CHÙA PHƯỚC NINH HỒNG DÂN * Tĩnh Toàn Phước Ninh là một ngôi chùa trong vùng sâu tọa lạc khu căn cứ địa cách mạng, nay là ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu. Khởi nguyên vào năm 1918 thì Phước Ninh chỉ là một cái am nhỏ lợp tranh có một vị thầy mà thường gọi là Sư Lem (Trần Văn Lem) ẩn tu và xem mạch hốt thuốc cho bà con trong vùng. Thời gian này ông Thông Sĩ và Hội đồng Suông được Sư Lem trị hết bệnh nên ngưỡng mộ Phật pháp và hiến cúng 1 hecta đất cho Sư Lem cất Chùa. Năm 1925 Sư Lem vận động xây dựng Chùa gỗ lợp ngóii và sinh hoạt cho đến năm 1934 thì viên tịch giao lại cho Lê Hữu Tạ (Thủ Tạ) trông coi, lúc này Chùa hoạt động rất nhộn nhịp bởi phong trào nhạc lễ Phật giáo trong giai đoạn hưng thịnh, các vị kinh sư Trịnh Văn Lương, Ba Tân và một số những nhân vật tên tuổi khác trong hàng ngũ Phật giáo như Sư Quế cũng thường lui tới Chùa. Đến năm 1949, Chùa Phước Ninh được dùng làm cơ sở của Trường Chánh trị xứ ủy Nam kỳ do cụ Lê Duẫn lãnh đạo mở các lớp Macxisme dạy cho cán bộ miền Nam. Tại Chùa Phước Ninh chúng tôi trực tiếp gặp ông Trần Văn Mười và một số các vị lão thành tại địa phương; ông Mười nguyên là cán bộ liên lạc hàng ngày chống xuồng đưa rước các học viên là Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Trương Văn Giàu và một số các vị khác; ông Mười cũng đã từng nghe cụ Lê Đức Thọ lên lớp giảng bài và có gặp Huỳnh Thủ, họa sĩ Lưu Nhân cũng là học viên. Cũng chính nơi đây có mở nhiều lớp chính trị đào tạo cán bộ tỉnh, huyện, xã, thiếu sinh quân . . .; chiếc xuồng do ông Mười sử dụng đưa rước các anh là của ông Tư Đại có cả xoong nồi thổi cơm hiện do Viện Bảo tàng Bạc Liêu quản lý – Ông Mười còn nhớ rất rõ lúc đó ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu, khu vực Chùa Phước Ninh hồi này vui lắm, có nhiều cơ quan đơn vị đồn trú sinh hoạt tại đây, dân chúng thì tấp nập trong vùng có cả công binh xưởng chế tạo vũ khí mà Chùa Phước Ninh đã tặng một đại hồng chung và một số đồ đồng; khu vực có xưởng dệt, nhà báo có máy in, một máy in đặt tại nhà ông Sư Lem, họa sĩ Lưu Nhân có phòng tối rọi hình. Cơ sở hoạt động đến năm 1952 thì sơ tán, nhà chùa vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng cho đến thời kỳ chống Mỹ. Sư Lem viên tịch năm 1963 trụ thế 89 năm, con là Trần Quang Dương tiếp tục lo nhang khói và ủng hộ cách mạng đến năm 1970 lại viên tịch, thầy Tư Ta lên thay. Thời gian chiến tranh, Chùa bị phi pháo đánh tan hoang, được dựng lại bằng vật liệu thô sơ. Cho đến tháng 10 năm 2008, các ông Trần Văn Tấn, Trần Văn Nghiêm, Trần Thị Nhàn, Trần Thị Thuận, Trần Văn Thiện, Trần Văn Tỷ là con ông Trần Quang Dương đứng ra xây dựng lại Chùa trên nền cũ có diện tích hơn 350m2 gồm chánh điện, nhà tổ và các công trình phụ như cổng tam quan, Quan Âm các, 2 miếu thờ hiện đã hơn 1 tỷ đồng. Chùa hiện do Tỉnh Hội Phật Giáo Bạc Liêu quản lý và điều hành sinh hoạt, công trình sẽ còn tiếp tục các phần như nhà khách, nhà trù, sân lễ. Chùa Phước Ninh là cơ sở cách mạng, hiện nay do tình hình ngân sách địa phương còn gặp khó khăn nên Nhà nước chưa có khoản trợ cấp nào, nhưng trong thân tộc họ hàng đã kẻ công người của động viên bà con chòm xóm cùng nhau góp sức xây dựng lại ngôi chùa khang trang, vừa để bảo tồn một di tích lịch sử (cho dù chưa được xếp hạng) vừa khôi phục công trình văn hóa Phật giáo đậm nét dân tộc, cũng để có chổ nơi cho đồng bào Phật tử tu học và qua hướng dẫn của quí Thầy, tất cả sẽ thực hành đúng chánh pháp, vừa là những Phật tử thuần thành và cũng là những công dân tốt ngày càng cống hiến nhiều hơn cho đạo pháp và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Xin được phép tôn vinh những người có công khôi phục những giá trị văn hóa lịch sử, hôm nay và hậu thế sẽ mãi mãi ghi ơn những người có công với đạo pháp và dân tộc, cũng như mãi ghi nhớ công lao những ngừơi ngã xuống vì độc lập tự do trên mảnh đất này. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com