Sa môn Thích Giác Nguyên
Trên hết chiều dài hơn nửa thế kỷ khắp mọi nơi trên xứ “Ấn” đều có dấu chân hóa độ của Đức Như Lai, Ngài đem lại sự an lạc cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da chủng tộc, không có khoảng cách sang hèn, trí ngu nếu đủ duyên đều được Ngài hóa độ.
Với chân lý cao siêu và màu nhiệm, với phong cách phi phàm của Phật đã để lại cho chúng ta một điểm son chói lọi. Đây là sự hy hữu “ngàn năm một thuở” cho những ai đủ duyên kỳ ngộ. Với sự vận hành thay đổi của vũ trụ đó là quy luật tất yếu muôn đời mà Đức Như Lai đã thể hiện trong quy luật đó. Khi chấm dứt hành trình du hóa nơi rừng Ta La Song thọ Đức Như lai đã tuyên bố những lời di chúc cuối cùng cho hàng đệ tử.
Này các tỳ kheo hãy lắng nghe: “Trong các thứ hương dù hương chiên đàn không thể bay ngược chiều gió, nhưng hương thơm của người đạo đức bay tỏa khắp muôn phương”. Hơn thế nữa “Người giữ gìn tịnh giới là loài hương bay ngược theo chiều gió, dù ta còn sống ở đời cũng phải giữ gìn tịnh giới vì giới là Thầy cao cả của các ngươi. Nếu các ngươi bên ta mà không giữ gìn giới luật thì cũng là cách xa ta ngàn dặm, mà những ai giữ gìn tịnh giới cũng như ở bên cạnh ta vậy”. Qua lời dạy ân cần của Đức Phật ta thấy rõ ràng về sự nghiêm trì giới luật quan trọng tới nhường nào. Vì giới luật như nhật quang soi sáng khắp vũ trụ, diệt trừ được các sự tối tăm u ám, giới như nhật nguyệt sáng chiếu các pháp được viên mãn. Phải thực hành lục độ vận hành đồng thời phải phối hợp với “Tứ nhiếp Pháp” trong việc hóa độ để thành tựu đạo nghiệp:
“Cột thuyền lấy giới làm dây
Giữ thuyền cố định làm cây đạo tràng”
Tuy nhiên, giới luật của chúng ta tuy nhiều nhưng không ngoài “tam tu tịnh giới”.
1. Nhiếp luật nghi giới là những điều răn cấm không cho làm, giữ gìn đúng theo luật pháp oai nghi của Đức Phật đã chế định nên giới là chỉ trì định ác chỉ ác Pháp là trì giới.
Ví dụ: Người tại gia năm giới Bát quan trai giới, Mười giới, Bồ Tát giới tại gia, vi phạm những giới này gọi là tác phạm. Người xuất gia có Sa di giới, giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni giới, Bồ Tát giới vâng giữ là chỉ trì, phạm gọi là tác phạm.
2. Nhiếp thiện pháp giới:
Đây là những những yếu tố mang tính phương tiện, mục đích giúp cho người tu hành tạo nên những thiện pháp và bắt buộc phải thực hành nên gọi là tác trì. Bằng ngược lại thấy việc phải, lợi ích mà không làm thì phạm giới nên gọi là chỉ phạm.
Thí dụ: Chúng ta phải kính Phật, trọng Tăng, cúng dường Tam Bảo, xây dựng chùa tháp, biên soạn ấn tống kinh điển để lưu truyền hậu thế, tứ sự cúng cho người xuất gia hành đạo. Đồng thời phải siêng năng lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền, học đạo nghe pháp thực hiện các công đức. Nếu không làm được như thế thì phạm lỗi giới này có tính cách đại thừa.
3. Nhiêu ích tịnh giới:
Đây là mục tiêu then chốt của hàng Bồ Tát có tính cách đại thừa gồm mười giới trọng và 48 giới hành, giới này rất thoáng cả người xuất gia và tại gia đều lãnh thọ được nên gọi là “Đạo lục thông hành giới”. Vì Bồ Tát là “giác hữu tình” có mục đích làm lợi ích cho chúng sanh, nên bắt buộc phải thực hành, không được khước từ nên được mệnh danh là “tác trì”. Ngược lại không thực hành để đem niềm an vui đến cho nhân loại thì gọi là “chỉ phạm” vậy thì:
- Chỉ trì có nghĩa là giữ gìn đúng các quy điều đã được Đức Phật chế định nhằm ngăn ngừa các tội lỗi.
- Tác phạm: Làm các việc sai trái với quy điều đã cấm.
- Tác trì: Đối với các việc thiện mình có thực hiện tức là giữ giới.
- Chỉ phạm: Là ngược lại tác trì, thấy việc thiện mà không làm.
Trong hàng đệ tử Phật có ba hạng người trong trí quản là thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát đối với hàng nhị thừa, Thanh văn Duyên giác là những người tu để tự độ mình chưa phát khởi tâm đại thừa, ngược lại hàng Bồ tát phát nguyện làm lợi tha cứu giúp mọi người thể hiện tâm nguyện Đại bi không từ nan dù việc đó là khó làm.
Đây là sự khác biệt của giới với hàng tiểu thừa và đại thừa, nói cách khác cũng cùng một giới mà hàng Tiểu thừa thực hành thì phạm giới “Chỉ phạm, tác trì khi so sánh giới thứ nhất Phật cấm sát sanh là tất cả các loại hữu tình, cho đến bậc từ thánh nhơn đến các loài côn trùng vì thế không được giết bằng nhiều hình thức. Lẽ ra Phật tử phải có lòng từ bi thương xót mà dùng mọi phương tiện mà cứu giúp vì đạo Phật là đạo từ bi, tôn trọng sự sống của người và vật, nếu ngược lại đem tâm giết hại, nên phạm “Bồ Tát Ba La Di tội” (tùy theo đối tượng bị giết), “chỉ trì tác phạm” nhưng ở đây gốc độ đại thừa, còn bổ túc cho giới này gọi là “giới không phóng sanh” vì thấy chúng sanh sắp chết mà Bồ Tát không tìm phương tiện cứu giúp thì cũng có tội. Vì vậy chúng ta cứu nhân là cứu quả. Trong trường hợp này, nếu Bồ Tát không thực hiện được việc phóng sanh thì phạm tác trì – chỉ phạm, đây là sự tương đồng và dị biệt của giới.
Ngày nay những người con Phật xuất gia hay tại gia đều thực hành hạnh Bồ Tát làm tròn bổn phận tự độ, độ tha trong nhiều lĩnh vực mang tính nhập thế sinh động “tùy duyên bất biến” mang lại an lạc và hạnh phúc cho đời. Biết rằng chúng sanh căn tánh can trường nan điều, nan phục nhưng Phật pháp thì nhiều phương tiện quyền biến trong sự vận dụng “bất biến tùy duyên” để thành tựu “tứ hoằng thệ nguyện” làm hành trang đi đến Phật đạo. Nếu chúng ta không phát nguyện như thế thì hạnh Bồ Tát khó vào. Phật thừa khó đạt, chí nguyện lý tưởng chưa dõng mãnh, nghị lực không kiên cố nên khó “hành thâm bát nhã”, do đó còn thấy “Tăng giảm cấu tịnh” vì vậy còn có “tứ tướng” phân biệt, thế thì lòng từ bi do đâu mà xuất hiện. Đó là chưa từng kể cá nhân của người thì Bồ tát của mình lạc buộc, chỉ có thâu mà không có xả nên vị kỷ vẫn còn tam nghiệp do đâu mà thanh tịnh.
“Gió cuốn mây đen về biển cả
Một vầng trăng sáng giữa trời trong”
Thời gian không bao giờ dừng lại với sức tàn phá dữ dội của định luật vô thường như dịch bệnh, động đất, sóng thần,…và còn nhiều tai ương khác đổi thay. Hãy đem hết tâm lực tu học một cách triệt để, thực hiện hữu hiệu hạnh lợi tha, có như vậy chúng ta mới nhận thức được giá trị của con người tu Phật, để khỏi mai một trong kiếp làm người. Đồng thời muốn thực thi Bồ Tát hạnh tức phải phát khởi bi tâm, hành trì và nhận thức tám điều giác ngộ của các bậc thiện nhơn, thúc liễm thân tâm, trao dồi giới hạnh, tấn tu tam nghiệp, đây là kim chỉ nam định hướng về Tịnh độ.
Biết rằng chúng sanh sinh ra cách Phật quá xa, đó là điều hẩm hiu cho số phận, nếu không tính cẩn vâng theo giới luật của Phật thì khó mà gặp lại Phật Đa Bảo trong ta và Bảo Tháp sẽ không bao giờ hiển hiện. Sở dĩ Đức Phật dạy chúng ta phải tôn trọng và quý kính giới luật vì chư Phật ba đời cũng nhờ vào đây mà chứng được quả Niết Bàn và giải thoát. Giờ đây noi theo dấu chân Ngài với đoạn đường khúc khuỷu quanh co nhiều gian truân ở phía trước với tinh thần nghị lực làm giới định huệ sứ mạng làm hành trang, đây cũng là nền tảng độ mình, độ người vượt qua bến mê sang bờ giải thoát, vui cảnh an lạc, Niết Bàn với tâm nguyện muôn đời “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Long Phước, ngày 21 tháng 11 năm 2021