PHẬT GIÁO BẠC LIÊU VỐN CÓ TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC PHẬT HỌC
* Hòa thượng Thích Huệ Hà
(Trích Diễn văn Khai mạc của Hòa thượng Thích Huệ Hà – Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội kiêm Hiệu trưởng Trường Phật học Bạc Liêu trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp Cao đẳng Phật học Khóa I và khai giảng Cao đẳng Phật học Khóa II, ngày 23 tháng 8 năm 2008 tại Hội trường chùa Long Phước, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu)
Trong không khí thanh bình của Tổ quốc, dưới ánh hào quang của chư Phật mười phương, hòa cùng niềm vui chung của ngành Giáo dục Tăng Ni Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu được Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho phép mở Cao đẳng Phật học khóa I đến nay viên mãn và hôm nay khai giảng khóa II. Thay mặt Tỉnh hội Phật giáo và Ban Giám hiệu trường Phật học Bạc Liêu tôi kính gửi đến Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, Chư vị khách quý, Chư Phật tử ân nhân và tất cả Tăng Ni sinh lời chào trân trọng và tri ân.
Như chúng ta đã biết, Đức Phật đến với cuộc đời vì hạnh nguyện duy nhất là đem nguồn an lạc hạnh phúc cho nhân loại. Hạnh nguyện ấy Đức Phật Thích Ca cưu mang và thực hiện suốt 49 năm hoằng hóa. Sự nghiệp giáo dục mà Đức Phật để lại cho nhân loại hôm nay là nền tảng văn hóa nhân bản. Đức Phật luôn khẳng định chính con người mới trở thành Thánh hiền, Bồ Tát hay Phật nếu biết tu dưỡng. Thực hành lời dạy của Đức Phật mà Phật giáo trải qua hai ngàn năm trăm năm luôn luôn lấy DUY TUỆ THỊ NGHIỆP làm bửu bối mở đường trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, góp phần làm cho thế giới hòa bình an lạc.
Đức Phật đã để lại cho nhân loại một kho tàng giáo lý vô tận, nếu không có giáo dục thì không làm sao hàng Phật tử chúng ta thấu đạt được những triết lý cao siêu, mầu nhiệm để tu hành chứng đắc các thánh quả vô thượng Bồ đề. Nối tiếp truyền thống giáo dục đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt vấn đề giáo dục Tăng Ni lên hàng đầu trong công tác Phật sự của mình, quyết tâm xây dựng lớp người vừa có trí thức vừa có văn hóa chuyên môn, thực tu, thực học để có trình độ năng lực đủ sức làm Phật sự Giáo hội trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập.
Phật giáo Bạc Liêu vốn có truyền thống giáo dục Phật học, nhất là trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Trong thế kỷ hai mươi các tự viện Phật giáo Bạc Liêu lần lượt mở trường Phật học như vào năm 1921 Hòa thượng Thích Hoằng Nghĩa chùa Long Phước Long Điền, năm 1929 Ni sư Diệu Nga chùa Giác Hoa Vĩnh Lợi, năm 1935 Sư cụ Nguyệt Chiếu chùa Vĩnh Đức thị xã Bạc Liêu, năm 1957 Hòa thượng Thiền Định chùa Huệ Quang, năm 1966 Hòa thượng Hiển Giác chùa Long Phước thị xã Bạc Liêu, năm 1967 Hòa thượng Trí Đức chùa Vĩnh Hòa và đến hôm nay Tỉnh hội Phật giáo mở trung cấp và cao đẳng Phật học.
Riêng việc mở cao đẳng Phật học, tuy kết quả số lượng Tăng Ni sinh tốt nghiệp còn khiêm tốn nhưng cũng nói lên sự nhận định sáng suốt của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội và sự quan tâm đặc biệt của Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép Tỉnh hội Bạc Liêu mở cao đẳng Phật học để Ban Giám hiệu của trường tiếp nhận Tăng Ni sinh không có điều kiện vào học viện được tiếp tục con đường tu học nội minh Phật giáo.
Chúng tôi rất hoan hỉ thấy được Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội lãnh đạo nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hôm nay có ý thức phân chia ra hai hệ giáo dục rõ ràng. Hệ thứ nhất hướng về quốc tế, Tăng Ni sinh được đào tạo theo chương trình bác học nhằm phục vụ cho cộng đồng Phật tử trên thế giới, những Tăng Ni sinh này theo học chương trình cao cấp Phật học. Hệ thứ hai nhằm phục vụ cho Phật tử trong nước, những Tăng Ni sinh sau khi học xong trung cấp Phật học tiếp tục được đào tạo thêm 4 năm cao đẳng để nâng cao trình độ năng lực phục vụ Phật sự tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của Tổ quốc.
Buổi lễ tốt nghiệp khóa I Cao đẳng Phật học và khai giảng khóa II Cao đẳng tại trường Phật học Bạc Liêu hôm nay được sự chưng minh của Trung ương Giáo hội, Chư tôn Giáo phẩm, Đại đức Tăng Ni, Chư vị khách quý và Chư Phật tử là một động lực khích lệ cho Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu bền vững nối tiếp truyền thống giáo dục Tăng Ni, thay mặt Ban Trị sự Tỉnh hội và Ban Giám hiệu trường tôi chân thành cảm niệm và tri ơn Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các cơ quan chức năng đã cho phép Bạc Liêu mở Cao đẳng Phật học. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Bạc Liêu có trường giảng dạy chương trình Phật học cao nhứt từ xưa cho tới nay. Và hiện nay trường Phật học Bạc Liêu có tên trong danh sách trường Phật học quốc tế, vừa qua được tham dự hội nghị thành lập hiệp hội trường Phật học Phật giáo thế giới tại Thái Lan.
Nhân đây tôi có đôi lời với quý Tăng Ni sinh khóa I. Hôm nay thật là hân hạnh cho quý vị được Chư Tôn đức Giáo hội các cấp thương tưởng dành thời giờ quý báu quang lâm chứng dự buổi lễ tốt nghiệp của quý vị, trong giờ phút trang trọng này quý vị hãy lắng lòng nghe những lời đạo từ của Chư Tôn đức và quý vị khách quý, quý vị hãy lãnh hội tiếp thu trong tinh thần VĂN TƯ TU của một môn sinh cao đẳng ra trường. Suốt trong 3 năm qua quý vị đã được các bậc Giáo thọ truyền trao những kiến thức Phật pháp làm nền tảng trên bước đường hành đạo phụng sự Giáo hội. Với chừng ấy vốn kiến thức quý vị đừng nên tự mãn mà cần phải tinh tấn tu học thêm nhiều nữa, học thầy, học bạn, học sách vở, học trực tiếp với cuộc đời, học qua việc làm kinh nghiệm bản thân để có năng lực làm Phật sự cho tốt trong công tác Giáo hội phụng sự đạo pháp dân tộc. Bằng cấp mà quý vị nhận hôm nay nên coi là phương tiện để tiến tu trên bước đường học đạo, hãy luôn khắc kỷ tự thân để vươn tới, xứng đáng là thành viên của Giáo hội, là lương đống cho Phật pháp tương lai. Tôi có lời ca ngợi tinh thần học tập của quý vị trong 3 năm qua. Cầu Phật gia hộ cho quý vị Bồ đề tâm luôn tăng trưởng, Phật sự viên thành để làm rạng danh ân sư thầy tổ.
Và sau đây tôi cũng có đôi lời với Tăng Ni sinh cao đẳng khóa II. Trong những năm qua quý vị đã được giáo dục ở trường trung cấp Phật học, xem như phần cơ bản Phật học quý vị đã vững chắc để bước vào cao đẳng của trường Phật học Bạc Liêu. Trước mắt quý vị sẽ thấy cửa kho tàng giáo lý Phật pháp rộng mở, nhiệm vụ nặng nề tới đây quý vị phải tu học suốt 4 năm tại trường, quý vị cần phải nổ lực phát huy truyền thống đạo đức, tu hành không mệt mỏi, không sao lãng và cần phải nêu cao phẩm hạnh của người xuất gia, kiên trì tu tập tam vô lậu học GIỚI ĐỊNH HUỆ để thành tựu phẩm hạnh về trí đức, tâm đức, hạnh đức, hiếu đức ngỏ hầu đền đáp tứ trọng ân để mai sau góp đức tài phục vụ Giáo hội, phụng sự đạo pháp dân tộc. Ban Giám hiệu trường, Ban Giáo thọ sư, Chư Tôn đức Tăng Ni, Bổn sư, Y chỉ sư và Chư Phật tử ân nhân luôn đặt niềm tin ở quý vị, hãy sẳn sàng lao vào sự tu học tinh tấn tại ngôi trường này.
Một lần nữa tôi thay mặt Tỉnh hội, Ban Giám hiệu trường Phật học Bạc Liêu thành tâm tri ơn, cảm niệm công đức lớn lao của Chư Tôn đức lãnh đạo Giaó hội các cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh và quý cơ quan chức năng cùng toàn thể Phật tử, quý vị ân nhân đã quan tâm giúp đỡ ủng hộ cho Phật giáo Bạc Liêu làm tốt công tác Phật sự giáo dục Tăng Ni thế hệ kế thừa Phật pháp mai sau. Đặc biệt là hôm nay chư Tôn đức và quý vị quang lâm chứng minh tham dự buổi lễ tốt nghiệp cao đẳng Phật học khóa I và khai giảng khóa II Cao đẳng tại trường Phật học Bạc Liêu. Vào giờ này, thay mặt Ban Giám hiệu trường tôi tuyên bố bế giảng khóa I Cao đẳng Phật học và khai giảng khóa II Cao đẳng tại trường Phật học Bạc Liêu. Kính chúc Chư Tôn đức và Chư Liệt vị thân tâm an lạc vạn sự kiết tường.
NAM MÔ HOAN HỈ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
Cập nhật ( 28/09/2008 )