CHÙA VĨNH ĐỨC Ngôi chùa Vĩnh Đức xây dựng đến nay hơn một trăm năm (1887) tọa lạc tại 132 đường Cách Mạng, Phường 1, TX Bạc Liêu (góc ngã tư Lê Duẫn – Cách Mạng). Người có công trùng tu lại vào năm 1915 là Ngài Giáo thọ Xuân Phong lúc bấy giờ giữ chức Hương Văn đình Tân Hưng làng Vĩnh Lợi. Sư cụ Xuân Phong nói được tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Khmer, ông thường làm thông ngôn cho các đình chùa khi có việc với chính quyền Pháp cai trị ở Bạc Liêu lúc bấy giờ, do đó Sư cụ Xuân Phong có uy tín và được chức sắc các đình chùa ở Bạc Liêu tin cậy, thương mến. Vì vậy mà mọi người gọi thành danh là Ông Ký và chùa Vĩnh Đức đến hôm nay vẫn còn có tên là chùa Ông Ký. Ngài Giáo Thọ Xuân Phong là người say mê nhạc lễ, đờn ca và rất ái mộ Sư Nguyệt Chiếu. Năm 1930 Ngài Xuân Phong rước Sư Nguyệt Chiếu về chùa Vĩnh Đức và giao phần chấp sự trong chùa cho Sư Nguyệt Chiếu. Trước năm 1930, hầu hết các đình chùa miếu tộc ở Bạc Liêu, Sư Nguyệt Chiếu đều có mặt để tổ chức trai đàn chẩn tế, nhạc lễ kỳ yên, trong đó có ba nơi mà Sư Nguyệt Chiếu thường xuyên cư trú đó là chùa Vĩnh Phước An ở Phường 2, chùa An Thạnh Linh ở Hòa Bình và chùa Khánh Long An ở Phường 8 hiện nay vì những nơi đây Sư Nguyệt Chiếu có ba người bạn tâm giao là ông Nhạc Khị Lê Tài Khí, Sư Long Vân Nguyễn Thi Thơ thường gọi là Hòa thượng Thơ và Sư Quảng Tín Huỳnh Minh Trung. Khi nhận lời người ái mộ tài năng, Sư Nguyệt Chiếu về chùa Vĩnh Đức và dừng chân nơi đây cho đến ngày viên tịch 16 tháng 8 năm Đinh Hội 1947. Huynh đệ môn đồ chôn cất ông tại chùa Vĩnh Dức trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn vì tình thế đất nước lúc bấy giờ đang kháng chiến chống Pháp trong điều kiện gian khổ và rồi cách ba tháng sau Sư cụ Xuân Phong – người ái mộ Sư Nguyệt Chiếu cũng viên tịch vào ngày 06 tháng 11 cùng năm Đinh Hợi 1947. CHÙA VĨNH ĐỨC NƠI SƯ NGUYỆT CHIẾU SÁNG TÁC, TRUYỀN BÁ NHẠC LỄ, NGHI LỄ, ĐỜN CA TÀI TỬ VÀ THAM GIA HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁP. Theo lời kể của Thượng tọa Thiện Thành (1920 – 2003) một trong những người đệ tử nối nghề nhạc lễ, nghi lễ của sư Nguyệt Chiếu. Thượng tọa Thiện Thành trụ trì chùa Vĩnh Đức từ năm 1947 đến năm 1951, người sáng lập chùa Linh Châu tại khóm 9, Phường 1, TX Bạc Liêu, giữ chức Trưởng Ban Nghi lễ qua nhiều năm trong Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Thượng tọa Thiện Thành kể lại : “…Năm 12 tuổi tôi tu ở chùa Vĩnh Hòa với Hòa thượng Huệ Viên, thấy tôi ham thích nhạc lễ nên Hòa thượng Huệ Viên cho tôi theo thầy Nguyệt Chiếu ở chùa Vĩnh Đức học nhạc lễ và học làm đám. Thầy Nguyệt Chiếu dạy nhiều tốp đệ tử, một số học nhạc, một số học làm đám, có số học đờn ca. Tụi tôi vừa học vừa đi làm đám, ai rước thì thầy phân công cho đi. Trong huynh đệ tôi là người ở với thầy Nguyệt Chiếu cho đến khi Thầy chết. Lúc đó do thời cuộc khó khăn nên anh em môn đệ của Thầy không đến đủ, chỉ có chừng hơn hai chục người đến cúng và chôn cất sau chùa Vĩnh Đức, kế đến không lâu Thầy Ký cũng chết cùng trong năm đó. Đệ tử của thầy Nguyệt Chiếu, tôi còn nhớ một số như Thiện Chơn, Chín Đờn, Tám Ngọt, Năm Nghĩa, Sanh Xía hai ông này ca mùi lắm. Thiện Ý , Thiện Giác, Hai Tố, Tám Phát, Tư Quận, Chín Khánh, Thầy giáo Tư… còn lại một số nữa lâu quá không gặp, không biết bây giờ họ còn hay mất…” Về sự nghiệp của Sư Nguyệt Chiếu để lại cho đạo pháp, ông có công tu chỉnh hệ thống bảy bản Bắc lớn làm nền tảng cho nhạc lễ cổ truyền để từ đó làm cơ sở chấn hưng Phật giáo Nam Bộ. Đây là tài sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo nói riêng và của văn hóa nghệ thuật Nam Bộ nói chung cần được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt còn một vấn đề về cuộc đời của Sư Nguyệt Chiếu. Vào năm 1998 chúng tôi may mắn biết được trong khi đi tìm chứng nhân ngôi chùa Long Phước được sử dụng làm Công binh xưởng của Việt Minh vào năm 1945. Người tiếp chuyện chúng tôi là ông Tào Văn Tỵ vị lão thành cách mạng của Bạc Liêu. Ông kể cho chúng tôi câu chuyện về việc tổ chức xưởng quân giới tại chùa Long Phước. Sau đó ông hỏi chúng tôi, không biết chùa Ông Ký ở ao làng bây giờ ra sao ? Tôi nghe các đồng chí Bạc Liêu nói lại năm 1975 chùa Ông Ký còn là cơ sở cách mạng… tôi có ý định về Bạc Liêu sẽ ghé thăm nhưng không lần nào đến được, vì công việc. Nhớ lại những năm phong trào cách mạng ở Bạc Liêu mới nổi dậy, hoạt động rất khó khăn, sơ hở là tụi Tây bắt liền, lúc đó tôi ở trong Ban lãnh đạo tỉnh, biết được ông Ký chủ chùa là người tốt không theo Tây, tôi đến giác ngộ ông ta theo cách mạng và cho chùa làm cơ sở nuôi chứa chiến sĩ ta… Chùa ông Ký có ông thầy đờn tên Nguyệt Chiếu, khi biết được ông ấy có quá khứ chống Tây nên tôi tổ chức vận động ông ta tham gia cứu quốc và giao nhiệm vụ tuyên truyền, chuyển tin tức của tỉnh đến cơ sở… mấy nhà Sư công tác thật tốt, hoạt động cho đến năm 1945 không bị giặc phát hiện. Sau năm 1945 lúc ở trong khu kháng chiến tôi có hay tin ông Sư Ký và ông Sư Chiếu chết, sau đó không còn tin tức gì, cho đến năm 1954, và sau đó tôi cũng ít về Bạc Liêu cho đến hôm nay… Qua lời kể của ông Tào Văn Tỵ chúng tôi cho rằng là lời xác nhận chùa Vĩnh Đức, sư cụ Xuân Phong, Sư Nguyệt Chiếu đã từng nuôi chứa nghĩa quân và tham gia hoạt động phong trào yêu nước cho đến chết các vị đã làm tròn bổn phận người dân yêu nước. CHÙA VĨNH ĐỨC NƠI DỪNG CHÂN CỦA HÒA THƯỢNG HIỂN GIÁC, ÔNG THAM GIA HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CHO ĐẾN NGÀY 30/4/1975. Cuộc hội ngộ không hẹn trước của những nhà sư yêu nước, tuy thời gian không trùng hợp và mỗi giai đoạn lịch sử, sự kiện diễn ra có khác nhau nhưng hành trạng của các nhà sư đều mang tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Năm 1967 Hòa thượng Thích Hiển Giác đến trụ trì chùa Vĩnh Đức, Ông người làng Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Vì tham gia hoạt động cách mạng bị lộ, chính quyền Ngô Đình Diệm truy nã, trên đường lánh nạn ông dừng chân ở nhiều ngôi chùa của các tỉnh miền Tây. Khi về chùa Vĩnh Đức Hòa thượng Hiển Giác nối lại được với tổ chức Mặt trận và ông tỉếp tục hoạt động cách mạng. Ông bí mật nuôi chứa cán bộ tại chùa Vĩnh Đức và làm chốt liên lạc với các cơ sở nội thành. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975 chùa Vĩnh Đức là trụ sở tạm thời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây tổ chức những cuộc đàm phán với Tỉnh trưởng Bạc Liêu cũ, và Hòa thượng Hiển Giác là thành viên trong đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng Bạc Liêu ngày 30 tháng 4 năm 1975 không đổ máu. Hòa thượng Hiển Giác viên tịch vào ngày 24 tháng giêng năm 1992 và yên nghĩ tại chùa Vĩnh Đức. Chùa Vĩnh Đức nơi dừng chân sau cùng của những nhà sư yêu nước, nơi đây các vị đã hoạt động để lại sự nghiệp cho đời sau những tài sản quý báu, những hành động yêu nước bằng trí tuệ và từ bi, góp phần làm thay đổi cảnh chết chóc mất mát khổ đau của nhân dân Bạc Liêu trở thành cảnh vui mừng sum họp trong giờ phút chấm dứt chiến tranh. Ngày 07 tháng 11 năm 2002 chùa Vĩnh Đức đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận bảo vệ là di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, xét về thành tích công lao đóng góp của chùa Vĩnh Đức, chúng tôi kiến nghị lên : – Giáo hội có kế hoạch xây dựng chùa Vĩnh Đức có nhà truyền thống lịch sử văn hóa Phật giáo tỉnh Bạc Liêu nơi trưng bày, bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo. – Nhà nước nên nâng cấp chùa Vĩnh Đức là di tích cấp quốc gia và có chính sách hỗ trợ để trùng tu sửa chữa, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com