CHÙA KHMER VỚI VAI TRÒ GIÁO DỤC XÃ HỘI Ở PHUM SÓC * Châu Phát Phật giáo Nam Tông du nhập vào xã hội Khmer Nam Bộ lâu đời. Sinh hoạt tôn giáo chiếm vai trò quan trọng trong đời sống tư tưởng và xã hội Khmer Nam Bộ. Vì triết lý của Đạo Phật đã như trở thành triết lý của đời sống luân lý của con người. Do vậy nhu cầu chỗ sinh hoạt tinh thần là một nhu cầu bức xúc của nhân dân, từ đấy các ngôi chùa ra đời. Lịch sử xây dựng một ngôi chùa, từ lúc bắt đầu cho đến lúc hoàn chỉnh, có khi kéo dài qua nhiều sư cả, nghĩa là có thể đến vài trăm năm. Chùa to hay nhỏ giàu hay nghèo cứ nhìn vào đó là thấy được phần nào đời sống của quần chúng trong khu vực có chùa. Cũng có một số trường hợp đặc biệt, Chùa sung túc là nhờ ảnh hưởng rộng rãi và có mối quan hệ ngoại vụ khéo léo của vị sư cả, nhưng tình cảnh ấy được chấm dứt khi vị ấy không còn. Trở lại chủ đề “Chùa Khmer với vai trò giáo dục xã hội ở phum sóc”. Chắc có lẽ không một ai không biết Chùa Phật giáo đã bám rễ ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người Khmer, nó ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, ngôi Chùa và những vị sư (các vị chư Tăng) Khmer với tư cách là người đại diện cho nhà Phật luôn được mọi người Khmer tôn vinh kính trọng. Bỏi lẽ Nhà Chùa là nơi gieo mầm giác ngộ, giáo dục đức hạnh, phẩm chất và mọi mặt về đạo đức xã hội. * Vai trò Nhà Chùa: Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Chùa là chổ dựa tinh thần bền vững và là nơi linh thiêng để tổ chức lễ hội. Họ tổ chức các lễ hội truyền thống tôn giáo hay phong tục cổ truyền dân tộc đều diễn ra hầu hết ở Chùa. Chùa còn là chỗ, là nơi nương tựa của những người già neo đơn, bất hạnh trẻ em cơ nhỡ, là cư xá của tăng sinh, sinh viên nghèo. Thực tế không ít cán bộ, công chức Nhà nước là người dân tộc Khmer thường được xuất thân từ ngôi Chùa. Một bộ phận nhân dân Khmer có niềm tin vào Chùa rằng: Cửa thiền môn là bệnh viện trị bệnh tâm thần và các bệnh trầm uất. Ngày xưa các vị Sư thầy thường có truyền thống bổ thuốc Ngôi Chùa cũng là kho tri thức, là một bảo tàng lý tưởng, là một thư viện bách khoa: Giữ gìn lưu trữ tất cả những gì thuộc về di sản văn hoá dân tộc (chữ viết, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, những phong tục tập quán, lễ hội truyền thống v.v… Mặt khác, tuỳ thuộc năng khiếu, sở thích và nhu cầu từng người của Phật tử bổn đạo mà nhà Chùa tạo điều kiện dạy các nghề thông dụng như: đan đát, thuê dệt chiếu, xây cất nhà, đóng tủ bàn ghế nông cụ v.v… Đặc biệt vai trò Chùa Khmer còn là một “Toà án” của nhân dân ở phum sóc. Mỗi khi Phật tử bổn đạo có xích mích, tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ gia đình, làng xóm với nhau, các vị sư cũng góp phần rất lớn trong việc hoà giải, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau, ổn định xóm làng. * Vai trò Nhà Sư: Nhà sư (sư sãi) Phật giáo Nam Tông, có vai trò rất quan trọng trong xã hội Khmer, từ xưa đến nay, các vị sư có uy tín cao, có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của nhân dân. Các vị đã từ bỏ vật chất xa hoa trần thế để tìm cái vui chung, cái hạnh phúc cộng đồng với lòng từ bi hỷ xả, tình thương quảng đại. Từ đó các sư được bà con dân tộc Khmer tôn kính. Ngoài công việc Chùa nhà sư còn tích cực tham gia công tác xã hội ở nhiều lĩnh vực: Chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường v.v… * Vai trò giáo dục: Đối với Đạo Phật vai trò giáo dục đạo đức, đức hạnh không thể thiếu trong nhà Chùa trong xã hội Khmer. Thể hiện người thanh niên Khmer hoặc Phật tử một khi phát nguyện đến Chùa tu học. Buổi đầu được sư cả cho học về “Lễ độ” như: nghi thức chào hỏi, cách xưng hô, cách giao tiếp, sinh hoạt trong Chùa, phục vụ làm công quả v.v… Sau khi thấy được học trò của mình chăm ngoan thông hiểu bài học vỡ lòng (về lễ độ, các thức phụng hành …) Sư thầy bắt đầu cho học tiếp chữ những câu thuộc lòng: “Nắ Mô Pút Thia Yô Sấch Thom” có nghĩa là học nét chữ “Nhớ ơn Phật và cầu xin Đức Phật ban phúc cho học hành mau tấn tới” – Tiếp sau là học thuộc 33 phụ âm chính từ “Ko-Kho-Kô-Khô-Ngô …. So-Ho-Lo-O” và được gọi là các nét chữ nhớ ơn cha mẹ. Và trình tự học chữ từ dễ đến khó … Khi thấy trò viết được đọc thạo, Sư thầy cho học tiếp những bài thơ ca gia luật có trong các “Sắ-Tra Chơ Bắp” là loại sách xưa được khắc ghi chép bằng kim nhọn trên lá buông, bà con Khmer gọi là “Slấc Rít”. Sắ Tra Chơ Bắp là sách ghi lại những giới luật, gia luật … bằng văn vần – có thể tạm gọi là “Giáo huấn ca”. Tất cả những Chơ-bắp (Luật) được học đó chung quy nói về: Những quy tắc về đức hạnh dạy cách đối nhân xử thế trong cuộc sống xã hội – Lời răn dạy của cha, mẹ đối với con cái … Cho đến lời dạy của Phật, rồi học cách thuyết pháp … Đặc biệt có một loại Să-tra Ma Ha Chet là sách ghi kể lại toàn bộ tiểu sử tiền kiếp cuối của Đức Phật gồm 14 quyển, vị trò tăng sinh nào đọc thuộc rành rọt bộ này coi như là thông thái chữ nghĩa nhất. Như vậy, việc hình thành ngôi Chùa Khmer không chỉ là nơi cử hành lễ hội theo truyền thống tôn giáo dân tộc mà chính là trường học truyền thống dạy con người hãy thực hành những hành vi của mình theo lẽ đạo để làm người. Với tư tưởng “từ bi, hỷ xả” “vô ngã, vị tha” “tính bình đẳng khoan dung” … mà Đức Thế Tôn đã dạy, đã làm nẩy sinh những tính cách chung của người Khmer từ trước tới nay luôn luôn khiêm tốn, thẳng thắn, sống bình dị, chất phác thật thà. |
Cập nhật ( 07/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com