KHẢO SÁT CÁC VẬT DỤNG TRONG NGHI THỨC CÚNG TẾ CỦA NGƯỜI KHMER Ở MIỀN TÂY NAM BỘ
* Th.S Trần Minh Thương
Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam
1. Người Khmer ở miền Tây Nam Bộ
Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất màu mỡ ở phía Tây Nam Việt Nam, do phù sa sông Cửu Long bồi đắp, còn gọi là miền Tây Nam Bộ. Diện tích khoảng 40.640,7km2. Dân số cư trú ở vùng đất này hiện nay khoảng hơn 17 triệu người, với bốn dân tộc chính: Việt – Hoa – Khmer và Chăm.
Trải qua những biến thiên và thăng trầm của thời gian, người Khmer là những cư dân có mặt đầu tiên ở vùng đất hoang hóa muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh này. Theo truyền thống, nơi họ chọn để định cư là các vùng đất giồng cao để cư trú. Bộ máy hành chánh được thiết lập đến cấp srok (xứ), và được nối dài với bộ máy tự quản ở cấp khum (xã), phum (buôn) và một mạng lưới chùa chiền dày đặc. Người Khmer ở miền Tây Nam bộ hiện nay ước khoảng 1.3000.000 người, tập trung nhiều nhất là ở các tỉnh Sóc Trăng (khoảng 400 ngàn), Trà Vinh (khoảng 320 ngàn), Kiên Giang (khoảng 204 ngàn), An Giang (khoảng 85 ngàn), Bạc Liêu (khoảng 60 ngàn), Cần Thơ (khoảng 39 ngàn), Cà Mau (khoảng 24 ngàn), Vĩnh Long (khoảng 21 ngàn)…
2. Đối tượng được cúng tế trong tín ngưỡng của người Khmer
Phật Giáo Tiểu Thừa trong quá khứ và hiện nay là tôn giáo chính, chi phối những sinh hoạt tinh thần của người Khmer. Trong hoạt động tín ngưỡng phần lớn các nghi thức cúng tế diễn ra tại chùa. Bên cạnh đó, ở nhà, trong phum sóc cũng có những đối tượng khác để đồng bào dân tộc cúng tế. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy người Khmer cúng các đối tượng sau đây:
2.1. Cúng Phật
Người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa với nguyên tắc giữ nguyên triết lý vô thường (vật chất luôn biến đổi) của Thích Ca, chỉ tôn thờ một Đức Phật Thích Ca trên chùa và không có các vị sư nữ lên chùa tu Phật. Có thể tu một ngày, một tháng, một năm rồi quay trở về xây dựng gia đình, cũng có thể tu suốt đời làm sư sãi luôn trên chùa. Nhưng về mặt thờ tự cúng lễ thì toàn dân Khmer, kể cả phụ nữ đều có thể dâng lễ cúng Phật ở nhà, trên chùa.
Thờ Thích Ca trên chùa gồm có Thích Ca bát thể (Thích Ca ở tám thời điểm) đó là: Thích Ca thành đạo; Thích Ca ngồi tọa thiền; Thích Ca gắn với vị tổ người Khmer – rắn ngựa; Thích Ca cứu độ chúng sinh; Thích Ca sơ sinh; Thích Ca tu khổ hạnh trên núi tuyết; Thích Ca nhập niết bàn; Thích Ca đi khất thực.
Nghi lễ của việc tôn thờ Phật thể hiện qua:
– Lễ Visaka Bauchia (Phật Đản): ngày 15 tháng 4, mọi nhà trong phum sróc đều tập trung lên chùa dâng cơm sư sãi, tụng kinh mừng Đức Phật ra đời. Đồng bào ở lại suốt đêm trong chùa, sáng hôm sau lại dâng cơm sư sãi rồi mới chấm dứt cuộc lễ.
– Lễ Méakha Bauchia: Đây là lễ kỉ niệm Đức Thích ca qui tụ các Thánh Tăng để khuyên răn về giới luật, đồng thời cũng có ý nghĩa nhớ đến Đức Phật tiên đoán ngày nhập Niết Bàn. Thời gian cử hành lễ một ngày một đêm và được ấn định vào ngày Penh Bo Khe Meakha (khoảng 15 hay 16 tháng giêng theo lịch âm của người Việt)
– Lễ Chaul Vassa (nhập hạ): bắt đầu từ ngày 15 tháng 6, mọi gia đình Khmer dâng thức ăn vật dụng lên chùa, đủ cho sư sãi dùng trong ba tháng hạ. Đến lễ xuất hạ ngày 15 tháng 9, thì suốt đêm 14 và cả ngày 15 tín đồ ở lại chùa làm lễ dâng cơm sư sãi, đọc kinh Phật như một ngày lễ lớn.
– Lễ Cheanh Preah Vassa (xuất hạ): Sau lễ Chaul Vassa ba tháng, người Khmer tiến hành nghi lễ xuất hạ. Thời gian tổ chức lễ được ấn định vào ngày rằm hay mười sáu tháng Hassuj (tháng 9 theo âm lịch sủa người Việt). Thời gian hành lễ kéo dài đúng một ngày đêm. Sau lễ ấy mọi việc trong chùa, trong phum sóc diễn ra như thường nhật.
Ảnh: Cây bông dâng chùa Khmer – M.T
– Lễ Ka thanh (dâng y cà sa): kéo dài 29 ngày (từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10), các gia đình hợp lại với nhau, lễ vật được chất đầy kiệu rước lên chùa cúng Phật, hiến dâng các vị sư sãi.
– Lễ Bai banh (đặt cơm vắt) một trong các nghi thức của Lễ Sen Dol–ta: kéo dài 15 ngày (từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 8), các gia đình dâng lên chùa gạo nếp, trái cây, bánh men và cơm vắt nắm tròn đựng vào khay mang lên chùa cúng Phật, cầu cho linh hồn những người quá cố được mát mẻ dưới bóng bồ đề.
2.2. Cúng Tevoda
Người Khmer tin rằng, mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được trời sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới. Vì thế, trong đêm giao thừa, nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng lễ tiễn đưa vị Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới.
2.3. Cúng Thầy, Tổ
Đối với quan niệm của người Khmer, làm bất cứ ngành nghề nào cũng đều có tổ nghiệp, gọi là “Kru đơm” (ông tổ gốc). Ông tổ của từng nghề được người Khmer quan niệm là người đứng đầu, khai sinh ra nghề nghiệp hay người thầy trực tiếp truyền nghề cho họ. Người Khmer rất tôn sùng thầy dạy, vì ai cũng ý thức rằng: Tổ sư hay thầy dạy đều là người đầu tiên khai thông sự hiểu biết và dạy cho họ có một nghề nghiệp trong tay để vào đời kiếm sống. Hàng năm, họ tri ơn thầy dạy, tổ sư bằng lễ cúng tổ. Xuất phát từ quan niệm đó, nên trước khi hành nghề, người ta đều phải có nghi thức lễ cúng để tạ ơn tổ nghiệp. Trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn của người Khmer như âm nhạc, sân khấu đều có nghi thức cúng tổ, gọi là Pithi thvai Kru (nghĩa là lễ cúng thầy).
Nghi thức cúng tổ riêng của các loại hình dàn nhạc, có : Lễ cúng tổ dàn nhạc ngũ âm thvai kru Vông phlêng Pinn Peat, nghi thức cúng tổ dàn nhạc đám cưới: thvai kru Vông phlêng Ka, nghi thức cúng tổ dàn nhạc Arăk: thvai kru Vông phlêng Arăk … Riêng đối với hai loại hình sân khấu Rô băm và Dù kê, về cơ bản nghi thức cúng tổ cũng tương tự như nhau, từ các giai đoạn cúng tổ cho đến việc sử dụng các lễ vật.
2.4. Cúng Peali
Dân gian Khmer lưu truyền sự tích như sau: Ngày xưa Peali giữ đất, ông có rất nhiều đất. Phật lại không có đất. Một lần nọ, Peali gặp nạn được Phật cứu. Peali đền ơn bằng cách hỏi Phật muốn gì không thì cho. Phật nói muốn xin đất xây chùa. Peali đồng ý và hỏi xin đến đâu. Phật trả lời bóng của chiếc ái cà sa trải đến đâu thì xin đến đó. Thế là khi mặt trời chếch bóng. Phật đưa chiếc áo cà sa lên, bóng cà sa phủ trùm gần hết đất đai. Peali phải cho đất như đã hứa.
Vì thế về sau người dân Khmer khi làm xong một công trình nào đó như nhà, trường, đặc biệt là chùa chiền, phải cúng Peali. Khi chùa làm Lễ seima cúng Peali để bày tỏ lòng biết ơn đối với vị thần này.
2.5. Cúng Khmoch (ma), Arak
Ngoài Phật, một số chùa còn thờ thêm thần Arak. Đối với người Khmer, thì Arak có nghĩa là những loài ma quỷ với ý nghĩa khác. Ngưởi Khmer quan niệm: Arak là thần tổ của dòng họ 7 đời (?), đã biến thành ma quỷ thiêng liêng. Arăk có mặt bảo vệ trên nhiều phương diện: bảo hộ gia đình, bảo hộ đất đai, bảo hộ làng mạc, ruộng vườn. Arak thường trừ khử hết những loại ma ác độc. Để thông đạt với Arak, phải dùng đến đồng bóng. Người lên đồng gọi là Rup Arak, tức là truyền thông với thần linh.
2.6. Cúng Néak Tà
Theo nguyên nghĩa thì Néak là con người nói chung; Tà là người đàn ông đứng tuổi. Hai chữ hội lại thành ý niệm về những vị thần linh. Néak Tà được biểu hiện ra Néak Tà Meha Sros là vị thần cầm đầu trong các Phum Sóc, Néak Tà Watt là vị thần của chùa chiền đền miếu, Néak Tà Ra Chay là thần của ao hồ, ngả ba sông, Néak Tà Sâm Rông là thần của cây trôm, Néak Tà Đom Chreay là thần cây đa, cây đề.
Người ta phân chia ra bốn loại Néak Tà khác nhau: Loại Néak Tà có tên gọi những vật trong thiên nhiên, tên thực vật hay tên của một đặc thù địa lý – Loại Neak Tà mang tên người – Loại Néak Tà mang tên các vị thần Bà la môn – Loại Néak Tà tại chùa chiền.
Khi thờ cúng Néak Tà, đồng bóng là nghi lễ không thể thiếu. Mỗi năm đều tổ chức lễ cúng vị Néak Tà rất trang trọng.
Ngoài ra, trong dân gian người ta còn tiến hành nhiều nghi thức cúng khác. Gắn liền với mỗi nghi thức cúng tế là các vật dụng cúng tế. Một số vật dụng không thể thiếu như: Sra (rượu); Pê reay (đồ mặn); Pê ruôt (đồ ngọt); Pê hum (đồ thơm); Pê preah phum (đồ cúng cho vong hồn); Pê mochhus (hàng mã); Pê sala (lá dừa xếp thành giỏ đựng); Pê cheung trom (lá dừa xếp thành giỏ đựng nhưng gắn thêm chân đế); Leach pram (cốm nổ để trên 5 dĩa); Sla chruh (trái cau xắt miếng gắn vào sla thor); … Bên cạnh đó là các vật cúng gồm: Sla chom; Sla chruh; Tien trêng; những câu thần chú gợi nhớ công ơn Peali; … Ở đây, chúng tôi sưu tầm và miêu tả một số vật dụng trong nghi lễ cúng tế của người Khmer.
3. Một số vật dụng dùng để cúng tế của người Khmer
3.1. Rean Tevoda
Thông thường Rean Tevoda được cúng cho Tevoda vào lễ đăng quang Đức Phật hoặc lễ Seima chùa. Nó có 9 cái, mà 8 thì được hướng về các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; còn cái thứ 9 để tôn vinh Preah Yomareach (Diêm vương – Yama). Trên mỗi Rean, người ta để 2 baysei pakchham (sẽ miêu tả vật này ở phía dưới), 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 bông hoa, 5 kântông (giỏ bằng lá chuối) đựng gạo rang, 2 lọ nước thơm, 2 slathor thommada, 5 trái cau, 5 điếu thuốc, và vào buổi sáng thì người ta thêm một ít bánh. Khi cúng xong, người ta lấy đi tất cả đồ cúng và phá hủy Rean. Không có văn bản cổ nào giải thích về nguồn gốc của vật cúng này.
Ảnh: Mâm cúng khi vị sư thực hành lễ – M.T
3.2. Chram
Được dựng lên vào một lễ hội khá quan trọng: cúng cho các vị sư vào giữa ngày hoặc vào lúc các sư cầu nguyện ban đêm ở nhà riêng. Phải dựng 8 Chram ở 8 hướng. Trên mỗi Chram, người ta để 5 trái cau, 5 điếu thuốc, 2 Slathor Thommada. Người ta cũng làm Rean và trên đó, để 2 Bay sei pakchham, 5 đèn cầy, 5 nhang, 5 bông, 5 giỏ gạo rang, 2 lọ nước thơm. Và nếu buổi sáng, thêm vài cái bánh.
3.3. Baysei Pakchham
Thông thường Baysei Pakchham được làm bởi 5 lá chuối cuốn lại và cắm vào quanh thân cây chuối. Trên baysei đó, để 1 giỏ gạo rang được đậy lại bởi 1 nắp vung hình chóp, trên nắp vung là 1 cây đèn cầy. Đồ cúng này dùng để cúng Tevoda hay Krou với ý nghĩa tăng thêm sự huyền nhiệm của những câu bùa chú từ các vị này.
3.4. Baysei Ruot
Nó có thể có từ 3 đến 19 tầng. Nó được làm bởi thân cây chuối có lá cuốn lại và ghim vào, được gọi là “baysei 19 tầng”. Người ta đặt trên baysei 1 giỏ gạo rang, đậy lại giỏ là nắp hình chóp làm bằng lá chuối. Trên đó là cây đèn cầy. Người ta cúng baysei khi các sư cầu kinh. Để cúng Phật, người ta làm baysei 5 tầng. Baysei rất thường được sử dụng.
3.5. Sla Thor Thommada
Nó được làm bằng lá chuối hoặc sống lá chuối hoặc xơ dừa. Nó được nâng lên bởi 3 chân, có 3 lá trầu, 3 cây nhang, 1 trái cau cắm vào. Người ta sử dụng Sla thor để cúng Tevoda, Arak và Krou pháp thuật. Sla thor cũng được dùng khá phổ biến.
3.6. Sla Thor Sot Mon
Nó được làm bởi cây chuối non có lá. Nó được nâng lên bởi 3 chân, có 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 trái cau và hoa cắm vào. Slathor Sot mon được cúng khi các sư tụng niệm.
3.7. Sla Thor Kantuy Preus
Nó được làm bởi 1 khúc thân chuối và nâng lên bởi 3 chân. Người ta dùng nó khi sư đến tụng niệm cho người sắp chết. Những người hiện diện phải mang đến phần của họ: trầu, cau, đèn cầy, nhang. Người ta cắm nó chung quanh Sla thor. Việc sử dụng Sla thor là sự du nhập từ người Lào.
3.8. Sla Thor Dong
Được làm từ trái dừa vạt ngang ở phần đầu. Người ta cắm lên 3 cây nhang, 3 lá trầu, 3 cau, 3 đèn cầy. Nó được dùng vào dịp lên chức của 1 vị sư hay cúng Phật, cúng Krou.
3.9. Sla Thor Phka Dong
Trên mỗi Sla thor, người ta để lên 20 lá trầu, 30 trái cau lột vỏ và 2 đèn cầy. Tất cả được cột nối tiếp lại bởi sợi chỉ, 1 đầu sợi chỉ đặt trong 1 cái chum, đính ở đầu sợi chỉ là bông dừa cột lại với nhau cũng bằng chỉ. Xung quanh nó là một hàng trái cau lột vỏ. Thông thường Sla thor này được gọi là phka sla. Nó được sử dụng vào dịp cưới hỏi.
3.10. Sla Thor Cheung Thka
Nó được làm bằng trái dừa hay khúc thân chuối, trên đó đặt 3 lá trầu, 1 trái cau, 3 cây nhang, 1 đèn cầy. Sau đó người ta dựng 4 chrâm, ở trên đấy để 4 thau nước. Người ta dùng nó khi có hỏa thiêu. Bốn người chịu trách nhiệm việc tắt lửa hay làm bùng lửa lên, họ sẽ sử dụng 4 chậu nước để dập tắt củi, sau cùng họ vứt bỏ chậu lại nơi hỏa thiêu.
3.11. Sla Chom
Được làm bởi 4 đoạn của thân chuối. Trên mỗi Sla chom người ta đặt lên 4 lá trầu, 1 trái cau gói trong lá trầu. Còn có đèn cầy và 3 cây nhang. Dùng nó để cúng thầy pháp hay Krou Arak.
3.12. Sla Chruh
Trong 1 cái chum và 1 chén, người ta để vào lá trầu và 3 trái cau. Nó dùng để cúng cho Krou Arak và Khmoch.
3.13. Sla Truoy
Có 2 loại Sla Truoy:
a. Được làm với 4 lá trầu và 1 trái cau gói trong lá chuối, 2 đầu được cài bởi 1 cọng tăm tre. Sử dụng nó khi người ta xin đi tu, hay khi có người bất tỉnh hoặc khi mời dự đám cưới.
b. Được làm bởi 4 lá trầu, 4 lát cau, 2 đèn cầy, 9 cây nhang gói trong lá chuối cuốn lại như hình chóp. Người ta đặt nó trong lòng 2 bàn tay đan vào nhau của người chết.
3.14. Pê Reay
Để làm đồ cúng này, cần phải chuẩn bị:
Đầu tiên người ta kết những mảnh lá chuối lại, số miếng là bằng số tuổi người bệnh, cạnh của Pê bằng chiều dài cánh tay trước của người bệnh. Pê được giữ bởi thanh tre vót mỏng đan thành lưới, bên trên để 1 lá chuối hay nải chuối. Người ta chuẩn bị 7kântông đựng gạo đỏ (gạo trộn với đường mật), gạo đen (gạo trộn với tro) và gạo trắng. 7 cây dù 5 tầng bằng bẹ cây chuối được trồng chung quanh Pê. Người ta để một ít rau trong tất cả cáckântông và 1 tượng nhỏ bằng tro hoặc bột tượng trưng cho người bệnh được đặt nằm trên Pê có hình dáng như quan tài. Nó được bọc trong miếng vải lấy từ quần áo rách của người bệnh. Người ta đặt một tung chei (mảnh phù hiệu biểu hiện sự chiến thắng) trên Pê.
Đồ cúng này mang ý nghĩa giúp bảo vệ người bệnh khỏi gặp điều xấu.
3.15. Pê Ruot
Pê Ruot có bề dày từ 3 cho đến 19 tầng. Pê 3 chiều dày được làm bằng mảnh lá chuối dài phơi khô giữ chặt bởi 4 cây tăm tre. Thêm vào đó gạo trắng, cá, thịt, 3 cây nhang và 1 đèn cầy đang đốt. Pê dùng để cúng ma quỷ, chằn… và vong hồn lang thang.
3.16. Pê Chêng
Có hình tam giác, nó được làm bằng miếng lá chuối dài xếp lại và cột bằng sợi làm bằng lá cây. Đáy của nó được bao bởi lá chuối, trên đó có để gạo trắng hay gạo trắng hoặc đỏ đỏ, cá và thịt. 3 cây nhang và 1 đèn cầy được đặt trên miệng Pê. Đồ cúng này được sử dụng khi có trẻ con bệnh.
3.17. Pê Hum
Người ta xé phần sống của lá chuối ra làm ba để làm khung sườn. Bao quanh nó bằng bẹ thân cây chuối để tạo thành thân cây. Bên trên của Pê, người ta đặt kântông có đựng trong đó gạo trắng, gạo đỏ, cá và thịt. Trên đó người ta cắm 3 nhang và 1 đèn cầy. Người ta cúng Pê Hum cho Preay và Arak. Pê Hum cũng rất thường được cúng.
3.18. Pê Preah Phum
Người ta cắt tỉa lá chuối để làm một Pê vuông có 7 bề dày. 4 Pê Chêng được đặt ở 4 góc của cái Pê lớn. Ở giữa để 7kântông (giỏ), trong mỗi giỏ đựng bánh gạo rang, hoa, 4 chom mà 2 cái thì có cắm lá trầu còn 2 cái thì cắm lá thốt nốt cắt ra, 1 cây nhang. Cúng Pê hum, người Khmer mong có được sự bảo vệ của Preah phum.
4. Kết luận
Lễ vật cúng của người Khmer miền Tây Nam bộ liên quan đến số lẻ: ba, năm, bảy, … Người ta làm những baysei 5 tầng, 7 tầng… và trên mỗi tầng có những nhóm gồm 5 nhánh, hoặc những đồ cúng khác như 5 cây nhang, 5 nhánh bông, 5 lá trầu… Số 5 ở đây được cư dân Khmer giải thích hết sức thú vị. Số 5, chính là biểu hiện tượng trưng cho 5 ngón tay trên bàn tay của con người. Con người được nhân lành hay quả ác đều từ chính bản thân họ tạo thành, là do bàn tay con người tạo ra nghiệp.
Ngoài cơm, cốm, hoa, hương, … người Khmer thường dùng dừa để chế tác các vật cúng. Trên nhiều ý nghĩa biểu tượng thì nước dừa thể hiện sự trong trắng, tinh khiết, …
Sự kết hợp giữa các loài thực vật quen thuộc như lúa, nếp, chuối, khoai, dừa, … vừa thể hiện hình thức sinh hoạt đặc trưng của cư dân nông nghiệp, vừa thể hiện văn hóa nhận thức tinh tế bởi sự kết hợp của những bàn tay tài hoa nghệ sĩ dân gian.
Đây là đề tài thú vị, chúng tôi hi vọng sẽ có dịp bàn đến một cách sâu hơn ở một bài viết khác.
Cập nhật ( 02/08/2012 )