ĐỨC PHẬT LÀ ĐẤNG PHI PHÀM (tiếp theo)
* Thích Phước Mỹ
Lần trước đã trình bày về sự phi phàm của Đức Phật, khi Ngài còn tại thế. Bây giờ lại trình bày những sự phi phàm về những gì Ngài lưu lại mãi đến nay. Những gì Ngài đã để lại trên 2600 năm vẫn còn là sự mới mẽ đối với nhân loại chúng ta ngày nay. Trước đây, con người vẫn cho rằng: có vài lời trong kinh điển, Phật đã hư cấu không thực tế, nên không một ai tin tưởng hoàn toàn vào lời dạy của Ngài. Duy những vị đệ tử của Ngài đặt niềm tin vào sự tu chứng của Ngài mà dụng công tu tập và lưu trì giáo điển cho đến nay.
Mỗi một ngày con người càng thông minh hơn, là nhờ vào sự nghiên cứu tìm tòi học hỏi. Nên vào thế kỷ thứ 16 các nhà Khoa học bắt đầu phát triển, vô tình họ đã làm sáng tỏ những lời của Đức Phật trong kinh điển. Từ đó các nhà Khoa học bắt đầu quan tâm vào giới Phật Giáo và tìm hiểu ngày càng nhiều hơn. Mãi đến nay Khoa học chỉ mới tìm được một phần nào trong kinh tạng; còn lại vẫn là sự bí ẩn mầu nhiệm hay là hiểu được phần nào mà chưa tìm thấy một cách cụ thể rõ ràng, bởi nó còn ở tầm quá xa đối với con người. Tuy nhiên, các nhà Khoa học đã nghiên cứu và xử dụng những dụng cụ tối tân hiện đại mà vẫn chưa thể nào giải đáp tận cùng và cũng đã biết chắc những lời dạy của Ngài là thực nhưng chưa chứng minh cho thế giới nhân loại một cách cụ thể. Khoa học ngày càng phát triển, đến một ngày nào đó lời của Đức phật sẽ được chứng minh khá đầy đủ.
Tuy nhiên, sau khi Đức Phật Nhập Niết Bàn, có vài vị đệ tử hậu thế tu chứng đã dùng sự tu chứng của mình trình bày lại, phân tích và lý giải rộng ra nhưng cũng không mấy ai làm sự tin cậy. Duy chỉ có những nhà nghiên cứu chứng minh thực tế cụ thể… Vì vậy Đạo Phật được bắt đầu từ giới trí thức, lần lần truyền sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
Đạo Phật ngày nay được xếp một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Đạo Phật không dùng bạo lực, uy quyền; không dùng tiền tài mua chuộc lòng người; mà nhờ vào một con người đầy Trí tuệ và Đạo hạnh phi phàm với những lời dạy đầy năng lực phi phàm. Sau đây, chúng ta hãy tìm hiểu và chứng minh những sự phi phàm gì của Ngài đã lưu lại.
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn không lâu các vị đại đệ tử cùng với 500 đệ tử chứng quả A La Hán đại hội kết tập lời dạy của Đức Phật thành Tam Tạng Giáo Điển và Kim thân của Phật sau lễ Trà-tỳ (hỏa táng) kết tinh thành những viên ngọc xá-lợi ngũ sắc tuyệt đẹp. Đây là hai tài sản quý hiếm mà Đức Phật đã lưu lại cho chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy tìm hiểu những môn học với lời dạy của Đức Phật như thế nào?
1- SINH VẬT HỌC: Trong Hán Tạng có ghi lại: “Phật quán nhứt bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng” nghĩa là: Phật xem vào một bát nước, có tám vạn bốn ngàn vi trùng. Vì lòng từ bi mà Phật dạy việc này cho các đệ tử hãy lọc nước và cầu nguyện trước khi uống.
Điều dạy này đã vượt quá xa tầm nhìn của con người và chúng sanh thời bấy giờ. Một bát nước nhỏ trên tay mà chứa 84.000 vi trùng, thật không ai tin được. Lời tuyên bố quý giá này, không được một ai trân quý, phải chôn vùi trong giáo điển và được sử dụng trong giới đệ tử xuất gia. Mãi cho đến trên 2000 năm sau vào thời Khoa học phát minh ra kính hiển vi, bắt đầu từ đó, con người mới tìm thấy những loài sinh vật nhỏ nhất như vi trùng và tìm thấy bát nước có vi trùng (hay còn gọi là vi khuẩn). Mãi đến nay khoa học có phát triển rất cao nhưng vẫn không đếm được số vi trùng bát nước trong tay của mình. Từ điểm này cho ta thấy sự phi phàm kỳ diệu của Ngài, đã làm chấn động cả thế giới. Ta nên gọi là Phật Nhãn Phi Phàm (hay MỘT NHÀ SANH VẬT HỌC PHI PHÀM).
2-THIÊN VĂN HỌC: Kinh Pháp Hoa: “vô lượng thế giới” – Nghĩa là nhiều thế giới, Đức Phật muốn nói quá nhiều không thể lường được.
Kinh Hoa Nghiêm: “Phật sát vi trần số thế giới” – Đây là cách diễn đạt khác không ngoài ý trên. Tức thế giới chư Phật trụ nhiều như số vi trần.
Kinh A Di Đà: “tam thiên đại thiên thế giới” – Tuy là quá nhiều, nhưng cũng có thể tính lường được. Bao gồm Tiểu, Trung và Đại thành Tam thiên đại thiên. Một Đại thiên bằng 1000 Trung thiên, một Trung thiên bằng 1000 Tiểu thiên, một Tiểu thiên bao gồm 1000 Tiểu thế giới. Một Tiểu thế giới là gồm: Mặt Trời, Mặt Trăng, Trời Dạ Mạ, Trời Đâu Xuất, Trời Lạc Biến Hóa, Trời Tha Hóa Tự Tại, Trời Phạm Thế. (Huệ Quang Đại từ điển) Tức là rộng hơn 1 thái dương hệ của nhà Khoa Học muốn nói. Tổng số là 1.000.000.000 Tiểu thế giới (Thái Dương Hệ. “năm 2002, hơn 20 được khám phá ra mỗi năm. Hiện có ước lượng rằng ít nhất 10% ngôi sao giống Mặt Trời có hành tinh, và tỷ lệ đúng có thể cao hơn nhiều” wikipedia.org) gọi là Tam thiên đại thiên thế giới. Những lời này Đức Phật cho ta biết Không chỉ có một thế giới chúng ta đang ở mà còn rất nhiều thế giới khác. Mãi đến “năm 2010, kính thiên văn Kepler đã tìm thấy 5 hành tinh mới. Giờ đây tổng số hành tinh mà con người phát hiện đã lên tới hơn 400” (maivoo.com). Như vậy, đến bao giờ con người mới tìm ra được tam thiên thế giới. Dù sao, nó cũng đủ dấu hiệu làm bằng chứng lời của Phật là sự thật, không hư vọng.
Không những thế, Phật còn diễn tả hình tướng của chúng muôn hình vạn trạng, Kinh Hoa Nghiêm: “Lúc đó Phổ Hiền Bồ tát lại bảo đại chúng rằng: Chư Phật tử! Thế giới phải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn, hoặc vuông, hoặc chẳng phải tròn vuông, hoặc hình như nước xoáy… sai khác như vậy”. Đến nay Khoa học đã chứng minh một phần nhỏ nào trong phẩm Thế Giới Thành Tựu. Như thế những gì Phật thuyết trước đây là chính xác. Đây gọi là Tri Kiến Phật Phi Phàm (hay MỘT NHÀ THIÊN VĂN HỌC PHI PHÀM).
3-SỐ HỌC: (trích đoạn của Trần Chung Ngọc) Những danh từ như a-tăng-kỳ, vô lượng, vô biên, … bất khả thuyết, có vẻ như mơ hồ và không rõ ràng như những con số trong thời đại khoa học. Thật ra không phải vậy, vì trong phẩm A-Tăng-Kỳ, Kinh Hoa Nghiêm ta đọc được như sau, tôi xin đánh số cho nó rõ ràng hơn:
Phật nói: Này thiện nam tử!
– Một trăm Lạc Xoa làm một Câu Chi.
– Câu Chi lần Câu Chi làm một A-Giu-Đa
– A-giu-Đa lần A-Giu-Đa làm một Na-Do-Tha
– Na-Do-Tha lần Na-Do-Tha làm một Tần-Bà-La
và tiếp tục như vậy tất cả là 123 lần, trong đó số 104 là A-Tăng-Kỳ, số 106 là Vô Lượng, số 108 là Vô Biên, số 110 là Vô Đẳng, số 112 là Bất-Khả-Sổ, số 114 là Bất-Khả-Xưng, số 116 là Bất-Khả-Tư, số 118 là Bất-Khả-Lượng, và số 120 là Bất-Khả-Thuyết.
Chúng ta biết rằng khoa học ngày nay dùng ký hiệu lũy thừa để viết những con số lớn. Thí dụ như 1 triệu là con số 1 với 6 con số 0 đằng sau, 1 000 000, theo ký hiệu điện toán được viết như sau: 10^6 và đọc là 10 lũy thừa 6; 1 tỷ gồm có 9 số 0 và được viết là 10^9 (billion), lớn hơn nữa là 10^12 (1 ngàn tỷ hay trillion), 10^15 (1 triệu tỷ hay zillion) và khoa học chưa có những danh từ riêng để chỉ những con số lớn hơn. Tiếng Việt thì chỉ tới số tỷ là cao nhất.
Theo Kinh Phật thì 1 Lạc Xoa là 100 ngàn, nghĩa là 10^5. Như vậy 1 Câu Chi là 10 triệu, nghĩa là 10^7; 1 A-Giu-Đa là 100 ngàn tỷ, nghĩa là 10^14; 1 Na-Do-Tha là 10 tỷ tỷ tỷ, nghĩa là 10^28. Tiếp tục tính ra ta sẽ thấy 1 A-Tăng-Kỳ là khoảng, nếu chỉ lấy 9 số lẻ, 10^(7.098843361 x 10^31), nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi hơn 7000 tỷ tỷ tỷ con số 0 ở đằng sau, một con số vô cùng lớn nhưng vẫn có một tên riêng. Chúng ta có thể suy ra: Vô Lượng = 10^(2.839537344… x 10^32), Vô Biên = 10^(1.135814938… x 10^33), …và Bất-Khả-Thuyết = 10^(4.652297985… x 10^36) nghĩa là con số 1 tiếp theo bởi khoảng hơn 4 tỷ tỷ tỷ tỷ con số 0 đứng đằng sau. Những con số khoa học hiện đại dùng tới có lẽ chỉ vào khoảng 10^40 nghĩa là chỉ có 40 con số 0 đứng sau. Chúng ta thấy ngay rằng, ngay cả về phương diện toán số, Phật giáo đã đi trước khoa học khá xa về sự biểu thị chính xác những con số và đã có quan niệm về những con số vô cùng lớn, lớn ngoài mức tưởng tượng của các khoa học gia hiện đại. Nghiễm nhiên ngày nay, Đức Phật vẫn là MỘT NHÀ SỐ HỌC PHI PHÀM.
4-TÂM LÝ HỌC:
Trong kinh Pháp Cú Phât dạy:
“Đừng làm các điều ác
Hãy làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy”
Đức Phật dạy chúng ta, làm thế nào tránh mọi áp lực đè nặng trên tâm lý của một con người, trước hết ta cần thực hiện lời dạy thứ nhứt: “Đừng làm các điều ác”. Khi ta hoàn thiện điều này, thì tâm của mình không nằm trong trạng thái lo âu, sợ sệt, bức rức… Tâm trở nên bình thường, nhẹ nhõm, sáng suốt mọi vấn đề. Tiến thêm một bước nữa: “Hãy làm các điều lành”. Khi ta làm xong một điều lành nào thì ta cảm thấy vui trong việc làm ấy, cứ mãi tiếp tục làm những việc lành khác, ta càng tăng những niềm vui khởi động trong lòng. Lòng ta vui thì mọi sự phấn chấn hỷ lạc được tăng trưởng, cơ thể khỏe mạnh đẹp tươi hơn, tinh thần thông minh sáng suốt. Đây là thuyết tâm lý tương đối “dứt ác làm lành” đưa trạng thái con người lên đỉnh cao của thế giới tương đối. Các nhà tâm lý học cũng vòng tới vòng lui ở thuyết tương đối này thôi. Còn đối với Phật đây chỉ là một nửa chặng đường dẫn đắt tâm đến chổ hoàn hảo. Một chặng đường là ở thế giới tương đối, chưa phải là thế giới tuyệt đối, hay nói cách khác là thế giới đối đãi chưa phải là thế giới chân như. Do vậy Đức Phật dạy tiếp: “Giữ tâm ý trong sạch” chữ Trong Sạch không có nghĩa đối với dơ nhớp mà là sự vắng lặng của cả hai, vượt ra thuyết tương đối. Nghĩa là Phật đưa ta đến trạng thái: Tâm không dấy động một niệm ác và lành nào cả. Tâm trở về với trạng thái tịch lặng, bản thể. Đây mới là hoàn toàn thuộc về thế giới chân như diệu hữu. Lúc bấy giờ Tâm của hành giả hoàn toàn giải thoát, vĩnh viễn không còn một nỗi khổ đau nào dấy động, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc làm đã làm xong, không còn tái sanh trong đời sau. Quả nhiên, Đức Phật là MỘT NHÀ TÂM LÝ HỌC PHI PHÀM.
5- Y HỌC: mỗi con người và chúng sanh đều bị sự chi phối của 4 tướng sanh, lão, bệnh, tử. Đó là lẽ tất nhiên, không ngoại trừ một ai. Bệnh có 2 thứ: thân bệnh và tâm bệnh. Chữa trị thân bệnh là chữa đầu ngọn, vì chữa thân bệnh, là chữa trị mãi cho đến giai đoạn rơi vào tử, thì tất cả đều chấm dứt một thân tứ đại. Còn chữa trị tâm bệnh là chữa trị nơi tận gốc. Khi Tâm hết bệnh thì cả 4 tướng sanh, lão, bệnh, tử cũng không còn, sự tái sanh 4 tướng trong nhiều đời sau vĩnh viễn không còn nữa. Chữa trị thân bệnh lẽ thường của người đời, chạy chữa trong đời này; còn Phật chữa trị tâm bệnh là chữa trị trong nhiều đời, vĩnh viễn không còn khổ đau nữa.
Do vậy, bài pháp đầu tiên của Đức Phật là Tứ Diệu Đế nhằm chữa trị tâm bệnh. Đức Phật dạy phương pháp chữa trị này rất có logic, sự lý luận rất chặt chẽ, thời bấy giờ Ngài đã dùng phương pháp có khoa học rồi. Bác sĩ ngày nay cũng phải dùng phương pháp ấy mà chữa thân bệnh. Phương pháp ấy như thế nảo? Đây là phương pháp căn cứ vào lý nhân quả. Tứ Diệu Đế có 4 tiêu đề là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cặp nhân quả thế gian: Tại sao ta Khổ (quả)? Ta hãy tìm nguyên nhân gây ra khổ ấy, đó là Tập (nhân). Khi rõ được nhân quả thế gian, ta hãy dùng nhân quả xuất thế diệt nó: ta dùng nhân xuất thế tiêu diệt nhân thế gian, lấy Đạo diệt Tập. Tất nhiên quả khổ chuyển thành quả an lạc, là Diệt (quả xuất thế). Có nghĩa là Tâm khổ đau thành tâm an lạc giải thoát hoàn toàn. Lúc bấy giờ sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững việc làm đã làm xong không còn tái sanh trong đời sau nữa. (Muốn hiểu thêm phần này xin vào Google đánh chữ Tứ Diệu Đế).
Về thân bệnh, ngày nay các Bác sĩ trên khắp thế giới đều phải bó tay trước căn bệnh Ung Thư là căn bệnh đáng sợ nhất. Thế nhưng, có nhiều vị đã dùng phương pháp của Phật dạy như: Thiền Quán, Niệm Phật, Phóng Sanh … lại chữa hết tận gốc căn bệnh Ung Thư. Điều này không ai lý giải được nhưng có thật (quý vị chịu khó tìm trên web sẽ gặp chính người điều trị kể lại và có vài nơi viết thành sách), còn nhiều việc mầu nhiệm khác nữa… Chính vì vậy người đời thường tôn vinh Đức Phật là bậc Vô Thượng Y Vương. Có phải chăng Ngài là MỘT NHÀ Y HỌC PHI PHÀM.
Đức Phật dụng tâm mà thấu rõ thế giới nội ngoại tại; còn các nhà khoa học xử dụng vật cụ mới thấu một phần nào. Điều này cho ta thấy Ngài có NỘI LỰC PHI PHÀM, ĐỊNH LỰC PHI PHÀM, TUỆ LỰC PHI PHÀM, CHỨNG LỰC PHI PHÀM trong thế gian và loài người.
Nếu ta đem hết những lời dạy của Ngài trong 3 tạng giáo điển nói về sự phi phàm trong thế gian thời chẳng bao giờ tận cùng, ta chỉ trích vài lời dạy của Ngài áp dụng vào những môn học của ngày nay, vẫn thấy vượt trội một cách phi phàm. Lời của George Grimm: “Đức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các “Thần linh và Người”. Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường.”
6-NGỌC XÁ LỢI: Trên đây đã là nói về lời dạy của Ngài; còn phần Xá Lợi của Ngài lưu lại thì sao? Xá Lợi nghĩa là nhục thân của Đức Phật được thiêu đốt nén thành viên giống như những viên ngọc rất rắn chắc và có ánh sáng phát ra 5 màu. Cho nên người ta gọi là Ngọc Xá Lợi. Về thời gian, Ngọc Xá Lợi của Phật đã tồn tại 2554 năm vẫn không hư mục và không mất thể sáng “Ngọc xá lợi của Phật có thể biến hoá từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong, và toả sáng hào quang. Sự biến hóa kỳ diệu nầy phải do tâm chí thành lễ bái của người có tâm đạo. Tuy nhiên nếu thờ mà không chuyên tâm lễ bái thì xá lợi sẽ biến mất. Có lẽ đây là lý do giải thích tại sao các nước Phật Giáo Nam Tông có xá lợi nhiều như vậy.” (phatphap.com). Đây là đoạn văn được trích dẫn cụ thể Xá Lợi Phật có thể biến mất và sanh đẻ (tạm mượn từ này chính xác hơn) tuỳ theo sự chí thành của người thờ. Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên điều này, vì xương đã bị đốt cháy là vật thể chết làm sao có sự sanh trưởng và đẻ được! Nhưng khi nghe nhiều người (đáng tin cậy) đã và đang có thờ Xá Lợi của Phật đều nói như vậy, nhất là sư huynh cùng thầy với tôi có thờ cũng xác nhận như vậy. Nên tôi quyết định lập tháp kính thờ Xá Lợi của Phật và các vị Thánh Tăng, đây là cơ hội quý hiếm được hầu Kim Thân Phật và chư vị Thánh Tăng để được đượm nhuần sự mầu nhiệm thiêng liêng ấy và quần chúng Phật Tử cũng được đượm nhuần theo. Vì lòng từ bi của Ngài, ngày nay chúng ta cũng có duyên gặp Ngài và thờ Ngài tuy là một Viên Ngọc. Tất cả đều nhờ vào sự tu tập và chứng đắc của Ngài nơi Bồ Đề Thọ Hạ mà thành tựu Xá Lợi vượt thời gian; tỏa màu sắc sáng ngời; rắn chắc thành viên ngọc; luôn mầu nhiệm quý hiếm. Quả đúng là Xá Lợi Phật trở thành MỘT VIÊN NGỌC PHI PHÀM quý hiếm.
Tóm lại, quả đúng Đức Phật là bậc vĩ nhân xuất hiện ra nơi đời, Ngài đã đem lại cho nhân loại những đóa hoa tinh khiết muôn màu sắc hiếm trên thế gian. Tất cả chúng ta học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu và chứng minh mãi cho đến khi cuộc sống của nhân loại không còn trên cõi đời này cũng không tìm hết được lời chỉ dạy của Đức Phật. Bởi Ngài dùng Tâm chứng ngộ mà nói; còn chúng ta dùng mắt thế gian mà tìm làm sao mà cùng được. Thôi thì chúng ta nên học được phần nào trong lời dạy quý hiếm ấy của Ngài đem áp dụng vào cuộc sống cho bản thân và xã hội càng ngày càng tốt đẹp và hạnh phúc là điều tốt lắm rồi.
Cuối cùng xin mượn lời của Tổng Thống NEHRU để kết thúc bài này: “Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp)”.
Cập nhật ( 16/06/2012 )