CỌP NAM BỘ
* TS Nguyễn Phúc Nghiệp
Đồng bằng Nam bộ vào thế kỷ 17, 18 cọp nhiều vô kể chúng sinh sống ở miệt U Minh, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm, như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long… Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và những loại ăn cỏ khác như chồn, nhím, thỏ… Lúc mới đến khẩn hoang, nơi nào có cọp dân làm ruộng, rẫy bớt lo hoa màu của mình bị heo rừng, nai phá phách, bởi vì cọp năng bắt những loại thú đó, gián tiếp bảo vệ mùa màng.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp cọp ăn thịt người do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là vì khan hiếm thức ăn và bị mất địa bàn sinh sống do tốc độ khai hoang ngày càng được đẩy mạnh… gia phả họ Đặng (Hòa Lộc, Mỏ Cày, Bến Tre) ghi: khoảng giữa thế kỷ 18 bà cụ tổ tên là Nến dẫn hai người con từ Huế vào Giồng Trôm lập nghiệp, nhưng khi đến nơi, cọp vồ hết một người, nên bà phải dời qua ở Mỏ Cày. Gia phả họ Ngô (Hương Mỹ, Mỏ Cày, BT) ghi: vào khoảng thế kỷ 18, ông Ngô Quang Thanh đến khẩn hoang vùng đất này gọi là ấp Phú, thì người con của ông là Ngô Quang Thiều “bị cọp vồ chết”. Gia phả họ Đoàn ( Ba Tri – BT) “ông cố bị cọp ăn mất xác”. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức chép: vào giữa ngày Tết năm 1771, cọp từ rừng Sác kéo về chợ Tân Kiểng trên đường vào chợ lớn, gây kinh hoàng cho dân chúng.
Ở Nam bộ ngày nay còn lưu truyền địa danh liên quan đến cọp: như Đìa Cứt Cọp (ấp 4, Hưng Nhượng, Giồng Trôm – BT), Sân Ngự (thị trấn Bình Đại – BT), đồn cọp ( Phú Nghĩa, Chợ Lách, BT), Mỏ Cày (BT) (1), Rạch Ông Hổ (Long Hưng – Tiền Giang), rạch Gầm ( Châu Thành – TG)…
Thái độ của người dân hồi đó đối với cọp cũng rất lạ: vừa kính trọng tôn thờ như một vị thần; chúng đe dọa cuộc sống của mình.
Về tôn thờ cọp, ở Nam bộ hãy còn những chuyện lý thú. Khi xưa, người dân ở đây có tục gọi cọp là “ông” và để tránh danh xưng “cọp”, người ta gọi là “ông Ba Mươi”. Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba Tết Nguyên Đán, sau khi cúng xong, người ta thường gián trước nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân” với lòng mong muốn là “ông Ba Mươi” sẽ trấn giữ không cho những thứ hiểm độc vào nhà. Ông già, bà cả còn bảo nếu trể em khóc đêm thì người mẹ phải lén “ăn trộm” hình vẽ “Chúa Sơn Lâm” trong gối ngủ của đứa bé thì đứa bé sẽ hết khóc.
Phần lớn đình làng ở Nam bộ đều có miếu thờ “Cả Cọp” ở về phía trái sân đình với chức tước “Sơn Lâm chúa tể”. Đặt biệt, đình làng Quới Sơn ( Châu Thành – Bến Tre) còn thờ cả cái sọ cọp. Ở khắp nơi, còn lưu truyền rất nhiều chuyện “ông Cọp” được tôn làm “Hương cả”, đứng đầu một làng thời xưa. Theo đó, hàng năm, cọp đến miễu ăn đầu heo do dân làng cúng, rồi nhận tờ cử chức “Đại Hương Cả”. Có lẽ vì thế, ở Nam bộ, không ai gọi con đầu lòng là con “cả” vì sợ động chạm đến “Ông Cả Cọp” (?). Về chuyện “Cả Cọp”, xin đơn cử một vài chuyện tiêu biểu:
Ở Châu Thành ( Bến Tre), từ khi lập làng – theo tục truyền – hễ ai được cử làm Hương Cả đều bị bệnh chết. Do đó, suốt nhiều năm, không ai dám nhận chức ấy. Một năm nọ, có người can đảm nhận chức “Cả” thì liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Từ đó, hương chức trong làng bàn nhau, cử cọp làm “Hương Cả”. Hàng năm. Làng đều phải làm lễ cử “Cả Cọp”, cúng một đầu heo quay và viết một tờ cử, cuộn tròn, để trong một ống tre đặt ở hốc đá, nơi cọp đã vồ ông Cả. Đúng lệ, năm nào, cọp cũng về ăn đầu heo và đổi tờ cử cũ lấy tờ cử mới. Về sau, sáu bảy năm liền, cọp không về, có một người tên Non, mới dám nhận chức Hương Cả trở lại.
ở vùng Giồng Chuối (An Đức – Ba Tri – BT) có một con cọp vằn hùng cứ, dân gọi là Cả Vằn. Ở vùng Đông Phèn có con cọp bạch chúa, gọi là Cả Bạch. Một hôm, Cả Vằn nhảy phóc qua vòm Mương Đào, đến địa phận của Cả Bạch. “Rừng nào cọp nấy”, Cả Bạch xông ra giao chiến. Hai “Cả” đánh nhau kịch liệt suốt ba ngày đêm với tiếng gầm thét vang động cả một vùng. Dân chúng ai cũng kinh hoàng. Sau trận đánh, hai “Cả” đều tử thương. Từ đó ở đây mới dám cử người ra nhận chức Hương Cả.
Ở Hưng Nhơn (Bình Đại – BĐ), có ông “Cả Cọp” rất hung dữ. Hàng năm, dân làng phải nộp cho ông “Cả” một người. Sau đó, khấn vái mãi, mới thay bằng con heo, và sau nữa, giảm bằng đầu con heo.
Dân ở vùng Thạnh Phú ( Bến Tre) nói rằng chính cọp chỉ định địa điểm xây cất đình. Dân làng An Nhượng (Thạnh Phú) mua gỗ về định chuyển ra Bến Sung (Thạnh Lại) để cất đình ở đó. Nhưng tới đêm, cọp về tha cây gỗ đến chỗ đất cất đình Thạnh Phú hiện nay. Bô lão trong làng cho đó là điềm linh hiển, nên dựng đình ngay trên đất ấy, trong sân đình có miếu thờ “Cả Cọp”.
Tuy tôn sùng cọp, nhưng người dân vẫn săn bắt, đánh giết cọp, vì chúng đe dọa mạng sống của con người và để mở rộng địa bàn khẩn hoang.
Ở Nam bộ, chúng ta gặp rất nhiều câu chyện nói về những người giỏi võ nghệ, đánh cọp. Theo kinh nghiệm nhân gian thì hễ cọp quỳ chân sau, chống chân trước là đang chờ đợi; khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát rồi phóng tới. Đuôi cọp phe phẩy về hướng nào giúp ta đoán trước tấn công của cọp. Người đánh cọp thường dùng roi nặng, cứng, chắc. Trước khi giết cọp, phải đánh với nó vài hiệp cho nó mệt. Nhiều con cọp từng đánh nhau với người nên khôn ngoan, dùng thế võ chót là nằm ngửa bụng lên, nhìn đối thủ qua hai chân trước và hai chân sau. Với tư thế ấy, cọp dưỡng sức, chờ thời cơ. Ai nôn nóng, xốc tới đánh, cọp sẽ chụp roi, giữ chặt, người mạnh khỏe mấy cũng không tài nào giằng ra nổi; cọp thừa dịp trổi dậy vồ đối thủ. Nếu buông roi ra chạy, thì càng mau chết. Do đó, muốn đánh được cọp, phải bình tĩnh, không những dùng sức, mà còn phải dùng mưu nữa. Nhiều khi người đi đường gặp cọp, quá sợ hãi, quỳ uống chắp tay xá, mặt mày mếu máo, cọp lại hoảng sợ, cong đuôi chạy trốn vì thấy chuyện không bình thường (2).
Sử chép rằng, vào giữa ngày Tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, có lẽ ở phía Cần Giuộc, kéo về chợ Tân Kiểng trên đường vào Chợ Lớn, phá rối cuộc vui chơi của dân chúng. Bà con cấp báo cho quân sĩ ở đồn Dinh. Đứng giữa vòng vây, cọp dữ chẳng hề sợ hãi. Lúc bấy giờ, có một nhà sư rất giỏi võ nghệ tên là Tăng Ân dùng côn giết cọp. Mãnh thú bị hạ, nhưng ông cũng bị thương và chết. Ở vùng này sau đó, còn có một nhà sư khác tên Tăng Ngộ cũng nổi tiếng là một tay đả hổ có hạng. (3)
Vùng cồn Tàu (Bình Đại) lúc còn hoang vu, theo bà con kể lại có một vị hung thần trấn giữ. Thần này có hai bộ hạ là heo rừng và cọp mun rất dữ tợn. Thần quy định ai muốn khai phá Cồn Tàu thì phải nộp một mạng người.
Hai anh em Bảy Giao và Chín Quỳ nghe tin đó liền đến Cồn Tàu xin được phá rừng và xin hẹn 3 năm sau sẽ nộp mạng. Thần đồng ý. Hai anh em tới khẩn đất. Đến kỳ hạn nộp mạng cho thần, hai anh em bèn nhờ thợ rèn, rèn cho ai côn sắt loại lớn, rồi quyết tử với thần. Họ đứng dựa lưng vào nhau chờ đợi. Thần hạ lệnh cho heo rừng ra lấy mạng những bị Chín Quỳ giáng cho một côn vào đầu chết tốt. Thần nổi giận, thét bảo cọp mun ra hạ thủ. Hai anh em hiệp lực đánh trả và vất vả lắm mới hạ được đối thủ. Từ đó, thần hết thiêng và mọi người đổ xô tới lập nghiệp ở Cồn Tàu.
Ngày xưa, vùng Tân Hưng ( Ba Tri – BT) có rất nhiều cọp. Ở ngoài mé rừng có nhà của vợ chồng ông Yến. Đêm nọ, có con cọp bạch đến thò đuôi vào chuồng, gầm thét dữ dội. Ông Yến ra xem nắm được đuôi cọp. Sợ nắm không chặt, ông Yến dùng răng cắn giữ chót đuôi phụ với hai tay. Bà Yến thấy vậy, xách mác chạy ra đâm chết cọp. Tục truyền, khi chết, cọp bạch truyền “tướng tinh” của nó vào người ông Yến. Do đó, về sau ông trở thành chúa cọp . Tất cả cọp lớn, nhỏ trong vùng đều phải vâng lời ông. Vợ chồng ông, hàng ngày múc nước đỗ vào máng, đặt sau vườn cho cọp uống: và chúng ngoan ngoãn chở ông đi chợ, đi ăn giỗ, đi cúng đình… Khi ông chết, cọp tụ họp đến bên mộ kêu rống thảm thiết, rồi cào đất đắp mộ cho ông.
Ô vùng Truông Cóc ( Gò Công Tây – TG) có ông Móm từ Quảng Ngãi vào đây khai phá. Trong lúc phát rừng, có hai con cọp đến định vồ ông. Vốn có sức khỏe, ông dùng rựa chém chết cả hai. Ngày sau, có đến bốn con cọp đến chỗ ông cư trú để báo thù nhưng cũng bị ông và bạn bè hạ thủ. Từ đó vùng này mới yên.
Để dánh cọp có hiệu quả, hạn chế thương vong bấy giờ người dân tổ chức ra nhiều “ Bộ Hổ”, tiêu biểu là vùng Ba Châu. Tại đó, có rất nhiều cọp. Do vậy, mỗi làng đều lập ra một “Bộ Hổ”, gồm 20 – 30 trai tráng khỏe mạnh, có trang bị “mặt khạy”(một loại khiên đan bằng loại cây cau già, khoảng 1m5 x 0m5) và mác để chống cọp. Chỉ huy Bộ Hổ ở Châu Thới là ông Đình Can; chỉ huy Bộ Hổ ở Châu Bình là ông Bái Trợ. Đây là hai người nổi tiếng giỏi võ và can đảm.
Khi có cọp, dân chúng nổi mõ, hò hét báo động. Mõ đánh ba hồi, thì tất cả mọi người dù đang làm việc gì, ở bất cứ đâu cũng phải chạy về tập trung ở đình làng để tham gia vây cọp. Ngoài võ khí cá nhân, Bộ Hổ còn có trống, mõ, pháo… để uy hiếp cọp vào rọ, vì cọp rất ghét màu đỏ. Khi cọp bị rùa vào rọ, người ta dùng mác để hạ thủ.
Còn ở chợ Hòa Nghĩa (Chợ Lách – BT), dân làng lập nhóm “hổ tích”, (tức là lần theo dấu cọp), để tìm cọp, người ta dùng cây cau già làm sào vây nhốt cọp lại rồi báo lên tỉnh, huyện cho người xuống bắn.
Ngoài ra, người ta còn mưu trí dùng bẫy đánh cọp. Ở Thanh Phong (Thạnh Phú – BT), dân làng xây rọ, bên trong nhốt con chó. Cọp vào bắt chó sẽ bị mắt bẫy không ra được. Lúc đó, dân chúng dùng nước vôi hòa với bột ớt xịt vào mắt cọp, đoạn dùng giáo, chĩa đâm. Cũng có khi người ta dùng thuốc độc nhét vào mồi để giết cọp.
Còn ở Đình Trung (Bình Đại – BT), sau khi cọp bị nhốt trong rọ, thì những người giỏi võ tại đây, như hai anh em ông Sáu Võng và bà Tám Xuồng dùng đoản côn, bước vào trong rọ đánh cọp, sau đó dùng tay bắt trói chúng lại.
Ở Lộc Thuận (Bình Đại – BT), người ta dùng cây kết lại làm một đăng để vây cọp. Ba cha con ông bái Trợ rất giỏi võ, thủ ba góc đăng. Vòng vây càng lúc càng xiết chặt, đồng thời trống, mõ được đánh lên inh ỏi để cọp mất tinh thần và đuối sức dần. Đến lúc thấy cọp đã mệt, ba cha con ông Bái Trợ bước vào trong vòng đăng, dùng những thế võ bí hiểm hạ cọp.
Tại Nam bộ, trong dân gian, còn lưu truyền về việc muốn xem hát yên ổn, khỏi bị cọp phá, thì phải dựng sân kháu ở giữa kinh rạch với đèn đuốc sáng choang. Người đi xem hát phải đi xuồng tới và ngồi ngay trên xuồng của mình để xem. Cọp ta đi lại nghênh nghễnh trên bờ, hầm hừ tức tối. Còn ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn, cọp ra sát đường cái, người ta phải cho bò kéo xe ngửi tỏi, mất mùi cọp, bò mới dám đi (5).
Tóm lại, buổi đầu đến khẩn hoang lập địa ở Nam bộ, người dân Việt đã thể hiện trí thông minh, sự dũng cảm, tính kiên cường.. để chống chọi lại những thách đố khắc nghiệt của thiên nhiên, nhất là nạn cọp dữ hoành hành, nhằm biến vùng đất hoang vu thành xóm làng trù phú.
(1) Giải thích những địa danh có liên quan đến cọp:
– Đìa Cứt Cọp: Theo lời truyền, thì hàng năm vào mùa khô, cọp từ các nơi tụ hội về đây – gọi là “cọp hội” – dưới sự đầu lĩnh của chúa bạch cọp ba chân.
– Đồn Cọp: Ở tại đây, thuở xưa, cọp thường đến phá phách. Dân chúng mới lập mưu vây cọp lại, rồi báo cho tỉnh đưa lính về bắn.
– Mỏ Cày: Cọp ở đây rất nhiều. Do đó, người dân vừa cày, vừa đánh mõ để cọp sợ không dám đến làm hại (đây là một trong nhiều cách lý giải địa danh Mỏ Cày).
– Rạch Gầm: Xưa kia, nơi đây có nhiều cọp. Chúng gầm thét vang động cả một vùng, nên có tên là rạch Cọp Gầm. Về sau, gọi tắt thành Rạch Gầm (đây là một trong nhiều cách lý giải đại danh Rạch Gầm).
(2) và (5): Sơn Nam, đất Gia Định xưa, NXB TP. Hồ Chí Minh – 1984.
(3) Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt, tỉnh Gia Định, mục Tăng Thích.
(4) Công: Đơn vị tính diện tích ruộng đất ở nam bộ, 1 công bằng 1 ngàn mét vuông.
|
Cập nhật ( 10/02/2010 ) |