ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
* Mạnh Tú
Sáng nay 27/11, tại Quảng Ninh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam… đã long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Đức vua-Phật Trần Nhân Tông là vị Hoàng đế anh hùng, nhà văn hoá lớn, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hoà Thượng Thích Thanh Tâm, Phó Pháp chủ, Phó thư ký Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Phong Châu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam; Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo các chư tôn, hiền đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại diện Ban trị sự các tỉnh, thành; các vị hoà thượng, đại đức, tăng ni, phật tử trong cả nước. Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Lê Tiến Thọ đã đọc diễn văn tưởng niệm 700 năm ngày mất của Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ vui mừng được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông, một trong những vị vua anh minh bậc nhất của triều Trần; một nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng; người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, hiện thân của sự kết hợp giữa Đạo và Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Quốc Hội hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày mất của Trần Nhân Tông chính tại vùng đất Yên Tử giàu cổ tích và huyền thoại nơi Người đã tu hành đắc đạo và về với cõi Phật, coi đây là dịp để tưởng nhớ công lao bày tỏ tri ân trân trọng tài đức của Người cũng như các bậc tiền nhân khác đối với đất nước; thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời và Đạo, Đạo và Đời luôn hoà quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước. Với Đời, Trần Nhân Tông là vị Vua nhân từ, trí tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược. Trong hoà bình thì dành hết tâm sức, tìm kế sách khoan hoà trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Người ra sức chăm lo việc nông trang cày cấy, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hoá. Trong xử thế thì nghiêm khắc với những việc làm sai trái của vua quan, quần thần, kể cả với con mình khi đã làm vua; khoan thứ cho người có lỗi đã biết hối cải, xoá bỏ mọi tỵ hiềm, tập hợp mọi người chung tay xây dựng đất nước. Với nước ngoài thì thực hiện chính sách kết tình giao hảo, hoà hiếu lân bang, mở mang bờ cõi, nhằm giữ nền hoà bình lâu dài cho đất nước. Với Đạo, Trần Nhân Tông là vị Thiền sư đắc đạo, có nhiều triết lý sâu sắc, khéo kết hợp lấy Tâm, Đức, Trí của Đạo làm nền tảng để xây đời. Việc xuất gia tu hành của Người không chỉ đơn giản để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Người chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi tâm đạo đức, dạy trí làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; phát huy sự thuận hoà trong nhân dân trăm họ, tạo ra sự hoà hợp quốc gia, hào hợp vua tôi, hoà hợp cha con, hoà hợp vợ chồng, gia đình…. tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước. Người có ý thức rất rõ trong việc mượn Đạo để xây Đời để dựng Đạo; Đạo và Đời luôn gắn bó với nhau. Chủ tịch Quốc hội mong muốn liệt vị, tôn túc trưởng thượng, trong Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni, phật tử và các tầng lớp nhân dân ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước và tô điểm cho truyền thống "hộ quốc an dân" của Phật giáo nước nhà. Tiếp đó, các đại biểu tham dự lễ đã dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông và thả bóng bay, phóng sinh chim bồ câu để cầu nguyện hoà bình, cầu cho quốc thái dân an và trồng cây lưu niệm tại khu di tích và danh thắng Yên Tử. |
Cập nhật ( 02/12/2008 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com