Huyện Hòa Bình có trung tâm là thị trấn Hòa Bình nằm trên Quốc lộ 1A, là cầu nối giao thông quan trọng với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Với lợi thế này, huyện Hòa Bình có điều kiện để phát huy tổng hợp tiềm năng các ngành kinh tế – xã hội hướng đến mục tiêu xây dựng huyện trở thành Thị xã trong thời gian tới. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà, Phật giáo huyện Hòa Bình đã có những đóng góp quan trọng, những điểm sáng tiêu biểu trong nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Phật giáo huyện Hòa Bình có 28 cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, gồm: 16 cơ sở Bắc tông, 21 vị Tăng Ni; 05 cơ sở Nam tông, 69 vị Tăng; 07 cơ sở Khất sĩ, 31 vị Tăng Ni). Trong đó, có 20 cơ sở tự viện được UBND tỉnh công nhận, 8 cơ sở mới đang trong quá trình làm thủ tục để được công nhận.
Trong nhiệm kỳ qua, Ban Tăng sự đã làm tờ trình hợp thức hóa 7 cơ sở tự viện. Đồng thời, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã triển khai Quyết định Bổ nhiệm trụ trì cho 3 cơ sở tự viện: chùa Đông Hải, chùa Quan Âm và chùa Vĩnh An.
Công tác Giáo dục Tăng Ni rất được chú trọng, kết quả có: 02 vị tốt nghiệp Cao cấp giảng sư tại TP. HCM; 01 vị tốt nghiệp Cao đẳng Phật học; 06 vị tốt nghiệp Trung cấp Phật học; 02 vị đang học cử nhân Phật học tại TP.HCM; 05 vị đang học Cao đẳng, Trung cấp Phật học tại Bạc Liêu. Bên cạnh đó, các cơ sở tự viện Nam tông Khmer có: 08 vị tốt nghiệp Pali, 04 vị tốt nghiệp Vani và 26 vị đang theo học các lớp cao cấp, trung cấp, sơ cấp Pali.
Hoằng pháp là nhiệm vụ thiêng liêng của hàng tứ chúng. Phật giáo huyện Hòa Bình luôn mong muốn mở rộng nhiều hơn nữa các đạo tràng tu học. Các cơ sở tự viện duy trì tổ chức sinh hoạt đạo tràng tu học định kỳ hàng tháng: Đạo tràng niệm Phật, Thọ Bát Quan trai; Hội thi “Đố vui Phật học”, khóa tu Xuất gia gieo duyên tại Tịnh xá Bửu An… được đông đảo Phật tử tham dự. Ngoài ra, các chùa như: chùa Bửu Linh, chùa Hải Triều Âm,… còn tổ chức chương trình Gia đình Phật tử cho các em thiếu nhi, học sinh đến sinh hoạt tu học, giúp các em vun bồi giáo lý Phật pháp, rèn luyện nhân cách, sống hữu ích cho xã hội.
Hằng năm, các nghi lễ Phật giáo luôn được các tự viện tổ chức trang nghiêm, trọng thể, giữ gìn văn hoá truyền thống Phật giáo. Đại lễ Phật đản được các tự viện tuần tự tổ chức từ ngày 8 đến ngày 15/4 âm lịch. Riêng vào tối 14/4 ÂL, Ban Trị sự GHPGVN huyện diễu hành xe hoa kính mừng Phật đản cùng với Ban Trị sự các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; chùa Bửu Linh tổ chức 10 Đàn Dược Sư Thất Châu để cầu an,…Các nghi lễ của Phật giáo Nam tông cũng được tổ chức trang trọng với nhiều chương trình như: Dâng Y Ca sa, thuyết pháp, biểu diễn văn nghệ, trai đàn siêu độ chư hương linh, trao quà hộ nghèo…. Năm 2020, Ban Trị sự huyện còn tổ chức Lễ Cầu siêu – Tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
Một trong những điểm sáng nổi bật của Phật giáo huyện là công tác từ thiện xã hội, với tổng giá trị trên 28 tỷ đồng. Tiêu biểu như: tổ chức khám bệnh, hỗ trợ chi phí, tặng quà cho bệnh nhân tại bệnh viện; đặc biệt tịnh xá Bửu An và chùa An Thạnh Linh mở phòng khám Tây y, đã khám bệnh và cấp thuốc với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; Một số chùa có tổ chức phát cơm, cháo hàng tuần tại bệnh viện huyện với số tiền 4,9 tỷ đồng; Tịnh xá Bửu An duy trì hoạt động phát cơm hằng ngày tại Trung tâm y tế huyện Hòa Bình trong suốt 5 năm qua. Các hoạt động khác như: Xây nhà tình thương, cầu, đường giao thông nông thôn, phát quà cho hộ nghèo, hỗ trợ các em học sinh vượt khó, “Hội chợ 0 đồng”, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt xảy ra ở miền Trung, ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long với tổng trị giá gần 1,3 tỷ đồng; Các cơ sở tự viện cũng đã có nhiều đóng góp trong phòng, chống dịch Covid-19 như: tặng khẩu trang, nhu yếu phẩm; ủng hộ cho các bệnh viện với khoảng 243,5 triệu đồng… Trong đó, chương trình “Phát Tâm Từ” của Hội Từ thiện chùa Bửu Linh được tổ chức định kỳ hàng tháng giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng.
Công tác trùng tu, sửa chữa các tự viện có tầm quan trọng trong việc lưu lại nhiều công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo cho thế hệ mai sau. Được sự giúp đỡ của cơ quan chính quyền ở địa phương và các Phật tử trong thời gian qua, các cơ sở tự viện đã từng bước trùng tu, kiến tạo góp phần trang nghiêm những cơ sở thờ tự trong huyện nhà. Tổng kinh phí xây dựng trong nhiệm kỳ đạt khoảng 11,9 tỷ đồng.
Đóng góp trong công tác tham gia xây dựng Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận được chư Tôn đức Tăng Ni Phật giáo huyện hưởng ứng tích cực. Tại các diễn đàn, chư Tôn đức đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng, phát triển các lĩnh vực chuyên môn, qua đó có nhiều vị được nhận bằng khen, giấy khen của UBND huyện. Ngoài việc phổ biến giáo lý Phật giáo đến các tầng lớp nhân dân, thông qua các buổi sinh hoạt đạo tràng, thuyết pháp, các tự viện lồng ghép thêm phần nội dung nhắc nhở đồng bào Phật tử chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, tích cực đóng góp xây dựng đời sống văn hóa xã hội tại địa phương, chăm lo sản xuất, góp phần phát triển quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Trong 5 năm qua, Ban Trị sự GHPGVN huyện Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực vượt khó trong việc điều hành công tác Phật sự để đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các chương trình kế hoạch đề ra được thực hiện với nhiều thành công, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp giữa chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử. Tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ mới, với sự chỉ đạo của Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình từ phía chính quyền, công tác Phật sự huyện Hoà Bình sẽ tiếp tục thành tựu viên mãn, thể hiện tình đạo, tình đời ngày càng bền chặt.
Thực hiện: TTTT PG Bạc Liêu.