Vào ngày 18,19/9 năm Ất Mùi (30,31/10/2015), Lễ Vía Bồ tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu với hơn 30 ngàn lượt người đến hành hương. Nhân dịp nầy BBT xin giới thiệu bài viết của Thượng tọa Thích Minh Lành, Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, Trưởng Ban Quản trị QÂPĐ đến Quý độc giả.
GÓP PHẦN THỰC HIỆN VIỆC PHÁT TRIỂN
TIỀM NĂNG DU LỊCH TẠI BẠC LIÊU
TT. Thích Minh Lành
Hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ về tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, ý muốn nói dùng tiềm năng du lịch của Bạc Liêu để làm bệ phóng cho việc xây dựng và phát triển quê hương Bạc Liêu. Chúng tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và thiết thực, bởi văn hóa Bạc Liêu rất phong phú và đa dạng. Vì vậy chúng ta cần tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương và quảng bá để tạo lực hút gọi mời khách du lịch trong và ngoài nước hãy đến với Bạc Liêu để thưởng thức cái đẹp của Bạc Liêu với nhiều giai thoại mà tình đất tình người đã tạo nên những di sản văn hóa kiệt tác. Tỉnh Bạc Liêu có hơn 150 cơ sở tự viện Phật giáo với nhiều ngôi đại tự giá trị lịch sử trăm năm, nét đẹp cổ kính với truyền thống sinh hoạt tâm linh đã thu hút một lượng khá đông du khách đến hành hương chiêm bái Thánh tích. Thời gian qua chúng ta đã tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách đến Bạc Liêu là đến với đất Bồ tát, bởi đến Bạc Liêu thì không thể không đến Quan Âm Phật Đài, điểm nhấn đặc biệt không phải của riêng văn hóa Phật giáo mà là khu văn hóa trung tâm của tỉnh với hàng năm có trên 800 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái Thánh tích. Tại đây cũng đã tiếp các vị nguyên thủ quốc gia như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Phạm Thế Duyệt, Đại tướng Phạm Văn Trà v.v… Quán Âm Phật đài (QÂPĐ) Bạc Liêu với kim thân Bồ tát Quán Thế Âm đã đi vào lòng người bằng niềm kính tin và ngưỡng mộ, bởi Bồ tát Quán Thế Âm lúc nào cũng lắng nghe tiếng kêu của chúng sanh mà cứu khổ, Bồ tát Quán Thế Âm được bản địa hóa với tên gọi Quan Âm Nam Hải hay Mẹ Nam Hải là biểu tượng của người mẹ Việt Nam chơn chất hiền hòa, niềm thương bao la đã cuốn hút mọi người hãy đến với Bồ tát, học và làm theo hạnh nguyện độ tha của Ngài đem an lạc hạnh phúc cho đời cho người là nét đẹp văn hóa mang truyền thống tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Tại QÂPĐ thời gian qua đã hoàn thành một số hạng mục như là cổng Tam quan, Điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, Điện Địa Tạng, khu Đông lang, một số công trình phụ, lát gạch sân lễ, đường nội bộ, phòng phát hành, hiện đang hoàn thiện mỹ thuật công trình 32 tượng Bồ tát hóa thân tại khu vực trước sân lễ.
Như đã nói ở phần trên, nhằm tập trung mọi nguồn lực góp phần phát triển tiềm năng du lịch trên đất Bạc Liêu, Ban Quản trị QÂPĐ từng bước thực hiện các công trình mang tính đặc trưng của Bạc Liêu đó là Núi Quan Âm với dự toán kinh phí hàng trăm tỉ đồng, công trình đang được ép cọc thi công giai đoạn 2. Núi Quán Âm theo hồ sơ thiết kế là một công trình kiến trúc hùng vĩ có dáng trừu tượng Quan Âm Đồng Tử, chiều cao 45m, chiều ngang 90m và chiều sâu 45m; trong lòng núi là Đại điện tái hiện lịch sử Đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa tại núi Kỳ Xà Quật Ấn Độ, khi Ngài thuyết đến phẩm Phổ Môn thì Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện với Tổng Đà La Ni là 84 ứng thân Bồ tát, mỗi một ứng thân một hạnh nguyện nhưng tất cả đều thể hiện sự linh cảm nhiệm mầu cứu khổ chúng sanh. QÂPĐ còn nhiều hạng mục để thỏa mãn nhu cầu tâm linh và phục vụ tiện nghi sinh hoạt. Nhà nước đã có chủ trương cấp cho Quan Âm Phật Đài hơn 7 ha rừng phòng hộ để trồng các loại cây đặc chủng vừa bảo vệ rừng và hình thành khu du lịch sinh thái tâm linh tại đây.
Thời gian qua, Ban Quản trị QÂPĐ triển khai cho tất cả thành viên tại khu vực thực hiện phương châm “hiếu khách, văn minh, lịch sự”, khâu vệ sinh được quan tâm đặc biệt, an ninh trật tự được củng cố, tình trạng mua bán bát nháo, chèo kéo du khách không còn trong khuôn viên QÂPĐ. Các cuộc Lễ hội thường niên và những cuộc lễ quan trọng của Phật giáo tỉnh được tổ chức như năm nay có Đại lễ cầu siêu cho những người đã chết trong chiến tranh, Lễ Khai giảng khóa An cư Kiết hạ, Đại lễ Vu lan. Từ ngày lớp Cao đẳng Phật học được di dời ra QÂPĐ đến nay thì số lượng khách đến hành hương đông hơn bởi hình ảnh của Chư Tăng lao tác, làm vệ sinh, trồng cây tạo cảnh được đồng bào Phật tử ngưỡng mộ; lời kinh tiếng kệ của số đông Chư Tăng ni thường xuyên như thôi thúc đồng bào Phật tử các nơi về với vùng đất linh thiêng. Trong Lễ hội Festival Đờn ca tài tử Quốc gia – Bạc Liêu 2014, QÂPĐ cũng đã tham gia quảng bá với nhiều hình thức bắt mắt từ ngày Lễ hội Quan Âm Nam Hải kéo dài đến hết thời gian Lễ hội Festival, QÂPĐ đã tiếp nhiều đoàn đại biểu trong nước và quốc tế.
Thực hiện Bảng Đăng ký công trình phần việc “Học tập và làm theo tấm gướng đạo đức Hồ Chí Minh” do UBMTTQVN tỉnh phát động; các phần việc trong đó có nội dung tham gia trùng tu, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các điểm du lịch tâm linh. Ngoài việc thực hiện các công trình tại điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh là QÂPĐ, Ban Trị sự còn chú trọng đến việc hình thành tua du lịch văn hóa tâm linh cho cả tỉnh. bởi vào cửa ngõ Bạc Liêu là gặp chùa Châu Quang, viếng Đền thờ Bác Hồ lại ghé chùa Châu Viên vãn cảnh, đến chùa Giác Hoa hùng vĩ cổ kính, ngôi đại tự toàn bằng gỗ quý là một trong những tự viện đặc biệt hiếm có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vào trung tâm thành phố với di tích đồng hồ đá và cụm nhà Công tử Bạc Liêu mang giá trị đặc thù trong cả nước. Viếng khu mộ người nghệ sĩ tài hoa Cao Văn Lầu thì không thể không ghé tịnh xá Ngọc Liên. Tới khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái vườn chim ra Quan Âm Phật đài, du khách đi theo tuyến đê biển dừng chân tại Trung tâm Văn hóa huyện Hòa Bình tại chùa Hải Thịnh, nơi đây sẽ xây dựng khu Phật tích và Phật giáo đề xuất tôn tạo tượng đài Quan Âm Hóa Hải, có công trình tái hiện lịch sử Đức Phật thuyết kinh Thập thiện ở Long cung; tiếp giáp khu vực nầy trưng bày bộ xương cá voi hiếm có là điều kiện để gọi mời du khách. Tiếp tục xuống huyện Đông Hải với dự kiến xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Gành Hào, đến Tháp cổ Vĩnh Hưng huyện Vĩnh Lợi có niên đại ngàn bảy trăm năm bên cạnh là chùa Phước Bửu trong thời gian tôn tạo và phát triển.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đang lập dự án trình Nhà nước cho xây dựng chùa Dược Sư gần khu vực bảo tồn sinh thái vườn chim phường Nhà Mát, Tp Bạc Liêu; tại xã Vĩnh Trạch thành phố Bạc Liêu đang lập dự án nhà tang lễ, hình thành trang viên có nghĩa trang hiện đại và thật đẹp. Tất cả các công trình văn hóa mang giá trị tâm linh không phải của riêng Phật giáo mà là của nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Để góp phần xây dựng một quê hương Bạc Liêu giàu đẹp bằng lực đẩy từ nền văn hóa phong phú đa dạng hiện có, thiết nghĩ chúng ta cần có sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân dân trong tỉnh thực hiện sách lược “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”. Làm du lịch để phát triển, quảng bá du lịch để làm giàu cho tỉnh nhà tất nhiên sẽ giúp cho Bạc Liêu phát triển các mặt mà nguồn nội lực là giá trị văn hóa hiện thực được quảng bá từ việc khai thác đúng mức tiềm năng du lịch của tỉnh nhà. Chúng tôi tin tưởng rằng Bạc Liêu đã khẳng định bước đi trên lộ trình với mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện ngang tầm các tỉnh trong khu vực mà hàng trang là tiềm năng văn hóa hiện có.
Cập nhật ( 24/11/2015 )