XUÂN PHÁP HOA
* Tỳ kheo ni Thích Nữ Diệu Nghĩa
Kinh điển Nam tạng (Đạo phẩm Trung Bộ kinh) ghi rằng; khi Đức Phật thành đạo, Ngài nhìn thấy chúng sanh như những đóa hoa sen trong hồ nước, có những cọng còn nằm sâu trong nước, có cọng sen lên gần tới mặt nước, có cọng vượt khỏi mặt nước, cũng vậy căn cơ của chúng sanh cũng thấy cao thấp, sai khác như hoa sen còn dưới đáy hồ, đang mọc lên trong nước hay vượt khỏi mặt hồ, và tỏa ngát hương thơm. Tuy cao thấp có khác nhau, nhưng tất cả cùng có cùng một bản chất là hoa sen, có đủ cánh nhụy, gương, hạt và chúng sanh cũng vậy, dù căn cơ trình độ cao thấp khác nhau nhưng cùng có một bản thể là Phật Tánh.
Bằng cái nhìn như thị, tức thấy rõ như vậy, nên ngài quyết định lên đường thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. <?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office”>
Theo kinh điển Bắc truyền ghi rằng, sau khi Phật thành đạo, Ngài nói: “Lành thay! Lành thay! Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng, trí tuệ Như Lai, chỉ vì suy nghĩ, nhận thức sai lầm (vô minh vọng tưởng) mà bị xoay chuyển trong vòng sanh tử luân hồi”. Cho nên Đức Phật tuyên thuyết: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Điều này được xiển dương trong kinh Bắc tạng thành một chân lí vĩnh hằng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh là cánh cửa mở để đi vào đời sống Phật giáo, Phật tánh là nguồn cội của một đức tính tốt lành, nhờ đó mà chúng ta có thể thâm nhập mọi đức hạnh trên con đường đưa đến hoàn thiện.
Trong kinh Phạm Võng Bồ tát Tâm Địa, Đức Thích Ca cũng nói: “Ta đến cõi Diêm phù, ngồi lên cội Bồ đề, vì tất cả chúng sanh phàm phu ở cõi đất này mà thuyết giới tâm địa của Phật Tỳ Lô Giá Na; Lúc mới phát tâm ta thường tụng một giới này là nguồn gốc của chư Phật, là hạt giống của tất cả Bồ Tát, đó là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, xưa nay thường trụ nơi chánh nhân Phật tánh này và xưa nay cũng thường trụ, nơi pháp thân Tỳ Lô Giá Na; ta nay vì đại chúng mà thuyết lại giới phẩm vô tận tạng, đó là tự tánh thanh tịnh của tất cả chúng sanh
“Lóng nghe ta chánh tụng
Giới tạng của Phật pháp.
Ba la đề mộc xoa
Đại chúng hãy nghe kỷ
Người là Phật sẽ thành
Ta là Phật đã thành
Thường tin chắc như thế
Giới phẩm đã tròn đủ”.
Tại sao mình tin chắc tất cả chúng sanh có Phật tánh thì giới phẩm đã tròn đủ, vì chúng ta tin chúng sanh sẽ thành Phật thì chúng ta không dám sát sanh vì nếu làm như vậy thì ta giết hại một vị Phật tương lai, hoặc chúng ta làm cho chúng sanh bị tổn hại vật chất lẫn tinh thần, hay sân giận đánh đập chúng sanh thì chúng ta đã xúc phạm, đã làm tổn thương đến vị Phật tương lai.
Thí dụ, Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, mặc dù bị mắng chưởi đánh đập nhưng vẫn một lời ung dung tha thiết chấp tay cung kính thưa rằng: “Tôi không dám khinh quí ngài, vì quí ngài đều sẽ thành Phật. Đồng với tư tưởng đó ngài phó Đại sĩ cũng nói:
“Đêm đêm ôm Phật ngủ
Ngày ngày cổng Phật đi
Ngồi nằm chẳng xa rời
Nói năng cùng chung ở
Mảy may chẳng lìa nhau
Như hình cùng với bóng
Muốn biết nơi Phật đi
Chỉ chổ nói năng ấy”
Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nói: “Toàn thể vũ trụ là một mạn đà la linh thánh và mỗi chúng sanh là một hóa thân Phật” Còn theo Thiền tông nói: “Toàn thể vũ trụ trọn ở trong một điểm linh quang của chính mình”. Đó là chân như Phật tánh, cũng là nguồn sống bao la trong vũ trụ.
Theo Trung Quán luận của Bồ tát Long Thọ thì chân như Phật tánh là một thể tánh như như bất động, luôn luôn yên tỉnh trong sáng, không sinh, không diệt, không phải một, không phải hai, chân như Phật tánh ở khắp mọi nơi, ở nơi con người, con vật có tri giác, có tình cảm thì gọi là Phật tánh, ở trong loài vô tình, vô tri, vô giác như cây cỏ, đất đá… thì gọi là pháp tánh, hai tánh này đều có cùng một bản thể giác tánh, cho nên khi thành Phật gọi là viên chứng tánh giác, rốt ráo bình đẳng viên dung. Do đó mà bậc đạt đạo thấy mọi sự vật hiện tượng đều cùng một bản thể tịch nhiên vắng lặng khi đủ điều kiện, nhân duyên thì nó hiện ra tướng dụng như kinh Pháp hoa nói
“Các pháp từ xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng”
Và có một thiền sư nói thêm:
“Xuân đến trăm hoa nở
Hoàng oanh hót trên cành”
Nguyên văn:
“ <?xml:namespace prefix = st1 ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags”> Chư pháp tùng bổn lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề biểu thượng”
Ngài Mãn Giác thiền sư cũng nói:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá.
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Dịch nghĩa:
“Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”.
Khi các ngài nhìn thấy xuân đến, xuân đi chỉ là sự vận hành của các pháp theo lý duyên khởi, nghĩa là từ trong thực tánh, trong bản thể vắng lặng tịch tĩnh, mùa xuân vẫn thường tại, mùa xuân tràn khắp mọi nơi trong không gian vô cùng, thời gian vô tận và kinh Pháp Hoa Đức Phật nói lí duyên khởi là mười như thị tác động qua lại với nhau đó: “Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy,lực như vậy, tác như vậy, nhơn như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, trước sau rốt ráo như vậy.
Bồ tát Long Thọ cũng trực nhận bản thể của các pháp:
“Bất nhứt, bất nhị (không phải một, không phải hai)
Bất sanh, bất diệt (không sinh, không diệt)
Bất khứ, bất lai (không đến, không đi)
Bất thường, bất đoạn” (không thường, không đoạn).
Cho nên Thiền sư Chân Không đời Lý (946 – 1001) khi có một thiền khách hỏi: “khi xác thân này bại hoại thì thế nào?
Thiền sư đáp:
“Xuân đến, xuân đi, ngỡ xuân tàn.
Hoa nở, hoa tàn, chỉ là xuân”
Trên lộ trình tiến tu giải thoát, lúc nào chúng ta cũng phải giữ an lac. Bởi vì sự an lạc chính là yếu tố quan trọng đưa chúng ta đến bảo sở tức là đạt đạo. Muốn có an lạc thì hằng ngày chúng ta phải luôn luôn kiểm điểm tâm ý của mình, để đoạn trừ những tâm niệm xấu ác, và cũng không nghĩ đến điều xấu của những người chung quanh, mà chỉ nghĩ đến nghiệp xấu của mình để tu sửa. Khi nhận ra ý niệm xấu ác trong lòng và đoạn diệt nó tức là đoạn trừ phiền não nghiệp của chính mình.
Từng bước loại bỏ tham, sân, si, tu chứng được một pháp nào của Phật dạy thì một phần pháp thân hiện ra, cũng như trăng hiện xuống dòng sông và trời không mây bao nhiêu dặm thì có bấy nhiêu dặm trời trong.
“Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt, Vạn lý vô vân vạn lý thiên”
Nghĩa là : “Bao sông có nước bao trăng hiện,
Mấy dặm không mây mấy dặm trời”.
Tóm lại, Xuân pháp hoa triển chuyển theo từng bước chân của hành giả đắc đạo và hành giả Pháp hoa dù mới tu hay đã có quá trình tu tập thì cũng có sẳn mùa xuân bất diệt nơi chân tâm thường trú của chính mình.
Kính chúc Tăng ni, Phật tử hưởng trọn mùa xuân Pháp Hoa mà Đức Phật và chư Tổ đã khám phá rồi chỉ dạy lại cho chúng ta cùng tất cả nhân loại.
Tham khảo:
1. Xuân Pháp Hoa của Hòa thượng Thích Trí Quảng.
2. Báo Giác Ngộ số 50 – ngày 10 – 01 – 2001.
Cập nhật ( 28/02/2010 )