ĐÌNH TÂN LONG – DẤU ẤN CỦA NGƯỜI DÂN BẠC LIÊU THỜI KHẨN HOANG, MỞ CÕI * ThS Lâm Thành Đắc Đình Tân Long được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX ở thôn Tân Long, tổng Long Thủy, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên nay thuộc ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu (từ trung tâm TP. Bạc Liêu đi về hướng Cà Mau đến cầu Dần Xây rẽ phải khoảng 1 km), đây là một trong những đình làng tạo dấu ấn của lưu dân Bạc Liêu từ thời khai hoang, mở đất đến nay. Nghe các vị bô lão và Ban Trị sự của Đình kể lại rằng, thôn Tân Long xưa rất hoang vu, chỉ có lưa thưa vài túp liều của lưu dân, do cuộc sống khá thuận lợi nên dần dần lưu dân các nơi kéo đến ngày càng đông hơn rồi cất nhà, làm đường, lập chợ, xây chùa, lập đình. Khoảng năm 1850, Ông Nguyễn Tấn Lực được vua Tự Đức phong làm Tổng bình trấn nhậm vùng đất này. Ông Nguyễn Tấn Lực sinh năm 1810, khi đến vùng đất này, thì ở đây đã thành thôn, làng; người dân nơi đây đã xây dựng đường sá, chợ búa, lập đình và nhiều công trình công cộng khác để phục vụ nhu cầu dân sinh. Thấy ngôi đình là nơi linh thiêng nhưng chưa có sắc Thần vua ban, hơn nữa chỉ được xây cất đơn giản bằng cây là địa phương, nên Ông đề nghị dân làng và các Hương chức xây cất lại cho khang trang hơn. Ông đã tự tay viết sớ dâng lên vua Tự Đức đề nghị phong Thần cho Đình. Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý – 1852, đình Tân Long đã được vua Tự Đức ký chiếu phong sắc Thần. Nội dung như sau: SẮC BỔN CẢNH THÀNH HOÀNG CHI THẦN NGUYÊN TẶNG QUẢNG HẬU CHÍNH TRỰC HỰU THIỆN CHI THẦN. HỘ QUỐC TÍ DÂN NẪM TRỨ LINH ỨNG.TỨ KIM PHI ƯNG CẢNH MỆNH MIỄM NIỆM THẦN HƯU KHẢ GIA TẶNG QUẢNG HẬU CHÍNH TRỰC HỰU THIỆN ĐÔN NGƯNG CHI THẦN. NHƯNG CHUẨN LONG XUYÊN HUYỆN TÂN LONG THÔN Y CỰU PHỤNG SỰ THẦN KÌ TƯƠNG HỰU BẢO NGÃ LÊ DÂN. KHÂM TAI. TỰ ĐỨC NGŨ NIÊN THẬP NHẤT NGUYỆT NHỊ THẬP CỬU NHẬT. Dịch nghĩa như sau : Sắc ban cho thần Thành hoàng tại địa phương của thần nguyên được tặng trước đây là: Thần " Quảng hậu chính trực hựu thiện" . Thần giữ nước, che chở cho dân nhiều phen thật linh ứng. Trẫm nay vâng mệnh trời, lòng luôn tưởng nhớ công đức của thần, nay phong tặng thêm là : Thần " Quảng hậu chính trực hựu thiện đôn ngưng". Nhưng vẫn chuẩn y cho dân làng Tân Long, huyện Long Xuyên phụng sự như cũ. Thần nên tiếp tục giúp đỡ, bảo hộ con dân của Trẫm. Hãy kính cẩn thi hành Sắc này! Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm – 1852. Đến trấn nhậm vùng đất mới, một thời gian sau, Ông Tổng binh Nguyễn Tấn Lực lập gia thất. Vợ Ông tên là Trịnh Thị Huôi – con một người Hoa Kiều tên là Trịnh Chí Thành vì bất mãn với Triều Mãn Thanh nên gia đình dòng tộc đã chạy về vùng đất phương Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đình Tân Long đã bị thay đổi nhiều lần, có lúc người dân Tân Long nén nổi đau riêng để vì lợi ích chung, đã sử dụng ngôi đình vào mục tiêu “Tiêu thổ kháng chiến – vườn không nhà trống” không để cho giặc có nơi trú ngụ. Dù ngôi đình Tân Long đã biến dạng nhiều lần, di dời đến nhiều địa điểm khác nhau, nhưng người dân Tân Long luôn tâm nguyện, hoài bảo và tiếp tục dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ bằng giá trị tinh thần và ý chí yêu quê hương, đất nước của người dân Tân Long qua nhiều thế hệ. Thực hiện Chỉ thị 03 của UBND tỉnh về việc tăng cường bảo tồn, phát huy, trùng tu, tôn tạo di tích…đồng thời để đáp ứng với lòng mong đợi của người dân ấp Tân Long, về việc tái thiết, trùng tu lại ngôi đình; UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ thực hiện Dự án trùng tu tôn tạo lại ngôi đình vào tháng 9 năm 2011. Công trình có tổng mức vốn đầu tư 5.621.721.000; thời gian thực hiện là 160 ngày. Công trình tái thiết, trùng tu, tôn tạo đình Tân Long là việc làm rất có ý nghĩa và quan trọng đối với nhân dân Bạc Liêu cũng như đối với nhân dân Tân Long. Nơi đây không những là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của địa phương hình thành từ thời khẩn hoang, mở đất mà còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, sinh hoạt văn hóa tính ngưỡng của người dân qua bao thế hệ ; Hướng tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo Bảo Tàng tỉnh phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức sưu tầm thêm hiện vật, tư liệu liên quan tới ngôi Đình, tiến tới làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận Đình thần Tân Long là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của đình Tân Long, chúng ta thấy rằng đình Tân Long đã tạo được dấu ấn trong tiến trình khai hoang, mở đất của người dân Bạc Liêu, qua đó khẳng định vai trò của ông Nguyễn Tấn Lực và hậu duệ của dòng họ Nguyễn Tấn trong công cuộc xây dựng, duy trì và phát triển đình Tân Long ngay từ buổi đầu cho đến nay. Ngày 14 tháng 9 năm 2011, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép tái thiết lại ngôi đình Tân Long trên nền đất cũ là việc làm hết sức có ý nghĩa, không những góp phần thực hiện nghị quyết TW V (khóa VIII) “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản dắc dân tộc” mà còn góp phần kịp thời bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc đã hình thành từ thời khẩn hoang, mở đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu./. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com