GIÁ TRỊ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT CHÙA KOMPHISAKO CỦA NGƯỜI KHMER TỈNH BẠC LIÊU
* Thạc sĩ Hứa Sa Ni
Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh
Bạc Liêu – một tỉnh ở gần cuối cực Nam của tổ quốc, được thành lập khá muộn so với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long; có diện tích tự nhiên 248.268,7ha, dân số gần 800.000 người, gồm 3 dân tộc Kinh-Khmer-Hoa. Cũng như nhiều tỉnh khác trong vùng, địa hình của Bạc Liêu bằng phẳng, không có đồi núi, thế nhưng lại được mệnh danh là nơi “nước nhiều, đất ít, sông ngòi kênh rạch chằn chịt”. Chính nhờ hệ thống sông ngòi chằn chịt đó mà nó đã cung cấp một lượng phù sa trù phú cho những “cánh đồng thẳng cánh cò bay” và một lượng thủy hải sản hết sức dồi dào. Đặc biệt, là một tỉnh tiếp giáp với biển Đông, có chiều dài bờ biển 56km, cùng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và độ mặn của nước biển thích hợp, nên nghề làm muối ăn cũng khá phổ biến ở Bạc Liêu.
Từ xưa, những hạt muối trắng, mặn nồng của Bạc Liêu từng nổi tiếng ngon nhất vùng. Cũng từ đặc điểm địa lý và tiềm năng kinh tế như thế, nên ngay từ buổi đầu mới khai hoang lập ấp, Bạc Liêu đã là nơi tập trung nhiều nguồn lưu dân từ khắp vùng, miền của đất nước đến sinh cơ lập nghiệp. Cùng với người Khmer có mặt ở vùng đất này từ lâu đời, người Kinh, người Hoa đã cùng nhau đóng góp quan trọng trong suốt quá trình khai phá, xây dựng và phát triển quê hương Bạc Liêu, tạo nên một sắc thái riêng của mình.
Theo số liệu báo cáo của tỉnh ủy Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 12.171 hộ đồng bào dân tộc Khmer, gồm 61.995 khẩu, chiếm 8,10% dân số chung của tỉnh(1). Người Khmer ở tỉnh Bạc Liêu – một trong 54 tộc người thiểu số, vốn có một quá trình phát triển lâu đời, với đời sống văn hóa phong phú và đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo đa dạng. Trong đó Bà-la-môn giáo và Phật giáo, đặc biệt Phật giáo Nam tông đã thâm nhập vào cộng đồng người Khmer ở Nam bộ từ lâu đời. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, Phật giáo vẫn không ngừng phát triển trong cộng đồng phum, sróc Khmer. Ngày nay trên 90% cư dân Khmer ở Nam bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng đi theo Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa). Ngoài những giá trị tạo nên đức tính tốt đẹp: hiền hòa, chân chất, mộc mạc, thật thà, khoan dung, vị tha, bác ái … Phật giáo còn mang đến cho cộng đồng người Khmer những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo, phong phú và sinh động, không chỉ biểu hiện qua phong tục tập quán, lối sống, các tác phẩm văn học … mà còn thể hiện tập trung qua những ngôi chùa cổ kính, uy nghi. Ở tỉnh Bạc Liêu, một trong 22 ngôi chùa có biểu hiện đặc sắc đó chính là chùa Komphisako – Prếk chru.
1. Lịch sử hình thành và phát triển của chùa Komphisako:
Chùa Komphisako hay còn gọi chùa Prếk-chru (sông sâu) tọa lạc ngay mặt tiền ven trục đường tỉnh lộ Bạc Liêu – Vĩnh Châu (Sóc Trăng), tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 15km theo hướng Đông-Nam.
Komphisako là từ gốc Pali, được ghép lại bởi hai chữ Komphi (sâu, độ sâu) và chữ Sako (biển, đại dương). Komphisako chính là “biển sâu, là sự sâu xa, uyên bác của trí tuệ nhà Phật”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xưa kia khi mới khởi công xây dựng, chùa Komphisako chỉ cách bờ biển khoảng 500m (hiện nay khoảng cách này đã gần 5km, do đất bồi). Có lẽ, với vị trí như thế, nên khi xây cất hoàn tất, người ta đã đặt tên cho chùa là Komphisako. Ngoài ra, chùa còn có thêm 4 tên gọi khác nữa là chùa Mót-sắ-muth (giáp bờ biển), chùa Prếk-chru (sông sâu), chùa Pri-chru (rừng sâu) và chùa Xiêm Cán(2). Tuy nhiên, đối với tên Mót-sắ-muth thì ngày nay không còn được nhiều người biết đến, thay vào đó người ta thường gọi tên chùa theo địa danh là Prếk-chru (sông sâu). Riêng người Việt, người Hoa thì gọi chùa Xiêm Cán.
Dựa vào hai bản văn bia hiện nay của chùa, một bản dựng phía sau ngôi Chánh điện, được tạc bằng chữ Khmer dạng cổ ở cả hai mặt và một bản chạm trực tiếp lên vách tường phía Tây của Chánh điện cho biết, chùa Komphisako được khởi công xây dựng vào ngày thứ bảy, mùng 7 “Rốch”, tháng “Phol-kun”, năm “Chút” (theo lịch Khmer), Phật lịch 2430, dương lịch 1887, tương ứng khoảng 21 tháng 3 năm Đinh Hợi, do công của ông Nên 63 tuổi cùng vợ là bà Ngét 54 tuổi, là gia đình giàu có nhất trong phum lúc bấy giờ đã bỏ ra mọi chi phí mua sắm vật tư, đồng thời kêu gọi các gia đình trong phum (hơn 30 hộ) cùng khai phá rừng, lấy đất xây cất chùa. Và, chỉ chưa đầy một năm, các công trình như Chánh điện, Sala, nhà tăng, nhà bếp đã được hoàn thành. Sau đó, người dân trong phum đến thỉnh vị Pháp sư Thạch Mau (1829-1909) – phó trụ trì chùa Ghoshitaram, thuộc ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu ngày nay về làm trụ trì. Khi đã ổn định, chùa Komphisako bắt đầu tiếp đón thêm 5 vị sư nữa của chùa Ghoshitaram đến tu hành, gồm một vị tỳ-khưu và 4 vị sa-di, trong đó có hai vị sa-di là con của ông bà Nên – Nghét.
Năm 1903, một cơn bão lớn xảy ra đã làm hư hỏng gần như tất cả những công trình trong chùa. Trước tình cảnh đó, ông bà Nên Nghét lại một lần nữa thể hiện lòng mộ đạo của mình bằng việc bán hơn 140ha đất ruộng để lấy tiền mua sắm gỗ quí, các loại vật tư tái thiết ngôi chùa. Năm 1909, ngôi Chánh điện và một số công trình phụ khác hoàn tất, đưa vào sử dụng. Các công trình trong chùa lúc bấy giờ phần lớn đều có qui mô khá đồ sộ và vững chắc, nhất là ngôi Chánh điện rất lộng lẫy. Theo lời kể của các cụ già thì hầu hết các công trình của chùa lúc bấy giờ đều có kết cấu theo dạng nhà sàn, ngoại trừ ngôi Chánh điện xây trên nền đất cao.
Năm 1973, dưới tác động của thiên nhiên, ngôi Chánh điện lại bị xuống cấp, hư hỏng nặng, trụ trì chùa đã cho hạ xuống để trùng tu. Tuy nhiên, thay vì sửa chữa các hạng mục bị hư hại, người ta lại dở bỏ hoàn toàn và tiến hành xây mới bằng chất liệu gạch, xi măng, cốt thép. Theo bản văn bia cho biết, ngôi Chánh điện lần thứ ba được chính thức khởi dựng vào ngày thứ sáu, 11 rốch, tháng Pisác, năm Khal (Giáp Dần), Phật lịch 2518 (17/5/1974), với chi phí tốn hết 150 cây gỗ Sao (bán gỗ Sao để mua sắt thép, xi măng…) và phải mất 12 năm mới hoàn thành. Vào ngày thứ năm, 13 Kớt, tháng Meak, năm Chă-lâu 1986, Phật lịch 2529 toàn thể Chư tăng, Phật tử chùa long trọng tổ chức lễ Kiết giới sây-ma, khánh thành đưa vào sử dụng cho đến ngày nay. Năm 2001, chùa chính thức được UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
2. Giá trị văn hóa, nghệ thuật của chùa Komphisako:
Tính đến nay, chùa Komphisako đã trải qua 3 giai đoạn xây dựng cơ bản và trùng tu lớn, đó là vào các năm 1887 (bắt đầu khởi dựng chùa), 1903 và 1974. Mỗi giai đoạn đều có những công trình kiến trúc tiêu biểu, thể hiện giá trị thẩm mỹ nhất định, đại diện cho từng giai đoạn tái thiết chùa. Ở giai đoạn đầu, lối kiến trúc của chùa Komphisako thực tế không có gì nổi bật, các công trình từ Chánh điện, Sala, tăng phòng cho đến bếp ăn … đều được làm bằng những vật liệu sẵn có tại chỗ, qui mô nhỏ, kết cấu đơn giản, chủ yếu nhằm định hình ngôi chùa để có nơi hành đạo, phục vụ kịp thời nhu cầu bứt thiết của tập quán, tâm linh cho bà con Khmer lúc bấy giờ. Đến giai đoạn thứ hai, kiến trúc chùa Komphisako khá bề thế, khang trang. Các nhà Tăng hầu hết đều làm bằng gỗ, ván và được kết cấu theo dạng nhà sàn. Riêng ngôi Chánh điện, sau khi trùng tu, được đánh giá là một trong những tòa nhà đẹp nhất trong tỉnh thời bấy giờ. Điểm đặc biệt nổi bật đáng chú ý nhất của ngôi Chánh điện thời ấy chính là những hàng cột bằng gỗ to, có chạm khắc hoa văn và sơn thếp vàng ở chân và đầu cột. Ở các hàng cột hiên, người ta gắn những bức tượng chim Krud (chim thần Garuda) bằng gỗ quí, to bằng người thật, trong tư thế dang hai tay đỡ mái; tại mỏ của nó, có treo một quả chuông đồng nhỏ để khi có luồng gió thổi qua, lay nhẹ sẽ phát ra những âm thanh trầm bổng nghe thật lạ tai, tựa hồ như tiếng tháo quát của thần linh xua đuổi tà ma, quỉ dữ tránh xa đất Phật. Hiện nay, số tượng này chỉ còn sót lại bốn con. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn “bê-tông hóa” hầu hết các công trình kiến trúc và được bổ sung nhiều hạng mục công trình nhất. Kể từ khi chùa được xếp hạng di tích, một loạt công trình mới được bổ sung như: tượng Phật gỗ cao 4,2m, nặng 5 tấn (đưa vào thờ 2002), ngôi tăng xá hai tầng (khánh thành 2003), nhà hỏa táng (xây dựng 2005), hàng rào bao quanh khuôn viên chùa, cổng sau (hoàn thành vào tháng 5/2007) và trồng thêm hơn 500 cây cổ thụ (cây dầu, cây sao) trong khuôn viên chùa.
2.1. Vị thế, không gian và cách bố trí các công trình kiến trúc của chùa Komphisako hiện nay:
Chùa Komphisako hiện nay nằm trên một khu đất gò khá rộng, toàn bộ khuôn viên gần 4,5ha. Cả bốn mặt đều có các trục đường làng chạy qua. Riêng con đường trải nhựa ở hướng Nam là tỉnh lộ Bạc Liêu – Vĩnh Châu. Các hạng mục công trình: tòa Chánh điện, Sala, nhà tăng, bảo tháp (stupa) … được bố trí có nơi rời rạc, có những tòa nhà lại gần kề nhau và nằm gọn trong khu vực trung tâm của tổng thể khuôn viên chùa. Ở khu vực phía Đông, phía Nam và Đông Bắc là những khu vườn trồng đủ các loại cây, đặc biệt tại khu đất rộng về hướng Đông Bắc của Chánh điện các vị sư trồng rất nhiều cây dầu, cây sao, cây thốt nốt và một số cây thiêng khác như: cây pô (bồ đề), chry (đa) làm thành mộ khu rừng nhỏ thoáng đãng và trầm mặc, chứa đầy chất thánh thiện. Có thể nói, khu rừng nhỏ này nó không chỉ đẹp về phong cách mà tự nó đã làm cho phong cảnh trở nên có ý nghĩa, bởi nó không chỉ tạo bóng mát, cảnh quan dễ chịu mà còn là nơi lý tưởng để các loài chim, cò, sếu dừng chân nghỉ ngơi mỗi khi hoàng hôn xuống. Tiếng hót của chúng thường làm náo nhiệt và bừng tỉnh cả một gốc trời vào những buổi chiều tà. Chính từ cảnh tưởng đó, người ta coi chùa là đất lành và những cây lớn của khu rừng nhỏ này cũng được xem như vật chuyển sinh khí từ tầng trời ban xuống cho đất để mùa màng được bội thu.
Đến thăm chùa, cảnh tượng đập vào mắt đầu tiên chính là cổng chùa to cao hơn 10 mét, kết hợp với hai bức tường rào hai bên được xây nối chéo theo hình chữ V đã tạo cho ta cảm giác như ngôi chùa đang dang rộng cánh tay chào đón khách thập phương đến viếng thăm. Từ cổng này một con đường trải nhựa thẳng tắp, sạch sẽ, rộng 10m, dài trên 200m sẽ dẫn ta tiến thẳng vào trung tâm chùa. Người Khmer cũng cho đây là “nhất chính đạo”, con đường duy nhất dẫn tới Phật đài. Cách cổng chính khoảng gần 100m vào trong là chiếc cổng thứ hai lớn gần bằng cổng đầu tiên. Bên phải trục đường chính (nằm về hướng Đông) là ngôi Chánh điện to lớn, nguy nga xây trên một nền cao ráo, rộng rãi. Bao quanh ở ba mặt Chánh điện là quần thể các bảo tháp, với nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau góp phần tôn thêm vẻ uy nghiêm của Chánh điện. Tại góc trong cùng ở hướng Đông Bắc của khuôn viên chùa chính là nhà hỏa táng; cạnh đó là 3 nhà tăng nhỏ mà chức năng chính là dành cho các vị sư tọa thiền, tu học, tuy nhiên năm 2005 nó được dở bỏ để nhường chỗ xây dựng nhà hỏa táng mới. Bên tay trái của trục đường chính (nằm về hướng Bắc trục đường) là ngôi nhà Sala(3) và các phòng học nằm song song với trục đường Bạc Liêu-Vĩnh Châu. Đối diện với Chánh điện là khoảng sân rộng, ở giữa là cột cờ cao, đây chính là quãng trường để hành lễ hàng năm (thường là lễ hội Ka-thanh-nă-tean). Nằm gần sát hàng rào phía Tây là những căn nhà tăng, nhà bếp được bố trí theo một dãy thẳng tắp gần kề nhau, quay mặt sang hướng Đông. Trong đó có một ngôi nhà sàn bằng gỗ trước đây còn sót lại và một tăng xá hai tầng mới vừa xây dựng xong. Ngoài những công trình cơ bản trên, nhà chùa còn dành một khoảng đất rộng gần cổng chính để xây một ngôi trường tiểu học, tạo sự thuận lợi cho con em đồng bào Khmer được học tập chữ phổ thông tốt hơn.
Như vậy, các công trình kiến trúc hiện có của chùa Komphisako hầu hết được đặt ở các vị trí rời rạc nhau. Song, khi xem xét tổng thể ta thấy những công trình này đều có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, tuân thủ quy định truyền thống và chịu sự chi phối của các phương hướng khá rõ. Ngôi Sala, nơi dành cho các thiện nam tín nữ (úpasắc, upasíka) hành lễ, cầu kinh niệm Phật, nơi sinh hoạt của Phật tử, bao giờ cũng quay mặt hướng Nam và phải nằm chếch về hướng Bắc so với ngôi Chánh điện. Bởi lẽ người Khmer cho rằng, hướng Nam là phương của Bát Nhã, tức trí tuệ, việc quay mặt hướng Nam là để thu hút “năng lực vô biên”, làm cho trí tuệ được bừng sáng, từ đó thông suốt Phật pháp, tiến tới thức tỉnh mà soi rọi nội tâm, giữ tâm trong sạch, để rồi cậy nhờ ở sự “che chở, cứu vớt” của đức Phật ở phía trước (hiện diện qua ngôi Chánh điện) mà thoát khỏi mọi khổ đau của kiếp người. Điều này chứng tỏ người Khmer cũng rất coi trọng thế đất trong việc xây cất, nhất là xây cất chùa chiền. Song, nó không bị quá lệ thuộc vào thuyết phong thủy như ở các cư dân chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
2.2. Giá trị văn hóa nghệ thuật của một số công trình kiến trúc tiêu biểu hiện nay của chùa Komphisako:
2.2.1. Cổng chính (Kha-lôông-tha-via thom):
Cổng được xây dựng năm 1991 trong thời gian gần một năm, có quy mô khá lớn, vững chắc, cao 11m, ngang 9m và quay mặt hướng Nam(4). Kết cấu của cổng cơ bản chia thành 3 cửa (Tam quan), với 4 cột trụ dạng hình hộp, có bề ngang gần 0,5m. Cửa chính ở giữa rộng 4m, hai cửa phụ hai bên, mỗi cửa chỉ rộng 1,5m. Phía trên mỗi cửa là một bộ mái cao khoảng 2m; ở chính giữa mỗi bộ mái người ta xây ngôi tháp dưới dạng hình thang 5 tầng, được hiểu như là 5 điều cấm của nhà Phật, cao nhất là chiếc tháp ở giữa. Hình ảnh này đã gợi cho ta một tòa nhà bề thế hơn là một cổng chùa. Tại góc đao của mỗi bộ mái, các nghệ nhân gắn thêm đầu rồng (pôs-neakarech) trong tư thế ngóc lên. Phần thân của chúng được kéo dài ngược lên phía trên, giao nhau tại một điểm, chính là đỉnh của một tam giác, đúng hơn đó là hình ảnh của chiếc lá Bồ đề, tượng trưng cho trí tuệ, dẫn tới giác ngộ Phật Pháp. Phía trong khung tam giác (lá Bồ đề), dọc theo hai cạnh bên, người ta đắp hoa văn Pha-nhi-pha-lơng(5) bao bọc một tòa sen được đặt ngay cạnh đáy của khung tam giác; trên tòa sen là một chiếc khay đỡ lấy bộ Tam Tạng Kinh tượng trưng bằng 3 quyển sách; phía trên bộ Tam Tạng Kinh là hình tượng Koong-chắc (luân xa). Các hình ảnh Tòa Sen, bộ Tam Tạng Kinh, Luân Xa, chính là biểu thị cho ý nghĩa Phật Pháp sẽ luôn lan truyền trong dân chúng tại đây.
Riêng hai cửa phụ hai bên, cũng có kết cấu tương tự, nhưng nhỏ hơn; đặc biệt là trong khung tam giác, người ta thay hình ảnh Tòa Sen, Sách, Luân Xa bằng hình ảnh của một con Ria-hu(6) đang nhả mặt trăng, biểu tượng cho ước vọng của con người về sự no đủ. Phần trên của mỗi đỉnh tháp 5 tầng là những nụ sen, tượng trưng cho sự tinh khiết, mà mỗi khi người Phật tử bước vào chùa, ngước lên ngắm nhìn để giữ tâm được trong sạch trước khi tiến tới đất Phật. Còn ở hai bên rìa cổng, sát với cột trụ ngoài cùng, người ta đặt hai pho tượng Chằn (Yeak), tay cầm chầy vồ, trong tư thế đứng gác; hai bàn chân xoay ngang, gót chân gần chạm vào nhau, đầu gối hơi trùng, vẻ mặt hung tợn; tượng có dáng gần bằng người thật. Hai bức tượng này không chỉ góp phần tăng thêm vẻ uy nghi, trang nghiêm cho chùa mà nó còn làm cho lòng người như tĩnh lại, sửa ác, hướng thiện và tìm được chính mình mỗi khi đặt chân tới chùa. Tượng như các Hộ Pháp của người Việt.
Xét về hình thức, cổng chùa Komphisako có một nét riêng so với các chùa Khmer khác trong tỉnh. Tại đa số các chùa, cổng thường được kết cấu với một lối đi chính, duy nhất. Ở cổng chùa Komphisako lại xuất hiện tới 3 cửa. Phải chăng đây là sự ảnh hưởng, tiếp thu từ hình ảnh Tam Quan của chùa Việt, chùa Hoa trong vùng ? Có lẽ cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.
2.2.2. Kiến trúc Chánh điện (Ví-hia):
Là một công trình quan trọng, thiêng liêng, nơi thờ phượng đức Phật, do đó Chánh điện chùa Komphisako được bố trí ở trung tâm khuôn viên chùa (pha-chách), trên 3 cấp nền, cao tổng cộng 4m, theo trục Đông – Tây. Với chiều cao đó, người ta phải xây 18 bậc thang để đi lên Chánh điện.
Nhìn chung Chánh điện chùa Komphisako có kết cấu giống hầu hết các ngôi Chánh điện chùa Khmer khác trong vùng, ở dạng hình chữ nhật, rộng 18m, dài 36m, mặt chính quay hướng Đông và đó cũng là nguyên tắc. Như ta biết, hướng Đông–Tây, đặc biệt đối với hướng Tây, người Kinh thường quan tâm thì đó là hướng hợp với qui luật âm dương đối đãi. Song, ở người Khmer thường nghĩ đó là nơi đất Phật, vì thế mà đức Phật thường ngồi ở hướng Tây để nhìn về hướng Đông, tức hướng tới chúng sinh để giáo hóa và ban ân huệ. Trong quan niệm của người Khmer cũng như nhiều cư dân phương đông khác, thường cho rằng, hướng Đông là hướng của thánh thần, mang sinh khí và sự thiêng liêng. Vì vậy trong kiến trúc của người Kinh ở phía Bắc thường thờ theo lối ngang, mở cửa ở trước, nên nếu quay hướng Đông, ánh sáng ban mai sẽ rọi vào bàn thờ, làm hồn thần bị tán. Còn ngôi chùa Khmer thì lại theo lối dọc, tuy nhìn về hướng Đông nhưng không có cửa ở giữa mà mở lệch về hai bên, khiến cho không bị ánh sáng ban mai chiếu thẳng bàn thờ, do đó vẫn thu được sinh khí thánh thần.
Quan sát bề ngoài Chánh điện chúng ta thấy, ngoài khung và cánh cửa sổ, cửa cái được làm từ chất liệu gỗ thì các bộ phận khác còn lại đều xây bằng gạch và đổ bê-tông. Toàn bộ Chánh điện có gần 100 cây cột bê-tông tròn, có chu vi từ 1,05m đến 1,25m, cao khoảng 10m; cộng thêm 11 cửa sổ, mỗi cửa rộng 1,2m cao 1,7m và 4 cửa chính, mỗi cửa rộng 1,5m, cao 2,5m cũng đủ thấy được sự bề thế của ngôi Chánh điện như thế nào. Để làm giảm bớt sự nặng nề của các bộ mái, tại nơi tiếp giáp giữa các đầu cột và tàu mái, người ta gắn những chiếc đầu rắn thần Naga trong tư thế ngóc lên (có cả thảy 36 đầu); phần thân của nó chính là bờ dải các mái, nằm thoai thoải như đang trườn từ trên nóc xuống bờ hiên, với những vây lưng tỉa rõ từng cái, đều đặn uốn công như hình ngọn lửa đang cuồn cuộn cháy. Riêng tại các đầu kìm, các góc bờ nóc thì các nghệ nhân gắn hình tượng “Chi-via” (có 12 chiếc), cao khoảng 2m, thon dần và uốn ngược lên trên, được xem như những chiếc “đuôi rồng”. Sự kết hợp giữa đầu, thân và các chi-via (đuôi rồng) đã tạo nên hình ảnh của những chiếc thuyền đang đua bơi – một trong những tích Phật mà người Khmer thường hay nhắc tới – sự tích về Pos Niêc-ka-reach, tức rắn thần Naga. Và, người Khmer đưa hình ảnh rắn thần Naga lên mái chùa chính là mong muốn đức Phật dừng lại ở chùa mình để ban phước, đồng thời cũng là một linh vật bảo vệ Phật điện tránh được những cơn giông tố, bão táp của thiên nhiên hay cũng để nói lên sự trường tồn của Phật giáo nói chung.
Trên đỉnh ở giữa nóc mái, người ta xây một khối hình tháp khá cao khoảng 7m, chia làm 5 tầng. Hai đầu hồi ở hai bên được trang trí bằng hoa văn dây leo, hoa Sen, Sách Kinh và Koong-chắc (Luân Xa). Bên trong Chánh điện là một gian phòng rộng dành cho việc hành lễ. Sự bài trí khá đơn giản, gồm một bàn thờ cao 3 tầng. Tầng trên cùng của bàn thờ, người ta xây một bệ tượng hình bán nguyệt, cao gần 2m và được chia thành 7 bậc, trên đó là pho tượng Phật Thích ca rất lớn.
Mặt khác có một điểm cần lưu ý là mặc dù chức năng của ngôi Chánh điện là dành cho các nhà sư hành lễ, thế nhưng có những cuộc lễ, đòi hỏi phải có sự “chứng kiến” của người Phật tử, nhưng họ phải ngồi ở vị trí riêng. Và, vì thế mà mặt sàn của ngôi Chánh điện chùa Komphisako được lót bằng hai màu gạch khác nhau để phân chia “ranh giới” giữa vị trí các Chư Tăng và người Phật tử. Đây cũng là một trong những nguyên tắc có từ khá xưa.
2.2.3. Kiến trúc ngôi Sala:
Nhìn thoáng qua kiến trúc ngôi Sala của chùa Komphisako, nếu như nó không được trang trí thêm các loại hoa văn, các pho tượng thần, Phật … trên nóc nhà thì có lẽ Sala cũng không có gì nổi bật đáng kể. Bởi lẽ xét về hình thức, cơ bản nó được xây dựng thành một khối hình hộp chữ nhật trên một diện tích 28m x 11m, giống như những ngôi nhà cấp 4 bình thường; chiều cao tính từ nền lên tới trần nhà là 7m, nên rất thoáng. Nội thất toàn Sala được chia làm hai phẩn, cách nhau bởi hàng cột ở giữa nhà; tiếp giáp với vách hướng Tây là một bàn thờ Phật; gần vách ở hướng Nam là “bàn ăn tập thể” được xây cao hơn nền nhà khoảng 40cm.
Trên phương diện mỹ thuật thì Sala được các nghệ nhân Khmer trang trí tỉ mỉ không thua kém ngôi Chánh điện. Bề mặt của các hàng cột Sala đều được đắp nổi các loại hoa văn “Đok-chăn-hiên”, là những hình kỷ hà xếp thành từng ô đều đặn dưới dạng hình thoi; giữa hai hàng cột được kết dính với nhau bằng những chiếc “màn gió” trông rất đẹp. Tại mỗi đầu cột ở bên ngoài, người ta gắn các con chim thần Keno, trong tư thế đứng đỡ mái hiên. Phía trên của hiên trước (mặt chính), các nghệ nhân đắp một tác phẩm tượng khá hoàn mỹ, với đề tài Thái tử Shidhatha (Thích-ca) đi tu. Các nhân vật được thể hiện bằng người thật nên trông thật sinh động. Thái tử Shidhatha ngồi trên một con bạch mã, có cả người hầu bám vào đuôi ngựa. Tay phải Thái tử cầm dây cương, tay trái giơ cao chỉ thẳng phía trước, bốn tiên nữ hộ tống phía sau, trong đó có hai tiên nữ ngồi, dùng tay nâng đôi chân ngựa. Hai tiên nữ còn lại thì quỳ trên các đám mây cuộn hình xoắn ốc, tay ôm chiếc bình bát và bộ áo cà sa. Đối diện với Thái tử Shidhatha là hình ảnh của Mear (ma vương), với nét mặt dữ tợn đứng trên ngọn núi cao, tay trái cầm chầy vồ đặt lên vai trái, tay phải đưa thẳng về phía trước, lòng bàn tay dựng đứng, ngụ ý bắt Thái tử Shidhatha dừng lại. Quả thật các nhân vật được nghệ nhân thể hiện ở đây rất có hồn, sinh động và chưa từng xuất hiện ở bất cứ ngôi Sala nào trong tỉnh.
Nhìn chung, với chức năng là nơi hội họp, sinh hoạt của Phật tử, bổn đạo nhà chùa vào các tuần trai hàng tháng và là nơi thường xuyên đón tiếp khách tứ phương đến thắp hương cúng Phật, nên nó được các nghệ nhân đầu tư khá nhiều công sức, thời gian trong việc làm đẹp và là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Komphisako.
2.2.4. Kiến trúc Tháp (Stupa, Pro-chét-đây):
Xung quanh ngôi Chánh điện, ta thấy xuất hiện khá nhiều ngôi tháp lớn nhỏ, do các Phật tử xây cất để thờ hài cốt của những người thân trong dòng tộc đã khuất. Nhìn chung về kiểu cách, bố cục trong xây cất tháp trên đại thể là giống nhau, có cấu trúc gần như tương tự cấu trúc của một bệ tượng, nhất là về cách trang trí. Phần đông các ngôi tháp tại chùa Komphisako được thể hiện ở dạng sau: chân tháp là một hình vuông, trung bình mỗi cạnh gần 2m; thân tháp có nhiều tầng, riêng tầng dưới cùng, ở mặt chính, thường được làm một cái cửa nhỏ để đưa hài cốt đặt vào bên trong. So với bệ tượng, phía trên cùng thường là bức tượng Phật, thì đối với tháp, người ta xây thành một khối hình trụ, nhỏ dần lên tới đỉnh, giống như hình một quả chuông úp; trên đỉnh có để đầu thần Mahaprum bốn mặt. Cũng có những ngôi tháp người ta không gắn đầu tượng. Trên đầu tượng là cây cột sắt có gắn xung quanh những hình đĩa tròn, nhiều tầng giống như chiếc lọng kép nhiều tầng và cũng nhỏ dần lên tới đỉnh, quanh tháp thường được xây rào bảo vệ cẩn thận.
Như ta biết, tháp là một kiểu kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo. Theo Bộ Kinh Mahaparni Sutanta, trước khi nhập Niết bàn, đức Phật có dặn lại Ananda, nên dựng ở giữa bốn con đường lớn một ngôi tháp đựng xá lỵ của ngài. Từ đó, tháp xuất hiện ở hầu hết các dân tộc đi theo đạo Phật. Tuy nhiên, so với nơi xuất phát (Ấn Độ) kết cấu ngôi tháp thường gồm: Đế là hình trụ, tượng trưng cho luân xa; bên trên là một mái che hình bán cầu, tượng trưng cho vũ trụ, đỉnh bán cầu có một hình khối nhỏ được đỡ bởi một trục, tượng trưng cho trục vũ trụ, các đĩa nhỏ tượng trưng cho các thế giới khác nhau hiện hữu trong vũ trụ … Một số tài liệu cho rằng, tháp Phật giáo bắt nguồn từ tháp cổ Ấn Độ có trước đạo Phật. Tháp là phiên âm chữ Hán, rút gọn từ chữ Stupa của tiếng Phạn. Stupa có nghĩa là tấm đất, gò mộ. Mô hình tháp Ấn Độ cổ điển thường gồm 4 bộ phận: rào xây (vedika), đế (medhi), quả trứng (anda) và chóp (ti, chhatravali, chhatra) (7). Cho dù gốc xuất phát của kiến trúc tháp như thế nào, song chúng ta có thể thấy rằng, sau khi nó được phát triển ở các dân tộc, quốc gia ngoài Ấn Độ, thì việc thêm thắt, cải biên để sao cho phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ, lối kiến trúc đặc trưng của từng dân tộc là điều tất yếu.
2.2.5. Về điêu khắc, tạc tượng:
Xét về thể loại, điêu khắc chùa Komphisako có hai loại chính, loại tượng tròn, gồm tượng Phật, chằn, ken-no, krud … và loại phù điêu gồm các hoa văn chạm trổ trên khung cửa, cánh cửa, đầu hồi … Và, thường sử dụng chất liệu gỗ, xi măng, và một ít bằng kim loại. Ngoài ra còn một số pho tượng Phật được làm bằng ngọc thạch, đá trắng.
Như chúng ta đã biết, người Khmer là dân dân tộc đi theo Phật giáo tiểu thừa, coi đức Phật Thích-ca mâu ni là người duy nhất dẫn đường, dìu dắt chúng sinh thoát khỏi vòng luẩn quẩn của luân hồi để trở về cõi niết bàn, là cõi tùng cột thanh tịnh, yên vui không sinh không diệt, không ham mê giả dối, không phân biệt hiền ngu. Có lẽ xuất phát từ ý nghĩa trên, nên trong cách phụng sự đạo pháp, người Khmer chỉ thờ đức Phật thích ca. Điều này lý giải vì sao ở trong Phật điện chùa Khmer chúng ta chỉ thấy có một loại tượng Phật thích ca duy nhất. Tuy nhiên, để làm phong phú, sinh động thêm cho Phật điện, các nghệ nhân đã khai thác nhiều tư thế hình tượng đức Phật để làm tượng thờ.
Tại Phật điện chùa Komphisako, ta thấy nét nổi bật hơn cả ở trên Phật đài của Chánh điện chính là pho tượng Phật đắc đạo to lớn, cao 2m, làm bằng xi măng, ngồi trên một bệ tượng hình bán nguyệt. Về hình thức thì tượng có Unisa (bứu đỉnh đầu) hơi nhọn, tượng trưng cho trí tuệ, quyền lực, cho sự vĩnh hằng cao cả; dưới đó là hai lớp tóc khá dày, nhìn từ xa giống như xoắn vẩy óc; mặt tượng có dáng nữ, trán không cao lắm, mắt nhìn thẳng, mũi thẳng, tai dài chấm vai; tượng có ức nở, bụng thon, mặc áo cà sa vắt qua vai trái, vai phải để trần; hai tay Phật buông, tay phải úp lên trên ống quyển chân phải, các ngón dũi thẳng chỉ xuống đất, như một sự xác minh với Ma vương rằng sự đắc đạo của Phật là có sự minh giám của nữ thần đất Neang-heng-pres-thor-ni; tay trái ngửa để trên lòng bàn chân phải. Tượng được bố trí trong tư thế ngồi kiết già và không theo luật âm dương như nhiều tượng Phật giáo Đại thừa.
Dưới chân bệ tượng Phật chính, có hai bức tượng to bằng người thật ngồi xếp hai chân về một phía, đối xứng nhau qua bức tượng Phật chính, tay chắp trước ngực cùng hướng về pho tượng Phật ở giữa. Tượng mặc áo cà sa vàng, ngực nở, gương mặt đều đặn, nhưng trên đỉnh đầu không có bứu unisa, chứng tỏ đây không phải là tượng Phật Thích ca, có khả năng là các Alahán hoặc là một trong những môn đệ nào đó của đức Phật, luôn túc trực hầu hạ bên đức Phật. Hình tượng này có lẽ lần đầu tiên xuất hiện trong ngôi Chánh điện chùa Khmer nói chung, đặc biệt là ở chùa Komphisako.
Ở thấp hơn có hai pho tượng Phật đi khất thực, cao gần một mét, đứng trên một toà sen. Tượng được thể hiện ở dạng đứng trong bộ áo cà sa choàng kín người, tay ôm bình bát màu đen, màu gắn với thần Shi-va biểu tượng của sự no đủ. Đây là cái bát để cho chúng sinh gửi gắm các ước vọng và cũng là hình thức nhằm giáo dục hạnh bố thí cùng nghĩa vụ của mình. Tượng đi chân đất, đứng thẳng, nhưng nếu nhìn ngang ta thấy tượng có vẻ như đang bước từng bước nhỏ, nhẹ nhàng, biểu hiện sự khoan thai, đức độ, vì lẽ có như thế thì mới tránh được sự đè lên những sinh linh bé nhỏ trên đường. Sau lưng bức tượng Phật chính, còn có hai bức tượng Phật đắc đạo khác nữa cũng khá lớn, gần bằng người thật được thể hiện trong tư thế ngồi kiết già.
Ngoài ra, trên Phật đài còn có tất cả 27 tượng Phật khác, có kích cỡ không đồng đều nhau, hầu hết là những tượng do các Phật tử cúng dường cho chùa. Về hình thức, trong số tượng này có 3 loại, mà phần nhiều thuộc loại tượng Phật đắc đạo, còn lại vài pho tượng thuộc loại tượng Phật ngồi thiền định và duy nhất có một pho tượng được thể hiện khi Thích ca còn là một vị hoàng tử. Như vậy, trên bàn thờ của Phật điện chùa Komphisako khá đơn điệu, không giống như các Phật điện của chùa Việt, chùa Hoa thường có rất nhiều bộ tượng như Tam Thế, Quan Thế Âm …
Riêng ở tại bàn thờ Phật trong ngôi Sala, nhìn chung sự bài trí tượng Phật ở đây cũng không khác gì bàn thờ trong Chánh điện, chỉ có điều được bổ sung thêm một pho tượng Phật nằm nghiêng, đầu được gối lên tay phải và ở về hướng Nam, mặt quay ra hướng Đông thể hiện lúc Phật viên tịch (nhập niết bàn); Ngoài các loại tượng kể trên, còn có một số ít tượng Phật loại nhỏ, làm bằng chất liệu đồng, thể hiện lúc đức Phật ngồi tọa thiền, được rắn thần Naga che chở, thân rắn cuộn lại 3 vòng làm thành bệ tượng, còn phần đầu thường có 7 hoặc 5 hoặc 3 đầu xòe ra tạo thành mái vòm che cho đức Phật.
Ngoài các loại tượng trên, điêu khắc trong chùa Komphisako còn biểu lộ qua các loại hoa văn trang trí đắp nổi, các loại tượng linh thú như sư tử, đầu rắn thần Naga, chim thần Ken-no, Krúd (Garuda), Ria-hu… rất khéo léo, sinh động, đạt giá trị nghệ thuật nhất định và đã thể hiện được sắc thái Khmer rõ nét.
2.2.6. Hội họa:
Hội họa cũng đóng một vai trò khá quan trọng, không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp cho chùa mà nó còn góp phần giáo dục về mặt đạo đức một cách trực quan sinh động cho những ai đặt chân đến viếng cảnh chùa. Tại chùa Komphisako, ta thấy trên các vách tường, trần nhà của ngôi Chánh điện và Sala đâu đâu cũng có những bức bích họa với đủ các đề tài về hoa lá và tích Phật. Có thể nói các họa sĩ Khmer đã tóm lược gần như toàn bộ sự tích đức Phật bằng những bức tranh sinh động như: cảnh các tiền kiếp của Phật thích ca, cảnh Phật Thích ca mới hạ sinh, cảnh đi tu, nhập niết bàn … Tất cả những cảnh này đều được tả thực, các nhân vật đều mang dáng dấp dân tộc Khmer. Tuy có những chỗ còn hơi thô, nhưng cũng đủ hiện lên sự sinh động và làm cho những ai lần đầu bước vào ngôi Chánh điện hay Sala đều thấy mình như đang sống trong thời kỳ Phật còn tại thế vậy.
Xét về màu sắc, những bức bích họa trong chùa Komphisako đã được các họa sĩ Khmer sử dụng khá tự do các màu, thường là các màu nguyên thể, ít pha trộn và là những màu tương phản hết sức sặc sỡ, nếu như không muốn nói là khá lòe loẹt, họ ít dùng lối chuyển sắc độ theo một chủ thể. Song, xét trên bình diện chung thì hội họa trong chùa Komphisako phần nào cũng đã đem lại một sự lôi cuốn, hấp dẫn, phản ánh cá tính, tình cảm của người họa sĩ cũng như thị hiếu, tình cảm thẩm mỹ của bà con Khmer trên địa bàn. Riêng tại ngôi Sala ở một số bức tranh tiếp giáp với trần nhà được họa sĩ thể hiện rất đẹp, bút pháp khá điêu luyện, cộng với cách pha màu và đường nét sắc xảo của người họa sĩ, phù hợp luật xa gần, các qui định về ánh sáng cũng như sự giải phẩu cơ thể trong hội họa … đã tạo cho những hình ảnh trong tranh như có hồn và đang sống trong hiện tại, rất gần gũi với cuộc sống của người Khmer. Thật sự là các bức tranh trong chùa Komphisako có một ý nghĩa rất tích cực trong việc giáo dục chúng sinh về cách hành xử phật pháp.
Kết luận:
Chùa Komphisako là một trong 22 ngôi chùa Khmer của tỉnh Bạc Liêu có vị trí khá đặc biệt, nằm trong trung tâm của tỉnh, là một sản phẩm văn hóa tiêu biểu được kết tinh từ bàn tay khéo léo, những tinh hoa đầy sức sáng tạo của người Khmer. Chùa không chỉ là biểu hiện của tinh thần mộ đạo, phản ánh tiến trình phát triển của lịch sử Phật giáo Khmer Nam bộ, mà chùa còn là hiện thân của tâm hồn những người nông dân Khmer chất phát, thật thà trong quá trình khai phá đất hoang, lập kế sinh nhai ở một địa phương thuộc về vùng đất cực Nam của tổ quốc.
Đã qua 120 năm kể từ ngày khởi dựng, với 3 giai đoạn trùng tu lớn và qua 8 đời sư trụ trì (kể cả vị trụ trì hiện nay), chùa Komphisako vẫn đang không ngừng được bảo vệ, nâng niu trong ý thức trân trọng của tất cả mọi người dân. Chùa không chỉ đạt giá trị về mặt nghệ thuật và là một thiết chế cơ bản của Phật giáo, mà chùa còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc tại địa phương. Có thể nói chùa Komphisako là một “bảo tàng sống động”, trưng bày gần như tất cả sản phẩm của nghệ thuật tạo hình Khmer. So với thời gian trước đây, thì chùa Komphisako ngày nay tuy đã được tôn tạo, bổ sung khá nhiều hạng mục công trình để ngày càng hoàn thiện, nhưng trên đại thể nó vẫn được kế thừa từ quá khứ, vì thế nó không làm mất đi giá trị truyền thống vốn có và đã từng tồn tại, mặc dù đã thay đổi nhiều về chất liệu. Do đó, chùa Komphisako vẫn thể hiện được nét đẹp xưa, làm nổi bật được sắc thái văn hóa riêng của người Khmer, gây được sự chú ý, quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của địa phương. Chính điều này đã làm cho chùa Komphisako dần trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, không thể thiếu trong “tour” du lịch của tỉnh Bạc Liêu.
Chú thích:
(1) Báo cáo số 150-BC/TU ngày 14/11/2005 của Văn phòng tỉnh ủy Bạc Liêu.
(2) Xiêm Cán (sông sâu) là cách gọi của người Hoa (Triều Châu), được dịch từ chữ Prếk-chru.
(3) Sala là ngôi nhà giống niệm phật đường của các chùa người Việt, là nơi dành phần lớn cho các phật tử đến sinh hoạt tôn giáo.
(4) Lúc mới thành lập cổng chính được xây ở hướng Bắc. Năm 1933, thực dân Pháp cho mở đường từ thị xã Bạc Liêu đi Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Từ đó cổng được dời về vị trí hướng Nam cho đến ngày nay.
(5) Là loại hoa văn ở dạng hoa dây leo, nhưng lá của chúng được cách điệu thành hình ngọn lửa.
(6) Ria-hu là một linh vật trong các câu chuyện thần thoại của người Khmer.
(7) Theo Nguyễn Duy Hinh. Kiến trúc cổ Việt Nam (10 bài giảng). Trường Đại học kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, 1997 – lưu hành nội bộ.
Cập nhật ( 29/07/2009 )