ĐÀO DUY ANH VÀ CỤM CÔNG TRÌNH “LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM”
* Phan Ngọc
Đào Duy Anh là học giả lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX và có uy tín quốc tế. Ông là người thực sự mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam theo quan điểm duy vật. Cụm công trình tôi được xét đến chỉ là một bộ phận trong toàn bộ các công trình to lớn và có giá trị lâu dài của nhà học giả lỗi lạc. Có thể nói không một người nào trong nước hay ngoài nước nghiên cứu văn hóa, xã hội, lịch sử Việt Nam mà lại không đọc những công trình của ông, thậm chí không dựa vào những kiến giải của ông để làm việc.
Nếu xét nét về công lao nghiên cứu các mặt thường được xếp vào văn hóa như ngữ văn, lịch sử, khảo cổ, văn bản học dịch thuật, áp dụng cách nhìn mác-xít về lịch sử và văn hóa Việt Nam thì Đào Duy Anh là người tiêm phong lỗi lạc và người khổng lồ của cả Đông Nam Á. Sự nghiệp của ông những sẽ ngày càng rực sáng bởi vì chính ông ngay dưới hoàn cảnh khó khăn, áp bức thời Pháp thuộc đã có ý thức một mình một bóng, kiên nhẫn tận tụy tìm hiểu, nghiên cứu một lịch sử và một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc, đồng thời ông xây dựng được những công trình đồ sộ có giá trị lâu dài với những kiến giải mới mẻ, táo bạo, thúc đẩy người sau đổi mới, phát huy phần đúng, sửa chữa phần nào có thể chưa thỏa đáng cho hoàn cảnh khách quan của khoa học và thời đại. Uy tín của Việt Nam càng lớn lên trên thế giới thì giá trị đóng góp của ông cũng sẽ nhờ vậy mà phát huy.
Dưới đây tôi chỉ bó hẹp vào những công trình khoa học – được Bộ khoa học – công nghệ và Môi trường giao cho tôi nhận xét và chỉ nêu lên những điểm thật sự xuất sắc của các công trình này mặc dầu trong thâm tâm tôi nhận thấy có những công trình khác của ông về ngữ văn, khảo cổ còn xuất sắc hơn.
Quyển Việt Nam văn hóa sử cương ra đời năm 1938 (Huế, Quan hải tung thư) vào giai đoạn trên thế giới chưa có một ngành khoa học gọi là văn hóa học. Nhưng ông đã trình bày một toàn cảnh có thể nói là đầy đủ về ba mặt kinh tế sinh hoạt, Xã hội sinh hoạt và trí thức sinh hoạt, do đó tạo nên một diện mạo trọn vẹn về văn hóa Việt Nam, so với những công trình xuất bản bằng tiếng Pháp thì nó đầy đủ hơn, bao quát hơn và có thể nói là công trình làm nền tảng cho mọi nghiên cứu về sau này của văn hóa Việt Nam. Từ năm 1945 đến nay, ở từng mặt cũng như Kinh tế, Gia tộc, Xã thôn, Tín ngưỡng, Học thuật… đã có nhiều bổ sung có giá trị, nhưng cái sườn chung làm nền tảng là xuất phát từ công trình này. Ngay hiện nay, nó vẫn là công trình có giá trị nhất về văn hóa Việt Nam, và theo tôi chưa có ai có thể viết về văn hóa Việt Nam súc tích và gọn gàng như vậy. Cống hiến xuất sắc của Đào Duy Anh là đã mở đường cho văn hóa học hiện đại, và trong thế hệ theo con đường này có nhiều người chính là học trò của ông, được ông đào tạo bằng cách này hay cách khác.
Công trình Lịch sử cổ đại Việt Nam – Vấn đề An Dương Vương và nước Âu Lạc (Đại học văn khoa, Hà Nội, 1957) là tiếp tục của kiệt tác Cổ sử Việt Nam (1955), một công trình có giá trị bậc nhất và cách lý giải kết hợp với việc lý giải các tài liệu của Trung Quốc. Công trình ấy là một đóng góp thế giới và cần phải dịch ra các tiếng nước ngoài.
Là người uyên bác nhất nước, ông đã đọc mọi sách cổ về giai đoạn Bắc thuộc, các sách Trung Quốc và Việt Nam kết hợp với địa lý học lịch sử để lý giải những vấn đề hiện nay còn tranh cãi về nhà nước Âu Lạc trước khi có cuộc xâm lược và những biến thiên của nhà nước này dưới thời Bắc thuộc, các cuộc khởi nghĩa, xác lập địa lý các vùng đất đã được nhắc đến. Điều này đòi hỏi không những một sự am hiểu thư tịch, địa lý học lịch sử mà ngoài ông ra, không có người thứ hai nào làm được, mà đặc biệt còn đòi hỏi một đầu óc thực chứng, khoa học phân tích, cân nhắc từng sự kiện, từng di tích, từng huyền thoại, hết sức khách quan. Đây là một cống hiến to lớn để soi sáng quá khứ dân tộc và đất nước ở ngay cái đời đại khó tìm hiểu nhất vì quá xa chúng ta và tờ liệu không những ít ỏi, mà còn tản mạn. Trong khi theo quan điểm duy vật lịch sử, ông đồng thời đưa vào đấy một tinh thần độc lập tìm hiểu phê phán hết sức nghiêm túc. Cùng với quyển Cổ sử Việt Nam, công trình này làm cái nền tảng không thể thay thế được để tìm hiểu lịch sử cổ đại Việt Nam. Nó thuộc vào những công trình kinh điển của sử học Việt Nam.
Sang công trình đất nước Việt Nam qua các đời (Nghiên cứu địa lý học lịch sử Việt Nam) (NXB Thuận Hóa, Huế, 1994) xuất bản sau khi ông mất là công trình địa lý học lịch sử toàn diện nhất về Việt Nam. Trước ông và sau ông cũng đã có một vài công trình nghiên cứu về địa lý học lịch sử, nhưng chỉ xét lẻ tẻ từng điểm một. Với Đào Duy Anh mới hình thành một địa lý học lịch sử của toàn bộ đất nước Việt Nam. Do tầm hiểu biết thực sự bao quát và óc tìm tòi không biết mỏi, đọc sách không biết chán, kết hợp với óc duy lý, phân tích, phê phán, ông đã cấp cho đất nước một môn địa lý học hoàn chỉnh. Về câu chuyện này, tất yếu phải có những bổ sung đối với từng điểm một cái nhìn thực sự chính xác. Nhưng cái sơ đồ căn cứ vào để xây dựng địa lý học lịch sử Việt Nam đã xong, và một khoa học mới đã ra đời, trọn vẹn với đầy đủ các bản đồ và những nhận xét sâu sắc. Nghĩ rằng đây là công việc của một người thôi, thật đáng kinh ngạc và thán phục.
Chỉ kể ba công trình trên, người ta đã phải thừa nhận Đào Duy Anh là người đã sáng lập ra các môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Văn hóa học Việt Nam. Địa lý học lịch sử Việt Nam. Khó lòng hình dung nỗi một con người có thể đóng góp nhiều cho văn hóa đất nước đến như vậy.
Công trình Lịch sử Việt Nam (hai tập) (Đại học sư phạm 1956) về cơ bản là một công trình giảng dạy đại học hơn là một công trình nghiên cứu riêng theo ba kiểu ba công trình trên. Chính nó mở đầu cho việc giảng dạy sử học ở các trường đại học. Trước đó, ở Việt Nam đã có Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng là một công trình biên khảo có giá trị. Nhưng công trình này của Đào Duy Anh khác công trình của Trần Trọng Kim ở điểm căn bản. Trần Trọng Kim là một nhà sư phạm viết gọn lại sử Việt Nam căn cứ vào những quyển sử đã viết để người đọc có một cái nhìn bao quát. Nó được viết ra dưới thời Pháp đô hộ cho nên những nhận định của tác giả bắt buộc phải né tránh thực dân. Còn Đào Duy Anh là nhà nghiên cứu duy vật, viết trong hoàn cảnh đất nước đã giải phóng được một nửa nước và đang tiến hành sự nghiệp giải phóng cả toàn quốc. Ông viết với kinh nghiệm một nhà sử học, khảo cổ học, địa lý học, lịch sử và một đời tìm hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam. Cho nên nó không những thay thế những công trình trước đây của Trần Trọng Kim mà còn mở đầu cho cách nhìn lịch sử độc lập, duy vật. Công trình này kết thúc với cuộc kháng chiến của nhân dân chống Pháp với Phan Đình Phùng. Tuy nó không thể nói đến giai đoạn kháng chiến cứu quốc do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhưng giai đoạn trước đó thì còn gọn gàng, rõ ràng và dễ đọc, thực là một sách giáo khoa mẫu mực.
Tôi không dám bàn đến những nhược điểm của các công trình trên, vì nhiệm vụ tôi chỉ nêu lên những đóng góp thực sự xuất sắc. Tôi nghĩ rằng chuyện truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố giáo sư Đào Duy Anh là chuyện không cần phải bàn. Một nhà văn hóa như Đào Duy Anh làm vinh dự cho một nước. Tìm ở đâu trong Đông Nam Á này một Đào Duy Anh thứ hai?.
|
Cập nhật ( 30/04/2012 ) |