ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, XÃ HỘI VÀ LỊCH SỬ TỈNH CÀ MAU * Nguyễn Văn Hiệp Cà Mau là một trong những tỉnh ĐBSCL, nằm ở phần đất cực Nam của Tổ quốc, cách thành phố Hồ Chí Minh gần 350km, cách thủ đô Hà Nội 2.085km; phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp vịnh Thái Lan; có chiều dài bờ biển 252km và một ngư trường rộng lớn hơn 100.000km2 thuộc đặc quyền khai thác của Việt Nam; có điểm cực bắc: 9033’ vĩ bắc (thuộc xã Biển Bạch huyện Thời Bình), điểm cực nam: 8030’ vĩ bắc (thuộc xã Viên An huyện Ngọc Hiển) theo đường chim bay từ bắc tới nam 100 km; điểm cực đông: 105024’ kinh đông (thuộc xã Tân Thuận huyện Đầm Dơi), điểm cực tây: 104043’ kinh đông (thuộc xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển), từ đông sang tây 68 km. Cà Mau là một bán đảo nối liền với đất liền, có hình dáng một mũi tàu đang rẽ sóng ra khơi; với vị trí địa lý tự nhiên khá đặc biệt: có ba mặt tiếp giáp biển, Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặng xuống mặt biển Tây vào buổi chiều. Với vị trí như vậy, Cà Mau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội, môi trường với cả nước Việt Thời tiết Cà Mau chia ra 2 mùa mưa nắng rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau; khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình cả năm 260C; giờ nắng trung bình cả năm 2.018 – 2322 giờ/năm, lượng mưa trung bình hàng năm 1.931 – 2.630 mm, chế độ thủy triều vùng gần biển lên xuống nhanh, những vùng xa biển lên xuống chậm nhưng không gây lũ, độ ẩm trung bình hàng năm 80 – 83%, gió chướng Tây Nam nói chung thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Bão lũ tuy có nhưng không nhiều và không lớn. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Cà Mau đan xen chằng chịt chiếm khá nhiều diện tích tự nhiên, trong đó có nhiều sông lớn, nước sâu dẫn phù sa bồi đắp mọi vùng và tạo nên mạng lưới giao thông thuỷ như các sông Tam Giang, Gành Hào, Bảy Háp, Sông Đốc, Cái Tàu, Trèm Trẹm… với tổng chiều dài khoảng 7.000 km. Hầu hết các sông lớn, sâu, tiếp giáp với biển nên rất thuận tiện cho giao thông đường thủy, có điều kiện cho tàu vận tải biển và tàu đánh cá có thể vào sâu trong nội địa… từ đó mức độ nhiễm mặn của đất cũng khá cao, sông ở Cà Mau phần lớn chỉ có nước ngọt vào những tháng mùa mưa, nhưng do nhân dân biết ngăn mặn, giữ ngọt nên trồng được lúa nước và nuôi cá đồng cùng nhiều động vật hoang dã hệ sinh thái ngọt rất phong phú như rùa, rắn, trăn, trúc, kỳ đà… vẫn được bảo quản. Cà Mau được hình thành cùng với đặc điểm lịch sử vùng đất mới, do ông cha ta khai phá muộn màng vào những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, thời kỳ mà người Việt có những bước tiến quan trọng trong việc khai khẩn và hình thành cộng đồng dân cư gồm nhiều dân tộc mà số đông gồm người Kinh, người Hoa và người Khơmer… là vùng hội tụ của những người ly tán từ nhiều nơi có gốc tích khá phong phú. Vào những năm cuối thế kỷ XVII, hưởng ứng sự chiêu mộ của Mạc Cửu một di thần của nhà Minh bất phục triều đình Mãn Thanh, lưu trú tại Mang Khảm (Hà Tiên), một số lưu dân người Việt, người Hoa không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột, đã rời bỏ xứ sở, quê hương đến cư trú, làm ăn sinh sống, dựng thành một xã với tên gọi “xã” Cà Mau. Sang đầu thế kỷ XVIII, khi vùng đất này thuộc quyền quản lý của chúa Nguyễn, “xã” Cà Mau thuộc trấn Hà Tiên. Năm 1714 “xã” Cà Mau có tên trên bản đồ nước Việt Đến năm 1808 dưới thời vua Gia Long, “xã” Cà Mau được nâng lên thành huyện Long Xuyên thuộc tỉnh Hà Tiên. Người làm Tri huyện đầu tiên của huyện Long Xuyên là ông Nguyễn Thiện Năng người Trung Việt (người Việt ở miền Trung). Ơng được triều đình nhà Nguyễn phong làm tri huyện trấn giữ vùng đất này lúc bấy giờ, do có công chống các Bang người Hoa, cụ thể là họ Quách toan nổi lên chiếm Phủ đường nên cả hai vợ chồng cùng đứa con trai còn bú bị sát hại đem vùi lấp cặp bờ sông Cà Mau. Khi Pháp xây dựng cầu (cầu Quay cũ), nhân dân đã di quan Ngài cùng vợ và con về xây nên mộ mới tại phường 4 thành phố Cà Mau ngày nay, cạnh chùa Quan Am Cổ Tự có tên gọi là Thần Minh Miếu; miếu Thần Minh gồm 2 phần: phần trước là Từ đường thờ cúng, phần sau là ngôi mộ của 3 người, hàng năm được nhân dân tổ chức cúng bái khá linh đình. Vào năm 1867, sau khi chiếm 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) vào năm 1867, thực dân Pháp tiến hành chia nhỏ các tỉnh cũ để dễ bề cai trị, vùng đất Cà Mau nhập vào hạt Rạch Giá và tháng 06/1871 tách ra khỏi Rạch Giá nhập vào tỉnh Sóc Trăng. Ngày 18/12/1882, vùng đất Cà Mau nhập với Bạc Liêu lấy tên tỉnh Bạc Liêu, đây là tỉnh thứ 21 của Nam kỳ được thành lập gồm 4 huyện và 1 thị xã (Cà Mau, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai và thị xã Bạc Liêu). Địa lý hành chính tỉnh nói trên tồn tại đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Năm 1947, sau khi thực dân pháp tái chiếm tỉnh Bạc Liêu (nay Cà Mau – Bạc Liêu), Chính quyền thực dân sáp nhập thêm huyện Phước Long của tỉnh Rạch Giá vào tỉnh Bạc Liêu. Về phía Chính quyền cách mạng, năm 1947 – 1950 sáp nhập 2 huyện (An Biên và Phước Long) của tỉnh Rạch Giá vào tỉnh Bạc Liêu, đồng thời thành lập thêm 2 huyện mới là Ngọc Hiển và Trần Văn Thời theo quyết định của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ (huyện Ngọc Hiển thành lập năm 1947, huyện Trần Văn Thời thành lập năm 1950). Ngày 25/10/1955 chính quyền Sài Gòn lấy quận Cà Mau thành lập tỉnh mới với tên gọi An Xuyên (Sắc lệnh số 32/NV, ngày 25/10/1955 của chính quyền ngụy), các huyện còn lại sáp nhập vào tỉnh Sóc Trăng thành lập tỉnh Ba Xuyên. Về phía Chính quyền cách mạng thì vẫn gọi khu vực Cà Mau là tỉnh Bạc Liêu sau lấy tên là tỉnh Cà Mau. Ngày 27/11/1973 tái lập tỉnh Bạc Liêu. Khi đó, tỉnh Cà Mau tách huyện Giá Rai sát nhập về Bạc Liêu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị về điều chỉnh việc hợp nhất một số tỉnh ở Miền Nam, tháng 02/1976 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt nam ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở Miền Nam. Theo Nghị định này Cà Mau – Bạc Liêu sát nhập lại thành 01 tỉnh có tên gọi là tỉnh Minh Hải, gồm 02 thị xã và 6 huyện (thị xã Minh Hải, thị xã Cà Mau; huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển). Đến ngày 29/12/1978 Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 326 – CP về phân vạch địa giới các huyện và thị xã thuộc tỉnh Minh Hải gồm có 2 thị xã và 12 huyện (Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Cà Mau, Phước Long, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn, thị xã Cà Mau, thị xã Minh Hải) với 260 xã, 16 phường, 14 thị trấn. Ngày 30/08/1983 giải thể huyện Cà Mau theo quyết số 94-HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng. Ngày 17/05/1984 sát nhập huyện Hồng Dân và huyện Phước Long thành một huyện lấy tên huyện Hồng Dân; sát nhập huyện Cái Nước với huyện Phú Tân thành một huyện lấy tên là huyện Cái Nước theo Quyết định số 75-HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng. Đến ngày 17/12/1984 đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển; huyện Ngọc Hiển thành Đầm Dơi (theo Quyết định số 168 – HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng). Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra quyết định về việc phân ranh giới hành chính và lập một số tỉnh mới, theo đó tỉnh Minh Hải được chia tách thành 02 tỉnh là Cà Mau và Bạc Liêu. Từ ngày 01/01/1997, tỉnh Cà Mau được tái lập trở lại; làm việc theo đơn vị hành chính mới. Về mặt hành chính khi mới tách, tỉnh Cà Mau có 07 đơn vị huyện, thị gồm: Thị xã Cà Mau, huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Ngọc Hiển, Đầm Dơi; đến ngày 14/04/1999 thị xã Cà Mau được nâng lên thành phố trực thuộc tỉnh; đầu năm 2004 tách huyện Ngọc Hiển thành 2 huyện là Năm Căn có thị trấn là Năm Căn, huyện Ngọc Hiển lấy tên người đứng đầu cuộc khởi nghĩa đảo Hòn Khoai giành thắng lợi năm 1940 và từ huyện Cái Nước tách thêm huyện Phú Tân. Như vậy, đến năm 2005 Cà Mau có 01 thành phố và 08 huyện gồm 97 xã, phường, thị trấn; với diện tích đất tự nhiên là 5.211km2, đứng thứ 2 so với các tỉnh vùng ĐBSCL, sau Kiên Giang. Đất đai màu mỡ, thích hợp với các lọai cây lương thực, cây ăn trái và nhiều lọai cây công nghiệp có giá trị kinh tế. Cơ cấu phân bố các loại đất khá hợp lý: đất nông nghiệp chiếm 64,81%; đất lâm nghiệp 23,32%; đất ở 1,12% và đất chuyên dùng 3,63%. Dân số trung bình năm 2005 có 1.219.505 người, tăng 1,27 lần so với 1976, tốc độ tăng dân số trung bình 2,77%/ năm. Cơ cấu dân số thành thị chiếm chiếm tỷ trọng 20,11%, nông thôn 79,89% và ít thay đổi. Dân tộc chủ yếu là người Kinh, dân tộc thiểu số là người Hoa, người Khơmer, Tày, Chăm, Nùng, Mường… và một số dân tộc khác.Mật độ dân số chung của tỉnh năm 2005 là 234 người/km2, thấp nhất vùng ĐBSCL (430 người/ km2). Là vùng đồng bằng ven biển nhưng Cà mau vẫn là vùng đất rộng người thưa, bình quân ruộng đất trên 1 nhân khẩu, 1 lao động cao nhất vùng ĐBSCL. Tổng số lao động năm 2005 có 614 ngàn người, tăng 1,69 lần so với năm 1976 (do tăng cơ học và tăng tự nhiên). Cơ cấu lao động trong độ tuổi theo ngành nghề, chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thủy sản. Trình độ học vấn, ngành nghề, trình độ đào tạo, đạt mức trung bình của vùng. Tập quán, kinh nghiệm canh tác và kỹ năng nghề nghiệp của lao động Cà Mau được tích lũy qua nhiều thế hệ thuộc loại khá cao so với các tỉnh khác, nhất là kỹ năng lao động nghề trồng lúa, nuôi heo và đánh bắt, nuôi trồng thủysản, hải sản. Sự hình thành và lấn biển tự nhiên của Mũi Cà Mau khá độc đáo, hàng năm mũi Cà Mau vươn ra biển khơi từ 80 đến 100 mét nhờ vào sự bồi lắng phù sa của các dòng hải lưu, khi phù sa bồi lắng thì cây mắm là đội quân tiên phong chiếm giữ đất phù sa, sinh trưởng nhanh chóng tạo thành dãy rừng phòng hộ, để rồi sau đó trái đước dựa vào hải triều đến cắm rể sâu vào lòng đất tạo nên những rừng đước trẻ, để mũi đất ngày thêm vươn xa ra; ngư trường rộng lớn có nhiều nguồn lợi hải sản và đặc biệt dưới lòng đại dương lại có mỏ dầu và khí đốt là nguồn tài nguyên để phát triển khu chế biến dầu khí có qui mô lớn nhất nước hiện nay. Đó là khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm đang hình thành ở xã Khánh An thuộc huyện U Minh. Ngược thời gian: xã trưởng “xã” Cà Mau đầu tiên là người Hoa có tên Tân Lý Nghiệp, chứng tích còn lưu lại trên bia mộ xây bằng đá ô dước tại ngã ba kinh 16, đường Nguyễn Trãi ngày nay (con cháu ông hiện còn sinh sống ở Cà Mau). Khi Người Pháp là Taberd vẽ bản đồ Việt Nam vào năm 1834 (Thời vua Minh Mạng), Mũi Cà Mau còn chưa hình thành, vậy mà 63 năm sau (1897) Cà Mau lại là vùng đất trù phú bật nhất của Nam Kỳ lục tỉnh, người xưa quen gọi là miệt dưới để phân biệt với miệt trên thuộc Châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long; còn trong sách “Văn Minh Miệt Vườn” thì nhà văn Sơn Nam gọi vùng Cà Mau là Miệt U Minh. Theo “Đất Gia Định Xưa” của nhà văn Sơn Nam thì Cà Mau là vùng đất còn hoang sơ chưa có người khai khẩn, nhưng lại có khá nhiều nguồn lợi có thể sống được, trở thành nơi chứa chấp những người thập phương đến sinh cơ lập nghiệp nên có nhiều cộng đồng dân cư sinh sống; nhưng chủ yếu là người Kinh, người Hoa, người Khơmer… Cà Mau là vùng đất trẻ được lưu dân người Việt đến khai phá vào đầu thế kỷ thứ XVIII, hầu hết gồm người nghèo không đất sản xuất, hoặc bị bọn quan lại phong kiến chèn ép hoặc tội đồ hay người bất hợp tác với chế độ cai trị hà khắc nơi mình cư trú mà bỏ xứ lưu lạc đến đây sinh sống, nên quá trình hình thành của Cà Mau cũng là quá trình hình thành sự cộng cư của 3 dân tộc có số dân đông hơn các dân tộc khác. Muốn sinh tồn, họ đã đoàn kết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau để cùng tồn tại; tuy vậy mỗi dân tộc vẫn giữ được phong tục, tập quán, văn hoá riêng cho dù trong quá trình chung sống đã nẩy nở sự giao thoa về văn hoá, về nét văn hoá ẩm thực đặc sắc tạo nên những món ăn mới có thể hấp dẫn các dân tộc và du khách. Cư dân người Việt sống ở Cà Mau – mảnh đất tận cùng tổ quốc có khá nhiều dân tộc, đông nhất là người kinh, kế đến là người Khơmer, người Hoa… Phần đông người Khơmer ở tập trung xung quanh những ngôi chùa tạo thành các sóc người khơmer (xóm) riêng biệt. Tâm lý chung của người Khơmer là thích sống đơn giản, không muốn tranh giành, nghe và tin những gì thấy trước mắt, ghét ba hoa, trừu tượng. Họ rất cần cù, mộc mạc, giỏi chịu đựng gian khổ. Khi họ thấy mến và tin cậy người nào thì người đó nói gì họ cũng nghe. Họ có tin thần tự túc và tương trợ rất cao, những việc cất nhà, cưới hỏi, tang chế thường được giúp đở của hàng xóm. Người Khơmer sống hoà nhập vào cộng đồng dân cư người Việt trên các vùng đất Cà Mau. Theo số liệu Tổng điều tra tình hình cơ bản của hộ thời điểm 01/04/2005 tỉnh Cà Mau: dân tộc Khơmer có 4.817 hộ với 25.764 nhân khẩu, sống trải đều trên tất cả các huyện và thành phố Cà Mau theo từng khu vực cư dân xen lẫn cùng đồng bào người Kinh và hầu hết họ tôn thờ đạo phật theo phái Nam Tông đang sinh hoạt tín ngưỡng trong 7 ngôi chùa ở huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Thành Phố Cà Mau dưới sự dẫn dắt tâm linh của 30 vị Tỳ Khưu, 50 vị Sadi. Người Khơmer không coi trọng cuộc sống trần thế mà hướng đời sống tâm linh vào một thế giới khác nên phong tục, tập quán, nhất là văn hóa, lễ hội, cả tết cổ truyền đều gắn liền với chùa chiền theo sự hướng dẫn của sư sãi các chùa nên vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thành quả lao động của họ thường mang đến cúng cho nhà chùa; đây cũng là yếu tố khách quan làm cho cuộc sống của họ đạm bạc, ít chú trọng đến hưởng thụ vật chất trong cuộc sống đời thường. Họ sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi và khai thác nguồn thuỷ hải sản do thiên nhiên ban tặng. Một phần sự hào phóng của thiên nhiên làm cho người Khơmer ít lưu tâm đến viêc tích luỹ nên khá nhiều hộ không có tư liệu sản xuất hoặc quá ít dẫn đến có khá nhiều hộ sống tạm bợ bằng viêc làm thuê, làm mướn. Cùng với việc cải thiện đời sống, nhiều giải pháp bảo tồn văn hoá cho đồng bào dân tộc Khơmer như sớm mở nhiều lớp dạy song ngữ, hàng tuần có nhiều buổi phát thanh bằng tiếng dân tộc Khơmer trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh và xóa mù chữ. Việc khôi phục và phát triển văn hoá, văn nghệ đang được tỉnh Cà Mau củng cố, nhất là đầu tư để chỉnh trang nâng cấp các chùa bị hư hỏng, xuống cấp, giữ gìn các sinh hoạt văn hoá, các trò chơi, múa hát theo tập tục truyền thống; tổ chức sinh hoạt các đêm đón mừng năm mới (Chol Chnăm Thmây) thật tưng bừng trong những ngày lễ hội của đồng bào dân tộc Khơmer. Sau người Khơmer là người Hoa, cũng như người Khơmer, người Hoa sống hoà nhập vào cộng đồng dân cư người Việt, tuy nhiên tập trung đông hơn vẫn là vùng đất đơ thị. Theo số liệu Tổng điều tra tình hình cơ bản của hộ thời điểm 01/04/2005 tỉnh Cà Mau có 2.747 hộ với 11.886 nhân khẩu (năm 1999 có 2.074 hộ với 10.576 nhân khẩu). Người Hoa đến vùng đất Cà Mau từ nhiều hướng, đa phần họ tự nhận mình là người Minh Hương có tư tưởng phản Thanh, phục Minh theo Mạc Cửu vào đất Hà Tiên. Trên bước đường lưu cư, họ đổ về vùng đất trẻ để sinh cơ lập nghiệp, một bộ phận khác người Hoa là thương hồ, họ đi theo đường biển vào vùng đất Cà Mau, mang theo kinh nghiệm ngàn đời “Nhất bổn vạn lợi” chỉ có buôn bán là lợi nhất, vì thế họ chuộng phong thuỷ theo thế: “nhất cận thị, nhị cận giang” để vừa có thể sinh sống và tiện việc buôn bán. Điểm này còn lưu lại dấu tích cả dãy phố lầu của Ban Tắc – một tư sản người Hoa sống đầu thế kỷ XX ở Cà Mau nằm dọc theo sông Cà Mau (hiện nay gọi là đường Phạm Văn Ký). Trong quá trình định cư người Hoa đã tiến hành xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo như chùa Quan Đế thờ vị anh hùng dân tộc Quan Công đời Tam Quốc, thờ nhân thần như chùa ông Bổn, chùa bà Thiên Hậu, chùa thờ phật Giác Thiền Tự, những kiến trúc này mang đậm tính truyền thống hài hoà với đời sống mang tính cộng đồng nhưng vẫn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc; các ngày lễ họ làm đèn lồng thật đẹp, thật to đưa ra bán đấu giá để gây quỹ và tổ chức hát Hồ Quảng. Đối với những cư dân người Việt đầu tiên, kể cả người người Khơmer, người Hoa đến khai khẩn vùng đất Cà Mau phải đối diện với một môi trường thiên nhiên vừa có nhiều thuận lợi, đất đai màu mỡ vừa có rất nhiều khó khăn nguy hiểm; họ phải đổ nhiều mồ hôi và cả máu để khai khẩn đất đai, xây dựng và bảo vệ xóm làng. Trong cuộc chiến đấu với thiên nhiên đầy gian khổ, nguy nan, họ đã đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, từ đó lòng hữu ái giai cấp giữa những người lao động đã hình thành, tạo nhân tố bền vững của tình đoàn kết, của cộng đồng các dân tộc ở Cà Mau trong các thời kỳ lịch sử. Với truyền thống cần cù, chịu khó và sáng tạo trong lao động, với những kinh nghiệm phong phú về trồng lúa nước và dựa vào sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau, những lưu dân đã từng bước khai phá đất hoang, mở ra những cánh đồng lúc ban đầu còn nhỏ bé về sau mới rộng dần. Dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân và địa chủ, người dân Cà Mau, hầu hết là bần cố nông, phải sống cuộc sống tăm tối, dốt nát, lao động đầu tắt mặt tối mà vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, dù sống trên ruộng đất trù phú, màu mỡ. Biết bao người phải chết dần, chết mòn, chết oan dưới tay địa chủ, phong kiến. Thiếu ăn, bệnh hoạn, tá điền phải vay lúa, tiền nặng lãi của địa chủ… không có trả cho chúng phải làm tôi tớ suốt đời hoặc bán vợ, đợ con, cuộc sống cơ cực quanh năm, sống không ra kiếp người, chết không có đất chôn thân. Cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, xã hội nông thôn Cà Mau đã hình thành 2 giai cấp đối lập chủ yếu là nông dân và địa chủ (người bị bóc lột và người bóc lột) . Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Cà Mau cũng là nơi có nhiều tôn giáo. Hai tôn giáo ra đời sớm và có nhiều tín đồ là Phật giáo và Thiên Chúa giáo; các tôn giáo khác ra đời muộn hơn, trong đó có đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài và Phật giáo lại chia ra thành nhiều phái. Tại Cà Mau có các phái chính như Cao Đài Minh Chơn Đạo, Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Tiên Thiên, Thiền lâm Phật giáo, Tịnh độ cư sĩ, Khất sĩ, Ni giới Việt Nam…Nói chung, tín đồ các tôn giáo phần đông đều là những nông dân nghèo khổ và có tinh thần yêu nước, vừa lo việc đạo, vừa làm tròn phận sự công dân đối với dân tộc, tin tưởng vào Đảng Công Sản Việt Nam, hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, câm thù quân giặc xâm lược, ủng hộ và tham gia kháng chiến… nhiều giáo sĩ và tín đồ đã lập thành tích xuất sắc được Đảng và Chính phủ khen tặng. Trong sinh hoạt văn hóa, người dân Cà Mau cần cù, sáng tạo trong lao động và sinh hoạt văn hóa bằng những lời ca, tiếng hát, hò, vè, ca ngợi lao động, chống thiên tai, thú dữ và ngoại xâm… như hò đối đáp, đọc thơ Bạc Liêu, cổ nhạc…tiêu biểu là bản Dạ cổ Hoài lang của cụ Cao Văn Lầu thuộc lớp cư dân đến vùng đất trẻ Bán đảo Cà Mau vào đầu thế kỷ XX; với Dạ cổ Hoài lang là điệu cổ nhạc đặc sắc ở Nam bộ. Bản vọng cổ ra đời, được người dân Cà Mau sử dụng thành thạo và tự hào về sản phẩm bản địa của mình, góp phần vào kho tàng văn hóa Việt Những lưu dân phiêu bạc về đất Cà Mau tuy nghèo khổ, nhưng rất dũng cảm, có nghĩa khí, nghị lực và lòng tự tin, không khuất phục trước cường quyền, áp bức, bóc lột của bọn địa chủ và thực dân cướp nước và kiên quyết đấu tranh cho chính nghĩa, cho độc lập tự do. Người Cà Mau mang ý chí quật khởi và tin thần thượng võ của dân tộc, là những con người phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài, chân thành và đầy lòng bác ái. Những phẩm chất tốt đẹp này được kế thừa và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác trở thành truyền thống. Chính vì vậy mà người Cà Mau từ trước đến nay không những cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chinh phục thiên nhiên mà còn kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống áp bức, bóc lột và ngoại xâm, tạo nên những trang sử oai hùng của dân tộc nói chung và của nhân dân vùng đất mũi Cà Mau nói riêng. Quá trình hình thành và phát triển tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh thiên nhiên và truyền thống yêu nước, cách mạng và kháng chiến để giữ gìn, bảo vệ vùng Đất Mũi của Tổ quốc trước mọi âm mưu của giặc ngoại xâm từ trước Cách mạng Tháng 8, trong kháng chiến chống Pháp, đến cuộc khỏng chiến chống Mỹ, Ngụy. Phong tục tập quán của các dân tộc, văn hóa nghệ thuật dân gian, tập quán tổ chức sản xuất, dịch vụ, quan hệ ruộng đất, tập quán sinh hoạt cộng đồng ấp, xã vùng sông nước, kinh nghiệm xổ tôm vùng ven biển, vùng rừng ngập mặn, khai thác hệ sinh thái rừng U Minh, tiếp tục được bảo vệ và phát huy trong công cuộc xây dựng hoà bình và phát huy tác dụng tích cực. Các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử của Cà Mau vừa chứng minh tiềm năng, lợi thế vừa cho thấy nhiều điểm bất lợi cho phát triển kinh tế của địa phương. Đất đai tuy rộng, nhưng cơ cấu các loại đất vẫn nặng về nông nghiệp thuần tuý độc canh và quảng canh là chính. Độ phì nhiêu của đất Cà Mau không cao như các tỉnh được hưởng phù sa màu mỡ của sông Tiền, sông Hậu. Lượng đất mới bồi hàng năm vẫn chỉ là rừng ngập mặn ven biển chưa có các công trình thủy lợi tháu chua, rửa phèn nên vẫn là đất hoang sú vẹt. Thêm vào đó hệ thống sông rạch chằng chịt lại gây khó khăn cho vận tải đường bộ. Thực tế là cho đến nay, Cà Mau vẫn là tỉnh có tỷ lệ xã chưa có đường bộ, chưa có điện lưới quốc gia cao nhất các tỉnh vùng ĐBSCL. Là tỉnh cực nam tổ quốc nên Cà Mau có thiệt thòi xa TW, xa các trung tâm thương mại và công nghiệp lớn, lại không có sân bay, bến cảng lớn nên có nhiều khó khăn trong giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh, thành phố khác. Các điều kiện xã hội cũng có những bất lợi trong phát triển kinh tế hàng hóa. Dân số, lao động chủ yếu làm nông nghiệp, thủy sản truyền thống, chưa quen với công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao. Trình độ dân trí vùng sâu, vùng xa nói chung còn thấp, tập tục lạc hậu vẫn còn nhiều, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật còn nghèo nàn. Trong 30 năm sau giải phóng, đã có 21 năm sáp nhập với Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải, trong đó Cà Mau có thể coi là vùng sâu, vùng xa, ít được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ, sản xuất công nghiệp, thương mại. 10 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu và bao cấp nặng nề, tiềm năng đất đai rừng biển và lao động bị lãng quên. Nhận thức được những đặc điểm trên, 30 năm sau giải phóng, đặc biệt trong 20 năm đổi mới, với sự hỗ trợ của TW và sự hợp tác của cả nước, Đảng bộ và quân, dân Cà Mau đã nỗ lực phấn đấu lao động sáng tạo, từng bước phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Quá trình đó diễn ra trong 30 năm qua đã được lịch sử ghi nhận bằng những kết quả, thành tựu rất đáng tự hào, thời kỳ sau cao hơn thời kỳ trước. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com