Cố đô Hoa Lư – 42 năm bản lề trong lịch sử
* Hoàng Thu Vân
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mậu Thìn năm thứ nhất (968); Vua lên ngôi, đặt hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh động về Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi”. Vài dòng ngắn ngủi đó chép về Vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp loạn xong các sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi vua và xây dựng Kinh đô Hoa Lư. Bụi thời gian trải hơn 1.000 năm phủ lên những gì còn sót lại và phần nào nhiều giá trị lịch sử vẫn đang chìm ẩn trong lòng đất, cùng với đó là sự hủy hoại của thiên nhiên, sự vô tình của con người… song 42 năm tồn tại, Kinh đô Hoa Lư xưa đã khẳng định vị trí bản lề đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Và như lời cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng: Mở đầu từ Hoa Lư, nở rộ ở Thăng Long. Đó chính là con đường văn hóa – văn minh diễn triển từ Hoa Lư đến Thăng Long.
“Hoa Lư thị Hán Trường An”
Trên đây là lời của Tống Cảo, sứ thần Trung Quốc đời Tống khi sang xứ nước ta ở Kinh thành Hoa Lư cũ. Nghĩa của câu nói là: Kinh thành Hoa Lư có thể sánh ngang với Kinh đô Trường An đời Hán ở phương Bắc. Từ đó có thể thấy phần nào quy mô bề thế của kinh đô Hoa Lư trong hơn 1.000 năm trước.
Nếu như công đầu trong chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc là của Ngô Quyền, người anh hùng đất Đường Lâm thì việc dẹp yên 12 xứ quân, thống nhất đất nước lại thuộc về Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng động Hoa Lư. Và có thể thấy, cho tới cuối thế kỷ X, sự phân cách đất nước mới được dẹp bỏ. Tình thế lúc đó, hiểm họa của thù trong (các thế lực ly tâm) và giặc ngoài (nhà Tống ở phía Bắc và Chiêm thành ở phía Nam) vẫn còn hiện hữu, buộc Đinh Bộ Lĩnh phải chọn Hoa Lư để xây dựng kinh đô của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Đại Cồ Việt. Xét về nhân hòa, việc người anh hùng cờ lau dấy nghĩa chọn quê nhà dựng nghiệp, dựa vào sự hiểm trở của vị trí tự nhiên vùng đất Hoa Lư (địa lợi) mà đóng đô âu cũng là hợp lý để phát huy được yếu tố thiên thời sau khi loại trừ loạn cát cứ.
Thế đất Hoa Lư (vùng đất Trường Yên ngày nay) khá đặc biệt. Núi cao bao quanh gần như kín ba mặt Tây, Nam, Đông tạo nên những thành lũy vô cùng vững chắc. Phía Bắc và Đông Bắc ít núi, lại có con sông Hoàng Long (bắt nguồn từ vùng rừng núi Hòa Bình, Nho Quan chảy ra sông Đáy) án ngữ như một hào ngoài. Chưa hết, Hoa Lư lại nằm trên đường biên phân ranh hai châu Giao – Ái, giữa Đồng bằng sông Hồng, sông Đáy với Đồng bằng sông Mã, sông Chu, giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi rừng với miền đồng bằng, giữa địa bàn tụ cư của người Mường và người Việt.
Tiếp sau Cổ Loa, Hoa Lư là một tòa thành điển hình cho phương pháp xây dựng lợi dụng địa thế tự nhiên.
Ngày mưa, quang cảnh trở nên tĩnh lặng, có mặt ở Hoa Lư như cảm nhận thêm được sự hùng vĩ của mảnh đất này. Kinh đô xưa giờ như một đại công trường, ngổn ngang những dự án. Chỗ này người ta đang phục chế lại cổng thành, chỗ kia thì đang bận lát sân đón khách. Những ngôi chùa, những khu vực di tích cũng tinh tươm hẳn lên. Nét cũ chỉ còn mờ ảo như những dòng chữ khắc trên “thạch trụ kinh” (cột kinh đá) trong Nhất trụ Liên Hoa Tự (chùa một cột hình hoa sen). Nơi đây đã để lại cho người đời một điển tích đẹp về Vua Lê Đại Hành. Tương truyền rằng một người phụ nữ mơ thấy hoa sen nở trong bụng rồi bẩm thai, sau sinh ra Vua Lê Đại Hành, người sau này bình Tống, phạt Chiêm, đưa nước Việt về cảnh thái bình, trăm họ an cư lạc nghiệp. Nhất mộng Liên hoa sinh vạn cổ/Bán dạ Hoàng Long ủng ức niên (nghĩa là một giấc mơ, thấy hoa sen nở mà sinh ra người làm nên sự nghiệp lưu danh đến vạn thuở/ Nửa đêm có rồng vàng che phủ, người ấy được tôn thờ đến triệu năm sau).
Sử cũ cũng ghi, sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô, dân chúng đã “tràn” vào thành. Tới nay, phần lớn mặt bằng của Hoàng thành đã trở thành đất thổ cư, cửa nhà san sát. Ngay những thửa ruộng lúa chín vàng óng đang chờ ngày thu hoạch kia, chỉ sâu xuống lớp đất hơn một, hai mét là có biết bao nhiêu chuyện. Một khu vực rộng chừng hai trăm mét vuông như vậy đã được khai quật từ năm 1997 để thám sát và cho thấy những vết tích nền móng cung điện của cố đô xưa (xây dựng vào khoảng thế kỷ X). Người ta tìm được cả những loại gạch xây (hình chữ nhật), gạch lát nền (hình vuông), rồi cách thức đóng cọc làm móng… Sau này khu vực ấy được bảo tồn để khách tham quan có thể tận mắt chứng kiến di tích. Chỉ tiếc gặp ngày mưa lớn, di tích ngập sâu trong nước. Giá kể thiết kế có cái hệ thống bơm nước ra ngoài thì tốt biết bao. Nhưng thôi đó là chuyện của sau này, mọi việc cũng đang dang dở mà…
Cô nhân viên ban quản lý di tích Lê Thị Bích Thục không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, có lẽ cũng phải lâu rồi mới có khách tham quan hỏi nhiều chuyện về cố đô đến vậy. Thế nên dù mất ngày mất buổi, lòng vòng dưới mưa tầm tã cô vẫn nhiệt tình cung cấp những hiểu biết của mình. Đây phía Đông kinh thành là dãy núi Hàng Quàn chạy theo chiều Bắc Nam với ngọn Đầm, ngọn Kênh, Thung Nứa, Am Tiêm… và cuối cùng là Thung Mộc. Chiều cao của bức tường thành thiên nhiên này là trên dưới 100m, đỉnh Ghềnh Thác cao nhất, lên tới 159m. Kia phía Tây, phía Nam kinh thành, núi non trùng trùng điệp điệp. Án ngữ cho Thành ngoài là núi Hang Muối cao 125m và núi Hàng Luồn cao 109m, ở Thành trong là dãy Mang Sơn (hay còn gọi là Mồng Mang) cao 222m…
Phòng thủ cho khu vực hậu cứ của Kinh đô Hoa Lư là thành Tràng An (còn được gọi là Thành Nam), còn lại thành Hoa Lư có hai vòng sát nhau là Thành trong và Thành ngoài, tổng diện tích khoảng 400ha, chu vi trên 10km. Khu Thành trong là nơi ở của gia đình vua cùng một số người trong hoàng tộc và quan lại cao cấp của triều đình. Khu Thành ngoài là nơi làm việc hằng ngày của triều đình với dấu tích của nhiều cung điện mà khu vực đền Đinh, đền Lê nằm ở trung tâm. Người ta đã phát hiện ra 13 đoạn tường thành nối liền với các dãy núi tự nhiên để khép kín từng vòng thành. Lại có một loạt cứ điểm phòng ngự từ xa đến gần ở tất cả các phía như núi Non Nước kiểm soát con đường bộ từ Tam Điệp cũng như con đường biển theo cửa Đại Ác của sông Đáy vào; Làng Thiên Trạo (cầu Yên) nơi nhà Đinh đặt doanh trại thủy quân…
Mỗi tòa thành đều riêng biệt nhưng gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc qua lại giữa Thành trong và Thành ngoài rất thuận tiện bởi thiên nhiên đã khéo tạo nên một con đường kín đáo, đó là Quèn Vòng, quãng tiếp giáp giữa núi Hang Sung và núi Quèn Dót. Ngoài ra còn một nhánh sông Hoàng Long là Sào Khê chảy dọc kinh thành tạo nên một đường giao thông thủy, việc vận chuyển vào thành hay ra ngoài đều dễ dàng…
Từ Hoa Lư đến Thăng Long – Hà Nội
Những ngày cuối tháng 9, Bảo tàng Ninh Bình thật bận rộn. Phó Giám đốc Bùi Xuân Quang mải miết cùng mấy cô nhân viên đánh vécni những chiếc tủ trưng bày hiện vật. Còn Giám đốc Nguyễn Xuân Khang đang hoàn thiện những phần cuối cùng trong đề án trưng bày để trình duyệt. Anh nói, “Từ Hoa Lư đến Thăng Long – Hà Nội” là chủ đề trưng bày của bảo tàng dịp này, mọi hiện vật phải bố trí sắp xếp theo hệ thống mới. “Thì chúng tôi cũng góp sức cùng Hà Nội đón Đại lễ nghìn năm tuổi chứ”.
Nhìn toàn cảnh sa bàn Kinh đô Hoa Lư và nghe Giám đốc Bùi Xuân Khang giới thiệu, nhiều vấn đề trở nên rõ ràng hơn. Xét về đặc điểm thời cuộc, thời Đinh và thời tiền Lê chọn Hoa Lư để đóng đô là hợp lý. Trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ X – giai đoạn đất nước mới giành được độc lập tự chủ, chính quyền phong kiến tập quyền còn đang non trẻ, nạn ngoại xâm là hiểm họa thường trực trong khi kẻ thù bên trong vẫn rắp tâm rình rập chờ cơ hội – thì với địa thế hiểm yếu, núi non bao bọc bốn bề, lại nằm bên sông lớn, Kinh đô Hoa Lư có vị trí rất thuận lợi cho việc bố phòng quân sự mà theo các nhà sử học thì nếu chiến tranh xảy ra công có thể thắng, thủ có thể giữ, phù hợp với việc đề phòng nguy cơ ngoại xâm và nội loạn. Không chỉ có lợi về địa thế, Hoa Lư còn có lợi về mặt nhân hòa khi ở sát quê hương Đinh Bộ Lĩnh (huyện Hoàng Long) khi tuổi thơ của ông đã được dân gian huyền thoại hóa và thời tráng niên là chốn dấy binh lập nghiệp. Thời Tiền Lê sau này, Hoa Lư cũng ở gần quê hương của Lê Hoàn (Thanh Hóa). Việc các anh hùng xưa thường chọn quê hương để xây nghiệp đế vương là muốn dựa vào lòng dân. Quê hương chính là nơi sinh thành, nuôi dưỡng, hỗ trợ và cưu mang họ cả lúc thành và lúc bại.
Nếu như Đinh Bộ Lĩnh chọn Hoa Lư để xây dựng kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền độc lập thống nhất và tự chủ, thì Vua Lê Đại Hành nối tiếp sự nghiệp của vua Đinh ra sức mở mang, xây dựng tạo nên sự bề thế cho Kinh đô Hoa Lư. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Làm điện bách bảo thiên tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng bạc, làm nơi coi chầu, bên Đông là điện Phong Lưu, bên Tây là điện Tử Hoa, bên Tả là điện Bồng Lai, bên Hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi lại dựng điện Trường Xuân làm nơi vua ngủ, bên cạnh điện Trường Xuân dựng điện Long Tộc…”. Như vậy có thể thấy, bắt đầu từ thời Đinh và cho tới thời tiền Lê, Kinh đô Hoa Lư đã được củng cố ngày càng phồn thịnh. Tuy nhiên đất nước như một cơ thể phát triển cường tráng, chiếc áo đang mặc bắt đầu trở nên chật chội, không còn phù hợp. Như ông Đặng Công Nga đã đúc rút trong công trình nghiên cứu “Kinh đô Hoa Lư thời Đinh – Tiền Lê”: Sau thế kỷ X không gian xã hội Hoa Lư, nơi dựng quốc đô trong quá trình sinh thành và củng cố nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, đã tự phủ nhận mình để nhường chỗ cho một không gian thiêng mới có vị trí trung tâm hơn, phồn thịnh hơn để phát triển đất nước. Hoa Lư thời loạn ly đã kết thúc sứ mạng lịch sử trong vòng 42 năm để trao quyền cho Thăng Long kinh đô thời thịnh trị sứ mạng đưa nhà nước Đại Việt lên một tầm cao mới, thời đại mới – thời đại Đại Việt – Thăng Long. Thống nhất với quan điểm “con đường văn hóa – văn minh diễn triển từ Hoa Lư tới Thăng Long”, cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng cho rằng “Thăng Long khởi đầu từ Hoa Lư”.
Cập nhật ( 15/10/2010 )