TRONG VẬN HỘI MỚI NHẠC LỄ PHẬT GIÁO NÊN HIỆN ĐẠI HÓA
* Tiến sĩ Nguyễn Thành Đức
Thành phố Hồ Chí Minh
Từ lâu, vai trò nhạc lễ trong Phật giáo là bộ phận quan trọng. Nó thường xuyên làm phương thức hành đạo góp phần tích cực cho Tăng Ni Phật tử tập trung tâm thức đi sâu vào thế giới tâm linh một cách tự giác; đồng thời ngăn chặn mọi phân tâm trong quá trình tế lễ của Phật giáo. Thế kỷ 21, cũng là thời kỳ đất nước ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, bên cạnh sự phát triển kinh tế xã hội, vai trò tâm linh, mà trong đó Phật giáo có vị trí không nhỏ trong việc góp phần giáo dục tinh thần từ bi bác ái, cứu nhân độ thế, sống trong sạch giản dị, cải sửa thực trạng đạo lý làm người của xã hội. Và trong tương lai không xa lắm, theo tiên đoán của Enstein nói về Phật giáo :
“Phật giáo của tương lai sẽ là tôn giáo hoàn vũ. Nó vượt qua vị thượng đế có nhân trạng và xa những học thuyết lẫn giáo điều. Bao gồm cả khoa học tự nhiên và tâm linh. Nó phải được đặt trên một ý thức tôn giáo phát khởi từ cảm nghiệm về tất cả mọi sự vật khoa học tự nhiên lẫn tâm linh. Và đây được xem như là một hợp nhất đồng nghĩa… Phật giáo là câu trả lời cho sự mô tả này. Nếu bất kỳ một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những nhu cầu của nền khoa học đương đại thì đó chính là Phật giáo”. <?xml:namespace prefix = o ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:office”>
Như vậy, trong vận hội mới, Phật giáo cần có những biến đổi để phát triển sâu rộng và nhanh chóng theo yêu cầu thời đại mới; nhân dịp Hội thảo khoa học về “Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ”. chúng tôi xin góp đôi điều suy nghĩ với tiêu đề “Trong vận hội mới, nhạc lễ Phật giáo nên hiện đại hóa ”. Bài viết gồm hai ý :
Một là : Nhạc lễ là một phương tiện truyền đạo quan trọng trong các nghi lễ Phật giáo.
Hai là : Thời đại mới đòi hỏi Phật giáo có thêm nhiều phương thức truyền đạo mới, để sớm trở thành Đạo hoàn vũ của thế giới.
1. Nhạc lễ là một phương tiện hành đạo quan trọng trong các nghi lễ Phật giáo.
Được dịp đọc tóm tắt đề cương các tiêu đề tham luận hội thảo, tôi có cảm nhận, qúy vị đã đi sâu nghiên cứu chân dung, cuộc đời và giá trị sự nghiệp nghiên cứu nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ của sư Nguyệt Chiếu. Về lịch sử phát triển nhạc lễ Phật giáo, Tính nghệ thuật và mối quan hệ của nhạc lễ với đờn ca tài tử. Và cũng có người đặt ra vấn đề bảo tồn phát triển “ cả y trang, nhạc cụ, ấn pháp, lễ nghi, bài bản cổ nhạc sử dụng trong nghi lễ Phật giáo”. Tuy trong phát hiện, nghiên cứu còn nhiều khoảng trống; nhưng ít nhất vai trò Sư Nguyệt Chiếu (việc chính là tu hành) và Ông Hai Khị (Nhạc Khị) đã có công sưu tầm, hiệu đính, bổ sung, và phổ biến 20 bài Tổ nhạc của nhạc lễ, cổ nhạc Nam Bộ. Nhìn từ góc độ nghiên cứu khoa học thì hai vị ấy đã thao tác theo phương pháp nghiên cứu khoa học rồi. Nếu đồng hiểu như thế thì mục đích chính của các vị ấy là muốn phát triển nhạc lễ thêm phong phú, đa dạng; nhằm tạo sự hấp dẫn mới đối với Tăng, Ni, Phật tử. Và cũng có thể nói, Sư Nguyệt Chiếu là một trong những người đi đầu trong đổi mới nhạc lễ, nhạc cổ truyền Nam Bộ. Từ ý nghĩa phát khởi đó, tôi xin nêu thêm khía cạnh đổi mới hay hiện đại hóa nhạc lễ Phật giáo trong thời kỳ hiện đại. Sự hiện đại hóa nhạc lễ Phật giáo không chỉ là sự biến đổi từ nhạc cụ truyền thống thành nhạc cụ điện tử hiện đại. Tính hiện đại của nhạc lễ, theo tôi nghĩ là tìm mọi phương cách đưa yếu tố thời đại vào nghi lễ Phật giáo, mà tất cả những gì về âm nhạc của nhạc lễ đều là phương tiện góp phần tích cực cho mục đích hành đạo.
Trước khi bàn sâu vào vấn đề xin nói một ít về giới luật của Phật có liên quan. Chúng tôi biết, trong Phật giáo có 10 giới luật; giới luật thứ 7 là : “Không ca, múa, xem, nghe”. Giới luật này không chỉ dành cho các Tăng, Ni và cả cư sỹ tu tại gia. Tôi nghĩ, mục đích của giới luật này là một trong 10 biện pháp ngăn chặn, không tạo cơ hội cho Tăng, Ni rơi vào tham dục, tình ái, làm sao nhãng việc tu hành. Có lẽ, nhờ 10 giới luật mà số lượng Tăng, Ni có thể trọn đời hiến dâng cho sự giác ngộ và để trở thành Bồ Tát, họ không quản ngại ngày đêm đi giúp chúng sinh vượt bể khổ. Cũng chính giới luật nghiêm khắc cùng với mức sống không sa hoa hưởng thụ nhiều vật chất, tiện nghi làm cho các tu sỹ trở thành con người bình dị, thánh thiện, sống quên mình, chuyên đi giúp huệ ân cho đời. Cách tu hành và sống khổ hạnh như vậy ngày càng có thêm điều kiện thời gian nâng cao trình độ tri thức, khám phá nhiều chân lý mới cho cuộc sống, tạo được sự kính nể của chúng sinh.
Thông thường lâu nay, nhiều người chỉ nói nhạc lễ, mà không thấy đầy đủ bản chất của quá trình hành lễ, trong đó đâu chỉ duy nhất là sử dụng nhạc cho nghi lễ; mà đúng hơn là bao gồm các yếu tố của nghệ thuật biểu diễn – ca, nhạc, múa, sân khấu, trang trí, y trang, . . Cho dù mỗi yếu tố nghệ thuật biểu diễn có vai trò nhất định trong quá trình hành lễ. Thí dụ : Từ mờ sáng tiếng chuông (nhạc) báo chúng cho tăng ni chuẩn bị vào giờ công phu, rồi đến lúc đọc bài kệ ngũ canh dị đáo (hát). Đến tiếng đại hồng chung thong thả ngân nga cho các sư niệm dâng hương, tụng kinh Lăng nghiêm (thanh nhạc), tụng kinh Bát nhã; niệm tên Phật, tên các vị Bồ tác, . . Thời kinh dâng hương chiều, đọc kinh A Di Đà; sau bài Phát nguyện đọc bài Tam tự quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng). Thời kinh tối bắt đầu bằng chí đại bi, cúng dường, chú biến thực biến thủy khẩn cầu có đủ món ăn nước uống cho chúng sinh. Sau kinh Bát nhã kết thúc bằng bài Tam tự quy. Hằng tháng các đêm 29, 30 rạng mặt mùng một, đêm 14 rạng mặt 15, ngoài những bài kinh thông thường còn tụng kinh Hoa nghiêm, lễ chúc thánh, chúc quốc thái dân an, lễ Thụ ân, nhớ ơn cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Có thời Sám hối đặc biệt cho tăng ni lạy (một cách biểu diễn thể hình) trước bàn thờ Phật. Ngoài ra còn các lễ đặc biệt như : Phật đản, lễ Thành đạo, Vu lan có chẩn tế, Trong tất cả các lễ, hay tụng, tán, trì, niệm, bạch, xướng, thỉnh, đọc, hô, . đến những thao tác gõ mõ, đánh thanh la, đánh chuông, đánh trống rồi dọng Tích trượng xuống sàn trong lễ Đàn quang, hay Kinh đàn, Sấm chủ, Tùy theo mỗi loại kinh, loại lễ, mà có cách sử dụng một hay nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau. Nghệ thuật biểu diễn trong nghi lễ vừa là trình thức nghi lễ vừa là cách hổ trợ làm cho sự trang nghiêm, tôn kính càng rực rỡ, lộng lẫy, gợi cảm. Chính sự khai thác tổng hợp các loại hình nghệ thuật biểu diễn đã khắc hoạ đậm nét, đúng quy cách của nghi lễ Phật giáo.
Nghệ thuật biểu diễn chẳng những không trái với giới luật của Phật giáo mà còn khắc hoạ sâu ý tưởng của đạo Phật. Trong câu trả lời Thanh Bạch người dẫn chương trình hỏi về giới luật thứ 7, sư Thích Chơn Quang nói : “ Ngày xưa Phật không cho hát nhạc đời, hát nhạc đạo thì không cấm”. Nhạc đời hàm ý là nhạc của tình yêu đôi lứa, những ngang trái éo le của những chuyện tình tay ba, tay tư trong đời sống thường ngày. Xét cho cùng, bản thân loại hình nghệ thuật biểu diễn chỉ là những phương tiện biểu lộ cái nội dung có thể là của cuộc đời hay biểu lộ niềm tin đạo lý; sự bị tác động khi tham gia, nghe, xem nghệ thuật biểu diễn chính là do con người có làm chủ được mình hay không. Khi cái tâm đã kiên định thì không gì cám dỗ được. Ngay khi dùng nó sáng tạo thành tác phẩm nghệ thuật vì mục đích truyền bá đạo cũng không có gì phải lo sợ. Ngay các nhà giáo dục, các nhà sư trong thời kỳ hiện đại không chỉ dùng phương thức thuyết giảng, mà đã khai thác phương thức hoạt động của các loại hình nghệ thuật biểu diễn, trong khi giảng chen, đệm thêm câu hát, bài thơ, câu hò, có khi biến triết lý thành những câu chuyện cụ thể có tính cách nhân vật, cách giảng giải bằng kể chuyện tạo hưng phấn cho công chúng dự nghe. Nhưng dù câu chuyện kể có hấp dẫn, đột biến thần kỳ đến đâu thì sự thu hút sức chú ý của cử toạ, cũng vẫn có lúc gây cảm giác nhàm chán, nhất là những triết lý khó hỉểu, cao siêu, những ý niệm sâu sắc mà trừu tượng so với trình độ tiếp nhận của công chúng.
Trong những năm đầu của thế kỷ 20 đến nay, phong trào duy tân nổi lên, đối tượng bài trừ là Nho giáo, bao gồm cả các nghi lễ, cả nhạc lễ của triều đình nhà Nguyễn; rồi đến Cách mạng tháng 8, phong trào đời sống mới phát động, các nghi lễ thờ cúng hầu như bị gói chung vào tệ nạn mê tín dị đoan, bị bài trừ triệt để. Trong đó nhạc lễ cũng chịu chung số phận. Rất may, những cơ sở thờ tự như : Chùa, Đình, Dinh, Miếu vẫn còn hoạt động thường xuyên nên nhạc lễ vẫn có nơi duy trì, tồn tại. Phong trào âm nhạc cải cách (nhạc từ phương Tây du nhập), rồi nhạc tiền chiến lãng mạn trở thành cao trào, hình thành một cuộc tranh dành công chúng mãnh liệt, lấn át toàn bộ sân chơi của nhạc cổ truyền, khiến nhạc lễ phải lùi về vùng nông thôn; rồi vài chục năm gần đây phong trào nhạc trẻ hiện đại tiếp tục tràn ngập. Tuy những người tâm huyết với nhạc cổ truyền và chủ trương của nhà nước cũng có nhiều biện pháp giúp đỡ, nhưng sự phát triển chưa thấy gì sáng sủa cho lắm. Cũng may, từ sau đổi mới, các lễ hội truyền thống được phục hồi, các chùa được mở rộng hành lễ, giúp cho nhạc lễ có cơ hội hồi sinh, phát triển sôi động trở lại.
2. Thế kỷ 21, Phật giáo cần có thêm nhiều phương thức truyền đạo, để trở thành Đạo hoàn vũ của thế giới.
Một đặc điểm trong thời đại phương tiện truyền thông trở thành đại công nghệ sản xuất hàng loạt cho đại chúng, khắp hang cùng ngõ hẻm ngày càng bị tràn ngập, rẻ tiền mà lại có sức hấp dẫn mọi lứa tuổi. Chưa nói đến trên thế giới còn bao nhiêu tôn giáo khác, có số lượng tín đồ đông hơn Phật giáo, họ cũng đang tích cực sử dụng nhiều phương thức hiện đại để hoạt động cho sự nghiệp truyền giảng đạo lý của mình. Thời đại mới thật sự là một cuộc cạnh tranh công chúng dữ dội. Những người yêu thương, trung thành với lý tưởng của Phật cần suy nghĩ về sự cải tiến bổ sung phương thức quảng bá ý tưởng Phật giáo; Nếu các vị tăng ni của Phật giáo không tích cực tìm thêm những phương thức hành đạo mới, thích hợp với thời đại mới, tất sẽ bị mất dần bá tánh. Nhất là lớp trẻ, đối tượng chính của sự phát triển Phật giáo thành một đạo hoàn vũ của thế giới tương lai. Có người nói rằng : Phật tử tuy đa số là người lớn tuổi, nhưng những đạo lý của Phật dạy, họ có thể đem về truyền dạy lại cho con cháu. Xin thưa đó cũng là một cách truyền đạo, nhưng là một con đường phải vòng qua một trung gian; mặt khác, thời đại ngày nay, vai trò người lớn tuổi kể cả cha mẹ cũng dần dần khó quản lý dạy bảo trực tiếp với con cái. Mặt khác, thường xuyên người Phật tử bị làn sóng văn hóa nghệ thuật đại chúng thu hút nhiều thời gian trong các chương trình truyền hình, mỗi ngày nhiều bộ phim nhiều tâp liên tục toả ra vô vàn sự hấp dẫn về những số phận con người trong đời thường. Sự cạnh tranh của thời đại bùng nổ thông tin không chỉ riêng đối với nhạc lễ Phật giáo mà còn tác động, thách thức khắc nghiệt đến nền văn học nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Chúng tôi nghĩ : Nghệ thuật biểu diễn là con đường đi vòng qua sự chuyển hóa tình cảm từng con người rồi tự nó tác động vào ý thức sâu lắng; đó lại là con đường trực tiếp tác động tức thì, nhanh chóng, chắc ăn và bền vững nhất. Đó chính là sức mạnh, là sự ưu việt của các loại hình nghệ thuật biểu diễn. Rồi đây, các vị tu sỹ sẽ phát động phong trào tích cực khai thác các loại hình nghệ thuật biểu diễn, bằng cách sáng tạo ra nhiều tác phẩm mang nội dung thánh thiện của ý tưởng “từ bi bác ái” của Phật, với những “tình thương” thiết thực cụ thể đối với cha mẹ, gia đình, bè bạn, “lòng bao dung vị tha” với đồng loại, nhất là tinh thần từ thiện đối những số phận con người đang phải sống vất vưởng trong bể khổ trầm luân. Cách làm đó không chỉ là cách truyền đạo của thời kỳ hiện đại mà còn là thành quả của của những nhà sư, nhạc sỹ, nghệ sỹ cùng những người thành tâm với đạo Phật, sẽ khám phá ra những cách phát triển nền âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn của Phật giáo. Phương cách đó vừa làm sâu sắc, tươi sáng ý tưởng của đạo Phật, mà còn góp phần tích cực làm tốt đẹp cho cuộc sống toàn dân tộc. Đồng thời thông qua phương thức hoạt động truyền đạo mới này hình thành một sức mạnh tổng hợp của những người yêu mến truyền thống văn hóa dân tộc, cùng chung lưng chống đỡ, ngăn chặn cơn lốc văn hóa phi nhân tính tràn ngập hay đang núp dưới chiêu bài vui chơi giải trí đơn thuần để làm tha hóa tính định hướng xã hội và truyền thống tải đạo của nền văn hóa nghệ thuật phương Đông.
Bên cạnh sự đa dạng phương thức truyền bá đạo, thì phương thức khai thác màn hình cũng là một phương cách chủ động tích cực truyền đạo trong thời hiện đại. Bởi vì, thời đại mới là thời đại màn hình hóa tất cả, mọi nội dung cần truyền bá chỉ cần thu vào một đĩa hình là bá tánh có thể xem bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, cách màn hình hóa không cần tập trung bá tánh đến một điạ điểm, vừa mất thời gian, tốn hao xăng xe, chi phí, lại an toàn không cần đi lại trên đường, không bị gò bó, được thoải mái. Vấn đề chính là chất lượng, nội dung hấp dẫn của đĩa hình về sự truyền bá tâm linh của Phật như thế nào.
Tuy nhiên khi đi vào lĩnh vực sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, một lĩnh vực lấy xúc động tình cảm của đối tượng, người thưởng thức làm mục đích thì cũng không thể tránh khỏi những mặt phức tạp của quá trình khai thác sử dụng; chính người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật biểu diễn phải chịu tác động trước tiên. Vấn đề cốt lõi vẫn là con người chủ thể sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật biển diễn đó có một bản lĩnh, một trình độ cao sâu về các mặt của Phật pháp, nói theo cách của chính trị là có lập trường vững chắc về tôn chỉ mục đích của đạo pháp hay không. Đồng thời đây cũng là lĩnh vực của tài năng sáng tạo, chuyển hóa ý tưởng của Phật thành hình tượng nghệ thuật cụ thể, hai mặt đó kết hợp nhuần nhuyễn thì có thể tin chắc rằng tác phẩm nghệ thuật sẽ có hồn, có sức sống đi vào lòng người. Những bài hát Lời Phật dạy, Kinh Kim cang mầu nhiệm, Quan Thế Âm, Vì Đạo Thiêng là những bài miêu tả trực diện lòng tin với Phật. Những bài Tiếng hát từ thiện, Xuân qùy lạy Phật, hay Ước mơ, Hạnh phúc, Ánh trăng đều là sáng tác của sư Thích Chơn Quang, là bằng chứng biểu hiện rằng : Nhà sư – nhạc sỹ cũng có thể được lãng mạn một chút, nhưng lại biết làm chủ, khám phá tìm ra ý tưởng mới, mà ngôn từ thì vẫn đồng dạng, đồng nghĩa và đồng cả cảm xúc với mọi người. Sáng tạo và trình diễn ca, nhạc, múa, sân khấu cho mục đích hành đạo không trái với giới luật của Phật, mà còn làm lợi hơn cho công cuộc hành đạo trong thời đại Phật giáo tiến tới thành đạo hoàn vũ của thế giới.
Nhạc lễ có nguồn gốc từ cung đình Huế, vào Nam Bộ được dân gian hóa, phục vụ các tế lễ của đời sống tâm linh cư dân làng quê Nam Bộ. Ngày xưa người ta ít quan tâm đến danh tiếng, miễn là có sáng tạo góp chút ít cho cuộc sống, mà không cần nhớ hay đòi hỏi công lao, như kinh Kim Cang của Phật đã dạy, Sư Nguyệt Chiếu là người làm đúng lời dạy của Phật. Cũng có thể lâu ngày Sư chuyên lo tu hành đạo, nên nhiều tác phẩm sáng tạo của Sư trở thành khuyết danh. Vai trò sưu tầm khai thác, sáng tạo đổi mới nhạc lễ của sư Nguyệt Chiếu như thế nào cũng chưa được nhìn nhận thỏa đáng. Nhưng tôi nghĩ rằng, Sư Nguyệt Chiếu là một trong những người có công lớn trong việc đề xuất và trực tiếp thực hành đổi mới nhạc lễ. Từ ý tưởng khởi đầu của Sư Nguyệt Chiếu tôi xin mạn phép thử gợi thêm đôi điều tìm kiếm những phương thức hành đạo trong thời kỳ mới. Tôi chỉ là người mới bập bẹ tìm hiểu đạo Phật; nhưng có chút tấm lòng mong muốn đạo Phật trở thành đạọ hoàn vũ của thế giới tương lai. Nhân Hội Thảo khoa học về sư Nguyệt Chiếu, xin góp đôi lời, mong được các vị chỉ giáo thêm. Xin chân thành cảm ơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt <?xml:namespace prefix = st1 ns = “urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags”> Nam (2004), NXB Trẻ, Tp HCM.
2. Ngô Ái Long + Nguyễn Quốc Chính, Nhạc lễ Nam Bộ (2002), Kỷ yếu HTKH về Bảo tồn & Phát triển Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Tp HCM (2002), Do TTKHXH & NV Tp HCM, Bảo Tàng lịch sử VN, Tp HCM, Bảo Tàng Tp HCM, NXB Trẻ Tp HCM.
3. Thích Chơn Quang, Đêm nhạc Chơn Quang “ Vì Đạo Thiêng” (2005), NXB CTy TNHH Văn hóa Pháp Quang, Tp HCM
4. Kiều Tấn, Hệ thống nhạc tài tử Nam Bộ, (2002) Kỷ yếu HTKH về Bảo tồn & Phát triển Di sản văn hóa phi vật thể trên đại bàn Tp HCM (2002), Do TTKHXH & NV Tp HCM, Bảo Tàng lịch sử VN, Tp HCM, Bảo Tàng Tp HCM, NXB Trẻ Tp HCM.
Cập nhật ( 14/12/2008 )