Trong Kinh Thi có câu “ Tri ân báo ân phong quang hòa nhã, tri ân bất báo ân phi chi nhân giả”. Nghĩa là: Người ở đời ai thọ ân mà biết báo ân thì người ấy được phong quang tốt đẹp, người thọ ân mà không biết đền trả thì không phải là người.
Thật vậy, tri ân và báo ân là một nền đạo đức cao đẹp nhất trong các nền đạo đức văn hóa của nhân loại, nhưng biết ân cha mẹ và muốn báo ân cũng chưa đủ, hệ trọng nhất là phải biết báo ân như thế nào để đem lại lợi ích thiết thực cho mẹ cha và cho tất cả mọi người.

Công ơn cha mẹ cao hơn non Thái, rộng hơn biển Đông, dù ta có báo hiếu cả cuộc đời cũng không bao giờ trả đủ, bởi việc trả ơn này không có giới hạn trong không gian và trong cả thời gian. Vì vậy sự báo hiếu không phải chỉ một năm, một tháng hay vào Lễ Vu Lan là đủ mà là công việc hằng ngày của người con. Báo hiếu tuy có nhiều cách nhưng không ngoài hai phương diện vật chất và tinh thần.
BÁO HIẾU VỀ PHƯƠNG DIỆN VẬT CHẤT
Người xưa nói “Ngôn ngữ của trần gian là túi rách” thì làm sao nói hết được ân nghĩa của cha mẹ đối với chúng ta, xét lại một đời lao lực, lao tâm nuôi dạy con cái, từ những chàng trai cô gái ngày nào bây giờ tóc bạc da nhăn lưng còng má hóp bởi vì đâu? Chúng ta phải thấy rõ rằng: Tất cả đều vì con cái. Vì vậy khi trưởng thành trong nhận thức của đạo làm con, ta phải dành thời gian cho cha mẹ an dưỡng lúc tuổi già để đền bù bớt một phần nào những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống. Chúng ta phải tạo nơi ăn chốn nghỉ cho hợp tình để cha mẹ an tịnh, phòng ốc sạch sẽ cao ráo, phải tạo mỹ quan trong trang phục cho cha mẹ. Người già rất khó trong sinh hoạt, chúng ta phải tế nhị và lo cung dưỡng cơm ăn nước uống cho đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh, phải biết hỏi han, săn sóc, sắm thêm thức ăn phụ phòng khi cha mẹ thích để dùng thêm; tuổi già rất khó ngủ, một tiếng động nhẹ cũng báo thức rồi vì vậy về đêm nên bớt những âm thanh của con cháu và truyền hình … Hoặc cha mẹ muốn đi lại thăm viếng bạn bè người thân chúng ta phải quan tâm đưa rước, tạo cha mẹ có dịp lui tới bạn bè tâm sự.
Sự nghiệp cha mẹ tạo dựng một đời con cái phải biết kế thừa nối tiếp, gìn giữ lề lối gia phong của gia đình và coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng của người thừa kế.
Lúc cha mẹ ốm đau con cái phải lo hầu hạ thuốc thang cơm cháo cho chu toàn, anh em phải thuận hòa đoàn kết quan tâm nhau nhiều hơn để cùng nhau tìm thầy thuốc tốt và cầu nguyện cho cha mẹ sớm bình phục.
“Mỗi đêm ra thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Và:
“Con xin nguyện dâng bớt tuổi thọ mười năm
Mười năm ấy dẫu vàng son gấm vóc
Mười năm ấy dẫu vàng son châu ngọc
Phủ che đời danh vọng cũng không ham
Con vui chi mây khói cảnh trần gian
Khi cha mẹ suy mòn theo hạnh nghiệp”
Ơn cha nghĩa mẹ, dù ta có dâng cả cuộc đời cũng không bao giờ trả đủ, bởi tình cha mẹ thương con là cho chứ không phải là vay để có thể gọi là đủ hay thiếu, vì vậy hiếu kính với cha mẹ chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ có tiền bạc mà quan trọng là tất cả tấm lòng, thể hiện qua ngôn ngữ lễ độ, hành vi, cử chỉ ôn hòa. Một liển trầu, một gói thuốc cũng làm cho song thân mãn nguyện đâu phải bằng những thứ xa xỉ mà coi nuôi cha mẹ như một trách vụ cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Làm con phải chu toàn bổn phận đối với cha mẹ. Song cũng đừng nên quá chiều cha mẹ mà ta tạo các nghiệp sát sanh hay dùng đồng tiền không lương thiện để sắm miếng ngon vật lạ mà dâng cho cha mẹ, như chúa Trịnh Kiểm thuở còn hàn vị, lúc mẹ thèm thịt gà, ông bắt trộm gà hàng xóm làm thức ăn ngon dâng mẹ. Những việc như thế không phải là hiếu mà là bất hiếu, vì đã gây nhân xấu ác cho cha mẹ và ngay cả chính mình, đồng thời lại làm mất thanh danh của gia đình. Đạo Phật không chấp nhận sự hiếu thảo bằng cách này, vì làm việc xấu để nuôi cha mẹ cũng không tránh khỏi quả báo về hành vi bất thiện của mình.
Trong Kinh Tương Ưng tập I, trang 225 có viết:“Người con không vì cha mẹ mà làm các điều phi pháp, bất chính: Vì người ấy sẽ bị quỷ sứ kéo vào địa ngục và trước Diêm Vương người ấy không thể viện lý vì muốn cho cha mẹ sung sướng vui lòng để tự bào chữa cho mình vô tội, mà quỷ sứ vẫn quăng nó xuống địa ngục dù nó có khóc than, dù cha mẹ nó có van xin kể lể”. Như vậy, việc sát sanh để cúng thờ cha mẹ ta cũng nên xét lại; bởi cúng thờ cha mẹ là để tưởng niệm công ơn cha mẹ đã sanh ra ta, để tiến đạo nghiêm thân, để làm gương sáng cho con cháu noi theo, chúng ta phải biết “Tích lũy âm đức” cho chính mình và cho người trước kẻ sau. Hơn thế nữa, việc báo hiếu thiên về vật chất, dù đầy đủ cho mấy đi nữa, cũng chỉ làm cho cha mẹ vui vẻ một đời hiện tại mà thôi. Vì vậy Đức Phật dạy: “Lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiểu thế gian, hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phước trong một đời, báo hiếu như vậy là không lớn. Hiếu xuất thế gian giúp cha mẹ hưởng phước vô tận. Vì cha mẹ được sinh tịnh độ, phước thọ trải vô lượng kiếp như vậy mới là Đại hiếu” ( Tăng Chi Bộ Luật -tập I). Nói một cách khác, Đức Phật đã thấy rõ được sự biến hoại vô thường của vạn hữu nhất là tài sản vật chất và cái thường hằng bất hoại của Thể tánh. Cho nên, Ngài khuyên những người con bước lên một tầng nữa, trả hiếu cho cha mẹ bằng phương diện tinh thần.

BÁO HIẾU VỀ PHƯƠNG DIỆN TINH THẦN
Báo hiếu về phương diện tinh thần là làm thế nào cho tinh thần cha mẹ được bao dung, cởi mở, sáng suốt để tiến dần đến sự giải thoát thanh cao. Trước hết người con phải :
1 – Giúp cho cha mẹ tạo một biệt nghiệp chính đáng để hưởng quả báo tốt.
Trong cuộc sống ta thấy biết bao gia đình sống trong giàu sang nhung gấm nhưng phải chan hòa cơm với nước mắt, nuốt buồn phiền đắng cay hàng ngày, có lẽ nếu đánh đổi cuộc sống đạm bạc, nhưng tràn đầy tình thương thì họ cũng sẵn sàng. Và chúng ta cũng từng thấy không ít gia đình khó khăn vật chất mà cuộc sống đơn sơ của họ vẫn ấm áp tình người, rực sáng hạnh phúc. Do đâu? Đó là do lòng hiếu thảo của con cái đã dành cho ông bà cha mẹ.
Thời gian có cướp đi sức khỏe, nhưng không làm suy giảm tình thương trời bể mà cha mẹ đã dành cho chúng ta, nhưng khi tuổi về già cha mẹ hay cảm thấy cô đơn và trầm uất nên rất muốn được gần con cháu, nếu không có điều kiện ở gần cha mẹ thì chúng ta phải năng lui tới thăm viếng, để cha mẹ yên tâm khi thấy con cháu đầy đủ yên vui; còn được ở gần phải triết tránh những lỗi lầm có thể làm tổn thương đến tâm hồn cha mẹ. Có dịp chúng ta hãy ngồi bên mẹ, cầm tay và nói với mẹ rằng: “ Mẹ ơi ! Mẹ có biết không ? Biết gì ? Biết là con yêu mẹ không?”, phút giây êm đềm này mẹ, con sẽ hòa quyện vào nhau để cho tình thương lan tỏa đến muôn phương.
Nếu như trong cuộc sống vì kế sinh nhai mà cha mẹ ta sa chân vào con đường đầy nham hiểm, tội lỗi, chúng ta phải tìm đủ mọi cách để tỉnh thức cha mẹ sớm quay về nẻo thiện. Gieo gió thì gặt bão và luật nhân quả là định lý tất yếu của mọi vấn đề không thể chối cãi. Gieo những nhận thức ấy chưa đủ, người con hiếu thảo phải giúp cha mẹ kết duyên với Phật pháp, kính tin Tam Bảo, mới thật sự quan trọng và là cách báo hiếu có lợi ích lớn lao, dài lâu cho cha mẹ, như khích lệ và tạo mọi thuận duyên cho cha mẹ gần gũi Tam Bảo, đến chùa tụng Kinh sám hối, nghe giảng pháp, nhờ vậy cha mẹ sẽ phát tín tâm với Phật, Pháp, Tăng và tích tạo cho mình những thiện nghiệp trong cuộc sống, hiện tại được an lạc và tương lai giải thoát.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh trang 59 Đức Phật đề cập đến bốn trách nhiệm của người con phải làm để hướng dẫn cha mẹ sống theo chánh pháp.
1 – Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo.
2 – Nếu cha mẹ làm ác, khuyên cha mẹ hướng về đường thiện.
3 – Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí.
4 – Nếu cha mẹ theo tà kiến, khuyên cha mẹ theo chánh kiến.
Nghĩa là, chúng ta khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam Bảo, quy y Tam Bảo vì chỉ có Tam Bảo mới đưa chúng sanh thoát khỏi khổ đau. Nếu cha mẹ làm ác, khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, không nên sát sanh, trộm cướp, rượu chè và không vi phạm luật pháp quốc gia. Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ nghĩ đến sự khổ đau của người khác mà nhường cơm xẻ áo. Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải xây dựng niềm tin chân chánh cho cha mẹ, không nên mê tín dị đoan, tà ma ngoại đạo, mà chỉ tin nghiệp, tin quả, tin chánh pháp tức là tin vào sự chân thật, hướng thiện cho cuộc đời.
Khi cha mẹ đã kính tin Tam Bảo và sống đúng với chánh pháp, thì những buồn phiền sẽ lắng yên, tâm hồn được nhẹ nhàng thảnh thơi, vì Phật pháp có khả năng rửa sạch trần lao nên cha mẹ sẽ nhận ra những việc cần thiết cho quảng đời còn lại, trước khi từ bỏ huyễn thân, không còn bực bội khó khăn với con cháu, tâm hồn lúc nào cũng được an vui.
Thực hành được những lời dạy trên chúng ta mới mong trả được công ơn biển trời của cha mẹ, làm được những việc đó mới tạo cho cha mẹ một đời sống hữu ích, có ý nghĩa, có cống hiến cho xã hội và khi cha mẹ qua đời được hưởng phước báo nhơn thiên. Nếu như mình không đủ khả năng, cơ duyên để hướng thượng cha mẹ, thì phải thỉnh cầu các vị thiện tri thức hướng dẫn, để cho cha mẹ được thăng hoa trong cuộc sống.
Trong Kinh Tạng ghi rõ gương hiếu hạnh của Tôn giả Xá Lợi Phất: “Tôn giả Xá Lợi Phất sanh thời thường viếng thăm thân mẫu đang tôn thờ tín ngưỡng Ni Kiền Tử (Đạo Lõa Thể). Thuyết pháp độ mẹ và thường bị mẹ từ chối. Nhưng trước giờ nhập Niết bàn Tôn giả nghĩ rằng, không nên nhập Niết bàn khi mẹ chưa giác ngộ chánh pháp. Tôn giả định sẽ đánh lễ vị tu sĩ nào có thân duyên với mẹ để xin vị tu sĩ ấy độ mẹ. Sau cùng bằng tuệ nhãn, Tôn giả nhận ra người có khả năng độ mẹ chính là mình. Vị tướng quân chánh pháp bèn đảnh lễ từ biệt Thế Tôn được nhập Niết bàn nơi người mẹ đang an trú. Lần này thì Tôn giả đã thuyết phục được mẹ nghe pháp, chứng ngộ pháp và đắc quá nhập lưu. Bấy giờ Tôn giả mới nhập Niết bàn.”
Như vậy, hạnh hiếu đi cùng hướng giải thoát của chánh pháp, và chỉ có chánh pháp mới cống hiến cho cha mẹ một nếp sống đạo đức, từng bước đi ra khỏi khổ đau và từng bước đi vào hạnh phúc của tâm hồn. Nhưng tiếc thay, con người có sanh là có tử, luật thành – trụ – hoại – không có ai thoát khỏi vòng. Chết là kết quả dĩ nhiên của một đời sống, vì vậy người con không nên khóc lóc bi lụy mà quên mọi việc lành cần phải làm như:
2 – Hộ niệm cho cha mẹ trong giờ phút lâm chung.
Giờ phút lâm chung rất quan trọng, vì đây là lúc tinh thần và thể chất của cha mẹ ta rất yếu kém, khó bề tự chủ và cũng chính là lúc phân chia giữa quỉ, người, phàm, thánh. Chúng ta phải bình tĩnh nhất tâm niệm Phật đừng nên khóc lóc, dù cha mẹ có chí nguyện vãng sanh mà bị con cái quyến thuộc thương khóc cũng dễ bị khơi động niệm tình ái, không có niệm xả ly, tất phải đọa lạc luân hồi. Cho nên người con phải nhất tâm niệm Phật, dầu cha mẹ không hiểu gì về ý nghĩa lời kinh, nhưng đã có niềm tin Tam Bảo khi nghe lời kinh, tâm trí mẹ sẽ hoan hỷ dễ đi vào cảnh giới tốt, đây chính là cơ hội vô cùng mãnh liệt ( gọi là cận tử nghiệp ) để chuyển đổi được trọng nghiệp của cha mẹ. Trong Kinh Địa Tạng có ghi: “ Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nhẫn đến một người vì người bệnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một Đức Phật, thời người chết đó, trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác đều tiêu sạch cả ”. Còn đối với cha mẹ lúc hiện tiền tạo nghiệp quá nặng không tự giải thoát được, thì người con phải thành tâm thỉnh cầu đến sức chú nguyện của chúng Tăng, nhờ chư Tăng tụng Kinh, niệm Phật để cho linh hồn của cha mẹ thức tỉnh cơn mê, xoay chuyển tâm niệm xấu, hướng về nẻo thiện, khỏi rơi vào chốn địa ngục.
Đồng thời trong giờ cuối lâm chung thân thể của cha mẹ rất đau nhức, vì vậy chúng ta không nên xúc chạm vào thân thể, gây đau đớn mà cha mẹ khởi niệm tức giận sanh vào đường ác. Khi mới tắt thở không nên di động và cũng không nên lau rửa liền, phải đợi qua 8 giờ hay ít nhất cũng phải 4 giờ mới tẩm liệm. Bởi hơi thở tuy đã tắt nhưng thức A Lại Da vẫn còn, nên cũng dễ sanh buồn giận mà đọa lạc và phải canh phòng đừng cho mèo, chó và người không am hiểu làm những đều xúc phạm.
Chúng ta hãy đọc một đoạn trong quyển Hành Trình Về Phương Đông – trang 175 tác giả Nguyễn Phong viết: “ Thực ra phải nói như thế này, khi chết các giác quan thể xác đều không sử dụng được nữa nhưng người chết vẫn theo dõi mọi dàng vì các giác quan thể vía. Không những thế họ còn biết rõ tư tưởng, tình cảm là khác, mặc dù họ không còn nghe thấy nhìn thấy như chúng ta. Nhờ đọc được tư tưởng họ vẫn hiểu điều chúng ta diễn tả.
Như vậy họ ở gần hay ở xa chúng ta ?
Khi mới từ trần, người chết luôn quanh quẩn trong gia đình, bên những người thân nhưng thời gian, khi ý thức được hoàn cảnh mới họ sẽ tách rời các ràng buộc gia đình để sống hẳn với cảnh giới của họ.
Như thế có cách nào người sống tiếp xúc với thân nhân quá cố không ?
Điều này không có gì khó, hãy nghĩ đến họ trong giấc ngủ. Thật ra nếu hiểu biết thì ta không nên quấy rầy, vì làm thế chỉ gây trở ngại cho sự siêu thoát.
Sự chết là bước vào một đời sống mới, các sinh lực từ trước vẫn hướng ra ngoài, thì nay lại hướng vào trong. Linh hồn từ từ rút ra khỏi thể xác bằng một bí huyệt trên đỉnh đầu. Do đó hai chân từ từ lạnh dần rồi đến tay và sau cùng là trái tim. Lúc này người chết thấy rất an tĩnh nhẹ nhàng không còn bị ảnh hưởng vật chất. Khi linh hồn rút lên óc, nó sẽ khởi động các ký ức, cả cuộc đời diễn lại như một cuốn phim. Hiện tượng này gọi là ” Hồi quang phản chiếu” đây là một giây phút hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cõi bên kia. Sợi dây liên kết giữa thể xác và thể phách sẽ dứt hẳn. Đây là lúc người chết hoàn toàn hôn mê, vô ý thức để linh hồn rút khỏi thể phách và thể vía, bắt đầu lo bảo vệ sự sống của nó bằng cách sắp xếp lại từng lớp nguyên tử, lớp nặng bọc ngoài và lớp thanh nhẹ ở trong. Sự thu xếp này ấn định cõi giới nào vong linh sẽ đến”.
Như vậy, khi cha mẹ chết, chúng ta báo hiếu bằng cách chuẩn bị vấn đề tái sanh. Lúc này người con phải quan tâm đến tinh thần, tức là nhằm vô thức uẩn mà dẫn dắt thần thức cho cha mẹ, đó là điều kiện để đưa cha mẹ tái sanh vào thế giới an lành, bởi sống và chết là sự tiếp nối của cùng một chuỗi liên tục, niệm cuối cùng trong đời này định đoạt niệm đầu tiên cho đời sau. Vì vậy khi cha mẹ lâm chung là giờ phút quan trọng không nên khóc thương áo não mà tạo thêm nghiệp đọa lạc cho cha mę.
Theo lời chư Phật dạy, nếu sanh tiền cha mẹ tạo ác nghiệp nhiều, lúc chết chưa vãng sanh thì sẽ hiện hữu ở thân trung ấm. Lúc này “ Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong 49 ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho.
Qua khỏi 49 ngày thì cứ theo nghiệp mà thọ báo.
Người chết đó, nếu là kẻ có tội thời trải qua trong trăm nghìn năm không có ngày nào được thoát khỏi.
Còn nếu là kẻ phạm năm tội vô gián thời phải đọa vào đại địa ngục chịu mãi những sự đau khổ trong nghìn kiếp muôn kiếp” ( Kinh Địa Tạng). Vì vậy trong 49 ngày, chúng ta phải dốc lòng chuyên tâm tụng kinh lễ sám, sống đời đạo hạnh để hồi hướng cho cha mẹ và trợ duyên bằng cách:
– Bố thí để hồi hướng phước báo cho cha mẹ
– Cúng dường chư Tăng để nhờ công đức Tăng già hộ niệm, cho thân trung ấm của cha mẹ, nương nhờ thần lực gia trì, thân trung ẩm dễ xả bỏ nghiệp được mà được sanh về cõi lành.
Ngược lại, không làm điều thiện để hồi hướng cho cha mẹ mà còn sát sanh hại vật để cúng tế, là gây nhân xấu ác, lẽ đương nhiên cha mẹ phải nhận hậu quả xấu, cũng ví như người mang đá nặng đi trong bùn lầy, mà chúng ta còn chất thêm đá cho họ nữa nên càng lún sâu hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng phải tùy hoàn cảnh mà báo hiếu, điều quan trọng là tâm phải chí thành.

Như vậy, mục đích tối hậu của đạo Hiếu là người con phải làm cho cha mẹ thoát khỏi luân hồi. Đây là việc làm bao gồm cả sự lẫn lý. Sự đó là phụng dưỡng, kính trọng cha mẹ, không làm cho cha mẹ buồn phiền; Lý là giúp cho cha mẹ hiểu đạo, sống đúng với đạo để lúc sống được an vui, lâm chung được mãn nguyện. Hay nói một cách khác, hiếu thảo với cha mẹ gồm có hiếu thế gian và hiếu xuất thế gian. Đây chính là con đường để chúng ta thực hiện chữ Hiếu đúng nghĩa nhất. Và cũng chính là con đường dẫn đến sự thành tựu đạo quả Bồ Đề.
“Hỡi này Xá Lợi Phất, người nào mong cầu đạo Bồ Đề, mong cứu khổ chúng sanh hoặc mong cầu thánh quả tối thượng, người ấy phải tuyệt đối hiếu kính với cha mẹ, người con chí hiếu sẽ thành tựu cứu cánh của vô thượng đạo”
Vì vậy ước mơ thành đạo mà lòng hiếu hạnh chưa đủ đầy thì điều này ngoài tầm tay với của chúng ta, ba cõi sáu đường chúng sanh lặn hụp đều có nhiều nguyên nhân mà nhân bất hiếu vẫn là lớn nhất. Nếu ngày nào đó do nhân duyên gì bạn được đến cửa thiên đường, bạn được đón để vào hay mời quay lại đều do bạn đã làm tròn bổn phận của người con hiếu thảo chưa. Điều này được Đức Phật khẳng định nhiều lần trong Kinh tạng “ Thiên Kinh vạn quyển hiếu nghĩa vi tiên” đây là lời huấn thị thực tế và mầu nhiệm nhất cho chúng ta trong cuộc sống trần gian này.
Giờ đây chúng ta hãy quán xét lại chính mình, xem ta đã tròn hiếu đạo với cha mẹ chưa ? Tại sao Đức Phật nói:“ Trên cõi đời này, số chúng sanh hiếu thảo với cha mẹ rất ít, còn chúng sanh bất hiếu với cha mẹ thì nhiều vô số”. Nguyên nhân do đâu ? rồi hậu quả sẽ như thế nào ?.
Trích Trong tác phẩm: “CON ĐƯỜNG THỰC HIỆN CHỮ HIẾU”
Tác giả: Bửu Hữu
Năm xuất bản: Năm 2002
NXB: Thành Phố Hồ Chí Minh Trang 67-82.