ĐẠO ĐỨC NGƯỜI THẦY
* Lưu Thủy
Tại sao bất cứ một cụ già nào cũng nhắc đến người thầy của mình với một sự tôn kính đặc biệt, đôi khi là thần thánh hóa. Nhưng điều đó dường như lại đang mất dần trong tâm thức của những đứa học trò thời @ hiện nay. Tại quy luật đào thải của một quan niệm đã lỗi thời, hay tại tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường khiến học trò ngày càng hư hỏng và phẩm chất người thầy ngày càng xuống cấp. Ta nên đi tìm câu trả lời cho vấn đề này hòng lý giải một hiện tượng đang gây bức xúc trong xã hội hiện nay: học trò hỗn láo với thầy cô và một số thầy cô thì bạo hành học trò.
Nền văn hóa khoa cử Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của nho học từ Trung Quốc nên người thầy ngày xưa là một hình ảnh đẹp và có phần được thần thánh hóa. Mặt khác nữa, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo” nên người thầy có một vị trí rất cao trong tâm thức người Việt. Dân gian xưa có câu thành ngữ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, còn trong quan hệ lễ giáo phong kiến “Quân – Sư – Phụ” vị trí của người thầy cũng hết sức được trân trọng. Nó cho thấy sự ngưỡng vọng, tôn thờ của nhân dân đối với nghề giáo của một thời gian dài trong lịch sử Việt Nam.
Trong lịch sử dân tộc Việt, có những người thầy mà đạo đức và tài năng của họ còn để lại tiếng thơm cho đến tận ngày nay. Trong tâm thức của những người Việt Nam, những người thầy như thế được coi là những vị thánh sống.
Chịu ảnh hưởng của nho học từ Trung Quốc, người Việt Nam tôn thờ “vạn thế sư biểu” Khổng Tử như một biểu tượng của sự tôn sùng tri thức, của đạo kính trọng những người có nhiều đóng góp với tri thức của loài người. Cho đến nay, “người thầy của muôn đời” vẫn được thờ ở rất nhiều nơi linh thiêng của đạo Nho trên khắp cả nước mà tiêu biểu là Văn Miếu, nơi được coi là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng của nền học vấn Việt Nam nằm ngay tại mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Không chỉ có vậy, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và tôn thờ những người có nhiều đóng góp đối với nền học vấn của nước nhà. Đó là lý do khiến cho những người thầy – những người hướng đạo luôn luôn được tôn kính.
Trong lịch sử dân tộc, chúng ta không thể không kể đến thầy giáo Chu Văn An. Thầy là hình ảnh thu nhỏ của đạo làm người, làm thầy của nghề dạy học với tâm niệm: “Hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy học trò ngày càng vượt mình”. Không chỉ được học trò tôn thờ về tài năng xuất chúng, ông còn là người nổi tiếng về đức độ và đạo làm thầy, làm quan và làm người. Trong lịch sử dân tộc Việt còn truyền tụng cả một kho những câu chuyện về thầy giáo Chu Văn An từ những chuyện có thật được lịch sử ghi lại cho đến những truyền thuyết mang màu sắc sử thi. Câu chuyện về người học trò (con trai thủy thần) của Chu Văn An đã chịu họa diệt thân để cầu mưa giúp dân qua cơn hạn hán là một giai để nói rằng tài đức của người thầy họ Chu có sức mạnh cảm hóa được cả quỷ thần.
Là người đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức. Ông dâng sớ xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng(Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu.
Ngoài thầy giáo Chu Văn An, lịch sử dân tộc còn ghi lại rất nhiều tấm gương người thầy khác. Những người thầy có đức độ và tài năng còn đóng vai trò là người truyền tri thức và đạo đức cho cả con cái của vua chúa thời phong kiến. Trong quan niệm “trọng nam kinh nữ” của nho học thời phong kiến, những người phụ nữ vốn không được coi trọng. Thế nhưng, có những người phụ nữ nổi tiếng về tài danh đã được vua mời về dạy học cho chính những hoàng tử và công chúa. Những tên tuổi như nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hay bà Huyện Thanh Quan vẫn được lưu danh sử sách cho đến tận ngày nay. Điều này có thể cho thấy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam.
Đến những người thầy gần gũi trong đời sống
Thời nho học, thầy giáo được gọi là những thầy đồ. Họ là những người trí thức của thời đó, tất nhiên trình độ họ cũng chênh lệch nhau rất nhiều. Bên cạnh những người đỗ tiến sĩ, còn có người đỗ phó bảng, có người đỗ tú tài nhưng cũng có người không đỗ đạt gì. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều, thầy đồ là những trí thức của thời bấy giờ. Ngoài trường công của triều đình phong kiến ngày xưa lập ra dành cho con cháu của quan chức phong kiến và các gia đình giàu có và trường công mở ở các tỉnh lị, còn đa phần là trường tư của các thầy đồ nằm ở các làng quê.
Thời nho học, thầy đồ có vai trò rất đặc biệt. Trong luân lý, đạo đức phong kiến người ta thường nhắc đến: Quân – Sư – Phụ (Vua là đầu tiên, sau đó là người thầy và thứ ba mới là cha mẹ). Vị trí của người thầy rất quan trọng thầy không chỉ dạy chữ nghĩa, mà còn dạy đạo sống, dạy đạo làm người. Từ “mô phạm” cũng xuất hiện từ thời phong kiến(mô phạm có nghĩa là kiểu mẫu để người học sinh phải noi theo). Thầy đồ ngày xưa là những người truyền đạo, dạy lại cho học sinh những kiến thức trong sách thánh hiền. Bên cạnh đó, người thầy luôn là tấm gương đạo đức để học trò noi theo. Chính vì vừa rèn tài, vừa rèn đức, vừa là tấm gương cho học trò nên thầy giáo luôn có một vị trí đặc biệt trong thời phong kiến. Có những người không đỗ đạt, bằng cấp gì nhưng họ vẫn là những người thầy rất là có uy tín, phụ huynh rất kính trọng. Lúc bấy giờ vị trí của các ông thầy trong xã hội rất lớn, toàn xã hội công nhận là vì bản thân ông thầy là một nhân vật gương mẫu cho nên mọi người kính trọng, và ngưỡng mộ của người dân. Và từ đó họ tạo điều kiện cho người thầy hoàn thành tốt công việc của mình. Thông qua dạy chữ nghĩa ông dạy đạo làm người: Trung quân, ái quốc, sự hiểu biết về cuộc đời, về con người, cách xử sự của con người trong xã hội.
Sang đến thời pháp thuộc: Khi Pháp sang Việt Nam đô hộ, họ mở trường theo lối mới theo như cách thức tổ chức ngày nay có các cấp từ tiểu học đến đại học gọi là các trường Pháp Việt. Ông thầy giáo được đào tạo theo lối mới và họ mở ra những trường sư phạm để đào tạo ra các thầy giáo. Ngoài môn sư phạm, họ rất chú trọng bồi dưỡng đạo đức người thầy giáo. Họ chú trọng dạy cho người thầy giáo thấy rõ được vị trí của mình, tự hào về vị trí đó và đồng thời tự xác định cho mình khi mình đã đi vào cái nghiệp đó thì phải toàn tâm toàn ý, họ phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Làm cho ông thầy giáo yêu nghề và gắn bó với nghề đó, ông cho đó là sự nghiệp suốt đời mà ông ấy phục vụ. Người thầy giáo trong thời đó cũng có vị trí rất quan trọng, cũng được xã hội coi trọng. Bản thân người thầy cũng nhận thức được vai trò của họ chính là tấm gương để học sinh noi theo nên họ làm rất tốt vai trò của một nhà giáo dục.
Những người thầy giáo dạy trong các trường học Pháp Việt xuất thân từ những gia đình trí thức cũ, mặc dù danh nghĩa là họ làm việc cho chính quyền Pháp nhưng họ vẫn truyền bá tinh thần yêu nước tới những người thầy của mình thông qua những bài giảng. Tuy làm công chức phục vụ trong chính quyền nhưng khi có điều kiện họ tham gia vào các phong trào đấu tranh của nhân dân.
Những người thầy thời xưa được cả xã hội kính trọng bởi họ hội đủ tài năng và đạo đức. Không chỉ là những người truyền đạo học cho học trò, những người thầy còn dạy cho học sinh của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người. Bản thân những người thầy chính là những tấm gương sáng, là “mô phạm” để học sinh noi theo. Người thầy ngày xưa luôn ý thức được vai trò “người dẫn đường” của mình và họ luôn tuân thủ những quy tắc đạo đức để có thể hoàn thành tốt vai trò của một nhà giáo dục. Chính vì thế, một giai đoạn dài của lịch sử dân tộc, những người thầy được tôn sùng như những vị thánh, họ có uy tín, có tiếng nói, có ảnh hưởng trong xã hội và người thầy là một hình ảnh đẹp trong tâm thức của người Việt Nam.
Cập nhật ( 15/10/2010 )