ĐÈN KÉO QUÂN * Nguyễn Phú Xuân (st) Đêm Trung Thu ở nước ta có nhiều trò vui như rước đèn, xem múa lân, phá cổ…Trong đó chơi đèn kéo quân là hình thức vui chơi tiêu biểu của rằm Trung Thu. Ở một vài nước Á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản cũng có loại đèn tương tự, mang nét riêng tính cách của từng dân tộc. Theo sách Đại Việt sử lược ghi lại thì hội đèn Quảng Chiếu (một loại đèn kéo quân khổng lồ) đã được tổ chức lần đầu tiên ở Thăng Long, ngoài cửa Đại Hưng vào năm Hội Tường Đại Khánh nguyên niên (tháng giêng năm 1110) đời Lý Nhân Tông. Ca dao xưa của ta cũng nói về thú chơi này: Tháng giêng ăn tết ở nhà Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè Tháng tư đong đậu nấu chè Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm Tháng sáu buôn nhãn bán trăm Tháng bày ngày rằm xá tội vong nhân Tháng tám chơi đèn kéo quân Trở về tháng chín chung chân buôn hồng… Sử sách ghi lại, đèn kéo quân đã có từ đời Nguyên, cùng thời những cây đèn lồng đỏ Tết Nguyên tiêu. Một năm sắp đến Trung Thu, đức vua cùng quần thần ra ngoài hoàng thành ngắm cảnh, nhân dân làm rất nhiều đèn lồng để soi sáng đường vua qua. Các phố phường được lệnh đón tiếp vua, ai cũng khẩn trương làm một cây đèn, song không được giống nhau. Dân chúng nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ nhưng không có chiếc đèn nào làm cho vua vừa ý. Bấy giờ, có một nông dân nghèo khó tên là Lục Đức (sáu đức) mồ côi cha, ăn ở với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm nằm mơ, Lục Đức thấy một vị thần râu tóc bạc phơ hiện ra phán rằng: "Ta là Thái Thượng Lão Quân, thấy nhà ngươi nghèo khó nhưng ăn ở hiếu thảo với mẹ, vậy ta bày cho ngươi cách làm chiếc đèn dâng vua". Hôm sau theo lời dặn của thần, Lục Đức cùng mẹ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn.Thời gian qua mau, khi chiếc đèn làm xong là ngày rằm tháng 8 cũng vừa đến. Chàng vui mừng cùng mẹ đem chiếc đèn vào kinh thành dâng vua. Đèn kéo quân hình vuông thường cao 70-80cm, rộng mỗi bề khoảng 50cm, có 4 hoặc 6 mặt đều phết bằng giấy tàu bạch, phía trên và bên dưới có đường trang trí. Bên trong có cái tán bằng giấy, khi thắp đèn dầu lạc (cho trơn và không có muội khói), hơi lửa bốc lên làm cái tán quay, kéo theo cái vòng dán hình những đoàn quân, voi ngựa, xe pháo…quay theo. Nhìn vào đèn, ta thấy các hình chạy liên tục, hết vòng nọ đến vòng kia, cho đến khi dầu đèn tắt mới ngưng chạy. Loại đèn quý chạy được cả ngày. Vì chạy vòng quanh hoài cho nên người ta còn gọi là đèn cù. Những hình cắt dán ở đèn kéo quân rất phong phú, các “quân” bằng gấm vóc, chạy ngang dọc diễn các tích Trung Quốc như Lã Bố hý Điêu Thuyền, Tam anh hùng chiến Lã Bố; tích của Việt Nam như Chú hay cháu kể lại truyền thuyết Đinh Tiên Hoàng khi nhỏ giết bò của chú để khao quân, khi chú được tin đuổi đánh, cậu bỏ chạy, rồi cùng đường nhảy xuống biển được Rồng Vàng nổi lên đón đỡ, báo điềm sau này được làm vua, người chú sợ quá phục lạy xuống. Hay các tích Thạch Sanh chém chằn tinh, các cảnh sư ông gõ mõ, vãi bà lễ Phật, Lã Vọng câu cá, xay lúa, giã gạo…rất phong phú, sinh động. Do trục trơn, các hình nhẹ nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí tạo thành luồng gió khiến trục quay kéo theo các hình chuyển động. Khi đèn sáng, giấy trắng sẽ như một tấm giương soi dọi các hình bên trong. Đèn kéo quân rất bền. Vì thế khi Trung Thu qua, người lớn thường giữ cây đèn và bảo quản những cây đèn cổ như báu vật. Ở Hà Nội, có khá nhiều nơi bán đèn kéo quân như phố Hàng Mã, Hàng Gai, Hàng Trống, Lương Văn Can… Nguyên liệu làm đèn kéo quân dễ kiếm và rẻ tiền nhưng loại đèn này, ngày càng hiếm trên thị trường. Ngày nay, vào dịp Trung Thu chúng ta có thể tổ chức lại những cuộc thi đèn kéo quân nhằm khôi phục lại một hoạt động văn hóa bổ ích, giàu tính nhân văn của cha ông ta.
|
Cập nhật ( 30/11/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com