm chính yếu của kinh Kim Cương. Vì vô trụ cho nên không dính mắc, tuy ở trong niệm mà vô niệm, nhân đó mà có thể ngộ nhập được bản tâm thanh tịnh. Xưa kia Lục Tổ Huệ Năng khi được tổ Hoằng Nhẫn khai thị với kinh Kim Cương đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đã hốt nhiên đạt ngộ mà tán thán rằng: “Đâu ngờ xưa nay tâm mình vốn hằng thanh tịnh!”
Kinh Kim Cương dựa trên nền tảng của kinh Bát Nhã, nên những lời Phật chỉ dạy cho chúng ta biết thế nào là chánh kiến, chánh giác đều ở trên căn bản của trí tuệ Bát Nhã. Chúng ta cũng biết kinh Bát Nhã chủ yếu là nóiđến tánh Không trong ngũ uẩn cũng như trong tất cả các pháp. Do đó, cái thấy căn bản của một vị Bồ Tát là không thấy có tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
Thế nào là tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả?
Tướng ngã là thấy mình là thật, tướng nhân là thấy người là thật, tướng chúng sanh là thấy tất cả các loài là thật, và tướng thọ mạng là thấy có mạng sống tiếp nối trong một thời gian, hay nói cách khác, là thấy có sinh tử, sống chết.
Không có tướng ngã là biết thân này giả tạm nên không chấp vào ta hay những gì là của ta; không có tướng nhân là không phân biệt ta và người, có cái nhìn bình đẳng đối với tất cả; không có tướng chúng sanh là không có tâm tương tục theo những vọng niệm thế gian; không có tướng thọgiả là tỏ ngộ được tự tánh vô sinh vô diệt nơi mình, nên vượt ra ngoài sinh tử,sống chết.
Trong bốn tướng không này có thể nói chủ yếu nhất là không có tướng ngã, tức là đã thấy được tánh Không nơi ngũ uẩn của mình, nên nhân đó mà không thấy có tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
Trên nền tảng thấy biết tánh Khôngđó, kinh Kim Cương đã phá vỡ những chấp trước căn bản như sau:
* CHẤP TRƯỚC NƠI TƯỚNG
Đức Phật nói: “Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng! Nếu nhận thấy các tướng đều không phải tướng, chính là thấy Như Lai.”
Sắc thân ngũ uẩn cũng như mọi hình tướngđều là duyên hợp giả tạm, huyễn ảo, nên tuy thấy có hiện tướng, nhưng thực chất của tướng vốn là không tướng. Cho nên trong kinh Kim Cương nói, “Tướng không phải tướng,ấy gọi là tướng.” Vì sao? Vì “Sắc tức là Không” nên tướng vốn không phải là tướng, và“Không tức là Sắc” nên tuy bản chất là không nhưng duyên hợp vẫn còn đó, thì vẫn tạm gọi là tướng. Đó là cái nhìn thấu suốt, thấy rõ bản chất và hiện tượng cùng một lúc. Nếu chấp vào tướng mà cho là thật thì đó là tà kiến. Kinh nói: “Lìa hết mọi tướng, ấy gọi là chư Phật.” Ngay cả32 tướng tốt của Phật cũng chỉ là giả hiện, nếu chỉ tìm Phật nơi tướng Phật sẽkhông thể thấy Phật. Đức Phật nói:
Nếu dùng sắc cầu ta
Dùng âm thanh cầu ta
Ngườiấy hành đạo tà
Không thấy được Như Lai
Ở đây, NhưLai không có nghĩa là Đức Phật, mà có nghĩa là pháp thân thanh tịnh thường hằng. Trong kinh nói: “Như Lai là nghĩa chân nhưcủa các pháp.” “ Như Lai không từ nơi nào lại, cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai!”
Chúng ta hãy nhớ kỹ bài kệ này, để không rơi vào tà kiến, mải mê tìm Phật nơi hình sắc bên ngoài, mà quên đi Phật chính ở nơi tâm mình.
Ngài Vô Trước khi mới lên núi Ngũ Đài tu, nghe nói núi này là trú xứ của Văn Thù SưLợi Bồ Tát, nên thường mong cầu được gặp ngài một lần. Tuy nhiên Bồ Tát Văn Thù chẳng bao giờ thị hiện ra cho ngài thấy cả. Đến khi ngộ đạo rồi, một hôm VôTrướcđang nấu bếp, bỗng thấy Văn Thù Sư Lợi hiện ra bên trên nắp nồi cơm. Vô Trước lấy tay đánh đuổi, còn nói: “Dù Đức Phật Thích Ca có hiện ra, ta vẫn cứ đánh như thường!” Vì sao Vô Trước làm vậy? Vì, như kinh Kim Cương nóI: “Mọi hình tướng đều là hư vọng!” Trong Thiền môn có câu: “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” là vậy.
* CHẤP TRƯỚC NƠI PHÁP
Pháp Phật không phải là cái gì định sẵn, chỉ tùy nơi chúng sanh mà Đức Phật nói ra để khai ngộ cho thấy chân lý. Những lời Phật nói hay kinh điển chỉ là phương tiện, như chiếc bè đưa người sang sông, như ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu chỉ chấp nơi phương tiện mà khởi tâm phân biệt thì sẽ không thấy được cứu cánh, do đó để cảnh cáo các đệ tử khỏi rơi vào giáo điều,Đức Phật đã nói: “Ngay cả pháp cũng phải buông, huống gì là không pháp.” Vì Pháp là phương tiện, không phải là cái gì định sẵn, nên bản chất vốn là Không Pháp. Pháp không thể lấy từ đâu vào được, nên Đức Phật nói:
“NhưLai không có pháp chi mà được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Pháp không, Tướng cũng không, nên Bồ Tátđắc pháp mà không thấy pháp để đắc, cũng không thấy có người đắc pháp, như thếmới đúng là đắc pháp.
-“Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát thông đạt được lý không ngã, không pháp đó, thời Đức Như Lai gọi thực là bậc Bồ Tát”.
Đức Phật nói pháp để chỉ cho ta thấy chân lý, để giác ngộ chân như Phật tánh. Nhưng chân lý, cũng như giác ngộ chân như Phật tánh là điều không thể nghĩ bàn, không thể hiểu được qua lời nói mà chỉqua sự chứng nghiệm tự thân, như uống nước nóng lạnh tự biết. Vì Pháp không có chi nói được, nên những lời Phật nói chỉ tạm gọi là thuyết pháp, mà thật không phải là thuyết pháp. Kinh nói:“Nếu người nào nói rằng Đức Như Lai có thuyết pháp, thời đó là hủy báng Đức Phật, không hiểu được nghĩa lý của Phật nói.”
* CHẤP TRƯỚC NƠI TÂM
Tâm ở đây có nghĩa là tâm chúng sanh. Tâm chúng sanh lúc nào cũng tương tục theo những vọng cảnh, vọng niệm khởi lên trùng trùng điệp điệp. Những vọng niệmấy như những ánh chớp, như những đám mây, chợt hiện rồi chợt tan. Giòng tâm thức như giòng nước chẩy trôi đi mãi không bao giờ quay trở lại, nên không thể nắm bắt được, cũng không giữ lại được. Do thấy rõ được tâm chúng sanh như vậy, Đức Phật nói: “Các thứ tâm đều chẳng phải tâm, đó gọi là tâm. Bởi vì sao? Tâm quá khứ không có chi mà được, tâm hiện tại không có chi màđược, tâm vị lai không có chi mà được.”
Vì biết tất cả tâm đều không thể được nên không chấp trước vào tâm nào thì sẽ được tự tại, giải thoát. Có nghĩa là, chấp nhận tâm chúng sanh là vô thường thì sẽ không nắm giữ, không phiền não trước những đổi thay của con người.
* CHẤP TRƯỚC NƠI PHÁP TƯỚNG
Pháp tướng, hay những gì hiện ra trước mắt chúng ta, đều do duyên hợp, nên bản chất cũng vốn là Không. Đức Phật nói có tam thiên đại thiên thế giới, nhưng không phải là thế giới, mà chỉ tạm gọi là thế giới. Vì sao? Nếu đem tam thiên đại thiên rađập nát thành những phần tử nhỏ nhất như hạt bụi (vi trần), thì chính những hạt bụi đó cũng không phải là hạt bụi, chỉ tạm gọi là hạt bụi, vì chúng vẫn do duyên hợp, nên bản chất vốn là không.
Cái tri kiến của người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là thấy biết thế giới không thực là thế giới, chúng sanh không thực là chúng sanh, cái thấy ta thấy người (ngã kiến, nhân kiến) không thực là thấy ta thấy người, nhưng tuy không mà chẳng phải không, nên tạm gọi đó là thế giới, chúng sanh, thấy ta thấy người.
Đó là cái nhìn Trung Đạo, không chấp có, cũng không chấp không. Thấy biết như thế thì không sanh pháp tướng, có nghĩa là không khởi chấp, không thấy có một pháp tướng nào thật.
Thọ trì kinh Kim Cương và nói cho người khác nghe, dù chỉ là bốn câu kệ, cũng được vô lượng công đức. Nhưng nói mà không chấp nơi tướng, có nghĩa là không khởi tâm phân biệt tướng ta, tướng người… mới thực là hiểu được kinh Kim Cương, vì biết rằng tất cả những gì trước mắt chỉ là mộng ảo:
Tất cả pháp hữu vi
Đều như mộng huyễn, như bọt nổi
Như điện chớp, như sương sa
Hãy thường quán sát như thế!
Kinh Kim Cương không phải dễ đọc và dễ hiểu, nói chi đến ứng dụng. Nhưng đó không phải là điều chúng ta không làm được. Như Đức Phật đã nói trong kinh, chỉ cần hiểu một phần và tâm niệm được điều đó cũng đủ có được vô số lợi lạc. Chúng ta không nên vướng mắc vào chữ nghĩa của kinh điển để rồi lạc mất ở trong đó, mà phải tìm hiểu ý chính của kinh như thếnào để theo đó thực hành.
Tinh thần của kinh Kim Cương là Vô Trụ, Vô Tướng, và Vô Tâm, đó cũng là tinh thần giải thoát của đạo Phật. Ở Nhật Bản, tinh thần này đã được áp dụng trong nền tảng của võ thuật, và do đó đã thăng hoa thành Võ Đạo, như Kiếm Đạo, Cung Đạo, và trong các lãnh vực khác như Thư Đạo, Trà Đạo, Hoa Đạo v.v… Chính nhờ tinh thần Vô Trụ này mà nước Nhật, chủ yếu là một nước trọng võ nghệ, đã sớm thức tỉnh kịp thời trong thế kỷ thứ 19 mà vượt ra khỏi những chướng ngại của một chế độ đã lỗi thời và vươn lên để trở thành một cường quốc, không bao giờ bịngoại bang xâm lấn.
Vô trụ là nền tảng của Vô Tâm và Vô Tướng, chỉ cần “sanh tâm không trụ vào đâu cả”, chúng ta có thể được giải thoát ngay trong giây phút ấy, và ngay tức thời. Đó chẳng phải là cứu cánh của đạo Phật sao?