CÔNG TRÌNH NÚI QUAN ÂM TẠI QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI BẠC LIÊU ĐÃ KHỞI ĐỘNG
*Tĩnh Toàn.
Trong dịp Lễ hội Quan Âm Nam Hải diễn ra vào ngày 22,23,24 tháng 3 âm lịch tại Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu, Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Bạc Liêu đã cho tiến hành xuống móng thi công công trình Núi Quan Âm vào lúc 8 giờ sáng ngày 03/5. Được biết dự án công trình Núi Quan Âm tại Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu đã được Nhà nước phê duyệt và Sở Xây dựng cấp giấy phép. Tháng 4 năm 2012 đã tổ chức Lễ Đặt đá nhưng do chỉnh sửa thiết kế và chuẩn bị phương án tài chính nên hôm nay mới tiến hành thi công phần móng cọc.
Khởi công phần nền móng.
Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu là cơ sở tự viện trực thuộc sự quản lý của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu, tọa lạc trong khu vực Nhà nước đã qui hoạch hình thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Nơi đây là điểm du lịch văn hóa tâm linh hàng năm thu hút trên 500 ngàn lượt khách đến tham quang chiêm bái Thánh tích; trong năm có 3 kỳ Lễ Vía Bồ Tát, một Lễ hội Quan Âm Nam Hải, Đại Lễ Phật Đản và nhiều cuộc lễ quan trọng khác được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Các hạng mục công trình tại Quán Âm Phật Đài được bắt đầu xây dựng năm 1996 đến nay đã hoàn thành cổng Tam quan, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, điện Địa Tạng, một số nhà tạm gồm nhà nghỉ chư tăng, nhà xe, nhà phát hành kinh sách, căn tin, nhà vệ sinh; hiện đang thi công 32 tượng Bồ Tát hóa thân trước sân lễ. Thời gian qua đã san lấp mặt bằng và hiện đang tiếp tục, đã lát gạch sân lễ trước tượng đài Bồ Tát, tráng nhựa đường từ cổng vào sân lễ và hiện đang tập kết cây xanh bố trí trồng tại khu vực. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu đã có tờ trình xin phép xây dựng một số hạng mục công trình gồm Núi Quan Âm, hai nhà nghinh phong trên đồi cỏ, lắp đặt nhà gỗ để trưng bày và tiếp đón, nhà Vọng để thờ các vị Tổ và các vị có công với Quán Âm Phật Đài, khu nhà nghỉ có 2 dãy lầu, các khu nhà vệ sinh, bãi đậu xe, hệ thống thoát nước, hệ thống đường nội bộ và bố trí hệ thống xe điện cùng một số công trình khác.
Bồ Tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu đã đi vào lòng người và Ngài được đồng bào Phật tử trong và ngoài nước kính tin ngưỡng mộ. Ngay từ buổi đầu Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã có dự kiến tôn tạo tại khu vực các công trình mang tính đặc thù của địa phương, làm sao cho du khách cảm nhận sâu sắc rằng đến với đất Bạc Liêu là về đất Bồ Tát, sau khi tham khảo ý kiến với Chư Tôn đức Trung ương Giáo hội, các vị đã đồng tình với dự án xây dựng Núi Quán Âm, dáng núi có biểu tượng Quán Âm Đồng Tử, nội hàm là Đại điện tái hiện lịch sử Đức Phật Thích Ca thuyết kinh Pháp Hoa, khi Ngài thuyết đến phẩm Phổ Môn nói về công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm thì Đức Quán Thế Âm xuất hiện với Tổng Đà La Ni là 84 vị Bồ Tát ứng thân, mỗi vị có công hạnh khác nhau và tất cả đều lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh mà cứu khổ. Từ ý nghĩa do đâu mà có Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật giáo Bạc Liêu đã lập dự án nầy cũng đồng thời thể hiện việc góp phần thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển du lịch tại Bạc Liêu, đồng thời góp phần phát triển văn hóa tâm linh cho khu vực, tạo điều kiện chuyển tải đạo đức Phật giáo đến với các tầng lớp dân cư, nhắc nhở mọi người chấp hành tốt pháp luật nhà nước, hướng dẫn đồng bào Phật tử thực hiện đúng chánh pháp và tâm thành cống hiến xây dựng quê hương xứ sở.
Núi Quan Âm có chiều cao 45m, chiều ngang 90m, chiều rộng 45m. Từ cổng tam quan đi vào là mặt sau núi, có một ngõ vào Đại điện và hai ngõ phụ, bên trên có vòm mái, lưng chừng núi có 2 công trình lầu chuông và lầu trống. Trên các triền núi và một vài đỉnh núi thấp có tôn trí một số tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Từ cổng chính vào Đại điện có tượng Đức Bổn sư Thích Ca ngồi tòa thuyết pháp; nội hàm là các thạch nhũ tạo dáng hang động, lại tôn trí các Thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm, có tượng là phù điêu, có tượng được tôn trí vào vách núi hoặc tựa lưng vào các cột thạch nhũ; Đại điện với diện tích hơn một ngàn m2 có sức chứa trên ngàn người. Sau lưng tượng Đức Bổn sư là vách núi, sau vách núi là phòng khách, có bố trí các phòng dành cho Chư Tôn đức mỗi khi đến chủ trì những cuộc lễ lớn. Lại có 2 cầu thang nội bộ dẫn đến lầu chuông lầu trống và pháp tòa ở mặt trước núi. Bên trong núi có nhiều ngõ ra vào và nhiều lối thoát hiểm. Mặt trước núi là tượng đài Quán Âm hướng ra biển như vị trí hiện nay, theo cách bố cục nầy thì Bồ Tát Quán Thế Âm đứng dưới chân núi, lại có 3 cổng ra vào như mặt sau, khoảng lưng chừng tượng đài Bồ Tát là 2 pháp tòa trên núi, mỗi pháp tòa có một hang từ trong núi đi ra, trên núi cũng tôn trí các ứng thân của Bố Tát Quán Thế Âm, tổng cộng 2 mặt núi và nội hàm kiến trúc là 84 Thánh tượng Bồ tát. Khi đến với tượng đài Quán Âm lộ thiên, du khách có thể đi xuyên qua núi theo nhiều ngõ, có thể đi theo các con đường 2 bên dưới chân núi, dự kiến sẽ làm đường tráng nhựa chiều rộng hơn 10m ở 2 bên núi.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật với tổng dự toán thi công công trình Núi Quan Âm trên 100 tỉ đồng. Nguồn kinh phí được huy động từ sự phát tâm cúng dường của thập phương bá tánh, các nhà doanh nghiệp và sự trợ duyên của Chư Tôn đức các nơi. Thường trực Ban Trị sự cũng đã có Thông bạch kêu gọi sự phát tâm cúng dường ủng hộ kinh phí xây dựng công trình. Núi Quán Âm là một công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật đậm nét văn hóa Phật giáo, sẽ tạo dấu ấn đặc sắc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thuận theo nguyên tắc sơn kỳ thủy tú, phong điều vũ thuận, thế núi vững chãi có Bồ Tát Quán Thế Âm ngự trị, trước mặt là rừng nguyên sinh bao la tiếp nối mặt biển mênh mông, khu Quan Âm Phật Đài khi hoàn thiện các hạng mục công trình sẽ là điểm du lịch sinh thái tâm linh lý tưởng, sẽ thu hút ngày càng nhiều số khách hành hương du lịch.
Cập nhật ( 19/05/2013 )