DIỄN VĂN BẾ MẠC HỘI THẢO HOẰNG PHÁP TOÀN QUỐC 2011 – BÌNH DƯƠNG
* Ban Tổ chức Hội thảo
Trong không khí trang nghiêm, thắm đượm tinh thần đạo vị của người con Phật, trước những thành quả đạt được một cách tốt đẹp của khóa Hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, lời đầu tiên chúng tôi kính gởi đến chư tôn giáo phẩm, chư tôn đức Tăng Ni, quý vị khách quý, chư Nam nữ Phật tử, lời chúc sức khỏe an lạc và hạnh phúc. Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đạo Phật nhanh chóng tiếp biến và thể nhập vào đời sống sinh hoạt người dân nước Việt. Rõ ràng, trong tiến trình hình thành và phát triển đất nước thì Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Phật giáo trở thành một tôn giáo không chỉ có vai trò vị trí trong xã hội mà còn có tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Điều đó có nghĩa Phật giáo Việt Nam trở thành một giá trị sống thực, trở thành nội lực cộng sinh chống lại sự đồng hóa xâm lược của bất cứ thế lực ngoại bang nào, cũng như nhằm bảo tồn văn hóa quốc gia, bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn biên cương lãnh thổ trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Trên tinh thần đó, ngành Hoằng pháp đã thực thi sứ mệnh hoằng pháp độ sinh, hay nói theo cách khác là luôn thể nhập chuyển tải giáo điều của đức Thế Tôn vào đời sống cộng đồng của dân tộc với hạnh nguyện “vì hạnh phúc, vì sự an lạc cho số đông” mà đức Phật đã từng chỉ dạy.
Tiếp nối truyền thống Hoằng pháp độ sinh của chư Phật ba đời và lịch đại Tổ sư, qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam, trách nhiệm Hoằng pháp độ sinh ấy, thường có những định hướng sinh hoạt hiện thực và thích ứng, làm cho ngành Hoằng pháp của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có những thành tựu nổi bật, sắc thái riêng biệt sâu sắc, để lại dấu ấn vàng son suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, thời đại hội nhập toàn cầu. Ngành Hoằng pháp đã phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, thể hiện tính nhập thế tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 – Bình Dương lần này là nhằm phát huy sức mạnh nội tại vốn có và định hướng cụ thể bằng những chương trình hoạt động cụ thể đúng như chủ đề trọng điểm của Hội thảo “Phật giáo với dân tộc”.
Và như vậy, việc các vị Đại biểu nỗ lực tham gia viết bài, cũng như tận tâm phát biểu, đóng góp ý kiến xoay quanh 7 chủ đề nhóm sẽ là nhân tố thành tựu của ngành Hoằng pháp trong thời gian tới. Điều đó, đã khẳng định ngành Hoằng pháp đã không ngừng tự thân vận động, chuyển hóa, tự đặt cho mình những mục tiêu Hoằng pháp dựa trên những nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh lịch sử đất nước Việt Nam – Phật giáo Việt Nam đang xây dựng một định hướng phát triển mạnh mẽ, với tiêu chí phổ hóa đến các tầng lớp Tăng ni và Phật tử các dân tộc, các thành phần khác nhau trong xã hội đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam từ biên cương hải đảo, cho đến vùng sâu, vùng xa, ngay cả đồng bào hải ngoại, làm thế nào để cho nền giáo lý năng động của đức Phật, được thể chế hóa vào đời sống tâm linh của những người con Phật. Cụ thể là mỗi người Phật tử Việt Nam phải sống theo một nếp sống tốt đạo đẹp đời và biết yêu nước thương dân.
Chính trên tinh thần ý nghĩa đó, mà Hội thảo lần này, các Giảng sư các Tỉnh Thành được Ban Giảng huấn trao truyền những kiến thức thực tế, những giáo điển nâng cao, những kinh nghiệm của các bậc trưởng thượng. Đồng thời Hội thảo cũng đã đúc kết những khó khăn, những thao thức, trăn trở, những ý kiến từ các Đại biểu tham dự. Đây chính là những cơ sở lý luận và thực tiễn để có kế hoạch điều chỉnh, đề ra những biện pháp mang tính khả thi, những phương thức hoằng pháp hữu hiệu nhất, với những biện pháp thiết thực để phát huy những thuận duyên, ưu điểm, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Hy vọng quý Giảng sư sẽ ứng dụng ngày càng có hiệu quả vào công tác Hoằng pháp của mình.
Tại kỳ hội thảo này, việc tập huấn Hoằng pháp viên dành cho Phật tử cũng là một nội dung trọng điểm mà Ban Hoằng pháp triển khai. Sau khóa tập huấn cho các Hoằng pháp viên kỳ này, chúng tôi tin chắc rằng các Hoằng pháp viên sẽ trở thành những sứ giả, vận dụng giáo điển của đức Phật, trong tinh thần đồng sự, tùy duyên, tùy tục mà đem đạo vào đời, làm cho đời thăng hoa.
Điểm đáng lưu ý của Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc – Bình dương hôm nay, là một chương trình từ thiện được thực thi như là bài pháp sống động đến với đồng bào Phật tử còn nghèo khó. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cử hành lễ khai đàn cầu Quốc thái dân an, cầu siêu thắp nến tri ân anh linh, anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, thể hiện niềm tôn kính đối với các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống để cho quê hương tổ quốc đứng lên, trong tinh thần: “ẩm thủy tri nguyên” của người con Phật. Qua đây, đã tạo được không khí sinh hoạt càng thêm sinh động, ý nghĩa, giúp cho hội chúng thẩm thấu hơn về công hạnh của Phật, lời dạy của Ngài, đã làm cho Phật thể của mỗi người đầy đủ phúc duyên trên tinh thần Phật hóa gia đình, góp phần cho xã hội ngày càng thăng hoa.
Giờ đây, thời điểm kết thúc Hội thảo Hoằng pháp đã đến, để nhìn lại và đánh giá tiến trình tổ chức, Ban Tổ chức long trọng tổ chức Lễ Bế mạc Hội thảo Hoằng pháp năm 2011 để phúc trình đến chư tôn đức, đúc kết kinh nghiệm cho lần tổ chức kế tiếp được thành tựu mỹ mãn hơn.
Với tất cả ý nghĩa và vai trò trách nhiệm của công tác Hoằng pháp nói trên, tôi long trọng tuyên bố Khóa Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 – Bình Dương được khép lại trong tinh thần hoan hỉ, hội nhập và phát triển.
Ngưỡng cầu Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta được vô lượng kiết tường, vô lượng công đức, thân tâm thường lạc.
Nam mô Hoan hỷ Tạng Bồ tát Ma ha tát.
Cập nhật ( 18/03/2011 )