ĐẠO PHẬT TRONG LỜI ĂN TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI NAM BỘ
* Nguyễn Hữu Hiệp
Nói đến đạo Phật là nói đến tôn giáo nhập thế, là nói đến pháp tu “tự thắp đuốc lên mà đi”, tức tự mình giải thoát cho mình… Một khi ai nấy biết lấy tâm trí huệ dọn sạch ma lòng, không còn điều gì phiền muộn, tức tâm hồn trở nên thánh thiện thì rõ ràng đó là đạo ban vui cứu khổ cho tất thảy chúng sanh. Mục đích của đạo Phật là giải thoát, do đó Phật giáo không hề biết tham tranh, đố kỵ mà chỉ biết nhẫn nhịn và “tùy duyên”, nên khi các sứ giả Như Lai mang ánh sáng chánh pháp đến quốc độ nào thì cách hiểu, cách nghĩ, cách làm của các vị chỉ trong “một sớm một chiều” đã thích nghi được với phong tục tập quán người dân bản xứ, thành thử bá gia, bá tánh đều tỏ rõ thái độ hoan hỷ đồng thuận.
Nếu đạo Phật đã có bề dày lịch sử mấy ngàn năm thì cũng ngần ấy thời gian Phật giáo không hề xảy ra một cuộc “thánh chiến” nào, kể cả những khúc quanh đạo nạn rất nghiệt ngã cũng không thấy có xảy ra xung đột với bất cứ ai cho dù đó là bạo chúa. Đơn giản vì tư tưởng trên hết của đạo Phật là Từ, Bi, Hỉ, Xả, và bản thân nó cũng đã đồng hành cùng dân tộc.
Thật vậy, là người Việt Nam hẳn không ai không thừa nhận luật nhân quả cao viễn của nhà Phật. Do “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy” nên trong cuộc sống nếu có xảy ra mâu thuẫn, hơn ai hết người Phật tử thuần thành đều rất sợ “quả báo” nên luôn tự nhắc mình: “Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng; Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan”. Vậy là “tham sân si nhân ngã” bị dập tắt. Mọi phiền não cũng do đó mà nhanh chóng biến tan. Tâm bình thì trí sáng. Trí sáng thì mọi sự va chạm, mâu thuẫn đều sẽ được giải quyết một cách rất khôn ngoan, thỏa đáng. Nhờ vậy tinh hoa Phật giáo dần dần ngấm sâu vào tận từng tâm hồn, trở thành đạo lý truyền thống, đem lại niềm vui sống trong sáng, xua tan mọi phiền não kiếp người. Do đã hòa quyện vào văn hóa bản địa nên đạo Phật góp phần rất đáng kể trong việc tham gia sáng tạo những nét sinh hoạt văn hóa đời sống con người. Qua văn học truyền miệng ta thấy phản ánh rất rõ nét ảnh hưởng của đạo Phật trong dân gian. Chẳng hạn thực trạng xã hội thời quân chủ chuyên chế:
Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá da.
Bao giờ dân nổi can qua,
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Nếu đình làng là một thiết chế xã hội cơ sở hạ tầng thời trước do chính quyền chủ trương dựng cất thì, thôn làng nào cũng có ít nhất một ngôi “chùa Phật” do dân làng dựng lập, gọi “chùa làng”:
Đầu làng có một cây da,
Cuối làng cây thị, đằng xa ngôi chùa.
Ngoài ra cũng thấy có những ngôi “chùa công”, hoặc được “sắc tứ” hoặc được quan to của triều đình (hay quan phủ, quan huyện) chủ trương dựng cất, khá nguy nga, gọi “chùa lớn”:
Ngó lên chùa lớn làm chay,
Thỉnh ông Tiêu Diện, thỉnh ngài Quan Âm.
Có chùa thì phải có sư. Hơn ai hết đó là những người đã ý thức “Đời người như bóng phù du, Sớm còn tối mất, công phu lỡ làng”, nên các sư quyết hy sinh đời mình để nhắm đến mục đích tối thượng là giải thoát – cứu khổ cho mình và cho tất thảy mọi người. Các sư tu ở chùa là những người đã ly gia cát ái, phải trường chay khổ hạnh, việc độ nhựt chủ yếu chỉ nhờ vào sự hỉ cúng của “đàn na thí chủ” – bá tánh thập phương. Thức cúng trong những ngày lễ vía, ngoài bông hoa cúng Phật, các tăng sư còn có bánh trái, xôi chè… Vào những dịp “trong chay ngoài bội” các thiện nam tín nữ cũng được “hưởng lộc”:
– Hôm nay mười bốn mai rằm,
Ai muốn ăn oản thì chăm lên chùa.
– Tay bưng quả nếp vô chùa,
Thắp hương lạy Phật xin bùa em đeo.
– Bằng ngón tay nằm ngay bàn Phật,
Tụng kinh rồi búng cánh bay xa.
(Câu đố dân gian: búng cánh nói lái là bánh cúng).
Nhờ siêng năng công phu, sớm hôm kinh kệ, thuyết pháp cho đại chúng nghe…, nên rất được thiện tín tin yêu, thường lui tới phát tâm công quả:
– Còn trời còn nước còn non,
Còn sư gõ mõ anh còn thắp nhang.
– Rủ nhau xuống biển câu cua,
Lên non hái nhản vô chùa nghe kinh.
Bất kể chùa tọa lạc nơi đâu, kể cả những nơi thâm u cô tịch…, cho dù chỉ được dựng cất rất đơn sơ, đối với thiện tín, không vì cột tre vách lá mà chùa giảm thiêng, trái lại họ còn bảo nhau “Chùa rách Phật vàng”.
Với niềm tin tín ngưỡng tôn giáo, cùng là truyền thống đạo lý dân tộc, ngoài những ngôi “chùa làng”, “chùa công” như vừa nói, không ít người phát tâm cất thêm chùa nhỏ ngay cạnh nhà mình, gọi “chùa dòng họ” để vừa đáp ứng nhu cầu tu tập chính mình:
Ngó lên trời thấy cặp cu đương đá,
Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá đương đua,
Anh về lập miễu thờ vua,
Lập tran thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
vừa vun trồng phúc đức:
– Mặc ai chuốc lợi, mua danh,
Miễn ta học đặng đạo lành thì thôi.
– Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời về sau.
Đồng thời cũng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cụ hưởng thụ niềm vui ở tuổi về già, bởi “Trẻ vui nhà, già vui chùa”.
Với những người chưa có điều kiện xuất gia như các nhà sư hay ni cô, xã hội vẫn rất hoan nghênh những người tu tại gia, đơn giản vì họ còn nặng gánh gia đình, còn phải sớm hôm phụng dưỡng cha yếu mẹ già:
– Thứ nhứt là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
– Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đành.
– Lâm râm khấn vái Phật trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Tu không phải là việc của riêng mình mà trước hết phải rộng mở tấm lòng, phải mong cầu an lạc cho từng con người như chính đức Phật đã khẳng định: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Trên cơ sở đó Ngài phát thệ: “Nếu trong chúng sanh còn có một người không thành Phật, ta thề sẽ không thành Phật”, cho nên người tu luôn phải dốc tâm cầu xin đức Phật gia hộ cho tất thảy thế nhân sớm thoát khỏi bờ mê, an nhiên qua bên kia bờ giác ngạn:
Nghiêng vai ngửa vái Phật trời,
Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
Để thiết thực hóa thái độ tình cảm, người ta đều nhận thức rất rõ rằng:
Dẫu xây chín đợt phù đồ,
Không bằng làm phước cứu cho một người.
Người tu hành chơn chánh ghét nhất những ai “Mượn danh đạo tạo danh đời”. Và đều xa tránh những kẻ “Ngoài miệng thì niệm Nam mô, Trong bụng thì chứa một bồ dao găm”. Nhưng không sao, bởi luật nhân quả đã chỉ rõ, “Ác lai ác báo”, hễ “Ở hiền thì lại gặp lành, Ở ác gặp dữ, tan tành như chơi”; “Ngày xưa quả báo thì chầy, Ngày nay quả báo một giây nhãn tiền”, hơi đâu mà lo, bởi với hạng người ấy còn thua xa quân trộm cướp, hoặc những tên đồ tể (“Buông dao thành Phật”), nói chung là những kẻ lầm đường lạc lối mà sớm biết hối cải ăn năn:
Ăn trộm ăn cướp thành Phật thành tiên,
Đi chùa đi chiền bán thân bất toại.
Như trên đã nói, đạo Phật là đạo nhập thế, nó gắn dính với sinh hoạt đời sống người nông dân trong lao động sản xuất:
Chuông chùa đã điểm công phu,
Anh ơi mau dậy dắt trâu ra đồng.
Đôi ta đồng vợ đồng chồng,
Chồng cày vợ cấy cho xong mới về.
Hình ảnh ngôi chùa nghiêm trang đẹp đẽ cũng được chọn để ví von cho tình cảm yêu thương nồng thắm của những đôi nhân tình, cùng là những lời thề non hẹn biển:
– Đôi ta như tượng mới tô,
Như chuông mới đúc như chùa mới xây.
– Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.
Có câu: “Ai đi chùa người ấy được phước”. Thật đúng như vậy. “Phước” để sẵn trong chùa, nhưng nếu ta đi chùa mà không để tâm nghe Pháp của đức Phật do chư Tăng truyền đạt thì cũng bằng không!
Vì vậy không nên chần chờ mà hãy mau mau “hưởng Phước”:
– Chớ đợi đến gìa rồi niệm Phật,
Mồ hoang lắm tuổi kẻ còn xanh.
– Ai ơi! ăn ở cho lành,
Tu thân tích đức để dành về sau.
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ quý vị thân tâm thường lạc đạo quả viên dung!
Cập nhật ( 16/12/2011 )